Trang chủ » Tài liệu tham khảo

ĐIỂM YẾU CỦA TẬP CẬN BÌNH

Thái Hà
Thứ hai ngày 17 tháng 10 năm 2022 9:18 AM
Posted on 29/09/2022 by Boxit VN

Khi Tập lên nắm quyền, nhiều người ở phương Tây đã ca ngợi ông là Mikhail
Gorbachev của Trung Quốc. Một số người mơ tưởng rằng, giống như nhà lãnh đạo
cuối cùng của Liên Xô, Tập sẽ thực hiện những cải cách triệt để, giải phóng sự kìm
kẹp của nhà nước đối với nền kinh tế và dân chủ hóa hệ thống chính trị. Tất nhiên, điều
đó hóa ra chỉ là một suy nghĩ viển vông. Thay vào đó, Tập, một học trò nhiệt thành của
chủ nghĩa Mao, đồng thời cũng mong muốn để lại dấu ấn cá nhân trong lịch sử, đã nỗ
lực để thiết lập quyền lực tuyệt đối của mình. Vì những cải cách trước đây không thực
sự thiết lập cơ chế kiểm soát và đối trọng lên nhà lãnh đạo đảng, nên ông đã thành
công. Giờ đây, cũng như dưới thời Mao, Trung Quốc là nơi một người nắm trọn quyền
hành.
Một phần trong kế hoạch củng cố quyền lực của Tập là giải quyết vấn đề mà ông cho
là khủng hoảng ý thức hệ. Ông nói, Internet là một mối đe dọa sống còn đối với
ĐCSTQ, khiến đảng này mất quyền kiểm soát tâm trí của mọi người. Vì vậy, Tập đã
thẳng tay đàn áp các blogger và các nhà hoạt động trực tuyến, kiểm duyệt những nội
dung bất đồng chính kiến, và củng cố “vạn lý hỏa thành” của Trung Quốc nhằm hạn
chế truy cập vào các trang web nước ngoài. Kết quả là, xã hội dân sự non trẻ đã bị bóp
nghẹt và dư luận trong vai trò người giám sát Tập đã bị tiêu diệt.

Phần I
Thái Hà (Cai Xia 蔡霞)(*), “The Weakness of Xi Jinping”, Foreign Affairs, 09-10/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Thói tự cao và chứng hoang tưởng đã đe dọa tương lai của Trung Quốc như thế nào?
Không lâu trước đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cực kỳ thành công. Ông
củng cố quyền lực của mình trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đưa bản thân lên
ngang hàng với nhà lãnh đạo biểu tượng của đảng, Mao Trạch Đông, và loại bỏ giới hạn
đối với nhiệm kỳ Chủ tịch nước, cho phép ông trở thành lãnh đạo trọn đời. Trong nước,
ông khoe khoang mình đã có bước tiến vượt bậc trong công cuộc xóa đói giảm nghèo; còn

ở nước ngoài, ông tuyên bố đã nâng uy tín quốc tế của đất nước lên tầm cao mới. Đối với
nhiều người Trung Quốc, chiến thuật lãnh đạo cứng rắn (strongman) của Tập là cái giá có
thể chấp nhận được để phục hưng đất nước.
Bên ngoài, Tập vẫn cực kỳ tự tin. Trong một bài phát biểu vào tháng 01/2021, ông tuyên
bố Trung Quốc là “bất khả chiến bại”. Nhưng đằng sau hậu trường, quyền lực của ông
đang bị nghi ngờ chưa từng thấy. Bằng cách loại bỏ truyền thống cai trị tập thể lâu đời của
Trung Quốc, và tạo ra một sự sùng bái cá nhân gợi nhớ đến thời Mao, Tập đã khiến
những thành viên khác trong đảng nổi giận. Trong khi đó, một loạt sai lầm chính sách đã
khiến những người ủng hộ ông thất vọng. Việc đảo ngược các cải cách kinh tế và phản ứng
thiếu sót của Tập đối với đại dịch COVID-19 đã khiến hình ảnh anh hùng của ông vụn vỡ
trong mắt người dân. Sự phẫn nộ đang ngấm ngầm gia tăng trong giới tinh hoa ĐCSTQ.
Từ lâu, tôi đã được ngồi hàng ghế đầu để quan sát cuộc chiến chốn thâm cung của
ĐCSTQ. Trong 15 năm giảng dạy tại Trường Đảng Trung ương, tôi đã giúp đào tạo hàng
nghìn quan chức cấp cao của đảng phục vụ trong bộ máy hành chính Trung Quốc. Suốt
quãng thời gian đó, tôi cũng cố vấn cho dàn lãnh đạo cao nhất về việc xây dựng đảng, và
đã tiếp tục làm như vậy sau khi nghỉ hưu vào năm 2012. Năm 2020, sau khi công khai chỉ
trích Tập, tôi bị khai trừ khỏi đảng, bị tước hết các quyền lợi hưu trí, và bị cảnh báo rằng
bản thân sẽ không còn được an toàn. Giờ đây, tôi đang sống lưu vong ở Mỹ, nhưng vẫn
còn giữ liên lạc với nhiều người ở Trung Quốc.
Tại đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào mùa thu năm nay, Tập dự kiến sẽ đảm
nhiệm thêm nhiệm kỳ thứ ba kéo dài 5 năm. Dù sự khó chịu ngày càng tăng trong giới
tinh hoa đảng có nghĩa là việc tái đắc cử của ông sẽ gây tranh cãi, nhiều khả năng ông vẫn
sẽ thành công. Nhưng thành công đó sẽ mang theo nhiều sóng gió. Phấn chấn trước
nhiệm kỳ bổ sung chưa từng có tiền lệ, Tập có lẽ sẽ tiếp tục siết chặt sự kiểm soát trong
nước, đồng thời nâng cao tham vọng của mình trên trường quốc tế. Khi sự cai trị của Tập
trở nên cực đoan hơn, cuộc tranh đấu nội bộ và sự phẫn nộ mà ông đã gợi ra sẽ chỉ càng
thêm mạnh mẽ. Sự cạnh tranh giữa các phe phái khác nhau trong đảng sẽ trở nên khốc
liệt, phức tạp, và tàn bạo hơn bao giờ hết.
Đến lúc ấy, Trung Quốc có thể sẽ rơi vào một vòng tròn luẩn quẩn, trong đó Tập phản ứng
trước những gì ông cho là mối đe dọa bằng các hành động táo bạo hơn, các hành động
này đến lượt chúng lại tạo ra nhiều phản kháng hơn. Luẩn quẩn chỉ nghe những ý kiến
thuận chiều, và tuyệt vọng chứng minh mình đúng, ông hoàn toàn có thể đi đến những
quyết định thảm họa, chẳng hạn như tấn công Đài Loan. Tập cũng có thể phá hỏng điều
mà Trung Quốc đã gầy dựng suốt 4 thập niên qua: danh tiếng về khả năng lãnh đạo ổn
định và có năng lực. Mà thực ra, điều đó đã xảy ra rồi.
MAFIA TRUNG QUỐC
Xét trên nhiều khía cạnh, ĐCSTQ hầu như không thay đổi kể từ khi họ lên nắm quyền vào
năm 1949. Tương tự như trước đây, đảng vẫn nắm quyền kiểm soát tuyệt đối trên toàn bộ
Trung Quốc, cai trị quân đội, cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp bù nhìn. Các cấp
bậc trong đảng đều phải báo cáo cho Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết
định hàng đầu của đất nước. Bao gồm từ năm đến chín thành viên của Bộ Chính trị, Ủy
ban Thường vụ do Tổng bí thư, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, đứng đầu. Kể từ
năm 2012, người đó là Tập Cận Bình.
Chi tiết về cách thức hoạt động của Ủy ban Thường vụ là một bí mật được bảo vệ nghiêm
ngặt, nhưng ai cũng biết rằng nhiều quyết định đã được đưa ra bằng cách chuyền tay các
tài liệu liên quan đến các vấn đề chính sách lớn, và các ủy viên sẽ lần lượt bổ sung thêm ý
kiến. Những tài liệu đó thường được viết bởi các nhà lãnh đạo đứng đầu các bộ hoặc các
cơ quan khác của đảng, cũng như chuyên gia từ các trường đại học và viện chính sách
hàng đầu. Nếu đề xuất của một cá nhân đến được tay của các Ủy viên Thường vụ, nó sẽ là
vinh dự cho cả cơ quan của người đó. Khi tôi còn là Giáo sư, Trường Đảng Trung ương đặt
ra yêu cầu phải nộp các đề xuất như vậy mỗi tháng một lần. Các tác giả có đề xuất được
trình lên Ủy ban Thường vụ sẽ nhận tiền thưởng tương đương khoảng 1.500 đô la – cao
hơn cả tiền lương hàng tháng của một Giáo sư.
Ngoài ra, có một đặc điểm khác của đảng cũng không thay đổi: tầm quan trọng của các
quan hệ cá nhân. Để được thăng tiến trong hệ thống cấp bậc của đảng, các mối liên hệ cá
nhân, bao gồm danh tiếng và truyền thống đảng viên của gia đình, cũng quan trọng như
năng lực và ý thức hệ.
Điều đó chắc chắn đúng với trường hợp của Tập. Trái ngược với nội dung tuyên truyền
của Trung Quốc và đánh giá của nhiều nhà phân tích phương Tây, rằng ông ta đã vươn
lên nhờ tài năng của mình, sự thật là hoàn toàn ngược lại. Tập được lợi rất nhiều từ các
mối quan hệ của cha mình, Tập Trọng Huân, một lãnh đạo ĐCSTQ với uy tín cách mạng
rất lớn, người từng giữ chức bộ trưởng tuyên truyền một thời gian ngắn dưới thời Mao.
Khi Tập Cận Bình còn là bí thư huyện ủy ở tỉnh Hà Bắc vào đầu những năm 1980, mẹ ông
đã viết một bức thư gửi cho bí thư tỉnh ủy, đề nghị ông giúp Tập thăng tiến. Nhưng vị
quan chức này, Cao Dương (Gao Yang), sau đó đã tiết lộ nội dung của bức thư tại một
cuộc họp của thường vụ tỉnh ủy. Hành động đó khiến gia đình Tập xấu hổ, vì lá thư đã vi
phạm chiến dịch mới của ĐCSTQ – cấm nhờ vả giúp đỡ. (Tập chắc chắn đã không quên
chuyện này, vào năm 2009, khi Cao qua đời, ông thẳng thừng từ chối đến dự đám tang,
theo đó phá vỡ thông lệ, dù cả hai đều từng là hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương.)
Một vụ bê bối kiểu này có thể hủy hoại sự nghiệp của một cán bộ bình thường, nhưng các
mối quan hệ của Tập đã giúp ông: cha của bí thư tỉnh ủy Phúc Kiến là phụ tá thân tín của
Tập Trọng Huân, và hai bên gia đình đã sắp xếp để đưa ông về tỉnh này.
Nhưng Tập Cận Bình vẫn tiếp tục thất bại. Năm 1988, sau khi để mất chức phó thị trưởng
trong một cuộc bầu cử địa phương, ông được thăng chức bí thư quận ủy. Tuy nhiên, khi
đó, Tập đã cảm thấy chán nản với sự nghiệp tầm trung của mình. Trong ĐCSTQ, việc
chuyển từ cấp quận huyện lên cấp tỉnh là cả quãng đường dài, và suốt nhiều năm, ông đã
không thể vượt qua nó. Nhưng một lần nữa, liên hệ gia đình đã trở nên có ích. Năm 1992,
sau khi mẹ của Tập viết đơn cầu xin tân Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến, Giả Khánh Lâm (Jia
Qinglin), con trai bà đã được chuyển đến đây. Kể từ thời điểm đó, sự nghiệp của Tập Cận
Bình đã bắt đầu khởi sắc.

