Hai ngày cuối tuần nhông xuống Hải Phòng vui vẻ cùng bầu bạn đồng nghiệp,
Vân Đình Hùng alo gọi Trần Nhương và đại ca Hoàng Quốc Hải đi Hải Phòng từ sớm thứ Bảy cho thong thả, trước tiên về làng Đông Môn huyện Thủy Nguyên dự lễ giỗ Tổ ca trù. Ngôi đền thờ Đinh Lễ và đào nương, hai bức tượng Đinh Lễ và ca nương đặt song song bên nhau rất bình đẳng. Sau khi cùng Hội ca trù Hải Phòng vào lễ Tổ, chúng tôi được thưởng thức một chương trình ca trù rất hay của các ca nương Hải Phòng và làng Đông Môn. Rất mừng là đã có nhiều ca nương trẻ tham gia để ca trù ngày càng phát triển. Vân Đình Hùng là chỗ thân quen với Hội ca trù Hải Phòng nên về đây như về nhà. Tôi và anh Hoàng Quốc Hải thì giống nhau vì đều thích nghe nhán nhá, nắn nót, buông thả điệu nghệ của ca trù.
Đầu giờ chiều, chúng tôi vù sang nhà anh Bùi Ngọc Tấn để chúc mừng anh vừa được Pháp quốc trao giải cho tiểu thuyết Biển và chim bói cá. Nhờ trời anh Tấn và chị Bích hồi này khỏe ra, trông rất kháu lão. Rượu vang anh Hoàng Quốc Hải mang từ Hà Nội xuống được mở ra cụng li. Chuyện vui tràn cung mây. Hóa ra anh Bùi Ngọc Tấn có số tác phẩm được dịch ra tiếng Pháp nhiều nhất, trong đó có cả Chuyện kể năm 2000. Tôi hỏi anh không đăng kí giải Nhà nước à ? Anh Tấn cười bảo không, cái mặt mình thì loại từ vòng gửi xe. Tôi lại bảo sắp kê khai cho đợt mới đây, anh Hải anh Tấn chơi không ? Chả dám, mình văn tài kém cũng nên biết mình – anh Hải nói thế. Chết thất hai ông lừng lững như thế mà còn không dám thì như Trần tôi có lẽ còn cách chỗ gửi xe mấy kilomet. Chúng tôi trao đổi nhiều chuyện văn chương và những dự định sắp tới..
Cuối chiều chúng tôi nhông xuống Đồ Sơn theo lời mời của vợ chồng nhà thơ Trịnh Anh Đạt xuống ngủ một đêm với Hoa Thành Đạt cho vui. Vợ chồng Trịnh Anh Đạt vừa từ Mỹ về sau 6 tháng sang thăm con. Trịnh Anh Đạt bảo vợ chồng tôi bay từ Mỹ về đây để đón các bác đấy. Nghe sướng. Chả là mấy hôm rồi tôi nhận meo của Đạt góp lời cho bài viết của họa sĩ Ba Tỉnh về chuyện cửa ngõ Thủ đô trương quảng cáo “Khám phụ khoa”, anh gửi từ Mỹ về hai câu thơ: “Khám phụ khoa đến Khương Trung / Văn hóa Hà Nôi vừa khùng vừa điên”. Rồi anh báo tin sắp về nước. Tôi bảo ngày 14 này Trần Nhương có mặt tại HP, không biết ngày ấy bạn đã về chưa. Đúng ngày 14, tôi nhận được điện thoại của Đạt mời xuống Đồ Sơn. Trịnh Anh Đạt vốn là đồng đội với tôi ở Tổng cục Hậu cần hồi chống Mỹ. Anh là người viết thơ lục bát điêu luyện vừa giữ được hồn cốt của nó vừa làm mới lục bát. Vân Đình Hùng thức gần suốt đêm đọc tập Lục bát Trịnh Anh Đạt. Khen có nhiều bài thích. Đạt kể bao nhiêu chuyện về thằng Mỹ tư bản giãy chết, về những tên đầy tớ Huê Kì tận tình phục vụ ông chủ đến mức khó chịu..Họa sĩ Đỗ Hạnh kể nhiều chuyện về 4 chuyến đưa bạn bè đi Tiên Lãng tham quan vụ Đoàn Văn Vươn. Nhà văn Đoàn Lê goi đùa anh Hạnh là Nhà Đoàn Văn Vươn học.
Một đêm với bao nhiêu nồng ấm tình bầu bạn, tình đời…
Sáng 15-4 cả đoàn đên cung Việt Tiệp để vui với nhà thơ Phạm Xuân Trường. Ông nhà thơ này vốn là thợ 7/7 tầu biển. Về nghỉ tưởng chỉ làm thơ, ai ngờ vẫn nhớ nghề, ông tự mình làm phục chế con tầu Titanic thu nhỏ. Đúng ngày 15-4 cách đây 100 năm con tầu này đã đắm khiên 500 hành khách vùi vào biển xanh.Vừa rồi Unesco đã công nhận tầu Titanic là di tích vật thể dưới biển. Con tầu do Trường làm y như thật chỉ có kích thức nhỏ với tỉ lệ 1/5000. các bầu bạn văn nhân từ Hà Nôi xuống những Dương Tường, Nguyễn Xuân Khánh, Phạm Xuân Nguyên, Võ Thị Hảo, Nguyễn Bắc Sơn, Trần Huy Quang…cùng các bạn văn Hải Phòng đến chia vui với Phạm Xuân Trường…
Ảnh cuối: Vợ chồng trịnh Anh Đạt, Trần Nhương, Hoàng Quốc Hải, Vân Đình Hùng (trái sang)