Trang chủ » Văn học nước ngoài

TẠP ĐÀM VỀ ĐỌC SÁCH

Mạc Ngôn
Chủ nhật ngày 2 tháng 1 năm 2011 5:30 PM

Báo điện tử Hội Nhà văn Trung Quốc (www.chinawriter.com.cn), ngày 26-07-2010, đưa lên mạng bài viết “Tạp đàm về đọc sách” của nhà văn đương đại Trung Quốc nổi tiếng Mạc Ngôn, đã đăng trên báo “Văn hoá Trung Quốc” cùng ngày.
Nhà văn Mạc Ngôn sinh ngày 17-2-1955, tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ông đã từng được cả thế giới, trong đó có Việt Nam, biết đến với bộ phim truyện nhựa “Cao lương đỏ”, do đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Mạc Ngôn. Bộ phim đã được giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim quốc tế Cannes năm 1994.
Nhiều tác phẩm của nhà văn Mạc Ngôn đã được dịch sang tiếng Việt và có tiếng vang ở Việt Nam: “Báu vật của đời”, “Cao lương đỏ”, “Đàn hương hình”, v.v…
Chúng tôi trích dịch bài viết “Tạp đàm về đọc sách” của nhà văn Mạc Ngôn, để bạn đọc tham khảo.
                                             ***
Đầu thập niên 80 thế kỷ trước, tôi làm lính ở Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, thời gian nghiệp dư học tập viết lách. Viết được bản thảo, tôi không dám gửi bài cho các tạp chí lớn. Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Bảo Định có một tờ tạp chí văn học hai tháng ra một kỳ - “Đầm sen” (Liên Trì), là một tạp chí nhỏ, gần chỗ tôi nhất, trong   lòng cũng gửi gắm vận may “thứ nhất cự ly” (cận thuỷ lâu đài), thế là bèn liên tục gửi    bài đến. Cuối cùng có một ngày gửi trúng! Tạp chí “Đầm Sen” đăng liên tục năm truyện ngắn của tôi, trong đó bao gồm cả truyện ngắn “Âm nhạc dân gian” được cụ Tôn Lê ưa   thích.
Mùa hè năm 1984, tôi bèn đem bài điểm bình của cụ Tôn Lê đến bái kiến ông Từ Hoài Trung, chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Văn học Học viện Nghệ thuật Quân Giải phóng. Trước tình hình thí sinh ghi tên đã kết thúc từ lâu, chủ nhiệm Từ chiếu cố, xếp tôi và danh sách, cho phép tôi dự thi, khiến cho tôi được cơ hội bước chân vào học viện học tập. Ông Từ Hoài Trung là người Phong Phong, tỉnh Hà Bắc.
Sau đó, tôi lại gửi bản thảo đến tạp chí “Hoa Sơn”, do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật khu vực Bảo Định lập ra, tạp chí này cũng đăng tải hai bài Tản văn của tôi, nhiều năm sau tôi mới biết, người biên tập và cho đăng hai bài Tản văn của tôi là Thiết Ngưng, (nữ nhà văn, sau này là Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc khoá 7-ND).
Sau nữa, như một con dã thú nhỏ run run rẩy rẩy mở rộng địa bàn, gửi bản thảo cho tạp chí “Trường Thành” của tỉnh Hà Bắc, trên tạp chí này đã đăng tải truyện vừa đầu tiên của tôi “Sông trong mưa”.
Sở dĩ tôi lại viết trước nhiêù chuyện chẳng ăn nhập gì với việc đọc sách, là với ý định bầy tỏ tình cảm sâu nặng của tôi đối với người Hà Bắc và mối quan hệ mật thiết giữa tôi với Hà Bắc.
Mùa hè năm 2007, tôi đến Thạch Gia Trang tham gia một hoạt động liên quan đến đọc sách, MC Vương Ninh, người dẫn chương trình “Đọc sách” trên Đài Truyền     hình Hà Bắc đã phỏng vấn tôi.
Cuộc đời đọc sách của tôi, khởi thuỷ từ thời kỳ thiếu niên. Khi ấy, nông thôn Trung Quốc phổ biến là nghèo khó, sách có thể mượn được rất ít, sách gia đình tự có    càng ít. Sau khi đọc hết mấy quyển sách của thầy giáo chủ nhiệm lớp và sách mượn của mười mấy thôn chung quanh, tôi đọc đi đọc lại một hòm sách giáo khoa trung học của anh cả tôi để lại trong nhà. Toán lý hoá đọc không hiểu, đọc ngữ văn, lịch sử, địa lý, sinh vật. Đọc số lần nhiều nhất đương nhiên là ngữ văn.