Tất cả các cán bộ cấp thấp đều biết rõ, để có thể thăng tiến trong ĐCSTQ, người ta phải
tìm được một người nâng đỡ ở cấp cao hơn. Trong trường hợp của Tập, chuyện này khá dễ
dàng, vì nhiều nhà lãnh đạo đảng rất tôn trọng cha ông. Người nâng đỡ đầu tiên và quan
trọng nhất của ông là Cảnh Biểu (Geng Biao), một quan chức ngoại giao và quân sự hàng
đầu, từng làm việc cho cha của Tập. Năm 1979, Cảnh đưa Tập về làm thư ký cho mình.
Việc có người cố vấn từ giai đoạn đầu trong sự nghiệp sẽ để lại tác động lớn đến hàng chục
năm. Mỗi quan chức cấp cao đều có “ê-kíp” của riêng mình, hay nhóm người mà họ bảo
trợ, mà trên thực tế chính là các phe phái trong đảng. Thật vậy, các cuộc tranh luận được
cho là về ý thức hệ và chính sách trong nội bộ ĐCSTQ có bản chất ít phức tạp hơn nhiều:
chúng là các cuộc tranh giành quyền lực giữa các ê-kíp khác nhau. Một hệ thống như vậy
tạo ra một mạng lưới của lòng trung thành cá nhân. Nếu vị cố vấn thất sủng, thì kẻ mà
ông ta bảo trợ cũng kể như “mồ côi.”
Đối với người ngoài, sẽ hữu ích hơn nếu xem ĐCSTQ giống như một tổ chức mafia thay vì
một đảng chính trị. Người đứng đầu đảng là bố già, kế đến là các ông trùm dưới, hay Ủy
ban Thường vụ. Những người đàn ông này sẽ chia nhau quyền lực, mỗi người chịu trách
nhiệm về một số lĩnh vực nhất định – chính sách đối ngoại, kinh tế, nhân sự, chống tham
nhũng, … Họ cũng được coi là quân sư cho bố già, tư vấn cho ông về các lĩnh vực chuyên
trách của họ. Tiếp đến là 18 thành viên còn lại của Bộ Chính trị, những người sẽ kế nhiệm
các ủy viên thường vụ. Họ có thể được coi là tay chân của mafia, thực hiện mệnh lệnh của
Tập nhằm loại bỏ những gì ông cho là mối đe dọa, với hy vọng sẽ tiếp tục được bố già
trọng dụng. Với vị thế của mình, họ được phép làm giàu chừng nào còn chấp nhận được,
chiếm đoạt đất đai và các cơ sở kinh doanh mà không bị trừng phạt. Và cũng giống như
mafia, đảng này sử dụng đủ thứ công cụ để đạt được thứ mình muốn: hối lộ, tống tiền,
thậm chí là bạo lực.

CHIA SẺ LÀ QUAN TÂM
Dù sức mạnh của quan hệ cá nhân và tính linh hoạt của các quy tắc chính thức vẫn giữ
nguyên kể từ khi Trung Quốc Cộng sản được thành lập, nhưng có một điều đã dần thay
đổi: mức độ tập trung quyền lực vào tay một người duy nhất. Từ giữa những năm 1960 trở
đi, Mao nắm quyền kiểm soát tuyệt đối và là người có tiếng nói cuối cùng trong mọi vấn
đề, dù ông thể hiện quyền lực của mình không quá thường xuyên và về mặt chính thức
vẫn ngang hàng với các lãnh đạo còn lại. Nhưng khi Đặng Tiểu Bình trở thành nhà lãnh
đạo thực tế của Trung Quốc vào năm 1978, ông đã xoá bỏ chế độ độc tài suốt đời của Mao.
Đặng giới hạn thời gian nắm quyền của chủ tịch nước Trung Quốc xuống còn tối đa hai
nhiệm kỳ 5 năm và thiết lập một hình thức lãnh đạo tập thể, cho phép các quan chức khác
– đầu tiên là Hồ Diệu Bang và sau đó là Triệu Tử Dương – giữ chức vụ Tổng Bí thư đảng,
ngay cả khi ông vẫn nắm quyền thực chất phía sau. Năm 1987, ĐCSTQ quyết định cải
cách quy trình lựa chọn các thành viên của Ban chấp hành Trung ương, cơ quan giám sát
trên danh nghĩa của đảng, đồng thời là cơ quan mà từ đó các ủy viên Bộ Chính trị được
lựa chọn. Lần đầu tiên trong lịch sử, đảng đề xuất nhiều ứng viên hơn số ghế – không hẳn
là một cuộc bầu cử dân chủ, nhưng dù sao cũng là một bước đi đúng hướng. Ngay cả ứng
viên được Đặng Tiểu Bình ủng hộ cũng không chắc sẽ thành công: ví dụ, Đặng Lực Quần
(Deng Liqun), một người theo chủ nghĩa Mao, vốn được Đặng Tiểu Bình hứa hẹn thăng

chức vào Bộ Chính trị, đã không đạt đủ số phiếu và buộc phải giã từ sự nghiệp chính trị.
(Điều đáng chú ý là khi Ban chấp hành Trung ương đảng tổ chức bầu cử năm 1997, Tập
suýt chút nữa đã không được chọn. Ông có ít phiếu nhất trong số những người có tên
trong danh sách, phản ánh sự chán ghét của đảng đối với các “Thái tử Đảng,” hậu duệ của
các lãnh đạo đảng cấp cao, những người đã thăng tiến nhờ quan hệ gia đình hơn là thực
lực.
Để tránh lặp lại Cách mạng Văn hóa thảm khốc, khi sự tuyên truyền của chủ nghĩa Mao
đạt đến đỉnh điểm, Đặng cũng tìm cách ngăn cản bất kỳ nhà lãnh đạo nào tìm kiếm sự
sùng bái cá nhân. Năm 1978, một sinh viên trường Đảng Trung ương là bạn thân của tôi
đã nhìn thấy trong chuyến đi đến một trang trại chăn nuôi heo ở ngoại ô Bắc Kinh, những
món đồ mà Hoa Quốc Phong đã sử dụng trong một chuyến thị sát – một ấm nước nóng,
một tách trà – được trưng bày trong tủ kính, như thể một ngôi đền tôn giáo. Bạn tôi đã
viết thư cho Hoa để chỉ trích sự sùng bái cá nhân, và ông đã cho dẹp bỏ những món đồ
trưng bày. Năm 1982, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đi xa đến mức ghi vào điều lệ
đảng một lệnh cấm sùng bái cá nhân, mà họ coi là đặc biệt nguy hiểm.
Đặng chỉ chịu chia sẻ quyền lực đến mức ấy, và ông đã liên tiếp loại bỏ Hồ và Triệu khi hai
người này tỏ ra quá tự do về mặt chính trị. Nhưng người kế nhiệm Đặng, Giang Trạch
Dân, đã tiến hành cải cách chính trị sâu rộng hơn. Ông cho thể chế hóa nhóm cố vấn của
mình, để họ hoạt động nhiều hơn với tư cách là một văn phòng điều hành. Ông tìm kiếm
lời khuyên từ tất cả các thành viên của Ủy ban Thường vụ, mà đến thời điểm đó đã ra
quyết định dựa trên đa số phiếu, và ông cũng cho lưu hành rộng rãi các dự thảo phát
biểu. Giang cũng khiến các cuộc bầu cử Ban chấp hành Trung ương có tính cạnh tranh
hơn một chút, bằng cách tăng tỷ lệ ứng viên so với số ghế. Ngay cả các Thái tử Đảng,
trong đó gồm một người con trai của Đặng, cũng có thể thất bại trong cuộc bầu cử.
Khi Hồ Cẩm Đào lên kế nhiệm Giang Trạch Dân vào năm 2002, Trung Quốc đã tiếp tục
tiến xa hơn trên con đường lãnh đạo tập thể. Hồ cai trị với sự đồng thuận của chín thành
viên Ủy ban Thường vụ, một nhóm được gọi là “cửu long trị thuỷ.” Cách tiếp cận theo chủ
nghĩa quân bình này cũng có những hạn chế. Mỗi thành viên của Ủy ban Thường vụ đều
có thể phủ quyết bất kỳ quyết định nào, dẫn đến suy nghĩ rằng Hồ một nhà lãnh đạo yếu
không thể vượt qua bế tắc. Trong gần 10 năm, các cuộc cải cách kinh tế bắt đầu dưới thời
Đặng đã bị đình trệ. Tuy nhiên, cũng có những ưu điểm nhất định, vì yêu cầu đồng thuận
đã ngăn cản những quyết định bất cẩn. Chẳng hạn, khi dịch SARS bùng phát ở Trung
Quốc trong năm đầu tiên ông lên nắm quyền, Hồ đã hành động thận trọng, sa thải Bộ
trưởng Y tế Trung Quốc vì đã che đậy mức độ bùng dịch và khuyến khích các quan chức
báo cáo số lượng ca nhiễm một cách trung thực.
Hồ cũng cố gắng áp dụng giới hạn nhiệm kỳ một cách rộng rãi hơn. Dù bị phản đối khi cố
gắng thiết lập giới hạn nhiệm kỳ cho các thành viên của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường
vụ Bộ Chính trị, nhưng ông đã có thể thiết lập giới hạn nhiệm kỳ cho các cấp từ tỉnh
trưởng trở xuống. Hơn nữa, Hồ còn thiết lập một quy trình chưa từng có tiền lệ, theo đó
thành viên của Bộ Chính trị trước tiên sẽ được lựa chọn bằng một cuộc bỏ phiếu của các
thành viên cấp cao trong đảng.

