Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIẬT MÌNH….TÔI TÌM LẠI…MÌNH!

Lê Thị Hương
Thứ năm ngày 10 tháng 11 năm 2011 11:14 AM

Giáo viên Ngữ văn trường Hà Nội - Academy 
 
Đọc 2 bài viết của Đường Văn và Đỗ Trung Côn nối tiếp nhau bàn về những cái giật mình… trong thơ Việt, thấy cái nhìn sâu sắc của 2 ông có lẽ sẽ được nhiều độc giả đồng tình. Với kiến văn còn hạn hẹp của mình, tôi chỉ xin góp đôi điều cảm luận chợt đến, mong có dịp trao đổi cùng bạn đọc.
1. Nguyễn Du - Truyện Kiều:
 Tâm trạng Thúy Kiều trong thời gian ở lầu xanh:
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình, xót xa.
 Mộng Liên Đường nhận xét về thơ Tố Như mỗi chữ viết ra như có máu chảy ở đầu ngọn bút. Hình ảnh so sánh ấy thật xác đáng. Nỗi đau của Kiều tốn không ít giấy mực của người đời. Đồng cảm có, chê trách cũng có. Đường Văn và Đỗ Trung Côn cũng như hàng triệu triệu trái tim khác, cũng thổn thức trước nỗi đau, nỗi bất hạnh của nàng. 15 năm đoạn trường, coi như tàn đời con gái. Tuổi trẻ, tình yêu, mộng mơ bị vùi dập, còn gì để nhớ, để mong?! Trong xã hội đồng tiền đảo điên ấy, tưởng như Kiều bị cuốn vào vòng xoáy lốc, từ tay người này sang tay kẻ nọ, khác chi một quân cờ, một món hàng. Thế nhưng, người đọc càng thấu hiểu nỗi lòng nàng qua những phút giây hiếm hoi - cái giật mình. Tôi đồng tình với hai ông khi cảm nhận về nỗi đau thân phận Kiều. Đường Văn viết:
  “Cuộc sống nhục nhã, thê thảm, khốn nạn ở chốn lầu xanh cũng thật nặng nhọc, vất vả về thể chất, đặc biệt là về tinh thần: Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh, hết ngày dài lại đêm thâu phải làm vợ khắp người ta…nên những lúc vắng khách chơi, khi tỉnh rượu, lúc tàn canh là rất hiếm hoi. Hầu hết thời gian buộc phải chiều khách ăn chơi thác loạn, như một cái máy, một con thịt bán mình, Kiều hầu như quên hẳn bản thân. Chỉ đến những khoảnh khắc tạm được ngưng công việc, mệt mỏi, ê chề, cô đơn một mình với ngọn đèn khuya, nàng mới chợt nghĩ đến thân phận riêng mình.”
  Đỗ Trung Côn bộc lộ thương cảm:
 “Ai thương? Chẳng có ai! Cha mẹ ư? Xa vời lắm rồi. Người yêu ư? Cách biệt bao tháng ngày, nay chàng ở nơi nao? Chỉ có mình với mình. Ngẫm lại những ngày phải “nhắm mắt đưa chân” làm những việc  mà Tú bà dạy nàng làm nghề, nàng thấy tâm trạng mình rõ quá. Chỉ có minh thương mình. Thương cho thân phận, hoàn cảnh, thương cho kiếp người ê chề, nhục nhã. Người còn đây, đi đứng, nói năng, nghĩ ngợi, bình thường … nhưng lại “tan tác như hoa giữa đường “- cái tan tác về phẩm giá”.  Ông nhận xét: cái giật mình ấy là cái giật mình tâm lý, không phải là cái giật mình sinh lý. 
 Đường Văn lại cho rằng: Cử chỉ giật mình, ở đây, trong trường hợp cụ thể này, vừa mang tính chủ động lại vừa bị động.