Giáo trình ngữ văn trung học khi ấy phân chia thành hai loại “Hán ngữ” và “Văn học”. “Hán ngữ” là cổ văn, ngữ pháp; “Văn học” thì tuyển chọn lược trích những tác phẩm văn học nổi tiếng cổ kim trong nước và thế giới. Mấy quyển sách giáo khoa “Văn học” ấy đã mở rộng tầm mắt của tôi rất ghê! “Truyện người đánh cá và con cá vàng” của Puskin đọc được từ đấy, “Cô gái bán diêm” của Andersen cũng đọc được từ đấy. “Quán nhà Lâm” của Mao Thuẫn, “Tường lạc đà” của Lão Xá, “Từ Bách Hoa viên đến Nhà      sách Tam vị” của Lỗ Tấn, “Khuất Nguyên” của Quách Mạt Nhược, “Nhật Xuất” của Tào Ngu, cũng đọc được từ đấy. Còn có tác phẩm “Đồng bằng bốc lửa” của nhà giáo Từ Quang Diệu của Hà Bắc chúng tôi, cũng đọc được từ đấy. Đọc rất nhiều lần, trải qua rất nhiều năm, các tình tiết trong sách tôi đều nhớ chắc không quên.
Khi làm lính ở Bảo Định, tôi đã từng kiêm nhiệm nhân viên quản lý thư viện của đơn vị, quản lý trên ba ngàn quyển sách. Đây cũng là thời kỳ đọc sách như điên của tôi. Trong trên ba ngàn cuốn sách, sách loại văn học chiếm khoảng một phần ba, những sách khác là sách triết học, chính trị, lịch sử. Đọc xong sách loại văn học, thì đọc sách triết học, sách lịch sử, như “Lôgích học” của Hê-ghen và “Tư bản luận” của Các-mác tôi cũng đều đọc vào thời kỳ ấy. Tuy đọc không hiểu lắm, song những câu lập luận ngược xuôi, đa nghĩa uyển chuyển của họ, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi, có lẽ vẫn còn ảnh hưởng đến văn phong của tôi.
Khi đi học, tôi không phải là học sinh giỏi, song danh tiếng đọc sách đến si mê đã lưu truyền rất xa. Trên ngưỡng cửa nhà tôi có một chỗ mòn vẹt bóng nhoáng, chính là ngưỡng cửa mà hồi nhỏ ba anh em chúng tôi đứng đó, nhờ ánh sáng yếu ớt của chiếc đèn dầu treo trên khung cửa mà đọc sách. Khi ấy, những sợi tóc trước trán tôi luôn luôn xoăn tít, là vì ban đêm tôi chúi đầu đọc sách, bị cháy xém quăn lên.
Thời kỳ đọc sách tốt nhất, đương nhiên là thiếu niên, khi ấy tâm trạng không bị phân tán bởi những chuyện xung quanh, đọc rất nhanh, nhớ cũng rất chắc. Song, thật      đáng tiếc, thời thiếu niên của tôi, có thời gian đọc sách thì lại không có sách đọc, trẻ em bây giời, có rất nhiều sách, nhưng lại không có thời gian đọc sách. Thời kỳ thanh niên đương nhiên cũng là thời kỳ đọc sách tốt, song đối mặt với biển sách mênh mông, lựa chọn như thế nào, cũng là một vấn đề khó khăn lớn. Quan điểm thường thấy là đọc kinh điển, điều này đương nhiên đúng, song cũng không ngần ngại thưởng thức những loại     sách khác, nghĩa là đọc ít những tác phẩm kinh điển, đọc nhiều những loại sách nằm im trên giá, rất ít người đọc qua, thậm chí là những sách ly kỳ cổ quái, điều này đối với những người hoạt động sáng tác văn học, có lẽ càng có chỗ hữu dụng.
Chất lượng và tốc độ đọc sách của tôi hiện nay đã khác xa trước kia, song mặc dầu như vậy, hàng ngày tôi vẫn chưa ngơi nghỉ đọc sách.
Cổ nhân nói: “Thiếu niên mà hiếu học, như mặt trời mới mọc; Tráng niên mà hiếu học, như ánh nắng giữa trưa; Lão niên mà hiếu học, như ánh sáng của ngọn nến.”
Sách như ánh sáng đèn, dẫn lối chỉ đường cho tôi, cũng sưởi ấm thể phách cho tôi, mặc dầu mẹ tôi đã từng nói với tôi rằng: “Đói chết không ăn thức ăn van xin được,    cóng chết không sưởi ngọn lửa trên đèn.”
Nhưng, ngọn lửa của một chiếc đèn trong đêm đen, nói chung vẫn có thể đem lại cho chúng ta những ấm áp nào đó, có lẽ vẫn có thể nhen nhóm lên ngọn lửa cháy rừng rực, chiếu sáng thế giới mà chúng ta chưa từng đi qua.
VŨ PHONG TẠO giới thiệu và trích dịch
(Theo
www.chinawriter.com.cn, 26-07-2010)