Trớ trêu thay, chính nhờ hệ thống bán dân chủ này mà Tập đã vươn lên đỉnh cao quyền
lực. Năm 2007, tại một cuộc họp mở rộng của Ban chấp hành Trung ương, khoảng 400
lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đã tập trung tại Bắc Kinh để bỏ phiếu đề cử các quan chức
cấp bộ từ một danh sách 200 người, vào Bộ Chính trị gồm 25 thành viên. Tập đã nhận
được nhiều phiếu bầu nhất. Tôi cho rằng yếu tố quyết định không phải là kinh nghiệm Bí
thư Tỉnh ủy Chiết Giang hay Bí thư Thành ủy Thượng Hải của ông, mà là sự tôn trọng của
những người tham gia bỏ phiếu dành cho cha ông, cùng với sự tán thành (và áp lực từ)
một số đảng viên lão thành chủ chốt. Trong cuộc bỏ phiếu đề cử tương tự diễn ra 5 năm
sau đó, Tập tiếp tục nhận được nhiều phiếu bầu nhất, và nhờ sự đồng thuận của các nhà
lãnh đạo sắp mãn nhiệm, ông đã đặt chân lên đỉnh của kim tự tháp quyền lực. Sau đó,
ông nhanh chóng bắt tay vào việc lật ngược tiến trình phát triển lãnh đạo tập thể đã diễn
ra hàng chục năm qua.

ĐẢNG MỘT NGƯỜI?
Khi Tập lên nắm quyền, nhiều người ở phương Tây đã ca ngợi ông là Mikhail Gorbachev
của Trung Quốc. Một số người mơ tưởng rằng, giống như nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên
Xô, Tập sẽ thực hiện những cải cách triệt để, giải phóng sự kìm kẹp của nhà nước đối với
nền kinh tế và dân chủ hóa hệ thống chính trị. Tất nhiên, điều đó hóa ra chỉ là một suy
nghĩ viển vông. Thay vào đó, Tập, một học trò nhiệt thành của chủ nghĩa Mao, đồng thời
cũng mong muốn để lại dấu ấn cá nhân trong lịch sử, đã nỗ lực để thiết lập quyền lực
tuyệt đối của mình. Vì những cải cách trước đây không thực sự thiết lập cơ chế kiểm soát
và đối trọng lên nhà lãnh đạo đảng, nên ông đã thành công. Giờ đây, cũng như dưới thời
Mao, Trung Quốc là nơi một người nắm trọn quyền hành.
Một phần trong kế hoạch củng cố quyền lực của Tập là giải quyết vấn đề mà ông cho là
khủng hoảng ý thức hệ. Ông nói, Internet là một mối đe dọa sống còn đối với ĐCSTQ,
khiến đảng này mất quyền kiểm soát tâm trí của mọi người. Vì vậy, Tập đã thẳng tay đàn
áp các blogger và các nhà hoạt động trực tuyến, kiểm duyệt những nội dung bất đồng
chính kiến, và củng cố “vạn lý hỏa thành” của Trung Quốc nhằm hạn chế truy cập vào các
trang web nước ngoài. Kết quả là, xã hội dân sự non trẻ đã bị bóp nghẹt và dư luận trong
vai trò người giám sát Tập đã bị tiêu diệt.
Một động thái khác của Tập là phát động chiến dịch chống tham nhũng, gọi nó là sứ
mệnh cứu đảng khỏi sự tự hủy diệt. Vì tham nhũng là dịch bệnh phổ biến ở Trung Quốc,
gần như mọi quan chức đều có thể là mục tiêu, Tập đã sử dụng chiến dịch này như một
cuộc thanh trừng chính trị. Dữ liệu chính thức cho thấy từ tháng 12/2012 đến tháng
06/2021, ĐCSTQ đã điều tra 393 cán bộ lãnh đạo trên cấp tỉnh, các quan chức thường
được nhắm cho các vị trí cao nhất, cũng như 631.000 cán bộ trong nhiều cơ quan, những
người thực hiện chính sách của đảng tại cấp cơ sở. Cuộc thanh trừng đã bắt giữ một số
quan chức quyền lực nhất mà Tập cho là mối đe dọa, bao gồm Chu Vĩnh Khang, cựu
thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và người đứng đầu bộ máy an ninh Trung
Quốc, và Tôn Chính Tài, một ủy viên Bộ Chính trị mà nhiều người coi là đối thủ và là
người có khả năng kế nhiệm của Tập.

Tượng bán thân của Tập,

tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, tháng 06/2019 © Jason Lee / Reuters
Đáng chú ý là những người giúp Tập thăng tiến đã không hề hấn gì. Giả Khánh Lâm, Bí
thư Tỉnh ủy Phúc Kiến vào những năm 1990 và cuối cùng trở thành thành viên Ủy ban
Thường vụ Bộ Chính trị, là người có công giúp Tập thăng tiến trong sự nghiệp. Dù có lý
do để tin rằng ông ta và gia đình cực kỳ tham nhũng – Hồ sơ Panama, kho tài liệu bị rò rỉ
từ một công ty luật, tiết lộ rằng cháu gái và con rể của Giả sở hữu một số công ty bí mật ở
nước ngoài – nhưng đến nay họ vẫn chưa bị chiến dịch chống tham nhũng của Tập sờ gáy.
Tập không hề nhẹ tay. Theo tôi được biết từ một người trong đảng, mà tôi không thể nêu
tên vì sợ sẽ đẩy ông vào rắc rối, hồi năm 2014, người của Tập đã đến gặp một quan chức
cấp cao từng công khai chỉ trích Tập và đe dọa sẽ điều tra tham nhũng nếu ông này không
dừng lại. (Ông đành phải im lặng.) Khi theo đuổi mục tiêu, cấp dưới của Tập thường gây
áp lực lên các thành viên gia đình và trợ lý của các quan chức. Vương Mân (Wang Min),
Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh, người mà tôi biết rõ từ những ngày còn là học viên tại Trường
Đảng Trung ương, đã bị bắt vào năm 2016 dựa trên những lời khai từ tài xế của ông.
Người này nói rằng khi ở trong xe, Vương đã phàn nàn với một người đi cùng về việc
không được thăng chức. Vương bị kết án tù chung thân, một trong những cáo buộc là
chống lại sự lãnh đạo của Tập.
Sau khi loại bỏ các đối thủ khỏi các vị trí chủ chốt, Tập đã cài người của mình vào. Phe của
Tập trong đảng được gọi là “Chi Giang Tân Quân” (Zhījiāng Xīnjūn之江新军) bao gồm
các cựu cấp dưới trong thời gian ông làm tỉnh trưởng ở Phúc Kiến và Chiết Giang, thậm
chí cả những người bạn thời đại học và trung học. Kể từ khi lên nắm quyền, Tập đã nhanh
chóng thăng chức cho tay chân thân tín của mình, thường là vượt quá năng lực của họ.
Người bạn cùng phòng của ông từ những ngày còn học tại Đại học Thanh Hoa, Trần Hi
(Chen Xi陈希), được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương ĐCSTQ, một vị trí đi
kèm với một ghế trong Bộ Chính trị và quyền quyết định ai sẽ có thể thăng cấp. Tuy
nhiên, Trần hoàn toàn không có kinh nghiệm liên quan: năm người tiền nhiệm trực tiếp

của ông đều từng đảm nhiệm các vị trí đảng vụ địa phương, trong khi ông dành gần như
toàn bộ sự nghiệp của mình tại Đại học Thanh Hoa.
Tập đã đảo ngược một cải cách lớn khác: “tách biệt giữa đảng và nhà nước,” tức nỗ lực
nhằm giảm mức độ mà các cán bộ đảng với động lực ý thức hệ can thiệp vào các quyết
định kỹ thuật và quản lý trong các cơ quan chính phủ. Trong nỗ lực chuyên nghiệp hóa bộ
máy hành chính, Đặng Tiểu Bình và những người kế nhiệm đã cố gắng, với mức độ thành
công khác nhau, để tách chính phủ khỏi sự can thiệp của ĐCSTQ. Tập đã phá hoại tất cả
khi thiết lập khoảng 40 ủy ban riêng của đảng, có nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan chính
phủ. Chẳng hạn, không giống như những người tiền nhiệm, ông có đội ngũ riêng để xử lý
các vấn đề liên quan đến Biển Đông, bỏ qua Bộ Ngoại giao và Cục Hải dương Nhà nước.
Những ủy ban này đã tước bỏ phần lớn quyền lực khỏi tay người đứng đầu chính phủ
Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường, và biến vị trí từng là lãnh đạo đồng cấp trở thành
phụ tá. Có thể nhận ra sự thay đổi này trong cách Lý thể hiện bản thân mỗi khi xuất hiện
trước công chúng. Trong khi hai người tiền nhiệm trực tiếp của ông, Chu Dung Cơ và Ôn
Gia Bảo, lần lượt đứng ngang hàng với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, Lý lại giữ
khoảng cách với Tập, như để nhấn mạnh sự chênh lệch quyền lực. Hơn nữa, trong quá
khứ, truyền thông chính thức và truyền thông nhà nước thường đề cập đến “hệ thống
Giang-Chu” và “hệ thống Hồ-Ôn”, nhưng ngày nay hầu như chẳng ai nói đến “hệ thống
Tập-Lý.” Từ lâu đã có sự đối kháng giữa đảng và chính phủ ở Trung Quốc – mà người
trong cuộc gọi là đấu tranh giữa “khu Nam” và “khu Bắc” của Trung Nam Hải, vốn là nơi
đặt trụ sở của hai cơ quan. Nhưng khi nhấn mạnh rằng tất cả mọi người phải coi ông là
người có quyền lực cao nhất, Tập đã làm căng thẳng thêm trầm trọng.
Tập cũng đã thay đổi động lực trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Lần đầu tiên trong
lịch sử ĐCSTQ, tất cả các thành viên Bộ Chính trị, kể cả những người trong Ủy ban
Thường vụ, đều phải báo cáo trực tiếp với Tổng Bí thư bằng cách gửi báo cáo định kỳ cho
Tập, người sẽ tự đánh giá kết quả làm việc của họ. Đã qua rồi cái thời mà tình đồng chí
thân thiết và gần như bình đẳng tồn tại giữa các ủy viên Thường vụ. Như một cựu quan
chức ở Bắc Kinh nói với tôi, một trong bảy thành viên của ủy ban – Vương Kỳ Sơn, phó
chủ tịch nước và là đồng minh lâu năm của Tập – từng phàn nàn với bạn bè rằng quan hệ
giữa Tập và các Ủy viên Thường vụ còn lại là quan hệ giữa một hoàng đế và các bá quan.
Thay đổi trơ trẽn nhất mà Tập thực hiện là xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước
Trung Quốc. Giống như mọi nhà lãnh đạo tối cao từ thời Giang Trạch Dân trở đi, Tập
kiêm nhiệm ba chức vụ: Chủ tịch nước, Tổng Bí thư đảng và Chủ tịch Quân ủy Trung
ương. Dù giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm chỉ áp dụng cho chức vụ đầu tiên trong số ba chức
vụ kể trên, nhưng bắt đầu từ Hồ Cẩm Đào, người ta hiểu rằng giới hạn này cũng phải áp
dụng cho hai chức vụ còn lại, để một người có thể cùng lúc giữ cả ba chức vụ.
Nhưng vào năm 2018, theo chỉ thị của Tập, cơ quan lập pháp của Trung Quốc đã sửa đổi
hiến pháp để loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước. Lời biện minh cho hành động
ấy thật nực cười. Mục tiêu được người ta công bố là để làm cho nhiệm kỳ của chủ tịch nước

