Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHÍ PHÈO ĐI DỰ PET TI VAN

Hoàng Xuân Hoạ
Thứ sáu ngày 5 tháng 8 năm 2011 10:30 AM
Truyện vui

Ông Ma đơ Len (tức Giăng Van Giăng), thị trương đảo hoang, hòn đảo xưa kia Rô bin xơn Cruxô vượt biển đi thám hiểm Đại dương bị bão đánh đắm thuyền dạt vào trú ngụ.
Từ ngày tới đây làm thị trưởng, ông mở tung cửa biển cho dân tự do buốn bán, làm ăn, không cấm chợ ngăn sông làm cho hòn đảo trở nên giáu có, phát triển thành hòn đảo du lịch nổi tiếng, sau đó ông đặt tên là đảo Hòa Bình. Đảo Hòa Bình có những khách sạn 5 sao, sân golf, sân tennis, sân đá bóng đủ tiêu chuẩn quốc tế. Bãi biển nước trong vắt nhìn rõ từng đàn cá bơi tung tăng dưới đáy cát. Độ mặn của nước biển, nước mặn vừa phải vì trên đảo có suối nước khoáng (ngọt) đùn từ lòng đất lên chảy ra hòa vào biển làm cho nước ở đây luôn ấm, không mặn chát như những bãi biền nơi khác, du khách tắm biển không bị hại da, sém nắng. Sơn hào hải vị ở đây lại rất chi là nhiều và rẻ. “Thiên thời địa lợi” trên đảo thích hợp với đủ loại cây quả. Bất cứ trên thế giới có thứ cây quả gì đem đến đây trồng đều lớn nhanh, xanh tốt, ra qủa ngon hơn, thơm hơn, ngọt hơn, chất lượng hơn ở nơi đất “tổ” thứ hoa quả ấy nhiều lần.
Đảo Hòa Bình luôn được các tổ chúc phi chính phủ thuê làm nơi họp hội nghị tổng kết các phong trào... tỉ như các cuộc vận động quyên góp quân áo cũ, bán đấu giá sim điện thoại có số đẹp, tranh, ảnh hay báu vật của mấy vị quan chức muốn nổi tiếng... một đêm để lấy tiền giúp mấy anh nhà nghèo vùng sâu, vùng... xa xa... khỏi đói nghèo một vài tháng.
Ma Đơ Len bỗng nảy ra sáng kiến, tổ chức một cuộc Pét ti van (festival) những nhân vật tiểu thuyết nổi tiếng của các nước về đây để gặp gỡ nhau. Ý tưởng của ông thị trưởng là thành lập một Hội “Những nhân vật nổi tiếng” do Rô Bin Xơn làm chủ tịch lâm thời, ông làm chân phó Hội, sau đó đại hội bầu ai vào ban chấp hành thì tùy ý họ. Mỗi nước ông chỉ mời một người. Người thứ nhất là Đông Ki Sốt của Tây Ban Nha, người thứ hai Đông Gioăng của Pháp, người thứ ba là ChichiKốp của Nga, người thứ tư là AQ của Trung Quốc, người thứ năm là Chí Phèo của Việt Nam... vân và vân... Ông cho tùy tùng đem máy bay riêng của mình đến tận nước đón từng người đi dự. Các đại biểu do ông lên danh sách tự chọn, được Rô bin xơn tham khảo, thêm bớt.
