Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHỜ MONG MỘT GIỌNG THƠ MỚI THỦY HƯỚNG DƯƠNG

Nguyễn Nguyên Bảy
Thứ năm ngày 31 tháng 3 năm 2011 4:16 AM
 
1. Một thời gian rất dài, tôi nhấn mạnh là rất dài, rất nhiều năm, sau 1975, cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc, tôi bị ám ảnh một cách tiêu cực với bài thơ của nữ sĩ Nhật Bản Nôrikô Ibaraki (sinh 1925) Khi Tôi Còn Xinh Đẹp. Đây là bài thơ chua chát đến tận cùng của sự tiếc nuối những năm tháng tươi tốt của cuộc đời bị cuốn vào lửa đạn chiến tranh, người con gái đã chẳng được thụ hưởng những gì trời ban cho khi còn xinh đẹp, để đến khi chiến tranh kết thúc, thời xinh đẹp đã qua rồi, cô gái  tiếc giận khôn cùng mà chẳng biết chia sẻ cùng ai. Đây là bài thơ lến án chiến tranh, ghê tởm chiến tranh cực hay, ít nhất là với thi đàn Nhật. Mời đọc qua bản Việt ngữ của nhà thơ Bằng Việt.
 
Khi tôi còn xinh đẹp
Những thành phố vỡ tan
Một mảnh trời xanh bỗng hiện ra
Ở những chỗ không ai ngờ nhất!
Khi tôi còn xinh đẹp
Mọi ngưới hấp hối xung quanh
Trên những hòn đảo nhỏ
Và khắp biển xa khơi…
Chẳng một phút nào
Cho tôi được quyền soi gương chải tóc!
Khi tôi còn xinh đẹp
Không ai tặng tôi một món quà nào!
Những người đàn ông ngày ấy
Chỉ biết bắn súng chào dậy đất
Biết đứng nghiêm và biết đi đều
Trong trí nhớ của tôi
In hình họ những đôi mắt sáng!
Khi tôi còn xinh đẹp
Đất nước thua trong cuộc chiến tranh!
Và tôi đi vô vọng như mọi người
Khoác chiếc áo blu nặng nhọc…
Tôi hoàn toàn cô độc
Tôi hoàn toàn ngu ngốc
Tôi hoàn toàn không hưởng hạnh phúc gì
Khi tôi còn xinh đẹp!
 
Người Nhật, những nam thanh nữ tú của thời kỳ chiến tranh đã than thở đúng, bởi họ đã mất tất cả, bởi đất nước họ đã thua trong cuộc chiến tranh. Khi nhận ra chân lý ấy, nhận ra một cách tự giác, tôi mới hóa giải được những ám ảnh tiêu cực, biến ám ảnh ấy thành tích cực, thành tự hào, là bởi, lớp trai thanh nữ tú thế hệ chúng tôi sinh ra và trưởng thành sau 1945, kẻ ít người nhiều đều đã góp phần vào cuộc chiến tranh dằng dặc ba mươi năm đi đến thắng lợi sau cùng, có nghĩa là thời xinh đẹp của chúng tôi cũng được thụ hưởng nhiều vinh quang dù trong cơ hàn, cay đắng,  vì kết cục Đất nước chúng ta đã thắng trong cuộc chiến tranh!
Tôi đã mang tâm thức ấy để đọc và đồng cảm chấp nhận hay từ chối thơ của những người làm thơ trẻ các thế hệ sau chúng tôi. Thủy Hướng Dương không là ngoại lệ, khi tôi đọc thơ cô.
 
2. Tôi tự hỏi: từ những nỗi đau của bài thơ Khi tôi còn xinh đẹp đến cái sợ của Thủy Hướng Dương trong bài thơ Sợ của cô có khoảng cách? Có đấy, đó là khoảng cách của tư duy thế hệ, của không khí thời đại và của hơi thở thơ của mỗi thì người. Cái sợ của Thủy Hướng Dương trong veo, đời thường và hình như từ xa xưa đến mai sau, mai sau xa lắm, con người ta thường tình vẫn có những nỗi sợ giản đơn như thế. Nào sợ đêm nào sợ ngày, nào sợ những ngón tay đan vào nhau để bện hơi nhau, rồi sợ nắng, sợ gió, sợ cả cỏ cây, sợ rừng, sợ núi và bật cười khi sợ cả những bài ru. Tôi thích bài thơ Sợ này lắm, một cái gì đấy rất nữ nhi, một cái gì đấy e ấp làm duyên và một cái gì đấy như thế sắp thành một giọng thơ riêng. Xin chép toàn bài như một dọc lại để tự thơ ngân nga mà thích.
 