tương ứng với các chức vụ trong đảng và quân đội, dù rõ ràng cải cách phải đi theo chiều
ngược lại: áp dụng giới hạn nhiệm kỳ cho cả chức tổng bí thư đảng và chủ tịch quân ủy.
Tiếp đến là sự sùng bái cá nhân. Dù lệnh cấm sùng bái cá nhân vẫn còn trong điều lệ
đảng, Tập và các cấp phó đã đòi hỏi một mức độ trung thành và ngưỡng mộ dành cho
lãnh đạo chưa từng thấy kể từ thời Mao. Bắt đầu từ năm 2016, khi ông được tuyên bố là
“lãnh tụ hạt nhân” của đảng (một danh xưng chưa từng được trao cho người tiền nhiệm
của ông, Hồ Cẩm Đào), Tập Cận Bình đã luôn đứng trước các thành viên Ủy ban Thường
vụ trong các bức chân dung chính thức. Chân dung của ông được treo khắp nơi, theo
phong cách giống như Mao, trong các văn phòng chính phủ, trường học, địa điểm tôn
giáo và nhà riêng. Theo Radio France Internationale, cấp dưới của Tập đã đề xuất đổi
tên Đại học Thanh Hoa, trường cũ của ông, đồng thời là một trường đại học hàng đầu
Trung Quốc, thành Đại học Tập Cận Bình. Họ thậm chí còn tranh cãi về việc có nên treo
ảnh của ông bên cạnh ảnh của Mao ở Quảng trường Thiên An Môn hay không. Dù cả hai ý
tưởng đều không đi đến đâu, nhưng Tập đã cố gắng đưa Tư tưởng Tập Cận Bình vào điều
lệ đảng hồi năm 2017 — cùng Mao trở thành hai lãnh đạo duy nhất có hệ tư tưởng của
riêng mình được thêm vào điều lệ đảng khi còn đương chức — và trong hiến pháp nhà
nước một năm sau đó. Trong một bài viết dài đăng năm 2017 trên trang Tân Hoa Xã, cơ
quan truyền thông nhà nước, một nhà tuyên truyền đã dành cho Tập bảy danh hiệu mới
theo kiểu Bắc Triều Tiên, thứ sẽ khiến những người tiền nhiệm thời hậu Mao của ông ta
phải đỏ mặt: “nhà lãnh đạo đột phá,” “người cán bộ siêng năng làm việc vì hạnh phúc của
nhân dân,” “kiến trúc sư trưởng của tiến trình hiện đại hóa trong kỷ nguyên mới,” …
Trong nội bộ đảng, phe của Tập đang thực hiện một chiến dịch quyết liệt, yêu cầu ông
phải được tiếp tục nắm quyền để hoàn thành điều ông đã khởi xướng: “sự phục hưng vĩ
đại của dân tộc Trung Hoa”. Nỗ lực của họ ngày càng mạnh mẽ, nhưng thông điệp của họ
lại được đơn giản hóa. Tháng 4 vừa qua, các quan chức đảng ở Quảng Tây đề xuất khẩu
hiệu mới: “mãi mãi ủng hộ lãnh tụ, bảo vệ lãnh tụ, và đi theo lãnh tụ.” Tựa như “hồng bảo
thư” của Mao, họ cũng phát hành một bộ sưu tập các câu danh ngôn của Tập trong một
cuốn sách bỏ túi và khuyến khích người dân ghi nhớ nội dung của nó. Tập dường như
đang tự định vị mình không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại của đảng mà còn là một hoàng đế
thời hiện đại.
T.H.
Nguồn: nghiencuuquocte.org
Phần II

Thái Hà (Cai Xia 蔡霞), “The Weakness of Xi Jinping”, Foreign Affairs, 09-10/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
VỊ HOÀNG ĐẾ KHÔNG QUẦN ÁO
Hệ thống chính trị càng tập trung vào một lãnh đạo duy nhất thì càng phải lưu tâm đến
những thiếu sót và tính cách khác thường của nhà lãnh đạo đó. Trong trường hợp của
Tập, nhà lãnh đạo là người không thích bị chỉ trích, cố chấp và độc tài.
Tính cách này đã hiện rõ ngay từ trước khi ông nhậm chức Chủ tịch nước. Năm 2008, Tập
trở thành Hiệu trưởng của Trường Đảng Trung ương, nơi tôi giảng dạy. Một năm sau đó,
trong một cuộc họp cấp khoa, Hiệu phó nhà trường đã chuyển lời đe dọa của Tập tới các
giảng viên, rằng ông sẽ “không bao giờ cho phép họ vừa ăn từ bát cơm của đảng, vừa cố
gắng đập vỡ nồi cơm của đảng” – nghĩa là nhận lương từ Chính phủ trong khi vẫn âm
thầm chỉ trích hệ thống. Tức giận trước quan điểm ngớ ngẩn của Tập rằng ĐCSTQ mới là
người đóng góp cho ngân sách nhà nước, chứ không phải những người dân đóng thuế, từ
chỗ ngồi của mình, tôi đã hỏi vặn lại thật to, “Thế còn đảng ăn từ bát cơm của ai? Đảng ăn
từ bát cơm của dân nhưng ngày nào cũng đập nồi cơm của họ.” Đã không ai báo cáo tôi, vì
các đồng nghiệp cũng đồng ý với tôi.
Khi chính thức nắm quyền, Tập tỏ rõ rằng mình không có hứng thú lắng nghe những lời
chỉ trích. Ông không sử dụng các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ và Bộ Chính trị như
những cơ hội để thảo luận kỹ càng về chính sách, mà là cơ hội cho những cuộc độc thoại
kéo dài hàng giờ đồng hồ. Theo số liệu chính thức, từ tháng 11/2012 đến tháng 02/2022,
ông đã tổ chức 80 “buổi học tập thể”, trong đó ông trình bày dài dòng về các chủ đề định
sẵn trước Bộ Chính trị. Ông cũng từ chối bất kỳ lời đề nghị nào từ cấp dưới mà ông cho là
sẽ khiến bản thân trông xấu đi. Theo một người bạn cũ của Vương Kỳ Sơn, người từng là
Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tập, nghĩa là một thành
viên trong vòng tròn thân tín của Chủ tịch, Vương từng đề xuất rằng “quy định tám điểm”
của Tập, một danh sách các yêu cầu đối với đảng viên, phải được trở thành yêu cầu chính
thức của đảng. Nhưng ngay cả hành động mang tính nịnh hót này cũng bị Tập coi là một
sự sỉ nhục vì nó nghe như không phải ông là người đề xuất, và ông đã quở trách Vương
ngay tại chỗ.

Tập Cập Bình cũng là một nhà quản lý vi mô. Như nhiều nhà phân tích đã chỉ ra, ông làm
việc như một “chủ tịch của mọi thứ.” Chẳng hạn, trong năm 2014, ông đã 17 lần ban hành
chỉ thị về bảo vệ môi trường – một mức độ can thiệp đáng kể, nếu xét đến khối lượng công
việc khổng lồ của ông. Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, và Hồ Cẩm Đào đều nhận ra
rằng việc quản lý một quốc gia rộng lớn như Trung Quốc đòi hỏi phải tính đến sự phức tạp
của từng địa phương. Họ nhấn mạnh rằng cán bộ thuộc tất cả các cấp nên nhận chỉ thị từ
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhưng phải biết điều chỉnh chúng trong các tình
huống cụ thể khi cần thiết. Sự linh hoạt như vậy là rất quan trọng đối với phát triển kinh
tế, vì nó trao cho giới chức địa phương cơ hội đổi mới. Tuy nhiên, Tập nhấn mạnh rằng
các chỉ thị của ông phải được tuân theo đúng từng chữ một. Theo tôi được biết, một bí thư
huyện uỷ vào năm 2014 đã cố gắng tạo ra một ngoại lệ đối với các quy định mới của chính
quyền trung ương về tiệc chiêu đãi, vì địa phương ông thường xuyên phải đón tiếp các
đoàn đại biểu của các nhà đầu tư nước ngoài. Khi Tập hay tin về cố gắng đổi mới này, ông
đã rất tức giận, cáo buộc vị quan chức trên đã “nói xấu chính sách của Ban Chấp hành
Trung ương” – một cáo buộc vô cùng nghiêm trọng, và sau vụ việc này, nó đã được chính
thức đưa vào các quy định kỷ luật của đảng và người vi phạm sẽ bị trừng phạt bằng cách
khai trừ khỏi đảng.
Kể từ thời Mao, ĐCSTQ từng có một truyền thống lâu đời, theo đó các cán bộ có thể viết
thư đề xuất và thậm chí là thư chỉ trích cho lãnh đạo cao nhất, nhưng những người dám
thử điều này với Tập ngay từ đầu nhiệm kỳ của ông đã bị dạy cho một bài học. Khoảng
năm 2017, Lưu Á Châu (Liu Yazhou 刘亚洲), một tướng trong Quân đội Giải phóng Nhân
dân và là con rể của cựu Chủ tịch nước Lý Tiên Niệm, đã viết thư cho Tập, khuyến nghị
rằng Trung Quốc nên đảo ngược chính sách ở Tân Cương và ngừng giam giữ người thiểu
số Duy Ngô Nhĩ. Ông đã bị cảnh báo không được phép nói xấu các chính sách của Tập.
Việc Tập từ chối chấp nhận những lời khuyên kiểu này đã loại bỏ một phương pháp tự sửa
sai quan trọng.
Tại sao, khác với những người tiền nhiệm của mình, Tập lại kiên quyết không nghe theo
lời khuyên của người khác? Tôi nghi ngờ một phần nguyên nhân là ông ta có phức cảm tự
ti, khi biết rằng trình độ của mình kém hơn so với các lãnh đạo cấp cao khác trong
ĐCSTQ. Dù theo học ngành kỹ thuật hóa học tại Đại học Thanh Hoa, Tập được nhận vào
theo diện “công – nông -binh”, một loại sinh viên được nhận vào những năm 1970 dựa
trên độ tin cậy chính trị và lý lịch giai cấp, chứ không phải thành tích học tập. Ngược lại,
Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã vượt qua kỳ thi đại học có tính cạnh tranh cực cao.
Năm 2002, khi còn là cán bộ cấp tỉnh, Tập đã nhận bằng tiến sĩ về lý thuyết Mác-xít,
cũng tại trường Thanh Hoa, nhưng như nhà báo người Anh Michael Sheridan đã chỉ ra,
luận văn của Tập có rất nhiều đoạn bị nghi ngờ là đạo văn. Theo kinh nghiệm của tôi từ
thời còn ở Trường Đảng Trung ương, các quan chức cấp cao thường giao bài vở ở trường
cho trợ lý giải quyết, trong khi các giáo sư của họ nhắm mắt làm ngơ. Thật vậy, vào thời
điểm mà ông được cho là phải hoàn thành luận văn của mình, Tập đang giữ chức Tỉnh
trưởng Phúc Kiến – cực kỳ bận rộn.

