Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỈNH NGOẠ VÂN NHỚ HOÀNG NGỌC HIẾN

Duy Phi
Thứ năm ngày 22 tháng 12 năm 2011 9:09 PM
 
Tôi đã lên hai đợt cáp treo, tới chùa Đồng đỉnh Yên Tử ngắm chuông đồng khánh đá, bốn phương trời đất, nhìn về Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, đêm xuống ngủ lại Hoa Yên lưng núi, song trong lòng vẫn băn khoăn: chưa thấy Vân Tiêu am.
Tôi đã quyết định ở lại thêm một ngày nữa để đi bộ, trèo núi. Tôi lại lên bằng lối xuống. Lối lên, nghe cười nói í ới, đông người lắm, người ta lên từ bốn, năm giờ sáng, còn lối xuống, muốn đông phải chín, mười giờ. Biết là chọn nhầm thời điểm. Cả ngàn vạn bậc đá, hun hút. Ngoài mình không có ai. Đành lặng lẽ, lầm lụi.
Độc hành ở Yên Tử cũng có cái thú, hình như thú hơn khi đi trong hội.
Tôi được bíu vào những mỏm đá mà người nào lên cũng phải bíu, mình đã đặt bàn tay mình vào dấu tay các Phật tổ? Được ngồi vào cái rễ thông khuỳnh như tay ngai cho mình ngồi mà thở, được ngắm rừng trúc ngút ngát, cây trúc Yên Tử nhiều chỗ cao đến năm bảy mét, thì những cây mua cũng vươn lên tầm ấy, nở hoa tím ngay trên ngọn trúc. Những cây mua cao như thế, đây là lần đầu tôi được chiêm ngưỡng. Thì ra, sự phát triển tự nhiên, sự cạnh tranh tự nhiên, tạo nên vẻ kỳ thú. Lại có những dây, loại dây leo, có lẽ là dây gắm, một loại dây rất dẻo, xưa đi rừng, chúng tôi thường lấy để làm dây bó cúi. Có thể vài trăm năm, dây gắm mới lớn được như thế này, gốc dây lớn bằng gốc cây chuối hột, nó vươn dài từ chạc cây nọ sanh nhành cây kia như những con rắn thần trong chuyện cổ.
Rừng Yên Tử cách đây năm mươi năm, có anh công nhân lâm trường Mai Sơn, đêm đang ngủ thấy tắc mũi, vội móc ra, hai con vắt đã no mòng. Anh kể: Rắn lục cũng có, nó chỉ bàng ngón tay út, xanh lét, dài đến bốn năm gang tay. Có anh thợ sơn tràng, anh bạn, thấy con rắn lục đang bò lên cây, lấy dao chém một nhát, không ngờ đầu rắn đứt văng ngay vào cổ anh chàng, nõ ngoạm luôn. Con rắn chết, người sơn tràng ấy cũng sùi bọt mép một lúc rồi tắt thở. Thời ấy, phía Tây Yên Tử kia, có một cánh rừng toàn mít. Anh công nhân kia, thấy một già bản đang đan một cái rọ lớn, cứ tưởng sẽ đan thêm cái hom nữa, nhưng không phải, cứ thế mà đơm dưới suối, không phải đơm cá mà đơm … hạt mít. Nhiều gia đình trong hẻm núi, đơm hạt mít, được một vài thúng, phơi khô, tích trong bồ, như tích thóc, để ăn dần, thay gạo. Chuyện ấy đã thành huyền thoại. 
Rừng Yên Tử, xưa Trúc lâm đa túc điểu/ Quá bán bạn nhàn tăng- Trong rừng trúc, chim nhiều sao/ Bầy chim quá nửa bạn bầu với sư (Huyền Quang), giờ đây, thi thoảng mới nghe thấy tiếng chim chích!!!   
Không nhớ bao nhiêu lần phải ngồi thở, cuối cùng tôi đã đến được một đoạn đường bằng bằng, quanh quanh một nọn núi, trên đỉnh có tháp đá và mấy gốc thông cổ thụ. Xem lại, mới biết đây là khu tháp Tổ. Có tiếng chó sủa vang, chó của người coi chùa hay của mấy gian hàng giải khát liền bên ngôi chùa cổ. Nhìn sang núi bên, trên nóc chùa có ba chữ lớn Vân Tiêu tự. Chùa đã mở cửa. Một ông thầy chùa đang thay hoa tươi vào ban thờ. Tôi hỏi về các tượng ở ban thờ chính. Giữa là Đệ nhất tổ Trần Nhân Tông, một bên là Pháp Loa, một bên là Huyền Quang. Còn vị Phật nằm phía trước? Cũng là tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.   
Đến đây, tôi mới nhớ ra, Vân Tiêu này là nơi Quốc sư Hiện Quang ngồi theo thế Liên hoa, mà hoá vào mây ngũ sắc, hiển Phật. Chỗ tôi vừa đi qua, chòm trước mặt kia là núi Ngoạ Vân, xưa có Ngoạ Vân am, nơi tu chính của Trần Nhân Tông tại Yên Tử.