SỢ
 
Không còn trẻ để ngây thơ
Bây giờ mà nói dại khờ ai tin?
Thế mà một ánh mắt nhìn
Cũng làm em sợ… lỡ mình lại yêu?
Sợ đêm buông lấp nắng chiều
Sợ ngày cạn hết những điều khát khao
Sợ ngón tay ấy đan vào
Rối tơ lòng, biết ai nào gỡ cho?
Sợ buồn khẽ rụng vườn mơ
Sợ người lấy cớ sững sờ trăng khuya
Làm sao biết lối mà về
Đôi chân trần vướng cỏ mê mất rồi
Sợ sông suối ngập khóc, cười
Biết đâu đắm cả một đời đa đoan
Gió ru một khúc ngỡ ngàng
Sợ lòng réo rắt muôn vàn nhớ thương…
 
 
3. Thủy Hướng Dương gọi tôi là Thầy, xưng em, xưng hô đó chỉ ý nghĩa kính trọng tuổi tác, nhưng với tôi em là bạn thơ vong niên, vấn đề quan trọng ở chỗ tôi thích đọc thơ em và tự đáy lòng mong muốn thơ em cất lên một giọng hát riêng, giọng hát mang bản quyền em. Vì mong muốn ấy, tôi chép lại tặng em dưới đây khúc viết của nhà thơ Nguyễn Khôi tìm hiểu vế cách làm thơ của người xưa mà tôi rất tâm đắc, cũng là để đáp lại tiếng thầy khiêm nhường em gọi tôi.
 
Nhà thơ Nguyễn Khôi viết:
 
