Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

YÊU QUÁ TRÁI TIM HỒNG

Nguyễn Thị Phụng
Thứ ba ngày 6 tháng 12 năm 2011 7:18 AM

         (Đọc Theo Mùa thơ Thu Nguyệt- Hội Nhà văn Việt Nam, NXB Trẻ- 2006)
        
Có phải khi cầm tập thơ Theo Mùa ( Hội Nhà văn Việt Nam , NXB Trẻ- 2006)“Thay mặt tác giả Thu Nguyệt quý tặng chị Nguyễn Thị Phụng, người kí là Đặng Quốc Khánh” là tôi cứ chậm rãi nghiền ngẫm từng bài để cảm nhận ở người viết cùng phái với mình muốn bộc bạch điều gì trong ấy. Theo Mùa là tập thơ thứ năm sau Điều thật(1992), Ngộ(1997),Cõi lạ(2000) và Hoa cỏ bên đường(2002). Thu Nguyệt luôn được những giải thưởng cao về văn học của Hội Nhà văn Việt Nam .
        Đọc Theo Mùa của Thu Nguyệt, ta yêu sao chất giọng Nam bộ mộc mạc như cách nói thường ngày mà lại rất thơ: Ta quẹt nước mắt dòm đời/ Lòng hi vọng một ngày mơi nhẹ nhàng”(Hạt nước mắt, tr.42). Cách dùng từ “quẹt” nghe bình dị chân chất nhưng cũng dứt khoát mạnh mẽ làm sao. Rồi ngày mai thì chị dùng“ngày mơi”, tiếng mơi có cùng vần ơi với tiếng “đời” thứ sáu của câu lục ở trên. Quả Thu Nguyệt đã khai thác triệt để từ địa phương vào thơ ca thật nhuần nhuyễn, mà không hề khập khiễng chút nào. Hầu hết 48 bài thơ trong Theo Mùa có đến hơn ba phần tư là thơ lục bát. Dù là nữ, ta tìm thấy ở chị cái nghênh ngang tự tại để trụ vững giữa đời thường dễ thương lắm:
                       “Một mình ta đứng lại đây
                       Những người thân cứ mỗi ngày một xa
                       Lạ gì đông tới xuân qua
                       Thế gian nhóc chuyện người ta một mình!”
          “Mà thôi đời hữu vô tình/ Một mình thì cứ một mình sá chi”(Dỗ mình/ tr.37) nhận ra điều ấy, chị cứ an nhiên giữa đất trời tự do này. Mọi ưu phiền gác lại, ngày dài tháng rộng còn kia, một mình nào sá chi đâu khi buổi chợ đời đang lúc nhộn nhịp, ồn ào những mặc cả đắn đo toan tính dày đặc con chữ trong mục lục hằng ngày. Tự quẹt nước mắt để dỗ mình thật kín đáo, khôn ngoan sâu sắc. Theo Thu Nguyệt:
                        “Tháng năm rồi cũng qua mau
                         Tay ta rồi cũng tự lau mắt mình
                         Biết điều thì khóc lặng thinh
                         Giữ hạt nước mắt thông minh thiệt tròn”
           Không uổng phí chút nào! Dễ gì ai làm được một khi nỗi đau cứa vào da, vào thịt, vào tim gan cật ruột, nỗi ám ảnh ngày đêm chất chồng phiền muộn âu lo nhung nhớ. Cách diễn đạt nhẹ nhàng với nhịp điệu thơ 2/2/2 ở câu lục và 2/2/2/2 trong câu bát. Tâm trạng là sẻ chia thủ thỉ với mình, phải chăng đây còn là nhịp điệu tâm hồn trong cảm xúc ở nhà thơ nữ há chịu áp lực từ một đối tượng nào, phải chăng Thu Nguyệt đã học được“ Khi làm thơ, thái độ của người làm là ghi cho đúng cảm xúc”( Nguyễn Đình Thi). Cái vòng luẩn quẩn trớ trêu ràng buộc thường ngày, đôi lúc chị thấy mình như con kiến lơ ngơ leo vào, leo ra rồi leo ra, leo vào khép kín lại. Vụng về hay tù túng bó buột, hay ngắn ngủi, đi tìm lối thoát. Bức xúc lắm chị cũng bật ra: “ Vậy rồi ngồi khóc có khi/ Thương đời luẩn quẩn chưa đi đã về”( Con kiến lơ ngơ, tr.43)
          Cách nhìn cuộc sống về tình yêu của phụ nữ ở mỗi thời có gì giống và khác nhau?! Từ một Huyện Thanh Quan mực thước, khuôn phép thố lộ nỗi niềm tâm trạng qua thơ thật kín đáo dè dặt: “Một mảnh tình riêng ta với ta”, một Hồ Xuân Hương khỏe khắn trong câu chữ lột tả những rạo rực tuổi thanh xuân của mình, buột phải nói ra uất ức “Chém cha cái kiếp…” rồi khẩn cầu “ Đừng xanh như lá bạc như vôi” cũng muốn thỏa mãn khát khao hạnh phúc đời mình. Còn Thu Nguyệt của chúng ta ngày nay là một sự chiêm nghiệm từ thực tế của nền công nghiệp hiện đại, phân tích cặn kẽ từ việc bảo quản rau quả được tươi xanh là phải ướp vào trong tủ lạnh: “Ta đem một trái táo giòn/ Gửi vào tủ lạnh để còn tươi lâu/ Sự đời nó lạ gì đâu/  Xanh tươi muốn giữ phải cầu lạnh trơ” (Ướp lạnh. Tr.22). Chị mở thêm ra cho người đọc về không gian thời gian đời sống thị thành, những va chạm thường ngày tất bật trên mọi nẽo đường, dấu vết sẹo còn hằn sâu lên đôi mắt dễ gì mai một, liền mặt và thật xót xa khôn cùng: “Thị thành xuôi ngược phất phơ/ Trái tim phải lạnh mới mơ còn hồng/ Nghĩa tình ô nhiễm quá đông/ Khẩu trang ta bịt kín lòng vẫn đau”. Chị bình tâm hơn, mách khẽ: “Ta mang tủ lạnh tặng nhau/ Ướp cho kĩ lối mai sau còn về”(tr.22).