 Đọc qua, ngỡ hai cách hiểu đối lập nhau nhưng sự lý giải của Đường Văn về sự bị động của cái giật mình rất thỏa đáng nên có thể thấy hai cách hiểu đều hướng vào cái giật mình như một sự tự ý thức bản thân.
 Tôi quan tâm nhiều và bị ấn tượng ngay bởi những từ ngữ chỉ tần xuất: khi…lúc…lại. Phải chăng chỉ có một lần cho cái giật mình duy nhất này? Không phải, cái giật mình ấy đã hơn một lần xuất hiện, minh chứng cho những lần Kiều phải tiếp khách làng chơi. Nghĩa là ở thế bắt buộc phải“làm hoa cho người ta hái”. Và sau mỗi cuộc say lại chợt tỉnh và giật mình. Diễn biến tâm trạng Kiều ngay sau cái giật mình ấy là nỗi thương mình: “mình lại thương mình xót xa”. Không ai có thể san sẻ được một chút nỗi đau của cô gái “sắc sảo mặn mà” mà lúc này đây trở thành người đàn bà cô đơn tột độ, chỉ có mình với mình mà thôi. Những người tỉnh rượu sau những cơn say triền miên thường ý thức rất rõ về cuộc đời của mình. Hay phải chăng chính rượu - cái chất cay cay, say say ấy sau khi làm thần kinh tê dại đi, nhão ra lại vực nó tỉnh táo trở lại, để rồi nhìn lại mình thấy mình thật đớn đau? Người ta thường nói, mỗi khi buồn, rượu sẽ giúp vơi đi nhưng như thế là… dại. Bởi sau khi tỉnh dậy, “người tỉnh” sẽ ý thức được thân phận, ý thức được thực tại và nỗi đau lại nhân lên gấp bội. Kiều cũng vậy. Cái giật mình của Kiều giống với nỗi buồn của Chí Phèo sau khi tỉnh rượu. Chí tỉnh. Lần đầu tiên sau những cơn say triền miên, gã ý thức được tuổi già và thấy mình đã ở bên kia dốc cuộc đời. Và y thèm! sao mà thèm đến thế cuộc sống đời thường đang diễn ra kia! Nhưng có lẽ, Chí Phèo còn may hơn Thúy Kiều, bởi vì sau sự tự ý thức ấy, Chí còn tìm được cái chết để giải thoát, dù là một cái chết quằn quại, hãi hùng. Còn Kiều, mỗi lần ý thức được bản thân là mỗi lần nỗi đau tăng thêm, lớp này chồng lớp khác, muốn chết mà nào có chết được? Có nỗi đau đớn nào hơn khi Kiều đã ý thức được thân phận, cảnh ngộ của bản thân mình nhưng không tìm ra lối thoát. Nguyễn Du thật tài hoa, tinh tế, khi trong một câu thơ xuất hiện tới ba từ “mình”. “Mình” trong cái “giật mình” là cái cớ để cho hai “mình” sau đối diện nhau; đối diện với chính mình. Các sự việc trong hai câu thơ nối tiếp nhau theo một trật tự khá logic vừa gợi cảnh ngộ, vừa gợi tâm trạng: Kiều tỉnh rượu trong thời điểm quá khuya, khi “trơ lại cái hồng nhan”, nàng chợt giật mình, và vẫn chỉ có mình mà thôi.
