Trang chủ » Tin văn và...

NGUYỄN XUÂN DIỆN PHỎNG VẤN PHAN CẨM THƯỢNG

Nguyễn Xuân Diện
Chủ nhật ngày 19 tháng 9 năm 2010 5:24 AM

 

TRÒ CHUYỆN VỚI HỌA SĨ PHAM CẨM THƯỢNG VỀ PHIM

LÝ CÔNG UẨN - ĐƯỜNG TỚI THÀNH THĂNG LONG

NXD: Xin chào Ông Phan Cẩm Thượng, trước hết xin cảm ơn ông đã dành cho tôi cuộc trò chuyện tối nay, xung quanh câu chuyện phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long hiện đang được bàn luận sôi nổi trên báo chí và các blog cá nhân.

Thưa, ông đã được xem toàn bộ 19 tập phim này chưa ạ?

PCT: Tôi chưa được xem một tập nào, nhưng tôi ở phim trường hầu hết thời gian làm phim, theo dõi tất cả các cảnh quay cũng như các sự chuẩn bị cho nó.

NXD: Còn đoạn phim quảng cáo thì ông đã xem chưa? Và ông có đọc được các dư luận bàn tán xung quanh đoạn quảng cáo ấy?

PCT: Tôi đã xem và có đọc tất cả các bình luận, chủ yếu là chê và không muốn bộ phim được trình chiếu.

NXD: Thưa ông, ông tham gia bộ phim này với vai trò và nhiệm vụ gì? Trong quá trình làm phim thì ý kiến của ông đã được tiếp thu như thế nào? Có những điều gì mà khi ông đưa ra nhưng không được tiếp thu mà ông thấy đáng tiếc.

PCT: Tôi được công ty Trường Thành mời làm cố vấn văn hóa và mỹ thuật cho bộ phim. Ban đầu tôi có viết vài lưu ý về văn hóa, xã hội thời Lý, cũng tương đối chi tiết như quần áo, cây cỏ, đồ dùng,v.v.cho hãng Trường Thành. Sau khi họ thay đổi đạo diễn, tôi lại viết lại một lần nữa, và còn tự dịch sang tiếng Trung Quốc, vì trong đó có nhiều thuật ngữ cổ. Tiếc thay, các nhận xét và lưu ý này hình như không ai đọc, kể cả người ta lẫn người Trung Quốc.

Tôi cũng có vẽ một số thiết kế hình ảnh về binh lính thời Lý, một số phông nền trong nội thất cung đình, các loại cờ hiệu. Một số phông nền và cờ hiệu cũng được họa sĩ TQ sử dụng vào trong bối cảnh kiến trúc TQ. Nhưng thiết kế cho binh lính thời Lý thì không ai chấp nhận. Đó là những người lính cởi trần đóng khố, xăm mình, mang khiên và mã tấu.

Khi sang TQ, thì đạo diễn và họa sĩ TQ cùng chúng tôi đi chọn bối cảnh. Họ rất tôn trọng ý kiến của chúng tôi nhưng ở trường quay Hoành Điếm không có một bối cảnh nào bé nhỏ và đơn giản như cảnh vật VN. Chúng tôi đành chọn kiến trúc Tần Hán, chủ yếu xây dựng bằng đất và sơn nâu đen nhưng cũng rất quy mô so với chúng ta!

Về đạo cụ, thì tôi cũng chọn được những đồ vật gốm theo phong cách Đường Tống, đồ gỗ theo phong cách Hán cũng tương tự như thời Lý. Tuy nhiên, thuyền thì không có, cho nên những cảnh thuyền bè sông nước phải về VN quay. Ở Ninh Bình thì cũng không đào đâu ra một thuyền gỗ, vì ngư dân ở đó dùng thuyền xi –măng. Sơ sơ như vậy, có thể nói là sự chuẩn bị về vật chất có tính lịch sử cho phim hết sức khó khăn.