Nghe tin Chí Phèo được mời đi dự pét ti van. Tức thì, Tám Bính, chị Dậu, Trạch Văn Đoành, Xuân Tóc Đỏ, Lão Khổ và cả Chu Văn Quềnh... rủ nhau đến tận văn phòng phòng ngoại vụ Bộ Ngoại giao để khiếu nại. Khi nghe Bộ Ngoại giao giải thích, việc này không phải do nhà nước cử mà do ông Ma đơ len thích ai thì mời người ấy, lúc đó họ mới chịu ra về trong ấm ức, rủa thầm thằng cha Ma đơ len không hiểu gì về tình hình cái nền văn chương Việt Nam, mời không đúng người đủ tư cách! Chí Phèo là cái thá gì mà hắn được mời còn mình lại không? Họ túm năm, tụm ba cùng nhau bĩu môi dè bỉu chê lây sang cả ban chấm giải Nobel. Họ cho rằng ban chấm giải này là ban chấm... dốt, mù mờ, đếch biết thưởng thức văn chương Việt Nam. Năm nào cũng trao giải, toàn đi trao giải lung tung cho ba anh, chị mũi lõ đầu to, chưa đến tuổi năm mươi tóc đã bạc trắng mà không chịu bỏ tiền ra nhuộm cho tóc đen nhánh như tóc thanh niên trông cho tráng kiện, trẻ mãi không già như các nhà thơ, nhà văn Việt Nam. Đúng là dân ki bo! Thơ văn, tiểu thuyết thì viết toàn bằng thứ tiếng Anh lai căng; tiếng Pháp, tiếng Đức, Tây Ban Nha, tiếng Bồ, tiếng Thổ... của người ta viết chuẩn rồi còn bắt phải dịch ra tiếng Anh đúng của chính nước... ông Anh thì mới xét giải! Cứ như đánh đố người ta mà cũng... nào là có tính dự báo, tính sử thi, tính thời đại cao, tính nhân văn sâu mới chả sắc. Sâu sắc cái con mẹ Đôp! Chúng ông, bà đây vãi tè vài bãi vào thứ sâu sắc thực dân đế quốc nhà chúng bay, không thèm nhé!
                                       ***
Thấy người tình được đi xuất ngoại, Thị Nở hớn hở tức tốc thuê ngay taxi đưa Chí Phèo tới một cửa hàng thời trang mua cho chàng một bộ com lê may sẵn gồm đủ giầy tây, mũ phớt. Anh Chí diện bộ về làng Vũ Đại. Thấy Chí Phèo có bộ quần áo mới, cả làng Vũ Đại kéo nhau đi xem xúm xít, trầm trồ khen anh Chí đẹp trai. Chuyện loang ra, đến tai chính quyền xã. Mấy ông cán bộ xã hay tin anh Chí được đi dự pét ti van, họ cử người về làng Vũ Đại tra vấn thực, hư. Anh Chí bèn giơ ra tờ giấy mời tiếng Anh chen tiếng Việt nói rõ họ bao toàn bộ nơi ăn chốn ở, nghỉ ngơi, tham quan du lịch, có tàu bay riêng đến đón tận nhà. Giấy mời người ta cho cán bộ sứ quán đi ô tô đem đến đưa tận tay anh Chí, thành thử chính quyền địa phương không hề biết trước việc này. Nếu giấy mới ấy mà đưa về xã thì đã có người khác đi thay chứ đâu đến lượt anh Chí. Trong họ ngoài làng thiều gì con cháu họ hàng các ông cán bộ xã đi thay. 
Biết đích xác chuyện ấy là có thật, họ mới tẻ ngửa người ra vì không thể ngờ... nhưng mấy ông chính quyền xã liền đổi tức làm vui. Họ nhận ngay ra giá trị của anh Chí làm vinh dự cho làng, cho xã họ. Họ khẩn cấp triệu tập cuộc họp đầy đủ thành phần từ chủ tịch UB hành chính xã, Hội đồng nhân dân xã, trưởng ban mặt trận, hội cựu chiến binh, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, Hội Người cao tuổi bàn việc anh Chí đi dự Pét ti van tận bên Tây. Cái chính là việc anh Chí ăn mặc ra sao khi xuất ngoại. Mình là người Việt Nam phải mặc đồ dân tộc mình, ai đi mặc toàn đồ Tây như con mẹ Thị Nở vừa mua, nhỡ thế giới người ta tưởng nhầm anh Chí xã mình là người Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Thái Lan thì cứ là thiệt thòi to!
