Thư ngỏ
Nguyễn Trung, 10 (60A) ngõ 45Q phố Võng Thị, Phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đt: 04 38363036
Kính gửi:
- Các Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam
- Toàn thể các đại biểu Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Kính thưa các Đồng chí,
Tôi là Nguyễn Trung, cán bộ đảng viên đã về hưu, viết bức thư ngỏ này khẩn thiết thỉnh cầu các Đồng chí:
(1) cân nhắc lại một lần nữa và quyết định cho ngừng ngay việc tiếp tục xây dựng nhà máy chế biến alunina ở Tân Rai/Lâm Đồng,
(2) tạm hủy dự án đang đàm phán tiếp về nhà máy Nhân Cơ ở Đắc Nông,
(3) tạm thời đình chỉ việc triển khai toàn bộ tổng dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên để tổ chức nghiên cứu tiếp một cách nghiêm túc và khoa học,
(4) đem những kết quả nghiên cứu nói trên trưng cầu ý kiến nhân dân cả nước về đề tài kinh tế bauxite Tây Nguyên vô cùng nhạy cảm này.
Thưa các Đồng chí, tôi hiểu thực hiện lời thỉnh cầu khẩn thiết này có nghĩa là phải thực hiện một quyết định đau đớn chưa hề có trong lịch sử kinh tế nước ta và sẽ là một tổn thất lớn mà nền kinh tế nước ta phải chịu đựng – nhất là nhà máy chế biến alumina Tân Rai đã hoàn thành được một phần lớn và đã làm được nhiều việc quan trọng trong triển khai dự án nhà máy Nhân Cơ. Chỉ có lòng dũng cảm và ý thức trách nhiệm tuyệt đối đối với vận mệnh quốc gia của các Đồng chí cùng với sự thông cảm của đồng bào cả nước mới đủ sức đi tới thực hiện quyết định khó khăn này. Song thà chịu như vậy còn hơn để lại hậu họa khôn lường cho mai sau.
Thưa các Đồng chí,
Lý do tôi viết lời thỉnh cầu khẩn thiết này là thảm họa vỡ hồ bùn đỏ ngày 04-10-2010 tại vùng Ajka, cách thủ đô Budapest khoảng 160km về phía tây nam đang đe dọa nhiều thị trấn chung quanh khác tại Hungary, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng và lâu dài; Chính phủ Hunggary đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với nhiều vùng lân cận. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho hay thảm họa này có khả năng do lỗi của con người gây ra, lớn gấp nhiều lần so với thảm họa tương tự đã xảy ra ở vùng Baia Mare tại Romania năm 2000, sẽ gây tổn thất lớn cho kinh tế, nguy hại cho sức khỏe con người vì bị tác động trực tiếp hoặc vì các dòng sông lớn bị ô nhiễm bùn đỏ có chứa nhiều chất ăn mòn và các hóa chất độc hại khác, chưa lường hết được những tác hại tàn phá môi trường cho các vùng chung quanh (tìm xem: Sài Gòn Tiếp Thị, Thông Tin Thương Mại và nhiều tin và bài báo khác của các báo và các hãng truyền thông quốc tế các ngày 05 và 06-10-2010).
Ngay lập tức tôi liên hệ đến những mối nguy tiềm tàng trong khai thác bauxite ở Tây Nguyên, với các lý do như nhiều lần tôi đã trình bầy trong các bài báo của mình cũng như trong kiến nghị trực tiếp của cá nhân tôi gửi Đảng và Chính phủ, bao gồm cả kiến nghị và tham luận trong cuộc hội thảo ngày 10-04-2009 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì và cuộc hội thảo ngày 15-04-2009 do Ủy viên Ban Bí thư Ngô Quang Dụ chủ trì.