SAI LẦM NỐI TIẾP SAI LẦM
Trong bất kỳ hệ thống chính trị nào, quyền lực không được kiểm soát cũng đều nguy
hiểm. Khi xa rời thực tế và thoát khỏi sự ràng buộc của đồng thuận, một nhà lãnh đạo có
thể hành động hấp tấp, triển khai các chính sách thiếu khôn ngoan, không được lòng dân,

hoặc cả hai. Do đó, chẳng ngạc nhiên khi phong cách cai trị biết tuốt của Tập đã dẫn đến
nhiều quyết định tai hại. Điểm chung là người ta không thể xác định được tác động thực
tế của các chỉ thị của ông.
Trước tiên là các chính sách đối ngoại. Đi ngược lại với chủ trương “ẩn mình chờ thời” của
Đặng Tiểu Bình, Tập đã quyết định trực tiếp thách thức Mỹ và theo đuổi một trật tự thế
giới lấy Trung Quốc làm trung tâm. Đó là lý do tại sao ông ta đã có những hành vi mạo
hiểm và gây hấn ở nước ngoài, quân sự hóa Biển Đông, đe dọa Đài Loan, và khuyến khích
các nhà ngoại giao của mình áp dụng phong cách “ngoại giao chiến lang” hung hăng hơn.
Tập cũng thành lập một liên minh trên thực tế với Tổng thống Nga Vladimir Putin, khiến
Trung Quốc càng xa lánh cộng đồng quốc tế. Sáng kiến Vành đai và Con đường của ông
đã tạo ra làn sóng phản kháng ngày càng tăng khi các quốc gia mệt mỏi vì nợ nần và
tham nhũng phát xuất từ chương trình này.
Các chính sách kinh tế của Tập cũng phản tác dụng theo cách tương tự. Cải cách thị
trường là một trong những thành tựu tiêu biểu của ĐCSTQ, giúp hàng trăm triệu người
Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo. Nhưng khi Tập lên nắm quyền, ông coi khu vực tư
nhân là mối đe dọa đối với quyền lực của mình, và đã cho hồi sinh nền kinh tế kế hoạch
thời Mao. Ông củng cố các công ty nhà nước và thành lập các chi bộ đảng trong khu vực
tư nhân để chỉ đạo cách thức hoạt động của các doanh nghiệp. Dưới chiêu bài chống tham
nhũng và thực thi luật chống độc quyền, ông ta đã cướp tài sản của nhiều công ty tư nhân
và doanh nhân. Trong vài năm qua, một số công ty năng động nhất của Trung Quốc, bao
gồm Tập đoàn Bảo hiểm Anbang và Tập đoàn HNA, đã buộc phải giao quyền kiểm soát
công việc kinh doanh cho nhà nước. Những cái tên khác, chẳng hạn như Tập đoàn
Tencent và gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, đã bị ép phải khuất phục bằng sự kết
hợp của các quy định mới, các vụ điều tra và xử phạt. Năm 2020, Tôn Đại Ngọ (Sun
Dawu 孙大午), vị tỷ phú là chủ sở hữu một tập đoàn nông nghiệp, người từng công khai
chỉ trích Tập vì hành vi đàn áp các luật sư nhân quyền, đã bị bắt giam với các cáo buộc sai
sự thật và sớm phải nhận bản án 18 năm tù. Tập đoàn của ông đã bị bán rẻ cho một công
ty nhà nước được thành lập vội vàng, trong một cuộc đấu giá có dàn xếp, với cái giá chỉ
bằng một phần nhỏ giá trị thực của nó.
Như dự đoán, Trung Quốc đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và hầu hết
các nhà phân tích tin rằng tăng trưởng sẽ còn chậm hơn nữa trong những năm tới. Dù có
nhiều nguyên nhân lý giải tình trạng này – bao gồm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với
các công ty công nghệ Trung Quốc, chiến tranh Ukraine, và đại dịch Covid-19 – vấn đề cơ
bản là sự can thiệp của ĐCSTQ vào nền kinh tế. Chính phủ liên tục can thiệp vào khu vực
tư nhân để đạt được các mục tiêu chính trị, đây vốn là một liều thuốc độc đối với năng
suất. Nhiều doanh nhân Trung Quốc sống trong nỗi sợ hãi rằng công ty của họ sẽ bị tịch
thu, hoặc bản thân họ sẽ bị giam giữ, vốn không phải là kiểu tư duy sẽ khuyến khích đổi
mới. Vào tháng 4, khi triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc xấu đi, Tập đã chủ trì một
cuộc họp của Bộ Chính trị để tiết lộ giải pháp mà ông cho là sẽ khắc phục tình trạng tồi tệ
của nền kinh tế: kết hợp hoàn thuế, giảm phí, đầu tư cơ sở hạ tầng và nới lỏng tiền tệ.
Nhưng vì không có đề xuất nào trong số này giải quyết được vấn đề gốc rễ là sự can thiệp
quá mức của nhà nước vào nền kinh tế, nên chúng chắc chắn sẽ thất bại.

Không có lĩnh vực nào mà mong muốn kiểm soát của Tập lại gây ra thảm họa nhiều hơn
là phản ứng của ông với đại dịch Covid-19. Khi bệnh dịch bùng phát lần đầu tiên ở thành
phố Vũ Hán vào tháng 12/2019, Tập đã bưng bít thông tin về căn bệnh nhằm giữ gìn hình
ảnh của một Trung Quốc hưng thịnh. Trong khi đó, các quan chức địa phương rơi vào thế
bị động. Một tháng sau, với tư cách là thị trưởng Vũ Hán, Chu Tiên Vượng (Zhou
Xianwang 周先旺), đã thừa nhận trên truyền hình nhà nước, mà không có sự chấp thuận
của cấp trên, rằng ông đã không thể công khai về sự bùng phát dịch bệnh. Khi tám
chuyên gia y tế dũng cảm lên tiếng về việc này, chính quyền ra lệnh giam giữ và bịt miệng
họ. Một trong tám người sau đó tiết lộ rằng anh đã bị buộc phải ký tên vào một bản thú
tội sai.

Một nhân viên y tế đóng
rào chắn vào khu dân cư trong đợt phong toả Covid-19 ở Thượng Hải, tháng 05/2022 ©

Aly Song / Reuters

Xu hướng quản lý vi mô của Tập cũng đã cản trở việc ứng phó với đại dịch. Thay vì để các
nhân viên y tế của chính phủ soạn thảo nội dung chi tiết chính sách, Tập nhấn mạnh rằng
mình sẽ tự điều phối các nỗ lực của Trung Quốc. Sau này, Tập khoe khoang rằng ông đã
“đích thân chỉ huy, lập kế hoạch phản ứng, giám sát tình hình chung, hành động quyết
đoán và vạch ra con đường phía trước.” Dù khẳng định này là đúng sự thật, nhưng nó
không mang lại hiệu quả tốt đẹp. Trên thực tế, sự can thiệp của ông đã gây nhiều bối rối
và thụ động, khi các quan chức y tế địa phương nhận hàng loạt thông điệp trái chiều từ
Bắc Kinh và từ chối hành động. Theo một nguồn tin trong Quốc vụ viện (cơ quan hành
chính cao nhất của Trung Quốc), Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đề xuất kích hoạt một chu
trình ứng phó khẩn cấp vào đầu tháng 01/2020, nhưng Tập từ chối phê duyệt vì sợ sẽ làm
hỏng các lễ kỷ niệm Tết Nguyên Đán của Trung Quốc.
Khi biến thể Omicron lan rộng ở Thượng Hải vào tháng 02/2022, Tập lại chọn một phản
ứng khó hiểu. Chi tiết về quá trình ra quyết định đã được một người làm việc tại Quốc vụ
viện gửi cho tôi. Trong một cuộc họp trực tuyến của khoảng 60 chuyên gia về đại dịch

được tổ chức ngay sau khi Omicron bùng phát, mọi người đều đồng ý rằng nếu Thượng
Hải chỉ đơn giản tuân theo các hướng dẫn y tế chính thức mới nhất, nới lỏng các yêu cầu
kiểm dịch, thì cuộc sống trong thành phố có thể diễn ra ít nhiều như bình thường. Nhiều
quan chức đảng và nhân viên y tế của thành phố đã ủng hộ cách tiếp cận này. Nhưng khi
Tập nghe về điều đó, ông đã nổi giận. Từ chối lắng nghe các chuyên gia, ông khăng khăng
thực thi chính sách “zero-covid” của mình. Hàng chục triệu cư dân Thượng Hải bị cấm ra
khỏi nhà, kể cả là để mua hàng tạp hóa hoặc đi cấp cứu. Một số người đã chết ngay trước
cổng bệnh viện, số khác nhảy lầu tự tử từ các tòa nhà chung cư của họ.
Và như vậy, một thành phố hiện đại, thịnh vượng đã hoá thành một thảm họa nhân đạo,
với hàng loạt người chết đói và những đứa trẻ bị chia cắt khỏi cha mẹ của chúng. Một nhà
lãnh đạo cởi mở hơn, hoặc chịu sự kiểm tra chặt chẽ hơn, hẳn đã không thực hiện một
chính sách hà khắc như vậy, hoặc chí ít sẽ cố gắng sửa chữa đường lối khi những bấp cập
và sự chống đối trở nên rõ ràng. Nhưng với Tập, điều chỉnh chính sách là một sự thừa
nhận sai lầm không thể tưởng tượng được.