Cuộc họp liên tịch của mấy ông cán bộ xã bàn đi tính lại, cuối cùng đi đến một quyết định thống nhất rằng: Cái quần Tây và đôi giầy da do Thị Nở đã trót mua rồi thì cứ để anh Chí mặc quân và đi giầy Tây, ấy là phần dưới. Còn phần từ cạp quần lên đầu, UB xã sẽ trích quỹ văn hóa ra sắm để tặng anh. Gồm cái áo the thâm mặc bên trong, chiếc áo trấn thủ khoác ngoài, và chiếc mũ tai bèo đội trên đầu cho đúng với ba phong trào cách mạng, cho đủ phong cách dân tộc bên trên, hiện đại phía dưới để hội nhập vào thế giới cho ra dáng người Việt Nam mình thông minh, nhạy bén, thiên hạ có thứ gì độc đáo thì nước Nam làm ra của ấy riêng kiểu, riếng mốt như cái mũ phớt dạ được “hiện đại hóa” thành cái mũ vải tai bèo có quai cài cổ. Hay cưa đi đôi càng chiếc xe kéo tay, thêm cái bánh xe vào mấy thanh ống tuýp nước thành bộ phận đẩy đằng sau ra cái xích lô cho anh phu xe ngồi lên đạp, không còn phải kéo khách chạy bộ, sướng đời quá đi, còn gì. Hoặc nhập xe vận tải hàng hóa về đóng thành xe chờ hành... khách thế có hiện đại không? Người Châu Âu, Châu Mỹ giàu nứt mái đổ tường thế, nhưng đã ai được vinh dự mất tiền đi thứ xe chở lợn, chở cưu để bay xuống ruộng, lăn xuống vực bươu đầu sứt trán bao giờ chưa?    
Ba hôm sau anh Chí được máy bay đến tận nhà đón, bay vút lên trời đưa đi. Qua Trung Quốc máy bay hạ cánh xuống đón ông anh hàng xóm tốt bụng AQ.
AQ hớn hở bước lên máy bay với bím tóc tết đuôi sam thả ngúng nga ngúng nguẩy sau gáy, nửa đầu trước cạo trọc trắng hếu. Trên mình AQ mặc cái áo Tôn Trung Sơn khuy cài kín cổ, phần dưới là cái quần bò lavis, chân xỏ đôi giày vải dã chiến cao cổ, xà cạp quấn chẽn hết bắp chân. AQ đang bước lên cầu thang máy bay thì một người đàn bà tong tong chạy đến định lên theo, liền bị những người Trung Quốc ra tiễn AQ giữ lại không cho bà đó lên. Thấy mình bị giữ lại, bà ta chu chéo mắng:     
            - Đồ khốn! Chúng mày biết tao là ai không?
           Mấy người giữ, túm bà ta đều ngơ ngác, lắc đầu ra ý không biết.
- Ta là Lỗ Toàn Nhi, tức Lỗ Thị đây! Không có Lỗ Thị này giống nòi nhà chúng bay hỏi... bao giờ mới có được gần tỉ rưỡi người như ngày nay? Tránh ra cho ta lên máy bay đi dự Pét ti van!
Ba, bốn người giữ Lỗ Thị không chịu buông, vẫn giữ chặt không cho lên. Họ giải thích rằng ông Ma đơ len không mời Lỗ Thị.
          Lỗ Thị giật người khỏi tay những người túm giữ, bức xúc:
- Lão Ma đơ len không mời thì mai Lỗ Thị này vẫn cứ đi. Cháu, chắt của tám đứa con gái, một đứa con trai nhà Lỗ Thị này sẽ tài trợ cho Lỗ Thị đi. Chúng nó, đứa lấy chồng bên nước Anh, đứa làm dâu nước Mỹ, Đức, Nga, Ca na Đa... có cả! Lỗ Thị ta có thể đi du lịch bằng tầu vũ trụ ấy chứ! Đào Hòa Bình của lão Ma Đơ Len, Lỗ Thị này bay cái xoẹt tới nơi ngay, các ngươi đừng khinh thường ta!
Ngay ngày hôm sau người ta thấy Lỗ Toàn Nhi một mình thuê một chuyến báy bay riêng, bay đi dự Pét ti van ở đào Hòa Bình của ông Ma đơ len thật, không nói ngoa.