Sau hai lần đánh tan giặc Nguyên Mông, năm 1293, hoàng hậu Khâm từ mất, cho con trưởng là Thuyên lên ngôi, tức vua Anh Tông, thượng hoàng Trần Nhân Tông mới 35 tuổi, về tu ở Vũ Lâm (Ninh Bình), đến năm 1299, ngài mới lên đây tu khổ hạnh.  Hồi mới lên Yên Tử, hẳn thượng hoàng tu ở Hoa Yên (cạnh Hoa Yên nay còn chùa Một Mái - nơi Nhân Tông thường nằm đọc kinh, soạn sách; gần Hoa Yên cũng có suối Ngự Dội, nơi vua tắm). Sau, ngài mới lên cao hơn, tu ở Ngoạ Vân am.
Đường lên am Ngoạ Vân bạt ngàn là trúc. Những cây trúc cao vút. Xen trong ngọn lá trúc biếc, có những cụm hoa tím tươi. Cõ lẽ là hoa mua? Ở đây, cây mua cũng phải vươn lên cho bằng trúc, cao năm bảy mét. Sự cạnh tranh tự nhiên, những cây mua ở đây được vươn cao hết mình, được nở hoa thoả sức. Ôi! Tự nhiên, tươi đẹp! 
Dọc đường đá, cả mấy ngàn bậc, buổi ấy vắng, không gây gì gieo động, tôi được hưởng cái thanh tịnh của cõi thiền bảy trăm năm trước. Có những thân trúc màu vằn như da hổ, những dây leo mà gốc to bằng gốc chuối, nhành dây bò loằng ngoằng như những con rắn thần khổng lồ trong huyền thoại… Bên bậc đá, thi thoảng một rễ tùng lớn bằng cánh tay khuỳnh ra, giống với tay ngai, cánh tay kỳ diệu của thần rừng, cho mình có một chỗ ngồi nghỉ tuyệt thú.
. Có một hòn đá chênh vênh, có lẽ ai lên đây cúng víu tay vào mỏm đá này, có lẽ còn cả dấu tay Trần Nhân Tông thuở ấy.  Hòn đá nhẵn bóng mồ hôi, hơi thở mấy trăm năm còn truyền lại, ấm nóng, đã dìu dắt mình. Bíu rễ cây mà lên. Vịn tùng víu đá mà lên…
Đã đến Ngoạ Vân am.
Ngài tu ở đây, có hai Thị giả là Pháp Đăng và Pháp Không giúp việc. Công chúa Huyền Trân, từ Chiêm Thành về, cũng đã lên đến am Ngoạ Vân này để thăm cha. Nàng quỳ xuống chân cha, khóc nấc, ngất đi. Vào đầu mùa đông năm 1308, ngài về kinh thăm chị ốm, sau đó trên đường trở lại, ghé vào chùa ở Cổ Châu (chùa Dâu) làm lễ truyền đăng cho Pháp Loa. Về đến chùa Tú Lâm, ngài đã thấy mình yếu, hai Tỷ khiêu là Tử Đinh và Hoàn Trung phải võng ngài lên am Ngoạ Vân. Ngài dặn mọi người: khi ngài thác, phải dựng dàn thiêu ngay trong am Ngoạ Vân. Hơn mười ngày sau, đêm 3/ 11 (1308), ngài ngồi trong thế Sư tử toạ mà hóa. Trần Nhân Tông viên tịch tại đây, thi hài trong dàn thiêu để lại 500 viên xá lợi tại đây…     
Ôi! Lên Yên Tử để tìm hiểu về Trần Nhân Tông mà không đến núi Ngoạ Vân, chùa Vân Tiêu thì coi như chưa đến.
Hồi ấy, trong triều, nhiều người không đồng tình với việc vua sớm đi tu. Sử thần Ngô Sĩ Liên còn có ý phê phán: “Để tâm nơi kinh Phật, tuy nói là để siêu thoát, nhưng đó không phải là đạo trung dung của thánh nhân”.
Thời Lê Trịnh, có những học giả “vẽ thêm râu cho rồng”. Ngô Thời Nhiệm giải thích: “Ngài lên Yên Tử, dựng ngôi chùa, thường dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa mối lo nước ngoài xâm phạm … Trần Nhân Tông lên đây để đi tu và giữ nước…”. Không phải vậy. Ai có lên sống vài ngày ở Ngoạ Vân sơn này, mới biết những phán đoán quá xa với thực tế. Ở Ngoạ Vân am, núi chắn trước chắn sau, bốn mùa mây giăng mù mịt. Muốn lên đến chùa Đồng, sức vua phải đi mất một buổi, mà có lên đến đó cũng vậy, mấy ai được thấy biển?
Trần Nhân Tông đâu có làm cái việc quan sát động tĩnh biên ải. Quan sát biên ải llà nhiệm vụ của các phiên trấn, có các tỳ tướng của Trần Khánh Dư ở Vân Đồn, của Trần Quốc Tảng ở Cửa Ông, Cẩm Phả… Ngài lên đây để thiền toạ thanh tĩnh, nhất tâm với đạo. Tuổi mới năm mươi, nhưng lúc này ngài đã yếu, thường nằm mà soạn kinh đọc sách, mới có tên là am Ngoạ Vân, mới có bức tượng Phật Nằm thờ trong chùa Vân Tiêu.  