Con người ta sở dĩ bay lên được là nhờ hai cái cánh: văn học và khoa học.
Văn là người có học vấn (trái với võ), văn hóa là dùng văn tự (chữ nghĩa) mà giáo hóa con người. Bậc Thánh nhân thì lập Đức, danh tướng lập Công, sỹ đại phu lập Ngôn. Thi thư là những bộ môn giường cột của văn học. Thuở còn sơ khai, các bậc huynh trưởng dùng thơ ca để dạy con em, để chúng trở thành người chính trực ôn nhu, rộng lượng, kiên nghị, cứng cỏi mà không thô bạo, giản dị mà không ngạo mạn. Thơ dùng để nói Chí, Ca dùng để ngân dài lời Thơ. Thơ ở trong lòng là Chí, phát ra lời là Thơ (Chí có nghĩa là dừng ở trong lòng nên nó được gắn với hai chữ Tình và Ý).
Ông cha ta xưa làm thơ là học theo lối Đường-Tống: “Nhà thơ khi có thi hứng thì hồn thơ cất cánh bay bổng lên những khoảng trời cao rộng. Luật lệ, quy tắc (các thể thơ) là để điều khiển cái Hứng, giúp cho lối phô diễn được hoàn hảo, đẹp đẽ hơn, du dương hơn chứ không phải để bóp chẹt cái Hứng, phải biết vứt bỏ luật lệ để giữ cái Hứng, chứ không nên hi sinh cái Hứng cho luật lệ. Thơ là để tả nỗi lòng, tả bằng hình thức nào cũng được (cổ phong, luật thi..) Hễ tả mà cảm động được lòng người là mục đích đã đạt. Thơ không phải chỉ là những chữ ghép cho thành vần, cho có đối, cho đủ bằng trắc. Các bậc tài hoa theo luật mà không chịu nô lệ nó. Họ biết phá luật để theo Hứng, đã tạo nên những bài thơ bất hủ như “Hoàng hạc lâu” của Thôi Hiệu, “Anh Vũ Châu” của Lý Bạch, “Đăng Cao” của Đỗ Phủ… đều thoát khỏi sự câu thúc của niêm luật. Sự tác động qua lại của Thi hứng và luật lệ có thể tăng cường hoặc trói buộc Thi Hứng – nhà thơ phải lao tâm khổ tứ để tạo được những bài thơ hay là thế.
Công việc làm thơ đầu tiên là luyện chữ: cách dùng từ (chữ) như thế nào, bố cục thơ ra làm sao. Đỗ Phủ đã tâm sự “ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu” (chữ chẳng kinh người, chết chẳng yên). Bì Nhật Hưu thì nói “bách luyện thành tự, thiên luyện thành cú” (trăm lần luyện mới thành chữ, nghìn lần rèn mới thành câu). Đến luyện câu thì khởi – thừa –chuyển – hợp như thế nào, khử đối ngẫu ra làm sao, luật bằng trắc ra sao, gieo vần thế nào? Luyện chữ đã khó, ví dụ “chữ mắt“ (nhãn tự) đặt ở đâu để nó tỏa sáng. Câu thơ hay phải có chữ hay đó là những hạt linh đan làm cho đá biến thành vàng. Luyện chữ để cho chữ linh hoạt, sống động, cựa quậy, không nằm bẹp trên trang giấy. Luyện câu lại khó hơn, rồi đến luyện ý (tạo ý mới, tứ lạ) và bao trùm là luyện cách… thơ không có “thi cách” (phong cách riêng của từng nhà) thì coi như vứt đi, loại bỏ. Bảng nhãn Lê Quý Đôn từng dạy: “một bài thơ hay phải có đủ tình, cảnh, sự - mà trong đó Tình là người, Cảnh là trời, Sự là hợp cả trời đất mà quán thông…”
Người xưa dùng đạo lý sáng/tối để tìm hiểu thơ ca, với quan niệm ”nhìn không thấy không phải là không có, mà là chúng ta không thấy mà thôi”. Ví dụ: mặt trăng vào thượng tuần đến ngày mùng 7, mùng 8 nó mới xuất hiện một nửa, còn một nửa kia không thấy được. Cái nhìn không thấy ấy là Đạo Lý, điều mà ta nhìn thấy là sự thật. Ta dùng hình tròn của mặt trăng để biểu thị thi vũ (vũ trụ thơ) khi mặt trăng hiện ra hình bán nguyệt, một nửa phát sáng để biểu thị mặt sáng trong thơ, nửa kia không phát sáng đại biểu bằng hư tuyến (màu đen) để biểu thị mặt tối trong thơ, hai mặt này đồng thời tồn tại.
Mặt biểu hiện bề ngoài của thơ (mặt sáng) ta thấy  được đó là phong cách của thơ, ý và tình được diễn đạt bằng cú pháp, luật bằng trắc, cách gieo vần bằng các con chữ, ấy là mặt ta có thể thấy được (hiển hiện trên mặt giấy viết); còn những cảm thụ mà thơ mang đến cho ta (cái thứ ẩn dụ, ý tại ngôn ngoại, một thứ “tiếng thầm” – đáo địa nhất vô thanh (là mặt tối) ta không thể trông thấy nhưng ta cảm được.Sự linh diệu, thần diệu của thơ là vậy.
 
4. Tôi theo những dòng luận trên của nhà thơ Nguyễn Khôi, hóa thân thành con sẻ nhỏ đi nhặt những hạt vàng thơ Thủy Hướng Dương.
Bốn câu thơ này trong trẻo quá, gợi quá, gợi như hạt bắt đầu gieo, đang chờ đợi dưỡng thành cây:
 
Em như ngàn cỏ dại
Càng mọc…càng hoang vu
Một dấu ngựa yêu (chạy) vờ
Cũng oằn mình thảng thốt
 
(chữ chạy trong ngoặc người viết mạo muội thay vì nghĩ chữ yêu dụng chưa đắt). Hạt thơ đã gieo, còn việc cây thơ mọc thế nào, Thủy Hướng Dương tự mình ngâm nga lại mà biết.
Hai câu này thơ quá thơ ơi:
 
Đam mê nhoẻn một nụ cười
Gặp mình bối rối như thời ngày xưa
 
Này em gái, tặng em hai câu này nhé, chợt thấy thơ giao thoa mà bỗng nhiên lòng ngân nga đồng cảm: Soi gương vui cả mặt gương/ Tình yêu nhón một cánh chuồn chuồn bay (thơ NNB). Có phải bối rối em như bối rối mình gặp mình trong gương, bóng em trong gương vui đến nỗi gương cũng vui lây, có khác gì Gặp mình bối rối như thời ngày xưa?
 
Đi chợ Viềng mà viết được bốn câu này thì kể như đã mua bán đủ cái may xui bầy bán ở chợ Viềng:
 
Có cần mặc cả gì đâu
Mắt em đánh sóng ướt câu thơ nào?
Bỗng dưng sương khói nôn nao
Bỗng dưng thương nhớ trộn vào nhớ thương.
 