2.Trần Tế Xương - Sông Lấp:
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò…
 Khi đọc tới bài thơ “Sông Lấp” của Trần Tế Xương, tôi tiếc mình không có được cảm nhận sâu sắc như Đường Văn. Âu cũng là điều dễ hiểu, bởi thế hệ tôi chỉ được thoảng qua cảnh mái lá nhà tranh, cũng được ăn món “gà đồng” (ếch) nhưng không thể bằng các bậc tiền bối sống gắn bó từ thuở “lên mười” (Nắng mới - Lưu Trọng Lư). Vì vậy, đọc bài thơ, cảm nhận của tôi chắc còn đơn giản. Đường Văn thể hiện niềm xót xa tiếc nuối về vẻ đẹp đã lùi vào quá khứ. Lý giải về cái giật mình,  ông viết:
 “Đó là cái giật mình đau đớn, bất lực trước sự đổi thay của xã hội và thời cuộc những năm gió Âu mưa Á xôn xao, nhộn nhạo, nhố nhăng ở đất Nam Định nói riêng, Việt Nam nói chung cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Đó là cái giật mình của lương tâm, trách nhiệm một nghệ sỹ chân chính tài hoa, một công dân yêu nước thương nhà, niềm tự hào như một trong 2 đặc sản (Đọc thơ Xương, ăn chuối Ngự) Nam Định. Cái giật mình cuả tâm trạng làm xúc động, đồng cảm đồng thời thức ngộ tư duy trí tuệ của người đọc”. Tuy nhiên, có lẽ Đường Văn bị ám ảnh bởi tâm trạng chua xót trước thực tại hiện hữu, phơi bày ra trước mắt nên lời bình có phần thiên về tính thời sự.
 Đọc Sông Lấp, tôi thấy hiện lên một bức tranh bình dị có sông, có đồng, có ngô khoai, và tiếng ếch kêu, có cả tiếng gọi đò dù con đò ấy chỉ là hình ảnh chợt về trong trí nhớ. Với tôi, bài thơ làm sống lại ký ức tuổi thơ được cùng cha đi soi ếch đêm mưa. Hình ảnh làng quê nghèo, đầm ấm nghĩa tình gợi lên từ miền ký ức thân thương… chợt như muốn khóc. Đường Văn mở rộng vấn đề từ bài thơ, đối sánh với thực tế hiện nay. Ý kiến của ông nghiêng sang màu sắc xã hội, chính trị.
 Còn riêng tôi, tôi yêu và nhớ bài thơ này bởi lẽ giản dị: nó lưu giữ một góc hình ảnh quê hương, gợi nhớ hình ảnh người cha cần mẫn, tảo tần.
3. Giật mình ta thấy bồ (mồ) hôi lạnh
                                         Mộng đẹp bên chăn đã biến rồi!         (Lưu Trọng Lư)
 Nhắc tới thơ Lưu Trọng Lư, người đọc cảm thấy tâm hồn thư thái bởi “Tiếng thu” nhẹ nhàng lan tỏa. Nhưng 2 câu thơ này thật lạ, không giống với Lưu Trọng Lư tinh tế mà ta vẫn cảm. Cái “giật mình”  ở đây khiến người viết liên tưởng một chút tới cái “giật mình” của Thúy Kiều. Nếu cái “giật mình” của Thúy Kiều là cái giật mình tâm lý thì dường như cái giật mình này hơi có phần nghiêng về sinh lý.  Tại sao? Một Lưu Trọng Lư bằng da, bằng thịt tại sao không được phép giãi bày cảm xúc rất thực của con người? Thật khéo léo, cảm xúc thân thể ấy được giãi bày không hề thô ráp mà rất ý tứ, đáng yêu. Ngay sau cái “giật mình” là những giọt “mồ hôi lạnh” đang lăn trên da thịt. Người đọc sẽ tự nghĩ, tự phán đoán về giấc mộng khiến nhân vật trữ tình toát mồ hôi. Tôi có cảm giác, đến câu thứ hai, nhà thơ thoáng chút tiếc nuối như vừa mất đi cái gì đó lâu lắm, hiếm hoi lắm mới có được. Câu thơ tựa tiếng thốt: “Thôi! rơi mất rồi”! Ngay sau đó dâng dâng nỗi niềm tiếc nuối bâng khuâng, ngẩn ngơ. Giấc mơ “biến” rất nhanh… Tôi mường tượng ra cảnh tác giả giơ tay chợp rợp, quờ vào không trung như để tìm lại cái gì đã mất… Lạ thật! 
Hà Nội – Academy, ngày 14 tháng 9 năm 2011. LTH