                                                       
  ***               
Ông Ma đơ le đang mở đại tiệc để chiêu đãi các đại biểu thế giới đến dự Pét ti van những nhân vật nổi tiếng. Nghe tin Lỗ Toàn Nhi (Lỗ Thị), đại biểu thứ hai của TQ không mời mà đến làm ông ngớ người không hiểu có sự cố gì xảy ra, hay tại thư ký đánh máy nhầm lẫn, mời một hóa hai? Ông quay sang hỏi viên cố vấn văn chương của mình xem Lỗ Thị người Trung Quốc là nhân vật do ai sáng tạo ra. Viên cố vấn của ông trình tự báo cáo: Lỗ Thị là nhân vật trong tiểu thuyết Báu Vật Của Đời do nhà văn Mạc Ngôn “sinh hạ”. Bà tiêu biểu cho mẫu người phụ nữ Trung Quốc nhẫn nhịn, chịu đựng những tập tục cổ hủ mấy ngàn đời của cái đất nước trên một tỉ người. Suốt từ Đông Chu Liệt quốc, sang Hán - Sở tranh hùng, đến Tam Quốc tranh bá, Chinh Đông Chinh Tây các nghìn năm trước. Thế kỷ 20 thì thập kỷ nọ nối tiếp thập kỷ kia chiến tranh, tranh dành quyền binh liên miên. Nghèo khổ, đói khát… mọi cay đắng ở đời Lỗ Thị đều nếm trải và vượt qua. Chỉ để dành vị trí chủ gia đình thì việc này bà lại làm sai nhân cách của người vợ Trung Hoa chung thủy. Bà lang chạ với bảy người đàn ông để sinh ra bảy đứa con… vân vân và vân vân…”  Nghe xong, ông cho rằng Lỗ Thị là nhân vật đáng được mời lắm chứ. Ông  đứng dậy xin lỗi các thực khách cho ông vắng mặt 15 phút. Ông nghĩ, mời một mình AQ là không khách quan. Đáng ra nước lớn như Trung Quốc phải mời người ta một đoàn vài chục người mới xứng với nền văn chương đại nhẩy vụt những chương, hồi vòng vo tam quốc lê thê. Trong khi Đông ki sốt của Tây Ban Nha còn nằm trong bụng mẹ thì người Trung Hoa đã quảng đại thần thông biến hóa ra Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng với những yêu rừng, quỷ biển đi mây về gió khiến người lương thiện đụng đâu là gặp ma quái ngăn đường, chặn lối tới đó! Pét ti van ở đâu chẳng có sự ăn theo. Ông nhớ hồi du lịch sang nước S tham dự Pét ti van một cung đình cổ, người ta Pét ti van trăm thứ bà giằn mà vẫn hay; hoành tráng đến cả bát bún bò giò heo bán trên vỉa hè. Là đàn bà mà Lỗ Thị dám tự túc mọi chi phí cất công tới tận đây dự thì trước nhất phải ưu tiên phụ nữ cái đã. Ma đơ len ngay lập tức tự lái xe ra tận chân cầu thang máy bay nói lời xin lỗi và đón Lỗ Thị về phòng tiệc. Ông cho bày một bàn tiệc, món nào cũng bốc hơi xào nấu nóng hôi hổi, cùng ban chấp hành lầm thời tiếp Lỗ Thị rất trịnh trọng.      
        Ở Việt Nam Trạch Văn Đoành nghe tin Lỗ Toàn Nhi người Trung Quốc tự túc đi dự Pét ti van. Dòng máu con Rồng cháu Tiên bỗng nhiên nổi sĩ diện đùng đùng đỏ hồng sắc mặt. Trạch rút ngay cái máy điện thoại di động bấm nhoay nhoáy gọi cho đàn con, cháu, chắt, chút, chít đang là những doanh nhân buôn đất nông nghiệp mà giàu, nhờ chúng thuê cho máy bay để đi Pét ti van. Hàng xóm thấy vậy khuyên Trạnh Văn Đoành chớ dại mà đi. Bởi Trạnh làm sao nổi tiếng bằng Chí Phèo. Sang đấy người ta biết mình là ai? “Ai nói gì, mặc họ”. Trạch “cứ làm theo ý” (Nam cao) mình.  Những lời gàn không làm Trạch Văn Đoành nhụt chí. Trạch dướn người vỗ đánh bịch một cái vào chính giữa ngực, nói:
        - Trạch này không nổi tiếng bằng Chí Phèo nhưng thành tích với nước Pháp thì Trạch Văn Đoành ta có đầy mình. Trạch này từng sang đánh giặc hộ nước Pháp hồi thế chiến thứ nhất, cái mề đay nước Pháp tặng thưởng còn giữ nguyên đây!
