Trang chủ » Tin văn và...

Tạp chí QUÊ VIỆT HẢI NGOẠI số 2-2010

Việt Phong
Thứ hai ngày 4 tháng 10 năm 2010 8:55 AM

Nhà văn Nguyễn Tiến Lộc - Chủ nhiệm tạp chí Chào mừng quý khách.
 
Hôm nay, chúng tôi rất vui mừng, và trân trọng giới thiệu cùng quý vị Tuyển Tập VHNT, do NGƯỜI VIỆT VANCOUVER & SOCIETY xuất bản mang tựa đề: QUÊ VIỆT HẢI NGOẠI - Số 2 - 2010.

Tới dự buổi Lễ ra mắt tác phẩm hôm nay, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu:
Khách mời đến từ VN:
Chúng tôi xin được giới thiệu:
- Nhà thơ TRẦN NHUẬN MINH, Ủy viên Hội đồng thơ, Hội nhà văn Việt Nam
- Nhà văn - Nhà thơ - Nhạc sỹ NGỌC BÁI
- Nhà thơ VŨ THÀNH CHUNG, Hội phó Chi hội nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng (VTChung còn là Biên tập T/c QVHN)


Tranh Mùa thu Vancouver do Trần Nhương vẽ tại Vancouver (Canada) tháng 10-2009 đã được in trên trang bìa tạp chí


Khách mời từ Mỹ qua:

- Chúng tôi xin giới thiệu: Họa sỹ NGUYỄN ĐẠI GIANG
- Nhà văn LÊ THANH CHUNG - (Công việc hiện tại: Trợ lý Kiểm toán quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc - Nữu Ước)

Khách mời từ Toronto và các nơi trong Canada:

Chúng tôi xin giới thiệu:
- Ông bà PETER và bà ĐINH KIM NGUYỆT - Ông Peter - nguyên Bộ trưởng bộ Tài chính tỉnh Yukon. Bà Đinh Kim Nguyệt - Hiện là Chủ tịch Hội Văn hóa - Bảo tồn truyền thống tỉnh Yukon.
- Họa sỹ ĐỖ DUY MINH đến từ Edmonton

Cùng những Thành viên T/c QVHN, và những thân hữu; độc giả; Hội đồng hương: Hòn Gai, Quan Lạn, Hải Phòng, Hà Nội… Đoàn Ca nhạc Bình Minh thường xuyên ủng hộ xây dựng tạp chí cũng có mặt trong buổi Lễ RMTP tối nay.
- Một lần nữa chúng tôi xin trân trọng và nhiệt liệt chào mừng những vị khách quý và toàn thể chúng ta có mặt trong buổi Lễ Ra Mắt Tác Phẩm đêm nay.

Các nhà thơ Trần Nhuận Minh, Ngọc Bái, Vũ Thành Chung có mặt cùng các VNS tại Vancouver

Kính thưa Quý vị

Tạp chí Quê Việt Hải Ngoại được sự cộng tác, hỗ trợ của quý vị về mọi mặt, vật chất cũng như tinh thần, tạp chí Quê Việt Hải Ngoại đã trưởng thành vững mạnh và đi được một chặng đường khá dài 12 năm

Thưa Quý vị.
Trong suốt 12 năm qua chúng tôi đã có nhiều cố gắng để duy trì tạp chí. Tạp chí Quê Việt Hải Ngoại sẽ là tiếng nói Văn học - Nghệ thuật của Cộng đồng người Việt ở Vancouver - Canada và trên thế giới.

Tuyển tập QV số này bài vở của những tác giả khắp nơi gửi về với nhiều đề tài, thể loại rất phong phú, và đặc sắc.
Ngoài những tác giả văn hữu quen thuộc, còn có những cây bút mới góp mặt có tên tuổi trong và ngoài nước được nhiều người biết đến cũng có tác phẩm trong Quê Việt số này làm cho không khí văn chương ở hải ngoại thêm khởi sắc, đa dạng, mang tính truyền thống và đương đại.

Quê Việt Hải Ngoại từ số này, chúng tôi đã cải tiến lại nội dung bài vở và trình bày mỹ thuật. Các họa sĩ, nhà văn, nhà thơ trong nước và Hải ngoại cùng tham gia làm cho tạp chí thêm sang trọng, phong phú ở nhiều đề tài xã hội, cuộc sống và các thể loại VHNT mang tính đặc thù riêng.