Thưa các Đồng chí, ngoài những ý kiến tôi đã trình bầy trong các bài viết và kiến nghị của mình, anh Nguyên Ngọc và tôi, cũng như nhiều anh em quan tâm khác nữa, đã nhiều lần đi trực tiếp khảo sát tại hiện trường tình hình triển khai công việc khai thác bauxite Tây Nguyên, đã đi thử tất các các tuyến đường bộ mà Chính phủ dự kiến sẽ cho phép sử dụng cho vấn đề vận tải của đề án kinh tế này do tập đoàn Than & Khoáng sản (TKV) đề nghị, đã đi xem nơi dự kiến xây cảng Kê Gà cho việc xuất cảng, và đã tìm hiểu khả năng sẽ sử dụng tạm cảng Cồn Dầu/Đồng Nai trong thời gian chờ đợi chưa có cảng Kê Gà…
Chưa kể đến những khoản đầu tư rất lớn cho việc uốn nắn hay sửa lại các tuyến đường bộ thì mới dùng được (vì các tuyến đường này hẹp, độ dốc cao, uốn khúc nhiều nên các xe vận tải chuyên dụng không sử dụng được), chưa kể đến kinh phí lớn phải đầu tư cho một cảng biển mới (Kê Gà) chuyên cho vận tải bauxite (nếu xây dựng cảng Kê Gà cho mục tiêu đa năng còn tốn kém nữa), nếu tính đến vận tải đường sắt thì càng tốn kém hơn và phải 5 – 10 nữa mới có… , nền kinh tế hiện nay không chịu đựng nổi tất cả những khoản chi mới này.
Nói một cách khác, cứ giả định rằng toàn bộ kết cấu hạ tầng riêng cho vận tải đã có sẵn rồi (một điều không tưởng), song giá thành sản xuất alumina chắc chắn sẽ gây lỗ lớn, vì không chịu nổi cước phí vận tải do đoạn đường từ nơi sản xuất đến nơi xuất cảng quá dài (bao gồm cả cước phí lên núi chở nguyên liệu phục sản xuất, và cước phí xuống núi cho xuất khẩu nguyên liệu sơ chế alumina).
Tôi đã làm mọi con tính và chỉ được kết quả “lỗ”, cách làm thế nào cũng lỗ, chưa kể đến sự phụ thuộc nghiêm trọng kinh tế/chính trị của alumina vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra phải tính đến hiểm họa khôn lường của một hồ bùn đỏ có nhiều hóa chất độc hại treo lơ lửng trên đầu đồng bằng sông Đồng Nai, sản xuất alumina càng lớn, hồ này và hiểm họa của nó càng lớn, nhất là khí hậu Tây Nguyên rất khắc nghiệt trong mùa mưa. Khả năng sản xuất ra nhôm hoàn toàn bị loại trừ vì không lấy đâu ra đủ điện.
Thưa các Đồng chí, thật ra trong nhiều cuộc thảo luận giữa những người quan tâm đến vấn đề này trong chúng tôi cuối năm 2008, anh Nguyên Ngọc, tôi và một vài anh nữa đã đề nghị dứt khoát loại bỏ hẳn việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên để khảo sát lại, nhưng chúng tôi thiểu số, nên kiến nghị của 17 nhà nghiên cứu và làm công tác xã hội gửi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc Hội cuối tháng 11-2008 do cố giáo sư Nguyễn Văn Chiển chủ trì chỉ đề nghị tạm dừng việc khai thác bauxite Tây Nguyên.
Nay thảm họa ở Hungary thôi thúc tôi viết thư ngỏ này, khẩn thiết mong các Đồng chí xem xét.
Nếu lời thỉnh cầu khẩn thiết này của tôi chưa đủ sức thuyết phục, xin đề nghị các Đồng chí lập ngay một nhóm đặc nhiệm độc lập nghiên cứu và phân tích những điều tôi trình bầy trong thư ngỏ này.
Xin gửi lời chào trân trọng.
Kính thư
Nguyễn Trung (đã ký).
Ghi chú: Thư ngỏ này được gửi đến tất cả các báo chí.
—