Vừa nói, Trạch Văn Đoành vừa móc túi ngức lôi ra một gói nhỏ, lẩn mẩn cởi mấy lần dây buộc, giơ cao cái mề đay treo trên đầu ngón tay lủng lẳng cho mọi người chứng kiến tận mắt. Lại chạy vào nhà mở tủ trưng bày bảo vật gia đình đưa ra cái áo “ba-đơ-xuy sắc chó gio”(Nam Cao), cái mũ chào mào, đôi giầy xăng đá còn nguyên nhưng hàng đinh chống trượt dưới đế, cái dây xanh tuya rông trổ những lỗ tổ ong tròn kín từ đầu đến đuôi cái dây, khi từ Pháp về Trạch Văn Đoành giữ được vật quân trang này mang về làm kỷ niệm:
- Các người thử nhìn xem Trạch Văn Đoành có xứng đáng được ưu tiên hơn Chí Phèo, AQ và mụ Lỗ Toàn Nhi Không? Những vật chứng này mà không còn giá trị đi dự Pét ti van ở đảo Hòa Bình thì… Trạch Văn Đoành ta bỏ tiền ra mua một xuất để đi. Chức nọ chức kia thiện hạ còn bỏ tiền ra mua tới tới để thăng tiến nữa là mua xuất dự Pet ti van vui vẻ. - Muỗi!  
        Thấy Trạch Văn Đoành dẫn ra “nhân chứng, vất chứng” rõ rành rành những thành tích “kháng chiến” của mình làm cho đám người làng hay gàn bát sách ngẩn tò te, im thít để Trạch Văn Đoành muốn đi đâu thì đi, không ai bàn ra gì nữa. Hôm sau Trạch Văn Đoành chân thượng đôi giầy xăng đá, mình khoác cái áo “ba đờ xuy sắc chó gio” một mình lên đường đến đảo Hòa Bình dự Pét ti van làm cho dân làng Vũ Đại từ già cho chí trẻ xanh mắt mèo.
        Nghe tin Trạch Văn Đoành tự túc đi dự Pét ti van. Những nhân vật tiểu thuyết nổi tiếng một thời như Tám Bính, Chị Dậu, Xuân Tóc Đỏ cũng muốn lắm. Hèm một nỗi Dậu, Bính, Xuân không đủ khả năng về tài chính. Con, cháu các nhân vật này vẫn “con xã chùa đi quét lá đa”, chẳng giàu có gì hơn ngày xưa là mấy thành thử muốn chỉ để… mà muốn cho đỡ thèm.
Năm 1945, Dậu cũng nông dân vùng lên, vác đòn càn đi phá kho thóc của Nhật, quan lại, địa chủ đem chia cho người nghèo. Đi cướp chính quyền, sau đó hoạt động trong vùng tề cho đến ngày kháng chiến thắng lợi. Cải cách ruộng đất Dậu lên làm chủ tịch xã đôi năm. Vì trình độ Văn Bố Cu Hóa mới bình dân học vụ, không thể kham nổi. Cấp trên cho đi “bồi dưỡng” nâng cao trình độ ở trường Bổ - Túc - Công – Nông. Nhà Dậu leo người nên Dậu không đi “bồi dưỡng” văn hóa đươc. Ít văn hóa, không đủ trình độ lãnh đạo ba làng một cái xóm trại nên Dậu đành rút lui về đi cấy... lấy công điểm hợp tác xã dễ ăn hơn làm chủ tịch ủy ban xã thời còn “cơm nhà vác tù và hàng tổng” nên gia đình Dậu nghèo vẫn hoàn toàn… nghèo ngặt!
Tám Bính, khi cách mạng thành công đâu đó rồi mới biết, tiện tàu hỏa cùng Năm Sài Gòn theo đoàn quân Nam Tiến vào Nam tiêu diệt đế quốc sài lang. Do chỉ còn một bàn tay không thể bóp cò súng. Định đi theo để cứu thương hoặc làm chân anh nuôi. Nhưng cứu thương và chân anh nuôi cũng không nổi khi chỉ với một bàn tay năm ngón, dù Bính rất nhiệt tình cách mạng. Bính đành ở lại bán nước rong ở cửa một ga xép. Năm Sài Gòn về Nam chiến đấu và hy sinh anh dũng trên quê hương yêu dấu của mình. Bụng cũng muốn đi xuất ngoại một chuyến cho biết đó biết đây nhưng Bính, không đủ khả năng kinh tế tài chính đành nuốt nước bọt mà thèm, ngồi nhà hướng về đảo Hòa Bình để hưởng ứng bằng… tinh thần sẵn sàng đóng góp tràng vỗ tay cổ vũ từ xa.