Đã thấy mầu sắc ca dao lúng liếng, đừng nghĩ rằng viết mộc được gần như ca dao mà dễ nhé, khó lắm lắm đấy, Mắt em đánh sóng ướt câu thơ nào ? Câu thơ nào vậy, tình thơ?
 
Bài thơ Người Đàn bà Bán Rong Trên Đường Phố là bài thơ tả chân khá hay, thực lòng mà nói toàn bài chưa thật bích (mà thế nào là thật bích?) vẫn có một cái gờn gợn pha trộn giữa thơ và chưa thơ, nhưng viết được những câu lả lướt trích dưới đây cũng đủ cho Thủy cái Tự tin là mình hái được quả thơ, mà không ít trường hợp trồng cây thơ cả đời chưa chắc đã hái được trái thơ nào nếm được, chứ đừng nói là hồn rung động được. Thật mộc, thật mềm, âm hưởng một chút ca dao mẹ, một chút nghệ nhân ca ngâm hát vịnh. Nghe mê lắm.
 
Nhìn con chim lạc cuối trời
Thẫn thờ tưởng gió thả nơi quê nhà
Còn đâu bến nhuộm chiều tà
Cánh cò bay lả, bay la trên đồng
 
Và nữa:
 
Ngửa bàn tay bụi lấm lem
Thương mùa cấy gặt, thương đêm hội hè…
 
Chao ôi là đúng, phát hiện và ghi vào thơ thế này thì Thủy Hướng Dương chắc chắn là người đầu tiên: Có khi nào ôm nhau mà ngủ được không anh? Em bồng bênh, bồng bênh…Giữa chiều mơ không nhắm mắt. Âm dương thanh khiết như trăng, như hoa vừa bừng nở chợt bay đến một bướm ong, khỏa thân đẹp như lụa, có ai người không ngất ngây, có thể nào ôm nhau mà ngủ được nhỉ? Đúng là thơ có cánh.
Cây thơ Thủy Hướng Dương còn nhiều quả thơ đẹp lắm, nhưng không hái nữa, chẳng nên tham.
 
5. Ở trên tôi có nói lời mong cầu một giọng thơ riêng, lại dẫn cả những mách bảo của nhà thơ Nguyễn Khôi, và hái vội nhiều trái thơ ngon trên cây thơ của Thủy. Nhưng, đến khi bắt gặp bài thơ Trò Truyện Với Con Đường, thì tôi bỗng hiểu, Thủy Hướng Dương đã đang và sẽ chọn cho mình con đường tu thân đi tới giọng thơ mang tên mình. Mời đọc trọn bài thơ viết mới đây, đề ngày 10/11/2010, để đồng cảm cùng Thủy Hướng Dương.
 
Trò Truyện Với Con Đường
 
Ta vẫn thường và vẫn muốn tự tin
Có thể một mình bước trên con đường đầy gai và đá nhọn
Lẽ thường là thế
Ai chắc cuối đường là máu hay là hoa?
Ta vẫn thường mai mỉa bằng thói kiêu sa
Rằng gai và đá chẳng có nghĩa gì
khi ta đi bằng chính đôi chân dẻo dai, cần mẫn
Ta nhạo cười ngơ ngẩn
Những người đàn ông mải miết đuổi bóng hồng
Lẽ thường là thế
Ai chắc cuối cùng bóng hồng sẽ đổ về đâu?
Ta miệt mài tìm kiếm giữa bể dâu
Một chút nắng vương
Một làn gió nhẹ
Một ánh mắt hiền chia sẻ lúc ta đau
Lẽ thường là thế
Ai chắc cuối đường không có kẻ bao dung?
Và ta muốn đi… đi đến tận cùng
Nhưng lẽ thường là thế
Ta có phải thánh đâu?
Thế là vẫn lạc, vẫn nhầm, vẫn cứ ngu ngơ như người nguyên thủy 
Và lẽ thường là thế
Ta vẫn vô tư khám phá những con đường
Ở đó có người đàn ông chạy theo những bóng hồng
Có men rượu, men tình
Có cả men đau rập rình nơi xa lắm
Rồi lẽ thường là thế
Ta vẫn cứ đi… đi hết con đường
Nhưng bây giờ sẽ đi bằng đôi chân rớm máu.