Trong số 2 Quê Việt Hải Ngoại, những tác giả quen thuộc, trong và ngoài nước góp nhiều tác phẩm đặc sắc, ở Hải ngoại có Lê Minh Hà với bài phóng sự “Thành phố hẹn người trở lại”; Nguyễn Đức Tùng truyện ngắn “Hai đứa trẻ”; Trần Thiện Huy “Tấm thẻ ghi giá”; Nguyễn Hoài Phương “Kẻ mộng du”; Đỗ Kh. tùy bút “Một dòng sông”; Lê Thanh Chung “Phở cá”; Vân Hải, Đinh Trọng Đắc, Đức Hải, Hoài Hương với những truyện cực ngắn phản ánh mọi khía cạnh đời sống khá sinh động, súc tích.

Những tác giả trong nước số này có Bão Vũ, Trung Trung Đỉnh, Hữu Thỉnh, Trần Nhuận Minh, Vũ Quần Phương, Ngọc Bái, Trần Đăng Khoa và nhiều nhà văn, nhà thơ quen thuộc đã cộng tác với QVHN trong những năm qua, góp phần làm nên diện mạo QVHN, cùng hội nhập với tinh thần cởi mở thân thiện, văn chương không biên giới.
Phần Văn xuôi, có nhiều truyện ngắn, ký đặc sắc. Tác giả Ngọc Bái từ VN qua, có truyện ngắn “Gió độc” (trang 53) thật thương tâm cho số phận con người. Truyện kể về một nhân vật bạo hành cực đoan, gây nhiều tai ương, đập phá đình chùa, tượng phật để rồi dẫn đến tàn lụi cả cuộc đời, gia đình và tương lai con cái. Nhà văn Ngọc Bái thông qua truyện “Gió độc” muốn gửi đến mọi người một thông điệp: Hãy sống có trách nhiệm, nhân đức với gia đình, bạn bè và xã hội.
- Tác giả Lê Thanh Chung có truyện “Phở cá”. (trang 135) Truyện thật dí dỏm, ngôn từ ngắn gọn súc tích có tính trào lộng.
(Còn nhiều truyện khác nữa khá đặc sắc: của Bão Vũ, Trần Đăng Khoa, Trung Trung Đỉnh, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Quang Thiều, Trần Thị Trường…)

Phần Thơ, ngoài những bài thơ mang phong cách mới, đương đại, gây ấn tượng cho nhiều độc giả, còn có những bài lục bát của Du Tử Lê, Lý Thừa Nghiệp, Phan Nguyên, Bùi Hữu Phần, Hoài Khánh, Kim Chuông, Ngọc Bái, Vũ Thành Chung và nhiều tác giả khác… Những bài thơ lục bát trong tuyển tập này thật đằm thắm, duyên dáng, đầy ắp tình yêu thương con người, quê hương. (Xin phép quý vị, chúng tôi được điểm lại vài câu lục bát của những tác giả trong QV số này:

DU TỬ LÊ - (Đau xót mà thương cảm) Cũng đành người đã quên tôi/ Con chim nào cũng một đời kêu khan/ Cây phong đã đỏ lá vàng/ quán sâu tôi quấn khăn quàng đợi đêm. Bài “Khi trông thư Thụy-Châm” (trang 38)

- LÝ THỪA NGHIỆP - (Khí tiết mà thanh cao) Lá vàng gọi mãi mùa thu/ Gọi người gây cuộc viễn du với người/ Mang theo này nhé ngậm ngùi/ Này là hạt lệ vị đời nồng tanh Bài “Tận cùng mùa thu” (trang 13)

- NGUYỄN THẾ KIÊN - (Hóm hỉnh mà sâu cay) Bão giông dài ngoẵng chân cò/ Chỉ nụ cười của trời cho thì tròn/ Vậy mà cỏ vẫn cứ non/ Má con gái chẳng phấn son vẫn hồng/ Như niềm tin gửi cánh đồng/ Ngàn năm vẫn chín thành bông lúa vàng/ Bùn chua xây những huy hoàng/ Chênh vênh giữa những mơ màng… quê ơi! Bài “Quê” (trang 12)

- PHAN NGUYÊN - (Đằm thắm mà xót xa phận mình, phận người) Một đời thiếu vắng tình quê/ Lênh đênh mù mịt bốn bề phong ba/ Đâu là quê? Đâu là nhà/ Để tôi được gọi, đây là quê hương? Bài “Chị em tôi” (trang 98)
- KIM CHUÔNG - (Chân thật mà đắm say) Mới năm xưa đó, xa gì/ Em tôi trẻ đẹp nhất nhì làng bên/ Tuổi đôi mươi lúm đồng tiền/ Lại con mắt ấy đủ dìm đắm nhau/ Hôm em cúi xuống gội đầu/ Làm tôi chết đuối bên cầu ao quê. Bài “Em xưa” (trang 47)