Thời Lý Trần, các Thiền sư, nhất là Quốc sư (Vạn Hạnh, Thông Biện, Hiện Quang…) có vị trí rất quan trọng. Thời Trần Nhân Tông, tiếp theo là thời Pháp Loa, lấy chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) làm Trung tâm Phật giáo, đã độ hàng vạn tăng ni (trí thức của thời ấy), khuyến thiện, khiến các tăng ni nhập thế, giúp ích cho xã tắc. Thời ấy, vua nắm quyền lực triều chính, còn Quốc sư chủ soái về mặt tâm linh, cội nguồn gốc rễ... 
Tôi cứ lẩn thẩn tranh biện, chẳng biết đúng sai sao nữa.  
Thực ra, Trần Nhân Tông cũng cô đơn giữa các sư tăng, Phật tử, khó tìm được tri âm tri kỷ. Trong thơ, ngài phải thốt lên: Vạn sự thuỷ lưu thuỷ/ Bách niên tâm ngữ tâm - Vạn sự nước nước theo dòng/ Trăm năm lòng nói với lòng mình thôi.
Nếu chỉ đọc mấy bài thơ ngắn của ngài, đời sau chẳng hiểu bao nhiêu. Rất may, ngài còn có một tác phẩm Cư trần lạc đạo phú, gồm 10 hội (chương, phần), 1688 chữ, viết bằng chữ Nôm kết thúc bằng bài kệ bốn câu chữ Hán. Bài phú Cư trần lạc đạo, dày đặc những chữ Việt cổ (mựa, chỉn, tua… ), nhiều từ thuộc Phật học (lục căn, chân như, vô lậu… ), một số câu nhiều nhà Thiền học còn bất lực, chưa tìm được điển tích.
Câu cuối Hội Thứ Sáu: Học đạo thờ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo. Cái chữ dọt ấy, bây giờ ta vẫn dùng, là đập mạnh vào, dọt mãi thì tan vụn. Thầy (Bụt, các vị tổ) dạy at nhiều điều quý báu, dẫu xương óc ta tan mòn vẫn chưa đủ trả ơn Bụt và các tổ. 
  Câu cuối Hội Thứ Tám: Rất thửa cơ quan, mựa còn để tám hơi lọt lọc. Nghĩa: phải rất chú ý, đừng để cho tám gió- lợi (cầu lợi), suy (yếu đuối), huỳ (nói xấu, chế giễu người khác), dự (thích khen nịnh), xưng  (nói phao lên), cơ (đói), khổ (đắng cay), lạc (vui thú)- lọt vào chỗ (thửa) cơ quan (lục căn: mắt- tai- mũi- lưỡi- thân- ý). Nói cách khác là phải gạt đi ngọn gió tham, sân, si; chớ để nó làm động đến  tâm mình. Để nó động đến tâm, tâm không tĩnh, làm sao mà tu hành giải thoát được. 
   Đó, văn chương của thế kỷ XII, XIV. Đọc vài ba câu đã toát mồ hôi. Nhà thơ Bằng Việt từng có bài thơ Đệ nhất Tổ phái Trúc Lâm giảng thiền ở Vĩnh Nghiêm, tâm đắc với ý: Chấp theo lối cũ là không đúng.  Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến tự nhận, đã đọc nhiều Đông Tây kim cổ, vẫn bất ngờ giật mình bởi nền Phật học nước ta thời ấy, bất ngờ bởi Cư trần lạc đạo phú, với bài Kệ:  
Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
 
Dịch:
Ở đời vui đạo vẫn tuỳ duyên
Đói hãy ăn ngay, nhọc ngủ liền
Báu sắn trong nhà đâu phải kiếm
     Vô tâm trước cảnh hỏi chi thiền.  
 Từ hai chữ tuỳ duyên, Hoàng Ngọc Hiến ngộ ra: Mọi nguyên lý, tư tưởng dù cao siêu cơ yếu đến đâu mà tách khỏi cái “duyên” níu kéo, nương vịn của những hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của cuộc sống không tránh khỏi trở thành giáo điều vô duyên… ”.
Chợt nhớ một câu của người xưa, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Sở  (1754 – 1840) viết về ngài, “đang ngôi cao thiên tử, phi tần đứng chật hai bên, châu báu chứa đầy trước mặt, thế mà xem lục cung như bụi bặm, bỏ thiên hạ như dép rách…”*, lên am Ngoạ Vân này tu khổ hạnh. Lên đến Vân Tiêu tự, Ngoạ Vân am này, nơi tu chính của Trần Nhân Tông tại Yên Tử, nơi viên tịch của ngài, nơi dọt xương óc, nơi không để cho tám gió động tới lục căn… càng thấy ngài như một bậc Thánh. Ở nơi nào thời nào càng lầm bụi thì bóng Trần Nhân Tông- Đệ Nhất Tổ Thiền phái Trúc Lâm càng cao thêm, càng toả sáng.  
Phủ Lạng Thương 10- 2011