         Bên cạnh thể thơ lục bát nhuần nhuyễn, Thu Nguyệt cũng rất chặt tay trong thơ năm chữ, sáu chữ, bảy tám chữ và thể tự do. Điều đó đã làm nên một phong cách thơ Thu Nguyệt. Dù thể thơ nào, chị vẫn đạt chuẩn cách gieo vần khi thể hiện chủ đề:
                               Móc tự biết mình cao
                               Mặc đời treo phía dưới
                               Ta biết mình không cao 
                               Nên sá gì rác bụi…
                Để rồi:…Một ngày móc rớt xuống
                               Mọi thứ cũng rơi theo
                               Một ngày ta nằm xuống
                               Mọi thứ vẫn ì xèo/ (Cái móc/ tr.34)
          Những “ rác bụi” ì xèo, ỉ eo cho lắm, thì tự thân của chủ thể trữ tình “ ta” trong bài thơ chẳng quan tâm làm gì. Đừng vì cuộc chơi giữa thế gian này vàng thau lẫn lộn. Theo quy luật tuần hoàn sống gởi thác về, nào cùng yêu thương gắn bó nghĩa tình đẹp hơn. Những thanh bằng trắc cuối câu năm tiếng đan xen cân đối như sự vận động không ngừng, thời gian vĩnh hằng, còn sự vật, con người với chị tất thảy đều vô thường. Hay khi giữa ngã ba đường đời lắm rối ren. Ngoái nhìn phía sau đã khép lại những ưu phiền sầu muộn. Và trước mặt đây sự chọn lựa cho trái phải mở ra. Tứ thơ bừng nở, sảng khoái, tin tưởng:
                               Lòng rơi theo chiều lá rớt
                               Lá vàng là lá đã xanh
                               Ta hay quên điều nhớ nhất
                               Là ta luôn có một mình/ (Về cội,tr.54)
         Nhưng đôi lúc cũng có những hoài nghi:
                               Sen cắm vào bùn xanh lá trắng bông
                               Ta cắm vào đời đỏ đen lẫn lộn
                               Vừa đuổi bắt lại vừa chạy trốn
                               Một điều gì thấy có lại như không/ (Bên hồ, tr.56)
        Cứ chập chờn giữa thực- ảo mông lung quá. Chị thảng thốt: “ Được ví là trăng mà chẳng dám rằm/ Bởi sợ có ngày trăng khuyết( nên luôn khuyết!)/ Được ví là hoa mà sắc hương giấu biệt/ Bởi sợ ngày hoa rơi/( rồi cũng rơi!)/ Ê, ta vốn là Người/ Sợ… Phải rồi./ Sợ quá!!! (Sợ, tr.52). Chính những trớ trêu nghịch cảnh giăng mắc nỗi buồn “ rằm – khuyết” khép kín góc buồn.
         Theo Mùa của Thu Nguyệt thấm dần vào lòng người đọc những cảm xúc nhẹ nhàng về những điều bình dị trong thực tế thường ngày, gần gũi như chính ta đang tự mình trải nghiệm qua. Yêu thích thơ Thu Nguyệt, bởi chị biết vận dụng ngôn ngữ thuần túy tiếng mẹ đẻ của mình, kết hợp cách gieo vần trong thơ, vì chị biết “ Vần là một lợi khí rất đắc lực cho sự truyền cảm” ( Nguyễn Đình Thi). Dù ở góc độ nào, thơ Thu Nguyệt vẫn là thơ của ngày hôm nay: “ Lộc non theo chút tháng ngày/ Vậy rồi…/ ta thả lá bay theo mùa”( Theo mùa, tr.7) mà lên xanh, ra hoa đơm quả. Chị khuyên mình hay là lời nhắn nhủ: “Lạc đàn ta chẳng muốn đâu/ Mà sao thỉnh thoảng cứ nhào ra riêng/ Gió lùa theo hướng chữ DUYÊN/ Ta bay chung để đến miền không bay”(Miền không bay, tr.8). Chăm bẵm trong từng câu từ, góp nhặt lẽ sống, khẳng định chắc nịch như thế. Nên thơ Thu Nguyệt cứ Theo Mùa làm nền bay vào làng thơ ca Việt Nam hiện đại của đầu thế kỉ hai mốt này.
                               28.10.2011/ Nguyễn Thị Phụng