- HOÀI KHÁNH (Mộng mơ mà bay bổng) Lang thang đường gió trong đêm/ Vòng tay ghì chặt gần thêm lối về/ Gót hồng như thả bùa mê/ Xin đừng
giẫm nát lời thề heo may. Bài “Lang thang trong đêm” (trang 131)

- BÙI HỮU THIỀM (Mộc mạc mà chân tình) Chắc gì hai đã là đôi/ Gần còn chưa bén, xa xôi thế này/ Em giờ theo bạn sang Tây/ Bên nhà sung chín rụng đầy ngõ xưa. Bài “Ngõ xưa” (trang 164)

- VŨ BÌNH ĐỊNH (Chất phác mà đôn hậu) Yêu câu hát ví quê tôi/ Yêu hương sú vẹt, bãi bồi phù sa/ Con cò bay dọc tháng ba/ Chở trăng phố biển bay ra làng chài/ hoặc: Tôi ngồi đan lưới vớt lời/ Đem hương cau thả lên trời tặng anh. Bài “Quà quê” (trang 165)

- NGỌC BÁI (Sâu lắng, xót đau thân phận mà đầy nhân tính) Trở về đếm kiếp hoa tươi/ Đa đoan có giống kiếp người ngày xưa/ Ơ kìa nắng ơ kìa mưa/ Ơ kìa sợi tóc rụng vừa trắng đêm. Bài “Kiếp nắng mưa” (trang 90).

Thưa quý vị.
Ngoài những bài thơ Lục bát còn có những bài thơ tự do truyền thống (có vần điệu) có ý tưởng cao, đầy tính nhân văn. Xin được trích vài câu của những tác giả trong Tuyển tập và những nhà thơ hiện có mặt trong buổi Lễ Ra Mắt Tác Phẩm tối nay:

- TRẦN NHUẬN MINH: … Cả đời không bình yên/ Phút gặp người tình cũ/ Chao ôi/ Tình yêu như ngọn gió/ Bay qua/ Đầu mũi kim… Con người là những giọt nước mắt/ Của Đấng Âm U rơi xuống trần gian/ Giọt nước mắt bên phải là đàn ông/ Giọt nước mắt bên trái là đàn bà/ Chúng lẫn vào nhau/ Mà hóa ra bát ngát… Bài “45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh” (trích trong tuyển thơ Nhà Thơ Và Hoa Cỏ TNM) - Nhà thơ TNM còn nhiều bài thơ đặc sắc khác trong T/c số này (trang 195). Trước khi tìm hiểu về thơ TNM, xin mời quý vị đọc bài Phỏng vấn nhà thơ TNM do nhà báo Trần Thiện Khanh thực hiện (trang 191)
(Ít phút sau, nhà thơ, nhà báo Đỗ Quyên trong BBT sẽ giới thiệu với quý vị những thi phẩm chọn lọc của nhà thơ Trần Nhuận Minh)

- VÂN HẢI - Có bài “Hồi tưởng” ghi lại ký ức một thời. Thơ Vân Hải trăn trở nỗi đau thân phận con người, nồng nàn tình yêu quê hương nguồn cội: Con trở về đây, trở về đây/ Chờ đón giao thừa trong mắt cay/ Trong hồi tưởng thấy hồn tiên tổ/ Trong khói hương trầm phảng phất bay… (trang 10)
 

- VŨ THÀNH CHUNG (Suy tư, triết luận mà vẫn đằm thẳm, tha thiết).
Anh viết về Vancouver: Biển dài rộng, cánh chim bay mỏi mắt/ Những đàn chim phóng khoáng lượn nghiêng trời/ Trời và đất thảo thơm cùng mưa nắng/ Những cách rừng ngút ngát mãi sinh sôi. Bài “Giữa đôi bờ ảo vọng” (trang 30)
 
- MINH KHƯƠNG (Mộng mơ mà chân thật) Cái ngày ấy/ Sao mà vui đến thế/ Rải chiếu trên đê nằm hóng mát ngắm chị Hằng/ Thấy sao trời chuyểTn động băng băng/ Ngỡ mình đang cùng sao đây đó. Bài “Những ngày xa xưa ấy” (trang 46)

- HÀ CỪ (Sôi động mà sâu lắng) Một đời người - một khoảnh khắc, lạ mà quen/ Có mưa nắng - buồn vui, bốn mùa nối tiếp/ Em như thể một tinh cầu thu hẹp/ Đủ bốn mùa náo động cả đời anh…/ Bốn mùa em mưa nắng vẫn trong lành. Bài “Bốn mùa em” (trang 109)