Xuân Tóc Đỏ tham gia cướp chính quyền tại một quận nội thành HN; kháng chiến chín năm đi bộ đôi, bị thương về hưởng chế độ thương binh, giữ chân bảo về ở một cơ quan cho đến tuổi nghỉ hưu về tậu chiếc xe ba bánh (xe Lam) đứng tên đăng ký cho thằng con đi tham gia giao thông vận tải hàng hóa còn mình xin làm chân bảo về cho một sân tennis. Nói chung, kinh tế nhà Xuân Tóc Đỏ chỉ vặt mũi đút lỗ miệng vừa xoẳn, tiền đâu mà nghĩ đến Pét ti van!
- l ại dẹp!     
Trạch Văn Đoành được đám con, cháu, chắt, chút, chít tài trợ tiền cho đi. Trạch thuê mình một chiếc máy bay du lịch bay đến đảo Hòa Bình. Hôm lên đường, Trạch dậy sớm ra chợ mua đôi móng gió, lại vào siêu thị mua một túi bánh mì hảo hạng nhãn Ma de in Việt Nam thủ theo để làm quà biếu ông thị trưởng. Trạch nghĩ bụng: Chắc ông Ma đơ Len khoái ăn bánh mì. Khoái, nên thuở hàn vì ông ta mới đi ăn trộm bánh mì? Đôi mong giò, đem theo phòng khi bên đó họ cho xem diễn tuồng còn có cái mà quăng lên tặng cho đào, kép hát.
        Ma đơ len đang tiếc tùng, chúc tụng nhau vui vẻ. Lại có tin báo, Việt Nam có nhân vật thứ hai “tự lực cánh sinh” mọi chi phí đến dự Pét ti van. Người đó xuống máy bay, đã tự thuê khách sạn riêng để ăn, nghỉ tiêm tất, đang chờ ngoài cửa tòa thị chính của ông.
Ma đơ len lại nghĩ: Thôi thì vì phép lịch sự truyền thống của người Pháp xưa nay với bằng hưu bang giao. Thêm đũa thêm bát, có thêm mâm đâu mà sợ tốn kém. Mà thế kỷ 21 rồi, chuyện ăn uống có gì là quan trọng. Người ta đường sá xa xôi, bỏ ngày bỏ buổi, bỏ tiền bỏ của cất công đến tận đây là vì người ta muốn cái Pét ti van nhà mình tổ chức lần đầu thành công rực rỡ, đâu phải người ta đến vì miếng ăn miếng uống!
- Ra mời ông ta vào!     
Lệnh của Ma đơ len ban ra, hai người tiếp tân một nam, một nữ trịnh trọng ra đón, dẫn Trạch Văn Đoành bước trên thảm đỏ tiến vào phòng đại tiệc. Trạch diện nguyên bộ củ thời lính chiến 1914 - 1919 thế kỷ trước. Mặt Trạch vênh vênh với “đôi lưỡng quyền nhô ra như gây sự với người ta” . “Cái nhìn tự đắc như cái nhìn của một kẻ có thể nhắc người ta lên như nhắc một cái lông” (Nam Cao – Đôi móng giò). Đi được nửa đường thảm đỏ, Trách đưa tay lên lột mũ chào mào “sắc chó gio” oai hùng vẫy vẫy mọi người đang đổ dồn mắt về phía Trạch, để trơ ra cái đầu “tiền văn minh hậu sư cụ”. Thấy Trạnh oai vệ quá, Ma đơ len vội vàng nhao tới bắt tay. Đông ky sốt tưởng đó là kẻ tình định đến để cướp nàng Đuyn xi nê của mình, vội quát gọi Xăng sô đưa cho cây giáo! AQ và Lỗ Toàn Nhi thấy Trạch Văn Đoành đến, được hoan nghênh ầm ầm, cả hai tỉnh bơ vờ như không trông thấy, nghe thấy chi hết. Mỗi người cầm một ly rượu chạy lại chỗ Chi Chi Khốp, Đông Gioăng, Sa Ca Lét (Scarlett) chạm cốc làm quen ra điều ta đây người cường quốc, bang giao với với người cường quốc.
