Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRƯỚC MỘT CUỐN SÁCH ĐỜI NGƯỜI*

Phan Cung Việt
Thứ sáu ngày 23 tháng 12 năm 2011 5:58 PM
Đọc sách

   Các bạn viết thân quen mỗi lần gặp tôi đều hỏi : Anh viết cho Dương Kỳ Anh nhiều nhỉ ? Tôi chỉ biết cười mà rằng : Thưa vâng!
   Trước hết cũng phải tường trình một chút cái điều mà các bạn thường hỏi như trên.Mà nếu không phải nói vo, có nhân chứng vật chứng thì hay biết bao.Trước mặt tôi là tập sách dày  của Nhà xuất bản Phụ Nữ vừa xuất bản, về đời văn của một người : Dương Kỳ Anh.Gần 500 trang sách tinh lọc công phu dành riêng cho một nhà văn, ra đời vào những tháng ngày này, đủ thay tôi nói lên được nhiều điều.Mừng tác giả, mừng nhà xuất bản phái đẹp đã ra được cuốn sách quý, độc đáo. Loại sách một-đời-người này, thời nào cũng là một loại sách quý.
    Chợt nhớ câu thơ Chế Lan Viên “một nửa trang thơ sum vầy bóng bạn”. Như thế đã là hạnh phúc.Đằng này Dương Kỳ Anh có gần một nửa nghìn trang sum vầy bóng bạn như thế. Một tập thể tác giả đông đảo góp sức làm nên tập sách về Dương Kỳ Anh. Đủ gương mặt, thế hệ. Ai cũng đưa cái phần chân thành viết về bạn văn chương của mình. Thật khó bình chọn đánh giá bài nào, tác giả nào là hay nhất.Những Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Khắc Phê, Lý Biên Cương, Nguyễn Trọng Tạo, Dương Quang Minh, Phan Cung Đức, Lê Quốc Hán, Nguyễn Hoàng Sơn,Bùi Sim Sim, Lý Thành Tâm, Thạch Lựu…Những mấy chục tác giả góp mặt trong tập sách.
                    Phần mở đầu :Người suốt đời đi tìm cái Đẹp, gồm 16 bài viết, chiếm 100 trang sách. Cái phần thông-tấn- văn -chương này, khác những bài báo quen thuộc khác, bởi nó được nhuần thấm thẩm mỹ của cái Đẹp, nên nó tạo được nét riêng . Từ Chuyện về ông trùm Hoa hậu Việt Nam( Nguyễn Quang Thiều),Người luôn đi tìm cái Đẹp( Bùi Hoàng Tám), Hoa Hậu tôn vinh cái Đẹp( Nguyễn Thành Long), Cái đẹp cuối cùng vẫn là cái thiện(Hạnh Chi)…Các bài đều có một lối viết mới, cảm xúc cái Đẹp, không chuộng các chỉ số nhân trắc số liệu, vừa thông tin vừa nhận xét các khía cạnh thảm mĩ, xã hội học…Phần này tổng hợp được một hoạt đông văn hóa nổi bật nhất trong mấy thập niên vừa qua của Dương Kỳ Anh và báo Tiền Phong: Khởi xướng cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam.
                    Phần hai kết nối thú vị với phần một, ở một mảng chất liệu hoàn toàn khác:Trải lòng mình trên trang giấy trắng…Đây là cái phần máu thịt của một đời nhà văn. Sự minh chứng sinh sắc từ mỗi câu thơ, bài thơ, tập thơ, từng cuốn tiểu thuyết . Với gần 300 trang sách “ sum vầy bóng bạn”, đây có thể coi như một cuộc hội thảo về đời văn thơ Dương Kỳ Anh. Cái hay là đi từ những câu thơ đến từng trang văn xuôi.Những “ người cầu tài cầu lộc/anh chỉ cầu có em”…Những “ bây giờ tôi biết lặng im/như con sông chảy im lìm ngoài kia…” “trái tim bé nhỏ âm thầm/có hai con mắt ngại ngần cả hai”…” củ khoai sém đáy nồi thơm đến mức/rượu Macten chỉ nhạt đầu môi”…Rồi những  tiểu thuyết từng gây ấn tượng : Xuyên Cẩm, Thổ Địa, Cõi Ta Bà…Những người viết về Dương Kỳ Anh, bằng hiểu biết, cảm xúc và sự yêu mến của mình, đã làm cho bạn đọc hiểu ra cái phần cần hiểu về tài năng, sự đóng góp văn chương của tác giả. Cái mà có thể lâu nay ta chưa hiểu , cố tình không hiểu, hoặc chưa hiểu hết.
