Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TỪ XUNG ĐỘT ISRAEL - IRAN ĐẾN CÁCH NHÌN BÀN CỜ LỚN TRONG PHÂN TÍCH QUAN HỆ QUỐC TẾ

Hoang Anh Tuan
Thứ hai ngày 30 tháng 6 năm 2025 8:45 AM

Hoang Anh Tuan


Cuối tuần thảnh thơi đôi chút, tôi có thói quen ngồi nghĩ lan man bên ly rượu về việc nhìn những câu chuyện kịch tính xảy ra trong tuần qua sao cho sát nhất.

Trong phân tích quan hệ quốc tế, người làm chiến lược phải luôn biết nhìn toàn cảnh, đặt mọi diễn biến trong cấu trúc của một “bàn cờ lớn” (Grand Chess Board). Ở đó, các nước lớn tính toán không chỉ từng bước đi riêng lẻ mà còn phối hợp, trao đổi, điều chỉnh lợi ích ở nhiều ván cờ khác nhau. Nếu chỉ nhìn thấy một phần, người ta dễ rơi vào cái bẫy “thấy cây mà không thấy rừng”, tức chỉ bám vào sự kiện trước mắt mà không hiểu được bối cảnh rộng lớn.

Ở chiều ngược lại, nếu chỉ bàn chuyện “rừng” mà quên mất những chuyển động cụ thể đang xảy ra trước mặt, thì lại rơi vào cái bẫy “thấy rừng mà không thấy cây”. Để phân tích chính xác và hành động hiệu quả, cần kết hợp nhuần nhuyễn cả tầm nhìn chiến thuật (gần) và chiến lược (xa). Hai nghiên cứu điển hình sau đây cho thấy rõ cách tiếp cận đó.

CASE STUDY THỨ NHẤT, BÀI HỌC TỪ GIẢI PHÁP CAMPUCHIA

Cuối những năm 1980, khi đàm phán về "Giải pháp Campuchia" bước vào giai đoạn quyết định, Cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch thường xuyên nhấn mạnh với các cán bộ ngành ngoại giao rằng: Muốn hiểu và giải quyết bài toán Campuchia thì không thể chỉ nhìn vào những diễn biến đang xảy ra tại Phnom Penh, Bangkok hay Jakarta. Điều quan trọng là phải theo dõi chặt chẽ các động thái ở Washington, Moscow, Paris và Beijing – nơi diễn ra các điều chỉnh chiến lược của các siêu cường.

Những bàn tay quyết định vận mệnh khu vực không nhất thiết xuất hiện trên chiến trường, nhưng họ chính là những người quyết định khi nào cuộc chơi dừng lại hoặc leo thang. Nhờ cách tiếp cận này, Việt Nam không bị cuốn vào thế bị động trước sức ép quốc tế, mà ngược lại giữ được vị thế đàm phán, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một giải pháp hòa bình toàn diện cho Campuchia và phù hợp với lợi ích của ta sau hàng thập kỷ xung đột.

CASE STUDY THỨ HAI, CUỘC CHIẾN ISRAEL – IRAN

Nếu chỉ nhìn gần, có thể cho rằng đây là một cuộc xung đột song phương giữa Israel và Iran. Nhưng khi mở rộng góc nhìn, đây là một ván cờ đa tầng có tính toán, trao đổi và quan sát chặt chẽ giữa các siêu cường.

- Trước khi không kích Iran, Tổng thống Trump điện đàm với Tổng thống Putin.

- Đặc phái viên Mỹ – Tướng Keith Kellogg – đến Belarus, đồng minh thân cận số 1 của Nga.

- Mỹ dỡ bỏ phong tỏa khoản 3 tỷ USD, Belarus thả tù nhân chính trị và công dân Mỹ.

- Mỹ – Belarus đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao từng đóng băng dưới thời TT Biden.

- TT Putin tuyên bố Israel là quốc gia nói tiếng Nga (1/4 dân số tức 2 triệu người Israel nói tiếng Nga); Nga không có hiệp ước an ninh với Iran.

Một loạt câu hỏi chợt nảy trong đầu:

1. Liệu đây có phải là tín hiệu rằng Moscow sẽ “không can dự nếu Mỹ hành động tại Iran”?

2. Ngoại trưởng Iran đang ở Moscow khi Mỹ tấn công. Cuộc gặp với TT Putin có vai trò gì, họ nói gì với nhau?

3. Vì sao Iran đồng ý ngừng bắn chỉ vài giờ sau cuộc gặp với TT Putin?

Trước đó, tại Hội nghị G7 ở Canada, nơi TT Mỹ phải dời sớm. Tại đó, Mỹ từ chối gói viện trợ 40 tỷ USD mỗi năm cho Ukraine.

Các câu hỏi tiếp theo là:

1. Phải chăng Mỹ ngầm nhượng bộ Nga tại Ukraine và Belarus để đổi lấy việc Nga bật “đèn xanh” cho Mỹ ở Trung Đông?

2. Nếu không có bảo đảm từ Nga, nếu TT Putin không nói Nga và Iran không có liên minh quân sự (hai bên hỗ trợ nhau nếu một trong 2 bên bị tấn công) liệu Mỹ có dám điều B-2 tấn công các cơ sở hạt nhân?

Ngay sau khi ném bom, Mỹ chuyển hướng sang Trung Quốc. Ngoại trưởng Rubio đề nghị Trung Quốc gây sức ép buộc Iran không phong tỏa eo biển Hormuz.

Các câu hỏi đặt ra là:

1. Trung Quốc nhập khẩu 5 triệu thùng dầu/ngày qua Hormuz, tức khoảng 20% số dầu thô vận chuyển qua đây – liệu có muốn đứng ngoài cuộc và để chiến tranh lan rộng?

2. Liệu Mỹ có đẩy gánh nặng kiềm chế Iran lên Trung Quốc?

3. Trung Quốc có thực sự tác động ra sao đến quyết định ngừng bắn của Iran?

4. Sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn, phái đoàn quân sự Iran không đi Nga như thường lệ, mà lại đi Trung Quốc, đặt mua luôn 40 máy bay tiêm kích J-10 để nâng cao năng lực quốc phòng.

Tôi chỉ quan sát, ngẫm nghĩ, tự đặt cho mình những câu hỏi. Tất nhiên, khi đã nghĩ ra được câu hỏi thì tìm ra câu trả lời liên kết các sự kiện với nhau không còn là vấn đề lớn nữa. Những thông tin tôi đọc cũng là những thông tin công khai ai cũng biết cả. Rồi khi đọc xong tôi tự mỉm cười, thấy thú vị khi nhận ra rằng trong bàn cờ quốc tế, mỗi quân cờ là một mắt xích chiến lược, và chỉ một nước đi thôi cũng có thể định hình lại toàn bộ thế trận.

KẾT LUẬN

Câu chuyện rút ra ở đây là: Tư duy chiến lược không hình thành một cách tự nhiên, mà phải được tôi luyện, thử thách hàng ngày. Tư duy chiến lược không chỉ là phân tích thông tin, mà là nghệ thuật kết nối từng chi tiết để nhìn thấy cấu trúc. Phải vừa thấy cụ thể (micro), vừa hiểu tổng thể (macro). Chỉ khi đó, một quốc gia mới điều hướng được hành động của mình giữa hỗn độn thời cuộc. Muốn chơi giỏi trên bàn cờ quốc tế, không chỉ biết ai đang dịch chuyển quân cờ, mà quan trọng hơn là biết ai đang thực sự điều khiển cuộc chơi./.