Chí Phèo thấy có thêm đồng hương sang dự, phấn khởi ra mặt, tơn tớn sấn tới vồ lấy tay Trạch Văn Đoành để liên kết đồng minh cho có thêm vị thế, liền bị Trách hất tay ra không thèm bắt. Chí Phèo tưởng Trạch quên mình, hai tay vồ lại tay Trạch lắc lắc mạnh:
- Ơ, kìa anh Trạch! Chí đây mà! Chí Phèo làng Vũ Đại ta đây mà anh Trạch quên Chí rồi sao?
Trạch phải hất mạnh lần nữa làm tay Chí Phèo bật tung ra. Trạch quát:        
- Hỗn xược! Thứ bậc nhà ngươi đâu đáng bắt tay ta? Chẳng gì ta cũng có chức sắc ở làng, còn mi chỉ là hạng thứ dân củi rều củi mục, bèo bọt trôi sông không ai thèm vớt. Dựa vào cái mác bần, cố nông mà lên đời được mấy chục năm nay không chịu tu tâm sửa tính lúc nào cũng rượu chè be bét. Ỷ vào cái chức đội trưởng sản xuất hợp tác xã để ăn bớt ăn xén bắp ngô, lượm lúa của bà con xã viên mà không biết xấu hổ - Xéo!
Nghe Trạch nói vậy, Chi thấy cay cay sống mũi, với tay cầm lấy chai rượu trên bàn tiệc gõ gõ vào không khí:
- Toạc cái móng heo cho anh biết nhé! Đây là đảo Hòa Bình tự do dân chủ chứ không phải làng Vũ Đại ao tù đâu mà anh đòi cấm chợ ngăn sông! Chẳng qua Chí này muốn có đồng hương cho vui chuyến đi chứ Chí này đâu cần cái bắt tay vớ vẩn với anh! Chí này đến trước còn được lần lượt bắt tay ngài Ma đơ len, Rô bin sơn, Đông ky sốt, AQ, Đông Gioăng… đàng hoàng hẳn hoi. Cái chức chánh cựu “xây dựng” bằng mấy mâm cổ khao làng thì giá trị quái gì ở đây mà rộn cả lên cái đồng ba xu, ra điều ta oai vệ…!
Mây người tiếp tân thấy vậy vội vàng chạy tới lôi mỗi người ra một bàn ấn vai bắt ngồi, rót cho mỗi người một ly rượu vang gí vào tay:
- Mời ngài nâng cốc!
- Mời ngài nâng cốc!
Chí và Trạch được chạm cốc với hai nhân viên tiếp tân cũng lấy làm hãnh diện ra mặt. Sau đó không khí buổi tiệc được khởi động trở lại tưng bừng. Trạch chợt nghĩ tới túi bánh mỳ Ma đơ in VN mang theo để ở khách sạn, bèn quay về đem đến biếu Ma đơ len. Ma đơ len nhận cái túi, bảo ngưởi thư ký mơ ra xem. Viên thư ký mở túi lôi ra chục chiếc bánh mỳ để lên bàn. Thấy thế Ma đơ len hơi tái mặt, nhưng vẫn bình tĩnh, phớt ăng lê mỉm một nụ cười chẳng ra buồn cũng chẳng mấy vui, rồi mỗi tay cầm đôi chiếc bánh mỳ giơ cao, với vẻ mặt đầy tự tin, nói:
 - Thưa các thân hữu từ Năm Châu bốn biển có mặt tại đây. Ma đơ len tôi cũng vì bánh mỳ mà bị tù tội. Cái thế giới này cho đến giờ vẫn vậy, vẫn kẻ ăn không hết người lần không ra. Thập kỷ đầu tiên thế kỷ hai mốt có tí sướng hơn xưa chút chút, nhưng các đô thị thì cứ phình ra, ruộng đồng thì bị co hẹp lại, nơi này nơi kia vẫn còn người đói khát, oan ức, khổ đau. Oan ức không biết kêu đâu cho thấu, đành ngồi oán trời trách đất. Oán trời trách đất không thấu đành ngậm bồ hòn làm ngọt với nhau. Chúng ta, hôm nay họp mặt ở đây để chuẩn bị cho một Pét ti van. Cũng là để bàn nhau làm sao cho có bánh mỳ và pa tê gan! Bánh mỳ và pa tê gan muôn năm! Những người dân lương thiện có cuộc sống đủ ăn muôn năm!  
Hoàng Xuân Hoạ