Lời dẫn
Trong số những người góp phần xây nên diện mạo văn học quân đội và lĩnh vực xuất bản cách mạng nửa sau thế kỷ XX, nhà văn – biên tập viên Vũ Sắc là một gương mặt đặc biệt. Không nổi bật nơi bục danh vọng, không quen nói lớn, không tranh phần hơn thiệt, ông hiện diện thầm lặng mà thiết yếu như một mắt xích không thể thiếu trong cỗ máy sáng tạo của biết bao nhà văn, chiến sĩ cầm bút. Ông sống giản dị, làm việc miệt mài, lặng lẽ đốt mình soi sáng cho người khác viết, khác in. Bản thảo qua tay ông như được "giải oan", được gọt rũa, thăng hoa. Không chỉ là người biên tập, ông là người thầy, người truyền lửa, một “người cõng chữ” đúng nghĩa. Cuộc đời ông, nếu có thể gọi tên, ấy chính là một bản trường ca lặng thầm về tình yêu con chữ, tình nghĩa đồng đội và thủy chung với cách mạng.
Chân dung người làm sách đặc biệt
Nhà văn Vũ Sắc sinh năm 1925 tại xã Hoàng Mai (nay là phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội), trong một thời đoạn lịch sử đầy biến động. Ông tham gia Thanh niên cứu quốc từ Cách mạng tháng Tám, rồi nhập ngũ, theo học Trường Sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn, từng là cán bộ chỉ huy tại Đại đoàn 312 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy. Trong chiến trận, bên cạnh ý chí thép và tinh thần chiến đấu, ông thể hiện một tố chất rất khác: cái nhìn nhân văn, sâu sắc về con người. Chính điều đó đã đưa ông từ vai trò người chỉ huy sang một hành trình khác – hành trình chữ nghĩa.
Là một trong những cây bút sớm thành danh với truyện ngắn Con riêng, ông được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957. Nhưng bước ngoặt lớn nhất đời ông, không phải khi thành danh, mà là khi “vấp ngã” trong vụ Nhân văn – Giai phẩm. Không một lời tự bào chữa, ông chấp nhận đi thực tế ở Mộc Châu, sống và viết như một người công dân thực thụ. Ông coi đó là dịp thâm nhập cuộc sống, tiếp tục sáng tác – như cách người ta “đi rừng lấy chất liệu”. Khi trở lại, ông lặng lẽ nhận công tác mới, không còn quân hàm, không vinh quang, chỉ là một biên tập viên bình thường của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
Nhưng chính tại “đất lành” này, ông đã phát huy năng lực tổ chức, sáng tạo và đào tạo một cách bền bỉ. Ông xây dựng Phòng Văn nghệ, khởi xướng các trại sáng tác trong toàn quân, trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, giúp hàng trăm chiến sĩ – nhà văn bước đầu viết nên những trang văn từ kí ức chiến trường. Những tập hồi kí, truyện kí như Kỉ niệm sâu sắc trong đời bộ đội, Chúng tôi làm Cồn Cỏ, Bén phà P12… đều ít nhiều có dấu tay ông: đặt hàng, dựng đề cương, chỉnh sửa, biên tập. Đặc biệt, năm 1964, ông là người kiến tạo đề án xuất bản quy mô lớn kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 – 1964), để rồi hàng trăm đầu sách về chiến dịch huyền thoại đã kịp ra mắt đúng dịp lễ trọng đại.
Vũ Sắc không chỉ là “thợ cả” của nghề biên tập mà còn là người “khơi nguồn” tinh thần cho các thế hệ cầm bút trong quân đội. Ông gặp gỡ, thành người “tri âm, tri kỉ” với các tác giả tên tuổi từ Nguyễn Đình Thi, Hữu Mai, Hồ Phương… đến lớp nhà văn chống Mỹ như Chu Lai, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo, Trần Đăng Khoa… Chính nhà văn Vũ Thị Hồng, người kế nhiệm ông ở Phòng Văn nghệ, từng kể: “Qua ông, tôi học được cách đối nhân xử thế với cộng tác viên, cách nhìn nghề không chỉ như một công việc mà là một sứ mệnh”.
Nói ông là “thợ kim hoàn của con chữ” không phải quá lời. Bản thảo qua tay ông đều có bút tích: từ nhặt chữ, chọn chữ, đặt tên, chỉnh lời thoại đến “hóa giải” các chi tiết chính trị nhạy cảm. Ông hay nói với cộng sự: “Nhạy cảm thời nào cũng có, vấn đề là nhìn nhận cho đúng và cùng nhau tìm cách vượt qua nó trên một tần số chung”. Trong ông, phần “người cầm bút” và phần “người làm sách” hòa làm một – như ông từng viết: “Tất cả những gì thu nạp được cho phần người viết, hãy trút hết sang cộng tác viên. Trút hết! Không tích cóp, riêng tư…”.
Ông sống thanh đạm, đi làm bằng xe đạp cà tàng, mang theo chiếc cặp lồng bộ đội loang lổ vết sơn cũ. Ông nghỉ hưu mà không được phân đất, không có nhà, nhưng không hề oán trách. Mọi người nhớ về ông là nhớ một người đàn ông nhỏ thó, ánh mắt sáng, điếu cày tre bên mình, sống nghĩa tình và không ngơi tay làm sách cho đến tận những năm cuối đời.
Lời kết
Cuộc đời làm sách của nhà văn Vũ Sắc là một minh chứng cho tinh thần tận tụy, trung hậu, không màng danh lợi. Ông như một “người cõng chữ” cần mẫn, hết lòng vì người viết, vì bạn đọc, vì sự nghiệp văn học cách mạng. Sau 27 năm liền làm biên tập viên, từ 1960 đến 1987, ông để lại không chỉ tác phẩm cho riêng mình mà còn là một gia tài tinh thần phong phú cho các thế hệ viết văn trong quân đội. Dù đã đi xa, hình ảnh ông vẫn lặng lẽ đồng hành cùng những bản thảo cũ, những con chữ thấm đẫm mồ hôi và nhân cách của một người làm sách chân chính.
LHH