PHẢN ỨNG CỦA CÁC PHE PHÁI
Ban lãnh đạo của ĐCSTQ chưa bao giờ là một khối thống nhất. Như Mao đã từng nói, “Có
những đảng bên ngoài đảng, và có những phe phái bên trong đảng của chúng ta, luôn là
như vậy.” Các phe phái này về cơ bản dựa trên quan hệ cá nhân, và họ có xu hướng tự dàn
xếp theo một phổ liên tục từ tả sang hữu. Nói cách khác, dù chính trị Trung Quốc chủ yếu
theo chủ nghĩa cá nhân, nhưng vẫn có những khác biệt thực sự về đường lối chính sách
quốc gia, và mỗi “ê-kíp” sẽ thường liên kết bản thân với những ý tưởng của người đứng
đầu.
Cánh tả là những người vẫn cam kết theo chủ nghĩa Mác chính thống. Họ thống trị đảng
trước thời Đặng Tiểu Bình, và chủ trương tiếp tục đấu tranh giai cấp và bạo lực cách
mạng. Tiêu biểu là phe của Mao Trạch Đông, Trần Vân (nhân vật thứ hai dưới thời Đặng),
Bạc Hy Lai (một cựu ủy viên Bộ Chính trị đã bị bỏ tù trước khi Tập nắm quyền) và Tập
Cận Bình. Ở cấp cơ sở, cánh tả còn bao gồm một đội ngũ nhỏ, không có quyền lực chính
trị, là các sinh viên Mác-xít và các công nhân bị sa thải do cải cách của Đặng.
Phe trung dung chủ yếu là các hậu duệ chính trị của Đặng Tiểu Bình. Bởi vì hầu hết các
cán bộ ngày nay đều được đào tạo dưới quyền ông, đây là phe thống trị bộ máy hành
chính của ĐCSTQ. Nhóm này ủng hộ các cải cách kinh tế toàn diện và cải cách chính trị
hạn chế, tất cả đều với mục tiêu đảm bảo sự cầm quyền vĩnh viễn của đảng. Ngoài ra, phe
trung dung còn có người của hai quan chức hàng đầu đã nghỉ hưu, Giang Trạch Dân và
Tăng Khánh Hồng (cựu phó chủ tịch nước), cùng một nhóm khác là Đoàn phái, gồm
những người ủng hộ cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào và thủ tướng đương nhiệm Lý Khắc
Cường.
Cuối cùng là cánh hữu, mà đối với trường hợp Trung Quốc, được hiểu là những người
theo chủ nghĩa tự do ủng hộ nền kinh tế thị trường và một hình thức nhẹ nhàng hơn của
chủ nghĩa chuyên chế (hoặc thậm chí, trong một số trường hợp, là ủng hộ nền dân chủ lập
hiến). Tôi thuộc về phe này, cũng là phe yếu thế nhất. Nó bao gồm những người ủng hộ

Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, hai lãnh đạo đảng dưới thời Đặng. Nó cũng bao gồm cả
Ôn Gia Bảo, người từng là thủ tướng của Trung Quốc trong giai đoạn 2003-2013 và đến
nay vẫn có ảnh hưởng. Khi được hỏi về việc thúc đẩy cải cách chính trị trong một cuộc
phỏng vấn năm 2010, Ôn trả lời “Tôi sẽ không nhượng bộ cho đến ngày cuối cùng của
cuộc đời mình.”
Tập Cận Bình đang phải đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng từ cả ba phe phái. Dù ban
đầu họ ủng hộ các chính sách của ông, nhưng giờ đây, cánh tả cho rằng Tập chưa đi đủ xa
trong việc phục hồi các chính sách của Mao, một số thậm chí còn bất mãn sau khi ông ta
đàn áp phong trào lao động. Phe trung dung thì ôm hận vì Tập đã hủy hoại các cải cách
kinh tế. Còn cánh hữu lại hoàn toàn im lặng, vì Tập đã loại bỏ ngay cả những cuộc tranh
luận chính trị nhỏ nhất.
Có thể cảm nhận những chia rẽ này trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Một trong các
ủy viên, Hàn Chính, được nhiều người coi là thành viên của phe Giang Trạch Dân. Lý
Khắc Cường đặc biệt tỏ ra xa cách với Tập, và sự xung khắc giữa các quan chức đang dần
được hé lộ trước công chúng. Lý từ lâu đã âm thầm phản đối chính sách zero-covid của
Tập, nhấn mạnh sự cần thiết phải mở cửa các công ty và bảo vệ nền kinh tế. Vào tháng 5,
sau khi Lý nói với 100.000 cán bộ đảng tại một hội nghị trực tuyến rằng nền kinh tế đang
trong tình trạng tồi tệ hơn dự kiến, các đồng minh của Tập đã tiến hành một cuộc phản
công. Trên Tân Hoa Xã, họ bảo vệ ông bằng cách lập luận, “Triển vọng phát triển kinh tế
của Trung Quốc chắc chắn sẽ tươi sáng hơn.” Như một biểu tượng cho sự phản kháng của
họ đối với chính sách covid của Tập, Lý và các cấp dưới của ông đã từ chối đeo khẩu trang.
Hồi tháng 4, trong một bài phát biểu ở thành phố Nam Xương, người ta đã nhìn thấy các
phụ tá của Lý yêu cầu những người tham dự tháo khẩu trang. Cho đến nay, Lý vẫn nhân
nhượng trước thái độ kiêu ngạo của Tập, luôn miễn cưỡng phục tùng khi cần thiết. Nhưng
ông có thể sẽ sớm đạt đến ngưỡng chịu đựng của mình.
Sự phẫn nộ đang từ giới tinh hoa tràn dần xuống các cấp thấp hơn trong bộ máy hành
chính. Vào đầu nhiệm kỳ của Tập, khi ông bắt đầu xáo trộn quyền lực, nhiều thành viên
của bộ máy đã cảm thấy bất bình và vỡ mộng. Nhưng họ chỉ phản kháng thụ động, thể
hiện qua việc không hành động. Cán bộ địa phương xin nghỉ ốm liên tục hoặc viện đủ loại
lý do để ngăn cản các sáng kiến chống tham nhũng của Tập. Cuối năm 2021, ủy ban kỷ
luật của ĐCSTQ thông báo rằng trong 10 tháng đầu năm, họ đã phát hiện ra 247.000
trường hợp “thực hiện không hiệu quả các chỉ thị quan trọng của Tập Cận Bình và của
Ban chấp hành Trung ương.” Tuy nhiên, kể từ đợt phong tỏa Thượng Hải, sự phản kháng
đã trở nên công khai hơn. Trên mạng xã hội, nhiều quan chức địa phương công khai chỉ
trích chính sách zero-Covid. Vào tháng 4, các thành viên Hội đồng Khu phố Tam Lâm,
Thượng Hải, đã đồng loạt từ chức, phàn nàn trong một bức thư ngỏ rằng họ đã bị cấm cửa
trong văn phòng suốt 24 ngày, không hề được gặp mặt gia đình.
Điều đáng lo ngại hơn nữa đối với Tập là sự bất mãn của giới tinh hoa đang ngày càng lan
rộng ra công chúng. Trong một nhà nước độc tài, việc đo lường chính xác dư luận là
không thể, nhưng các biện pháp Covid khắc nghiệt của Tập có lẽ đã khiến ông đánh mất
thiện cảm của hầu hết người dân Trung Quốc. Một trường hợp bất đồng chính kiến đã nổi

