Trang chủ » Tin văn và...

NGUYỄN XUÂN KHÁNH "ĐỘI GẠO LÊN CHÙA"

TN và Youtube
Thứ hai ngày 20 tháng 6 năm 2011 3:19 PM


TNc; Sáng nay 20-6 Nhà xuất bản Phụ nữ và Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức hội thảo và giới thiệu tiểu thuyết vừa đập hộp của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh ĐỘI GẠO LÊN CHÙA. Theo Phạm Xuân Nguyên Nguyễn Xuân Khánh đạt 3 nhất là: Người cao tuổi viết dài nhất, người chuyên viết văn bằng bút độc chiêu nhất, người chung thủy với NXB Phụ nữ nhất. Với ba bộ tiểu thuyết lừng danh Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa Nguyễn Xuân Khánh là một tên tuổi sáng giá của làng văn Việt. Nhân dịp này xin giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Khắc Phê:

KHÔNG CHỈ LÀ YẾM THẮM BỎ BÙA

Mấy năm trước, cùng dự trại sáng tác tiểu thuyết tại Quảng Bá, đã biết anh Nguyễn Xuân Khánh đang bắt tay viết cuốn tiểu thuyết mới “Đội gạo lên chùa”. Nhìn lão nhà văn gần 80 tuổi (ông sinh năm 1933), thân hình còm nhom, miệng đã bắt đầu móm, chúng tôi đều hồi hộp và tò mò muốn biết sau hai tiểu thuyết dày cộp, nổi đình đám (Hồ Quý Ly đã tái bản lần thứ 10 và Mẫu Thượng ngàn, tái bản lần thứ 6) Nguyễn Xuân Khánh sẽ tung “chưởng” hoặc “phù phép” gì mới để lôi cuốn bạn đọc nữa đây…

Nguyễn Xuân Khánh rất kín tiếng, nhưng nhìn cặp mắt đa tình, đôi môi chúm chím rất có… duyên của anh, rồi liếc cái nhan đề trên tập bản thảo, đã tin là ít ra sẽ có một tiểu thuyết rất… vui. Thì cứ suy từ câu ca dao mà Nguyễn Xuân Khánh “tỉa” lấy bốn chữ làm tên sách đã đoán thấy: “Ba cô đội gạo lên chùa / Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư…”.

Quả là tác giả đã kể nhiều chuyện về các nhà sư, nhiều cô gái đẹp khoe “yếm thắm” với không biết bao nhiêu mối tình đẹp như cổ tích và cả “hận tình”, “loạn tình”… nhưng “Đội gạo lên chùa” không phải là một tiểu thuyết hấp dẫn độc giả bằng cái chất tếu nhộn, giễu nhại của câu ca dao kia. Và chuyện nhà sư bị “bỏ bùa” duy nhất cũng không phải là mạch chính của tác phẩm, mặc dù cuộc đời sư Vô Trần sau khi bị cô Nấm dẫn tới những cây rơm giữa vườn cò cũng rất là “tiểu thuyết” và tác giả đã dành những dòng văn thật đẹp cho cảnh ái ân giữa họ.

“Đội gạo lên chùa” là một cuốn sách có sức nặng, rất nặng - cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Vì tiểu thuyết dày tới 860 trang - hơn cả Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng ngàn - và qua số phận hàng chục nhân vật ở một làng quê quanh chùa Sọ, tác giả miêu tả những biến động của xã hội Việt Nam suốt từ thời chống Pháp cho đến sau ngày đất nước thống nhất, đụng chạm đến rất nhiều vấn đề văn hóa-xã hội, triết lý nhân sinh.

Câu chuyện bắt đầu sau khi bố mẹ bị giặc Pháp giết chết trong một trận càn, chị em chú bé An đã tìm lên nương nhờ cửa Phật ở chùa Sọ. Tưởng đây là chốn bình yên, nhưng rồi giặc Pháp xây đồn, lập làng tề, chùa Sọ lại có hầm bí mật, còn sư thúc Vô Trần hoàn tục đã thành cán bộ Việt Minh, rồi cô Nguyệt - chị của An, có người yêu là thầy Hải làm nội ứng cho Việt Minh với vai trò thông dịch viên - phải trốn khỏi chùa cùng với sư bác Khoan Độ khi giặc ập đến bắt sư cụ Vô Úy và An… Vì giặc, chùa hoang phế, làng xóm họ tộc chia rẽ, kẻ theo giặc, sư cụ bị đánh gãy chân, thầy Hải bị lộ và bị hành hình vô cùng dã man…; nhưng khi dân chúng vừa mới vui hưởng hòa bình sau Hiệp định Genève thì làng Sọ lại phải chứng kiến những cái chết thảm thương, những cảnh oan trái trong “cải cách ruộng đất”…

Nguyễn Xuân Khánh vẫn viết theo lối cổ điển, mạch chuyện chủ yếu theo trình tự thời gian: sau cải cách là sửa sai, rồi hợp tác hóa, tòng quân vào Nam, rồi thống nhất đất nước… Làng xóm, họ tộc, gia đình tan rồi hợp với không ít tình tiết có thể gọi là ly kỳ… Những năm vừa qua, không ít tiểu thuyết đã viết về đề tài tương tự, nhưng khác với các nhà văn khác, Nguyễn Xuân Khánh đặt ngôi chùa và những nhà sư trong bối cảnh đó, lấy Phật giáo làm điểm nhìn để soi rọi, suy ngẫm về các sự kiện đó, các nhân vật không chỉ đối đầu theo kiểu “địch-ta” mà mỗi người còn có cuộc đấu tranh gay go với lẽ sống, đạo lý của mình, nhờ đó, “Đội gạo lên chùa” có ý nghĩa sâu rộng hơn, chạm đến những vấn đề muôn thuở của kiếp người.

Trong “Đội gạo lên chùa”, tác giả còn dành nhiều tâm huyết để miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ (đẹp cả khi phải chết - như trường hợp cô Rêu đã chọn “giếng thơm” bên ngôi chùa để tự tử) và vẻ đẹp của trí tuệ, của con người có văn hóa, cho dù họ là kẻ ở bên kia chiến tuyến. Sự huyền ảo của tâm linh, những giấc mơ, hồn ma náu mình nơi đàn đom đóm… tái diễn nhiều lần trong “Đội gạo lên chùa”… Những điều này đã giúp cho những trang văn và nhân vật trong “Đội gạo lên chùa” mềm mại, sinh động và hấp dẫn hơn.

Rất khó để so sánh “Đội gạo lên chùa” với hai tiểu thuyết Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng ngàn đã được khẳng định giá trị của Nguyễn Xuân Khánh. Có điều dễ thấy là “Đội gạo lên chùa”, do đề tài và hiện thực miêu tả gần gũi hơn với bạn đọc hôm nay, nên nhà văn khó đưa trí tưởng tượng bay bổng như hai tác phẩm trước, nhưng mặt khác, “Đội gạo lên chùa” lại gợi nhiều vấn đề để suy ngẫm hơn và có nhiều trang độc giả sẽ muốn mở ra đọc lại.


Nguồn: Báo Phụ Nữ TPHCM số ra ngày 17-6-2011