- NAM DAO (ND là nhà văn lớn ở Hải ngoại, có tên tuổi trong và ngoài nước. Ông viết rất nhiều thể loại: Văn, thơ, kịch, bình luận, nhiều nhất trong sáng tác của ông vẫn là Tiểu thuyết lịch sử. Trong số này, nhà văn NDao có bài thơ “Xuống núi” (trang 108) - như thể một lời tâm sự về nỗi đau thân phận tiền kiếp: Thân lưu lạc, em bước vào lưu lạc/ Còn tôi, lưu lạc đã một đời/ Sỏi đá cũ, giẫm lên đau nhói/ Thương con đường, tôi khẽ gọi, em ơi.

- HỮU THỈNH (Trải nghiệm, thẳm sâu về nhân tình thế thái) Người yêu thơ chết vì những đòn văn/ Người say biển bị dập vùi trong sóng/ Người khao khát ngã vì roi mơ mộng/ Ta yêu mình tan nát bởi mình ơi. Bài “Tự thú” (trang 31)

Những chuyên mục QVHN số 2 như: Chân dung văn nghệ sỹ; Lý luận - Biên khảo; Bình thơ; Văn hóa - Phong tục; Diễn đàn văn chương; Phỏng vấn; Trang Tranh vui khá cuốn hút, phong phú. Mục Bình thơ thật xuất sắc của nhà thơ Vũ Quần Phương bình bài thơ “Nhớ rừng” của nhà thơ Thế Lữ. Lời bình sắc sảo, tinh tế. Nhà giáo Ưu tú Phan Bá Ất, bình về bài thơ “Thầy tôi” của nhà báo Nguyễn Thúy Quỳnh sâu rộng, có nhiều chiêm nghiệm đa dạng từ trong cốt lõi cuộc đời. Bài thơ rất ngắn mà chuyên chở được ý tưởng cao đẹp, cùng với lời bình sâu sắc tinh tế, đầy tính nhân văn.
(Bài thơ “Thầy tôi” cùng với lời bình của Phan Bá Ất, NTQ đã gửi cho chúng tôi qua Email, mang tựa đề: “Một Bài Thơ Ứa Máu”. Bài thơ này đã thức tỉnh, làm bàng hoàng trong giới Trí thức và Văn nghệ sĩ trong nước:

Một đời tích nghĩa nhân/ Thầy tôi đóng con đò đưa người qua Sông Chữ/ Kẻ thất học đi qua/ Sau một năm/ Cầm rìu chặt đò làm đôi/ Thầy ngậm ngùi đóng con đò mới/ Kẻ tiểu nhân đi qua/ Sau mười năm/ Vung búa chặt đò làm ba/ Thầy dằn lòng đóng con đò mới/ Người tâm phúc đi qua/ Sau ba mươi năm/ Trở bút một lần mà đò tan vạn mảnh/ Tôi về tìm Thầy/ Có người bảo lên sông Ngân mà hỏi/ Có người bảo thầy vẫn chèo đò đưa thiên hạ qua sông/ Những mảnh vỡ lặng câm/ Găm trong ngực/ Sông Chữ ngầu ngầu đang khóc/ Thầy ơi… Bài “Thầy tôi” (trang 181)

Thưa quý vị, tôi được biết ở Vancouver có nhiều nhà giáo, trong buổi Lễ
RMTP tối nay tôi cũng đã nhìn thấy tác giả Minh Khương, có bài “Những ngày xa xưa ấy” (trang 46) MK nguyên là giáo viên Cấp III trường phổ thông thị xã Cẩm Phả; Chị Hải, người con của thành phố Hạ Long QN cũng đã có một thời vang bóng, đứng trên bục giảng.

Mục Văn hóa - Phong tục Họa sĩ Đỗ Duy Minh có bài “Hoài niệm bún” ; nhà báo Fredda Laight có bài “Xuân” hấp dẫn, đưa bạn đọc gần lại với tình thương yêu quê nhà bằng văn hóa ẩm thực, và phong tục tập quán Tết cổ truyền của dân tộc VN dân dã nồng đượm hồn quê.

Thưa quý vị, chúng tôi giành ít phút sau để quý vị, quý anh chị trao đổi,
trò chuyện với những tác giả có mặt trong buổi Lễ RMTP tối nay.

Một lần nữa, tôi xin thay mặt Ban Biên tập chúc quý vị, quý thân hữu, văn hữu quý bạn đọc dồi dào sức khỏe và hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn quý vị.
Vancouver 24/9/2010
Việt Phong
 Nguồn: chungthuynguyen.com