                    Lại chợt nhớ trong cuốn sách khá nặng ký Kỷ yếu tác giả văn học Hà Tĩnh hiện đại mới xuất bản, người ta nhớ phần đề tựa của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam , nhà thơ Hữu Thỉnh. Trong bài đề tựa của mình, nhà thơ Hữu Thỉnh có những câu viết thú vị. Rằng mỗi lần đi qua Hà Tĩnh, đi qua vùng đất Kỳ Anh , lại nhớ đến một tác giả đa tài, người đó là Dương Kỳ Anh.Một câu đề dẫn đáng quý. Đọc lại những bài viết ở đây, thấy được sự đa diện trong một đời văn. Hơn nữa ta thấy được cái Chân cái Thiện cái Mỹ. Và theo tôi, cái làm ta dễ đồng cảm, xúc cảm là sự bình dị , chân thành của một cây bút sung sức , trẻ trung, luôn tìm kiếm cái mới. Trong rừng văn chương hiện nay, trong danh mục dài dằng dặc của nhà thơ nhà văn, thắp lên ngọn đuốc để nhận soi từng tác giả, tưởng dễ nhưng lại rất khó. Từ đó mong có sự định vị , xếp loại khả dĩ chuẩn xác.Viết nhiều về Dương Kỳ Anh, thực ra tôi có một số may mắn. Trên mảnh đất Hà Tĩnh văn thơ của chúng tôi, tự hào về cụ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ…Rồi đến những Hoàng Ngọc Phách, Xuân Diệu, Huy Cận…Rồi đến đông đảo những nhà văn đương đại mà tôi xin phép không nêu hết tên tuổi ở đây. Trong lớp hậu thế cùng một thế hệ cầm bút của mảnh đất văn chương đặc sắc này, tôi thấy ở Dương Kỳ Anh hình ảnh của một người cầm bút tiêu biểu ở sự dấn thân, niềm đam mê,giữa sống và viết . Điều này lần nữa được ghi nhận trong gần mấy trăm trang sách đánh giá một đời cầm bút : Người suốt đời đi tìm cái Đẹp.
                    Sau một tập sách có tính đánh giá tổng hợp như trên, cuối cùng là hãy trả đời văn về chính cuộc sống. Rằng thơ văn của họ lưu lại trong lòng bạn đọc thế nào. Không thể phong là  “ nhà thơ nhớn” với danh này hàm nọ mà bạn đọc chẳng nhớ nổi một trang thơ, một trang văn. Xin nhanh chóng trả giá trị thật của từng câu thơ, trang văn, tác giả cho chính bạn đọc, cuộc đời, cho cái fil lưu giữ của cuộc sống.Tôi về tá túc một quãng đời ở góc khuất của một trường đại học danh tiếng mà cũng kín tiếng, trường đại học Y có trăm năm tuổi chuyên đào tạo những người thầy thuốc. Ở đây nhiều lần tôi được nghe chính những người nữ bác sỹ suốt đời làm công việc từ mẫu thầm lặng đọc cho nhau nghe bên bàn mổ, trong phòng thí nghiệm Y học,câu thơ như chính cuộc đời họ:
                                  Bao nhiêu năm học nói, cười
                          Hôm nay tôi học được lời : Lặng im
                   Tôi biết và tự hào rằng đó là câu thơ của nhà thơ Dương Kỳ Anh bạn tôi : Người suốt đời say mê dâng hiến cho văn chương, Người suốt đời đi tìm cái Đẹp.
 
Làng Phè , đêm 13.12.2011
*Người suốt đời đi tìm cái Đẹp, tập sách về Dương Kỳ Anh, nhà xuất bản Phụ Nữ, 2011