lên vào tháng 02/2020, khi ông trùm bất động sản Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang 任志
强) gọi Chủ tịch nước là “thằng hề” vì đã không biết cách ứng phó với đại dịch. (Chỉ sau
một ngày xét xử, Nhậm đã bị kết án 18 năm tù.) Các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc
tràn ngập các video trong đó dân thường cầu xin Tập chấm dứt chính sách zero-covid của
mình. Sang tháng 5, một nhóm tự xưng là “Ủy ban Tự cứu Tự trị Thượng Hải” đã phát
hành một tuyên ngôn trực tuyến có tiêu đề “Đừng làm nô lệ – hãy tự cứu lấy mình.” Bản
tuyên ngôn kêu gọi cư dân thành phố chống lại lệnh phong tỏa và thành lập các cơ quan
tự quản để giúp đỡ lẫn nhau. Trên mạng xã hội, một số người Trung Quốc đã mỉa mai
rằng kế hoạch hiệu quả nhất để chống lại đại dịch là triệu tập Đại hội Đại biểu Toàn quốc
lần thứ 20 càng sớm càng tốt để ngăn Tập tiếp tục nắm quyền.
Trong khi đó, bất chấp những tuyên bố của Tập về việc xóa đói giảm nghèo, hầu hết người
dân Trung Quốc vẫn đang chật vật kiếm sống. Như Lý Khắc Cường đã tiết lộ vào năm
2020, 600 triệu người ở Trung Quốc – khoảng 40% dân số – chỉ kiếm được khoảng 140
đô la một tháng. Theo dữ liệu thu thập bởi South China Morning Post, một tờ báo của
Hong Kong, khoảng 4,4 triệu công ty nhỏ đã đóng cửa từ tháng 1 đến tháng 11/2021, gấp
hơn ba lần số công ty mới thành lập trong cùng kỳ. Đối mặt với khủng hoảng tài chính,
các chính quyền địa phương đã buộc phải cắt giảm lương của công chức – đôi khi lên tới
50%, bao gồm cả tiền lương cho giáo viên. Nhiều khả năng, họ sẽ lại dùng những cách
thức mới để cướp bóc của cải từ khu vực tư nhân và từ các công dân bình thường, theo đó
tiếp tục gây ra nhiều khốn khó kinh tế. Sau 40 năm mở cửa, phần lớn người dân Trung
Quốc không muốn quay lại thời Mao. Trong giới tinh hoa của ĐCSTQ, nhiều người phẫn
nộ với việc Tập đã phá vỡ sự phân bổ quyền lực truyền thống, và cho rằng các chính sách
liều lĩnh của ông ta đang gây nguy hiểm cho tương lai của đảng. Kết quả là lần đầu tiên kể
từ sau cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989, nhà lãnh đạo Trung Quốc không chỉ đối
mặt với bất đồng nội bộ, mà còn phải đối mặt với phản ứng dữ dội của dân chúng và nguy
cơ bất ổn xã hội thực sự.
THÊM 5 NĂM NỮA?
Nuôi lòng oán giận là một chuyện, nhưng hành động theo nó lại là chuyện khác. Các
thành viên cấp cao của đảng biết rằng mình luôn có thể bị buộc tội tham nhũng, vì vậy họ
có rất ít động cơ để chống lại Tập. Giám sát công nghệ cao bị lạm dụng đến mức giới tinh
hoa trong đảng, bao gồm cả các nhà lãnh đạo quốc gia đã nghỉ hưu, không còn dám giao
tiếp với nhau bên ngoài các sự kiện chính thức, kể cả là về những vấn đề vặt vãnh. Về
phần mình, công chúng tiếp tục giữ im lặng, bị kiềm chế bởi kiểm duyệt, giám sát, và nỗi
sợ sẽ bị bắt giam. Đó là lý do tại sao những người chống đối Tập lại tập trung vào con
đường hợp pháp duy nhất để loại bỏ ông: từ chối không trao cho ông nhiệm kỳ lãnh đạo
đảng lần thứ ba tại đại hội toàn quốc sắp tới.
Có lẽ vì cảm nhận được sự thất vọng ngày càng tăng, Tập đã làm đủ mọi cách để xoay
chuyển tình thế theo hướng có lợi cho mình. Tất nhiên, lá phiếu quan trọng nhất là của
các thành viên Ủy ban Thường vụ, những người có tiếng nói sau cùng nặng ký nhất để
quyết định liệu ông có còn tại vị hay không, một phần là do họ kiểm soát các thành viên
của cơ quan lập pháp Trung Quốc. Tập có lẽ đã làm mọi việc có thể để đảm bảo sự ủng hộ
của các thành viên Ủy ban Thường vụ, từ hứa hẹn rằng họ sẽ tiếp tục nắm quyền đến cam
kết không điều tra gia đình họ.

Quân đội cũng quan trọng không kém, vì việc từ chối nhiệm kỳ thứ ba của Tập có thể sẽ
cần sự ủng hộ của các tướng lĩnh. Các nhà tuyên truyền thường xuyên nhắc nhở người
Trung Quốc rằng “đảng nắm trong tay ngọn súng,” nhưng các nhà lãnh đạo nước này
nhận ra rằng, trên thực tế, súng luôn chĩa vào người đứng đầu đảng. Dù trong những năm
qua, Tập đã âm thầm thay thế các tướng lĩnh Trung Quốc bằng người của mình, nhưng
luận điệu của các quan chức quân đội vẫn thường xuyên dao động giữa việc nhấn mạnh
lòng trung thành cá nhân đối với Tập, và lòng trung thành thể chế đối với Quân ủy Trung
ương, cơ quan giám sát họ, vốn cũng do Tập đứng đầu.
Trong một dấu hiệu ngầm cho thấy sự phản đối trong quân đội, tháng 12 năm ngoái, một
vài người quen ở Trung Quốc cho tôi biết rằng Lưu Á Châu, quan chức quân đội mà Tập
đã khiển trách vì chỉ trích chính sách đối với người Duy Ngô Nhĩ – đã biến mất cùng với
em trai của mình, cũng là một vị tướng. Nhà của cả hai anh em đã bị đột kích. Tin tức này
đã gây ra một làn sóng chấn động trong quân đội, vì với tư cách là con rể của một cựu Chủ
tịch nước, Lưu là người “không ai có thể chạm tới.” Nhưng bằng cách giam giữ ông và em
trai, Tập đã đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ nhất của mình đối với các Thái tử khác, cũng
như các quan chức hàng đầu của Quân đội Giải phóng Nhân dân, rằng họ nên biết điều
mà tuân phục.

Các thành viên Ủy ban
Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc xếp hàng tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh,

tháng 11/2012 © Carlos Barria / Reuters

Tập cũng đã tăng tốc chiến dịch “chống tham nhũng” của mình. Trong nửa đầu năm
2022, Chính phủ đã trừng phạt 21 cán bộ cấp tỉnh trở lên và 1.237 cán bộ cấp huyện và sở.
Đã có sự tập trung rõ rệt vào các cơ quan an ninh và tình báo. Hồi tháng 1, truyền hình
nhà nước Trung Quốc cho phát sóng lời thú tội của Tôn Lập Quân, từng là một quan chức
an ninh cấp cao, người đã bị buộc tội tham nhũng và hiện đang đối mặt với viễn cảnh bị
xử tử. Theo cơ quan kỷ luật cao nhất của đảng, tội lỗi của ông là đã “lập bè phái để nắm
quyền kiểm soát một số bộ phận quan trọng,” “nuôi dưỡng tham vọng chính trị quá đà,”

và có “phẩm chất chính trị xấu xa”. Sang tháng 3, Phó Chính Hoa, người từng là Thứ
trưởng bộ công an và cũng là sếp của Tôn, đã bị buộc tội tham nhũng, cách chức và khai
trừ khỏi ĐCSTQ. Thông điệp rất rõ ràng: hãy vâng lệnh, nếu không sẽ bị hạ bệ.
Để tăng thêm các lớp bảo vệ bổ sung nhằm đạt được nhiệm kỳ thứ ba, Tập còn đưa ra một
lời đe dọa ngầm đối với các đảng viên đã nghỉ hưu. Những cán bộ lão thành từ lâu đã nắm
giữ ảnh hưởng to lớn trong nền chính trị Trung Quốc; chẳng hạn, chính nhóm tinh hoa
đã nghỉ hưu đã buộc Triệu Tử Dương phải ra đi vào năm 1989. Trong tháng 1, Tập đã
nhắm thẳng vào nhóm lão thành này, tuyên bố rằng Chính phủ sẽ “dọn sạch bọn tham
nhũng có hệ thống và loại bỏ các nguy cơ tiềm ẩn” bằng cách điều tra hồi tố đời tư của các
cán bộ trong vòng 20 năm qua. Và vào tháng 5, đảng đã siết chặt chủ trương đối với các
cán bộ hưu trí, khuyến cáo họ “không được công khai thảo luận các chủ trương chung của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, không phát tán những nhận xét tiêu cực về chính trị,
không tham gia hoạt động của các tổ chức xã hội bất hợp pháp, không sử dụng ảnh hưởng
từ chức vụ, quyền hạn cũ của mình để tìm kiếm lợi ích cho mình và cho người khác, đồng
thời kiên quyết phản đối, chống mọi kiểu tư duy sai trái.”
Tập cũng đã tìm cách đảm bảo sự ủng hộ của 2.300 đại biểu ĐCSTQ được mời tham dự
Đại hội Toàn quốc, 2/3 trong số đó là các quan chức cấp cao trên khắp đất nước và 1/3
còn lại là các thành viên bình thường làm việc ở cấp cơ sở. Các đại biểu đã được sàng lọc
cẩn thận trên tiêu chí lòng trung thành của họ đối với Tập. Để ngăn chặn bất kỳ sự kiện
bất ngờ nào tại đại hội, lệnh cấm “hoạt động phi tổ chức” không cho phép những người
này được trao đổi bên ngoài các cuộc họp chính thức của các đoàn đại biểu cấp tỉnh của
họ, hạn chế khả năng họ kết hợp cùng chống lại một chính sách hoặc nhà lãnh đạo cụ thể.
Trong những tháng trước thềm đại hội, cuộc đấu đá nội bộ của ĐCSTQ có thể sẽ ngày
càng dữ dội. Tập có thể ra lệnh bắt giữ và tổ chức nhiều phiên tòa xét xử các quan chức
cấp cao hơn, trong khi những người chỉ trích ông có thể làm rò rỉ thêm thông tin và lan
truyền nhiều tin đồn hơn. Trái ngược với quan điểm phổ biến trong giới phân tích
phương Tây, Tập có thể vẫn chưa nắm chắc trong tay nhiệm kỳ thứ ba. Các đối thủ lớn
mạnh của Tập có thể thành công trong việc buộc ông rời nhiệm sở, miễn là họ thuyết
phục đủ số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ rằng ông đã mất đi sự ủng hộ của các cấp
trong đảng, hoặc thuyết phục các cán bộ lão thành can thiệp. Thêm nữa, luôn có khả
năng một cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc tình trạng bất ổn xã hội lan rộng có thể khiến
những đồng minh bền chặt quay sang chống lại ông ta. Bất chấp tất cả, kịch bản khả thi
nhất vào mùa thu này là Tập, sau khi thao túng quá trình bỏ phiếu và đe dọa các đối thủ
của mình, sẽ đắc cử nhiệm kỳ Chủ tịch nước thứ ba và cùng với đó là quyền tiếp tục làm
người đứng đầu đảng và quân đội. Và thế là, cuộc cải cách chính trị có ý nghĩa duy nhất
được thực hiện kể từ thời Đặng Tiểu Bình sẽ tan thành mây khói.