NXD: Thưa, vậy trang phục phim thì do ai phụ trách. Và ông có hài lòng về các trang phục trong phim, ví dụ như trang phục nhà vua, các hoàng hậu, cung tần, tướng lĩnh . Được biết ông là tác giả của các biên khảo về Đồ họa cổ, Điêu khắc cổ được xem như những sưu tập rất hàn lâm, đầy đủ và công phu về chân dung người Việt qua các thời kỳ lịch sử, so với trang phục trong phim thì ông thấy thế nào? Và vì sao, chỉ mới xem đoạn quảng cáo ngắn ngủi đó mà dư luận đã phản ứng rất mạnh mẽ. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

PCT: Bà Đoàn Thị Tình là họa sĩ thiết kế chính của trang phục phim, nhưng bà không đi TQ đợt đó, nên những khúc mắc về trang phục thì tôi phải làm thay, cùng với một họa sĩ trang phục TQ là cô Vương Lợi. Ở TQ, những xưởng may trang phục cho phim lịch sử, họ có quyền quyết định bộ trang phục đó thế nào mà không phụ thuộc vào họa sĩ thiết kế. Trừ trường hợp anh thiết kế một bộ trang phục mới, không dính dáng gì đến lịch sử trang phục TQ. Vì vậy, bà Tình dựa vào những tư liệu lịch sử của cha ông; cha ông ta lại chép những quy chế trang phục TQ, nên người thợ TQ cho rằng tốt nhất là cứ làm theo đúng truyền thống của họ, ví dụ: Bà Tình không thiết kế hình rồng trên hoàng bào của vua Đinh vua Lê, mà muốn dành con rồng cho Lý Công Uẩn. Hội đồng may trang phục nói rằng: Đã là vua phải có rồng, nên cứ cho rồng vào tất cả các bộ hoàng bào. Họa sĩ và đạo diễn TQ cũng phải theo.

Một số bộ trang phục khác thì họ cũng làm theo thiết kế của Việt Nam. Nhưng có thể nói rằng, làm đúng như họ thì mặc dễ, diễn dễ, làm như ta thì mặc khó, diễn khó. Vì trang phục của phim không phải là trang phục thường ngày; nó phải được thiết kế đặc biệt cho sự diễn xuất. Ở nước ta không ai biết điều này! Vì trang phục ảnh hưởng đến tác phong đi lại, đứng ngồi theo kiểu TQ hay theo kiểu VN. Tôi ví dụ, theo thiết kế của bà Tình, thì các quan lại đều mặc một cái quần bên trong, nhưng không giải trình, nên người TQ may thành một cái váy cho tiện. Lúc diễn, các diễn viên chỉ có thể ngồi quỳ theo kiểu Hán mà không thể ngồi khoanh chân trên chiếu như người Việt. Khi ngồi khoanh chân, thì cái bàn TQ lên đến ngang mặt, đạo diễn không đồng ý, cho rằng hình ảnh không đẹp nên đề nghị tất cả ngồi quỳ. Một chi tiết như vậy, cho thấy rằng việc thiết kế trang phục và đạo cụ không thể tùy tiện, mà phải nghiên cứu rất sâu sắc mới làm được phim.

Các trang phục diễn viên quần chúng thì đều thuê, có gì mặc nấy, nên rất luộm thuộm và các diễn viên quần chúng đều là nông dân TQ, họ không quan tâm gì đến phong thái người Việt Nam, nên họ cứ đóng như họ sống hàng ngày. Trừ một số bộ trang phục cho các cô gái là diễn viên chính thì rất đẹp và mang phong cách nông thôn VN. Với nhiệt độ từ 0 đến – 5 độ thì không thể ăn mặc sơ sài được, cho nên việc cởi trần đóng khố, ăn mặc đơn giản như người Việt, trên thực tế không thực hiện được, thậm chí còn phải độn cho dày mới chịu được lạnh.

Về trang phục, bà Tình đã căn cứ đúng vào quy chế vương phục, nhưng nhẽ ra là phải bớt màu, bớt chi tiết đi thì mới ra Việt Nam. Đây chính là cách mà các cụ nhà ta làm! Ví dụ: trên áo đại triều của hoàng đế, phải có 13 loại hoa văn thì tôi xem các hoàng bào ở VN (ở các bảo tàng, các tư liệu) thì không có bộ nào đủ như vậy. Tượng thờ thì lại có xu hướng làm cho long trọng hơn, cho nên chỉ nên căn cứ vừa vừa vào tượng thờ. Các tài liệu TQ cũng nhắc một điều là trang phục của tranh và tượng thờ không phải là trang phục thực tế, nhất là các bộ áo giáp. Nếu thiết kế đúng như tượng thờ thì chỉ đẹp mà không đánh nhau được. Cái này bên ta cũng không biết!

