Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẤT NƯỚC NHIỀU NHÀ THƠ CÀNG TỐT

Thi Thi
Thứ năm ngày 10 tháng 11 năm 2011 6:09 AM
 
Có một bài báo được đăng trên trang mạng về cái gọi là “vấn nạn thơ đầy đường”. Thi Thi Tôi lại có một ý kiến khác.
Trước hết xin trích nguyên văn một số đoạn của bài báo trên:
“Tắc đường và vấn nạn thơ đầy đường, người tham gia giao thông và nhà thơ đều là hiện trạng cần phải tháo gỡ.”… “Có vô vàn những “nhà thơ” đã tìm đến những công dân bình thường, không hiểu gì về thi ca, đặc biệt là các phụ nữ chưa chồng, muộn chồng, góa chồng, thậm chí đang có chồng đường hoàng nhằm làm lung lạc tinh thần họ bằng những chồng thơ do chính họ bỏ tiền ra hoặc đi vận động tài trợ để sản xuất ra các “sản phẩm thơ” làm ô nhiễm môi trường tinh thần.”… “Nhiều đôi vợ chồng cãi nhau suýt ly hôn mà thủ phạm là… thơ.”… “Các- nhân- khẩu- thơ đã tạo ra sự tắc đường ghê gớm cho văn học. Các nhà thơ xịn luôn muốn trốn thoát khỏi những ngân nga thơ rởm nhưng khó lòng thoát khỏi. Đó là thập- diện- mai- phục… thơ làm tắc nghẽn mọi ngóc ngách, ngõ hẻm, đường sá, giao lộ tinh thần khiến cho thơ sạch không có lối đi. Nó lan từ thành thị đến nông thôn, thậm chí đến những làng quê nghèo đói nhất, chỉ toàn ông già bà già, trẻ con, đàn ông ra thành phố làm khuân vác và đàn bà ra thành phố làm ô-sin hoặc tìm kiếm đủ các loại nghề để kiếm sống.”… “Một câu nói hỗn xược ở vỉa hè làm đau lòng những nhà thơ chuyên nghiệp: “Nhà thơ bây giờ có số lượng ngang với tội phạm”… “Thơ đang lạm phát như chúng ta đang cay đắng sống trong những ngày của lạm phát kinh tế.”…
Thi Thi tôi không bình luận về những ý kiến trên, mà chỉ xin có mấy lời lan man theo ý kiến chủ quan. Trước hết là từ: “Nhà”. Từ này có nhiều nghĩa nhưng chỉ xin đề cập trong một phạm trù nhất định: Nhà nông: chỉ những người làm nghề nông nghiệp. Nhà khoa học: chỉ những người nghiên cứu khoa học… và nhà thơ: chỉ những người làm thơ. Không ai đặt ra qui đinh phải đạt bao nhiêu tấn lúa/ ha thì mới được gọi là “Nhà nông” và các “Nhà” khác cũng tương tự như vậy. Vậy thì một nhóm người tự cho mình cái quyền đặt ra qui định thế nào là “Nhà thơ” liệu đã đúng chưa, trong khi thực tế có những “Nhà” cậy cục để được vào hội này, hội nọ nhưng cả đời không viết được một câu cho  ra hồn.
Người Việt ta vốn có truyền thống và năng khiếu: “Xuất khẩu thành thi”. Nhiều vùng nông thôn bây giờ vẫn có lối nói chuyện thành vần và nhiều câu lục bát sống mãi với thời gian. Bây giờ cuộc sống vật chất khá hơn thì tất yếu nhu cầu về tinh thần cao hơn rất nhiều và k bao giờ có giớ hạn. Vậy thì làm thơ đâu có tội gì và đâu có phải ai đó phải là người như thế nào mới được làm thơ.
Trở lại vấn nạn tắc đường. Nếu có một ngày toàn nhà thơ tham gia giao thông thì chắc chắn nạn tắc đường giảm đi rất nhiều, bởi dù đấy là nhà thơ ở cấp độ nào thì đều là những người có tâm hồn phong phú, có nhân tính, biết nhường nhịn nhau. Đặc biệt nếu có chút va chạm không tránh khỏi vì quá đông thì cũng không sảy ra xô sát lớn, vì ngoài các yếu tố trên, trong túi các nhà thơ nhiều nhất cũng chỉ có cây bút và cuốn sổ, không bao giờ có dao, kiếm, dùi cui điện hay súng...
Còn nếu các nhà công quyền lại đồng thời là các nhà thơ thì lại tốt quá, người dân chắc không phải điêu đứng vì thói hống hách, quan liêu, cửa quyền, tham lam vô độ… dù đã có cái gọi là: “Một cửa”(!). Bởi thơ đã khơi dậy phần người rồi. Chưa nói các nhà thơ trọng tinh thần hơn vật chất, lúc đó có muốn cũng không bao giờ có những vụ kiểu Vinaxin. Dẫu có bớt xén của công cũng không như cán bộ bây giờ, vì kinh phí in thơ không cần nhiều …
Bây giờ các câu lạc bộ, các nhà thơ nhiều như lá rừng, thơ hay, thơ dở đều có cả. “Xưa ra ngõ gặp anh hùng. Bây giờ ra ngõ trùng trùng nhà thơ”. Không ít người tự nhận mình là “Nhà thơ”, trong khi những cái viết ra không biết gọi tên là gì, kể cả mấy ông bà tự cho mình cái quyền phán xét chê bôi người khác. Thi Thi tôi nghĩ đấy cũng là điều hay, bởi theo qui luật những cái gì  không đáng tồn tại sẽ tự  bị đào thải, đâu có cần ai đó gào lên như bị chẹt xe hay rắn cắn…
Lợi ích của thơ rõ quá rồi, đâu cần phải nói lại cái điều nhiều người biết. Vậy thì nên chăng phát triển số lượng “Nhà thơ” nhiều hơn nữa. Mà muốn có nhanh số lượng các “Nhà thơ” có lẽ nên học cách “đi tắt đón đầu”. Thi Thi tôi xin đề xuất một sáng kiến: cứ lập các câu lạc bộ thơ thật nhiều vào, còn lại đào tạo sau. Mà thật ra sẽ không mất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian đâu, vì người Việt ta ai cũng có tố chất của một “Nhà thơ” rồi. Cứ hình dung đến lúc “Việt Thi Quốc” của chúng ta (chữ của soạn giả, nhà thơ Gia Dũng) sẽ thanh bình, tệ nạn xã hội chỉ còn rất nhỏ (nếu điều tra tội phạm ở các nhà giam thì số lượng nhà thơ là tội phạm rất ít, nếu có thì cũng không mắc nhiều tội nặng). Nạn tắc đường đang làm đau đầu mấy ông kẹ và người tham gia giao thông cũng tự dưng biến mất. Lúc đó có chăng thì rác hơi nhiều vì các “Nhà thơ” tâm hồn mây gió vứt những bản thảo chưa ưng không đúng chỗ nhưng cái lỗi ấy cũng đáng yêu đấy chứ, có khi lại trở thành bản sắc cũng nên. Khách du lịch quốc tế lúc ấy sẽ đến tham quan học hỏi nườm nượp, kinh tế tăng trưởng chóng mặt, không mấy chốc sẽ đứng đầu nhóm G7 ấy chứ. Vậy thì tại sao lại đi chỉ trích có nhiều “nhà thơ”, ngược lại phải hoan hô ấy chứ!
 11.2011 Thi Thi