Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÉT BẢNG THÌ ĐÃ LÀM SAO?

Trần Đình Trợ
Thứ ba ngày 6 tháng 12 năm 2011 5:25 AM

  Dư luận đang “nóng” chuyện ông bộ trưởng ngành GD&ĐT “bét bảng” trong “kì thi vấn đáp” trước quốc hội.
  Số là, các bộ trưởng trả lời chất vấn trước quốc hội xong, có ngay cuộc thăm dò dư luận về chất lượng trả lời chất vấn của các vị.
  Kết quả chỉ có 3% số người bình chọn cho rằng phần trả lời của bộ trưởng GD&ĐT là đạt yêu cầu.
Trong khi đó: Bộ trưởng GT: 45%. Bộ trưởng TC: 38%. Thống đốc NHNN: 10%. Bộ trưởng NN&PTNT: 5%...
 Như vậy, bộ trưởng GD&ĐT bét bảng với điểm “áp zero”. Bởi 3% quy thành 0,3đ, làm tròn được 0,5đ. Hú vía, vẫn hơn mấy ngàn đứa học trò dốt bị “zero” môn sử một chút.
 Mà chính ông bộ trưởng GD&ĐT đã nói: Hàng ngàn điểm “không” môn sử là chuyện “bình thường”.
Mấy ngàn điểm“không” là “bình thường”, chẳng lẽ một con điểm 0,5 lại bất thường. Chuyện thi TN như thế, ông bộ trưởng còn coi là “khá khách quan”, không lẽ ông lại nghi ngờ sự khách quan của báo chí. Họa chăng, ông sẽ ngờ 3% số người ủng hộ kia đã thiên vị mình. Nếu không là người quen, thì chắc họ không hiểu về giáo dục.
Nhưng bộ trưởng GD&ĐT bị “bét bảng” thì đã làm sao, ông mà không bét thì mới lạ.
 Giáo dục đang thời loạn, từ loạn thi, đến loạn bằng, rồi loạn thành tích, sang loạn thu, loạn học thêm, loạn đại học..., ai cũng đã biết rồi. Việc ông bộ trưởng vẽ, vẽ chuyện thi nghiêm túc, vẽ chuyện nâng chất lượng, vẽ chuyện giải quyết vụ sửa đáp án bộ, vẽ chuyện tăng trường ĐH, vẽ chuyện 20.000 TS, vẽ chuyện giảm tải, vẽ dự án 70.000 tỷ..thì ai cũng đã biết. Thế mà quốc hội lại vặn vẹo ông về chất lượng thực của giáo dục, thì ông trả lời được như rứa, là hay lắm rồi.
  Mà nơi nào có lắm con điểm “zero” với điểm “áp zero”, chỉ vì nơi đó không thi trắc nghiệm.
  Có lẽ quốc hội quá “sùng ngoại”, nên chưa áp dụng cách thi mới của ngành GD nước nhà. Nước ngoài họ thi vấn đáp, vì xứ họ mọi thứ đều chân thực. Ta thì chỉ vấn đáp khi hỏi bài cũ, còn hễ thi cử là dùng tự luận hay trắc nghiệm, thậm chí toan bỏ luôn tự luận, dùng mỗi trắc nghiệm.
  Nếu chỉ dùng trắc nghiệm, thì sẽ không có hàng ngàn điểm “không” môn sử. Cũng không có vụ 11 tỉnh ĐB SCL sửa đáp án để nâng điểm. Kẻ mù chữ tô trắc nghiệm, cũng “băm bù” được vài ba điểm.
 Vì vậy, quốc hội nên bỏ kiểu “hỏi xoáy, đáp xoay”, thay bằng “thi” tự luận hay trắc nghiệm. Khi đó, với kinh nghiệm chỉ đạo “làm thi”của ngành, ông bộ trưởng không “đỗ thủ khoa” thì mới là lạ.
Tạm thời, ông bộ trưởng GD&ĐT đang chịu tiếng“bét bảng”.
Nhưng bét bảng thì đã làm sao?. Ông HT cũ trường tui, thời còn giáo viên quèn, đi thi GVG cũng bét bảng, nghĩa là kém cỏi nhất trong những người thi trượt. Thế mà, ngay sau thi, ông ta chạy được chân hiệu phó và năm sau chễm chệ ngồi ghế giám khảo cho cuộc thi GVG tỉnh tiếp theo. Theo đó mà suy, bét bảng có khi là dấu hiệu của thăng tiến.
 Nếu thấy cần, bộ trưởng hãy dùng “phản bình chọn”. Nghĩa là cho tất cả học sinh sinh viên (họ đang chịu sự quản lý của ngành ta mà) tham gia bình chọn công khai. Dưới sự chỉ đạo của đội ngũ thầy cô dày dạn “làm thi”, tỷ lệ bình cho bộ trưởng của ngành, chắc chắn sẽ tương đương tỷ lệ đậu TN vừa rồi.
 Khi đó thiên hạ sẽ sáng mắt ra, không ai dám nói: Bộ trưởng ngành GD&ĐT mà thi lại “bét bảng”!.
 Mà bộ trưởng GD&ĐT nhà ta “bét bảng” thì đã làm sao, cùng lắm thì ông chịu khó lưu ban thêm nhiệm kỳ bộ trưởng nữa.