Phải có ba bước như sau, thì mới làm được phim lịch sử: 1. Lịch sử khảo cổ; 2. Nghiên cứu trên cơ sở của lịch sử khảo cổ thành sách; 3. Viết sách công cụ cho các nhà sân khấu điện ảnh để họ dàn dựng cho phù hợp với diễn xuất hiện đại. Cái này, TQ đã làm cả rồi, nhưng ta thì chưa làm được. Mỗi một đạo diễn, họa sĩ, hóa trang, phục trang TQ đều có 1 quyển sách công cụ như vậy trong tay.

NXD: Vậy những cuốn sách của Đoàn Thị Tình, Trịnh Quang Vũ, Ngô Đức Thịnh đã đáp ứng được yêu cầu này chưa? Và nếu chưa thì vì sao?

PCT: Những cuốn sách đó, để dành cho những nghiên cứu rộng trong xã hội, muốn sử dụng thì còn phải kiểm chứng và phải mất 1 lần nữa soạn lại cho các nhà nghệ thuật dùng, mới có thể thành sách công cụ được.

NXD: Mặc dù là đã nghe ông nói vừa rồi, nhưng cái đoạn phim quảng cáo đó đã khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ, cho rằng nó đặc Tàu, vậy ý kiến của ông về ý kiến đó ra sao?

PCT: Mong muốn có một bộ phim lịch sử tốt mang phẩm chất văn hóa thì ai cũng có, nhưng thực hiện được hay không thì phải xét thực lực của mình.Trong chuyện này, mong muốn của ta là không hiện thực và không tự nhiên. Điện ảnh là một ngành công nghiệp hay công nghệ hiện đại. Ta chưa có công nghiệp điện ảnh và công nghệ hiện đại thì lấy cái gì để biểu hiện văn hóa Việt Nam, trừ trường hợp ta diễn tuồng, diễn chèo hay vẽ một cái tranh bằng tay. Đây là điều tôi nhận ra khi tham gia đoàn làm phim này nên tôi sẵn sàng nhận những thiếu sót về trách nhiệm văn hóa của mình khi không đáp ứng được nhu cầu của khán giả trong nước. Nhưng, bộ phim cũng là một bài học rằng ta cần phải xây dựng nền công nghiệp điện ảnh song song với việc làm phim.

NXD: Thưa ông, dư luận hiện nay kêu gọi tẩy chay phim này và đề nghị nhà nước cấm chiếu, vậy với tư cách là một nhà nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật truyền thống ông thấy nên xử lý như thế nào, nhất là trong thời điểm Đại lễ đang đến rất gần?

PCT: Khi trả lời báo TT &VH tôi có nói một ý rằng, cha ông ta cố gắng bắt chước TQ thì lại ra văn hóa VN, còn chúng ta càng tránh ảnh hưởng của văn hóa TQ thì ta lại càng giống TQ. Có lẽ do ý thức về đất nước của chúng ta bây giờ không bằng người xưa chăng? Ngay cả ý nghĩ không thích cái gì thì đào đất đổ đi, cũng là một ý nghĩ theo kiểu phong kiến TQ. Tôi nghĩ rằng, cần phải nghiên cứu tìm hiểu bộ phim đó rồi hãy phê bình. Còn trình chiếu ở quy mô nào, thì đó là việc của các nhà quản lý văn hóa.

NXD: Xin cảm ơn ông đã dành cho tôi cuộc trao đổi thẳng thắn này.

PV được thực hiện từ 20h – 22h10, ngày 17.9.2010 tại nhà riêng Ông Phan Cẩm Thượng.


Nguồn: http://nguyenxuandien.blogspot.com/2010/09/ang-phong-van-hs-phan-cam-thuong.html