NHỮNG NƯỚC CỜ KẾ TIẾP
Sau đó là gì? Tập chắc chắn sẽ biến chiến thắng của mình thành bàn đạp để làm bất cứ
điều gì ông ấy muốn, nhằm đạt được mục tiêu của đảng là phục hưng dân tộc Trung Hoa.
Tham vọng của ông sẽ lại lên một tầm cao mới. Trong một nỗ lực vô ích để tiếp thêm sinh
lực cho nền kinh tế mà không trao quyền cho khu vực tư nhân, Tập sẽ củng cố các chính
sách kinh tế nhà nước của mình. Để duy trì quyền lực, ông sẽ tiếp tục loại bỏ các đối thủ

tiềm tàng từ sớm, đồng thời thắt chặt kiểm soát xã hội, khiến Trung Quốc ngày càng trở
nên giống Triều Tiên. Ông thậm chí có thể tìm cách nắm quyền sau nhiệm kỳ thứ ba. Một
Tập Cận Bình trở nên táo bạo có thể đẩy nhanh quá trình quân sự hóa các khu vực đang
tranh chấp ở Biển Đông và cố gắng cưỡng chiếm Đài Loan. Trong lúc tiếp tục hành trình
đưa Trung Quốc trở thành nước thống trị, ông sẽ khiến đất nước ngày càng trở nên cô lập
với phần còn lại của thế giới.
Nhưng không có động thái nào trong số này có thể làm cho sự bất mãn trong đảng biến
mất. Việc Tập Cận Bình giành được nhiệm kỳ thứ ba sẽ không xoa dịu những người trong
ĐCSTQ phẫn nộ với việc ông tích lũy quyền lực và xây dựng sự sùng bái cá nhân, nó cũng
không giải quyết được vấn đề về tính chính danh của ông trước người dân. Trên thực tế,
những động thái mà ông có thể thực hiện trong nhiệm kỳ thứ ba sẽ làm tăng khả năng xảy
ra chiến tranh, bất ổn xã hội, và khủng hoảng kinh tế, làm trầm trọng thêm những bất
bình hiện có. Ngay cả ở Trung Quốc, người ta cũng cần nhiều hơn sức mạnh và sự đe dọa
để có thể duy trì quyền lực; khả năng làm việc hiệu quả vẫn giữ vai trò quan trọng. Mao
Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình giành được quyền lực nhờ vào thành tích – Mao bằng
cách giải phóng Trung Quốc khỏi Quốc Dân Đảng, và Đặng bằng cách mở cửa và thúc đẩy
phát triển kinh tế. Nhưng Tập không có những thành công cụ thể như vậy. Ông không có
nhiều chỗ cho sai lầm.
Theo tôi, cách khả thi duy nhất để thay đổi thực trạng này, cũng là cách đáng sợ nhất và
chết chóc nhất: một thất bại nhục nhã trong một cuộc chiến. Nếu Tập tấn công Đài Loan,
mục tiêu khả dĩ nhất của ông ta, thì rất có thể cuộc chiến sẽ không diễn ra như kế hoạch,
và Đài Loan, với sự giúp đỡ của Mỹ, sẽ có thể chống lại cuộc xâm lược và gây thiệt hại
nghiêm trọng cho đại lục. Trong trường hợp đó, giới tinh hoa và quần chúng sẽ từ bỏ Tập,
mở đường cho sự sụp đổ không chỉ của cá nhân ông mà có lẽ là sự sụp đổ của ĐCSTQ như
chúng ta đã biết. Để hiểu rõ hơn, chúng ta có thể sẽ phải quay trở lại thế kỷ 18, khi Hoàng
đế Càn Long thất bại trong nhiệm vụ mở rộng bờ cõi Trung Hoa sang Trung Á, Miến
Điện, và Việt Nam. Đúng như dự đoán, Trung Quốc đã phải chịu một tổn thất nặng nề
trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất, tạo tiền đề cho sự sụp đổ của triều đại Mãn
Thanh và khởi đầu một thời kỳ biến động chính trị kéo dài. Triều đại của một hoàng đế
không phải lúc nào cũng kéo dài vô tận.
Thái Hà là cựu Giáo sư tại Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc từ
năm 1998 đến năm 2012.
Nguồn bản dịch: nghiencuuquocte.org
(*) BVN bổ sung thêm tên riêng chữ Hán trong cả hai phần.
This entry was posted in Tập Cận Bình. Bookmark the permalink.
← Dân Nga không còn đường tho
Điểm yếu của Tập Cận Bình (P1 và P2)
Posted on 29/09/2022 by Boxit VN

Khi Tập lên nắm quyền, nhiều người ở phương Tây đã ca ngợi ông là Mikhail
Gorbachev của Trung Quốc. Một số người mơ tưởng rằng, giống như nhà lãnh đạo
cuối cùng của Liên Xô, Tập sẽ thực hiện những cải cách triệt để, giải phóng sự kìm
kẹp của nhà nước đối với nền kinh tế và dân chủ hóa hệ thống chính trị. Tất nhiên, điều
đó hóa ra chỉ là một suy nghĩ viển vông. Thay vào đó, Tập, một học trò nhiệt thành của
chủ nghĩa Mao, đồng thời cũng mong muốn để lại dấu ấn cá nhân trong lịch sử, đã nỗ
lực để thiết lập quyền lực tuyệt đối của mình. Vì những cải cách trước đây không thực
sự thiết lập cơ chế kiểm soát và đối trọng lên nhà lãnh đạo đảng, nên ông đã thành
công. Giờ đây, cũng như dưới thời Mao, Trung Quốc là nơi một người nắm trọn quyền
hành.
Một phần trong kế hoạch củng cố quyền lực của Tập là giải quyết vấn đề mà ông cho
là khủng hoảng ý thức hệ. Ông nói, Internet là một mối đe dọa sống còn đối với
ĐCSTQ, khiến đảng này mất quyền kiểm soát tâm trí của mọi người. Vì vậy, Tập đã
thẳng tay đàn áp các blogger và các nhà hoạt động trực tuyến, kiểm duyệt những nội
dung bất đồng chính kiến, và củng cố “vạn lý hỏa thành” của Trung Quốc nhằm hạn
chế truy cập vào các trang web nước ngoài. Kết quả là, xã hội dân sự non trẻ đã bị bóp
nghẹt và dư luận trong vai trò người giám sát Tập đã bị tiêu diệt.
Phần I
Thái Hà (Cai Xia 蔡霞)(*), “The Weakness of Xi Jinping”, Foreign Affairs, 09-10/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Thói tự cao và chứng hoang tưởng đã đe dọa tương lai của Trung Quốc như thế nào?
Không lâu trước đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cực kỳ thành công. Ông
củng cố quyền lực của mình trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đưa bản thân lên
ngang hàng với nhà lãnh đạo biểu tượng của đảng, Mao Trạch Đông, và loại bỏ giới hạn
đối với nhiệm kỳ Chủ tịch nước, cho phép ông trở thành lãnh đạo trọn đời. Trong nước,
ông khoe khoang mình đã có bước tiến vượt bậc trong công cuộc xóa đói giảm nghèo; còn

ở nước ngoài, ông tuyên bố đã nâng uy tín quốc tế của đất nước lên tầm cao mới. Đối với
nhiều người Trung Quốc, chiến thuật lãnh đạo cứng rắn (strongman) của Tập là cái giá có
thể chấp nhận được để phục hưng đất nước.
Bên ngoài, Tập vẫn cực kỳ tự tin. Trong một bài phát biểu vào tháng 01/2021, ông tuyên
bố Trung Quốc là “bất khả chiến bại”. Nhưng đằng sau hậu trường, quyền lực của ông
đang bị nghi ngờ chưa từng thấy. Bằng cách loại bỏ truyền thống cai trị tập thể lâu đời của
Trung Quốc, và tạo ra một sự sùng bái cá nhân gợi nhớ đến thời Mao, Tập đã khiến
những thành viên khác trong đảng nổi giận. Trong khi đó, một loạt sai lầm chính sách đã
khiến những người ủng hộ ông thất vọng. Việc đảo ngược các cải cách kinh tế và phản ứng
thiếu sót của Tập đối với đại dịch COVID-19 đã khiến hình ảnh anh hùng của ông vụn vỡ
trong mắt người dân. Sự phẫn nộ đang ngấm ngầm gia tăng trong giới tinh hoa ĐCSTQ.
Từ lâu, tôi đã được ngồi hàng ghế đầu để quan sát cuộc chiến chốn thâm cung của
ĐCSTQ. Trong 15 năm giảng dạy tại Trường Đảng Trung ương, tôi đã giúp đào tạo hàng
nghìn quan chức cấp cao của đảng phục vụ trong bộ máy hành chính Trung Quốc. Suốt
quãng thời gian đó, tôi cũng cố vấn cho dàn lãnh đạo cao nhất về việc xây dựng đảng, và
đã tiếp tục làm như vậy sau khi nghỉ hưu vào năm 2012. Năm 2020, sau khi công khai chỉ
trích Tập, tôi bị khai trừ khỏi đảng, bị tước hết các quyền lợi hưu trí, và bị cảnh báo rằng
bản thân sẽ không còn được an toàn. Giờ đây, tôi đang sống lưu vong ở Mỹ, nhưng vẫn
còn giữ liên lạc với nhiều người ở Trung Quốc.
Tại đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào mùa thu năm nay, Tập dự kiến sẽ đảm
nhiệm thêm nhiệm kỳ thứ ba kéo dài 5 năm. Dù sự khó chịu ngày càng tăng trong giới
tinh hoa đảng có nghĩa là việc tái đắc cử của ông sẽ gây tranh cãi, nhiều khả năng ông vẫn
sẽ thành công. Nhưng thành công đó sẽ mang theo nhiều sóng gió. Phấn chấn trước
nhiệm kỳ bổ sung chưa từng có tiền lệ, Tập có lẽ sẽ tiếp tục siết chặt sự kiểm soát trong
nước, đồng thời nâng cao tham vọng của mình trên trường quốc tế. Khi sự cai trị của Tập
trở nên cực đoan hơn, cuộc tranh đấu nội bộ và sự phẫn nộ mà ông đã gợi ra sẽ chỉ càng
thêm mạnh mẽ. Sự cạnh tranh giữa các phe phái khác nhau trong đảng sẽ trở nên khốc
liệt, phức tạp, và tàn bạo hơn bao giờ hết.
Đến lúc ấy, Trung Quốc có thể sẽ rơi vào một vòng tròn luẩn quẩn, trong đó Tập phản ứng
trước những gì ông cho là mối đe dọa bằng các hành động táo bạo hơn, các hành động
này đến lượt chúng lại tạo ra nhiều phản kháng hơn. Luẩn quẩn chỉ nghe những ý kiến
thuận chiều, và tuyệt vọng chứng minh mình đúng, ông hoàn toàn có thể đi đến những
quyết định thảm họa, chẳng hạn như tấn công Đài Loan. Tập cũng có thể phá hỏng điều
mà Trung Quốc đã gầy dựng suốt 4 thập niên qua: danh tiếng về khả năng lãnh đạo ổn
định và có năng lực. Mà thực ra, điều đó đã xảy ra rồi.
MAFIA TRUNG QUỐC
Xét trên nhiều khía cạnh, ĐCSTQ hầu như không thay đổi kể từ khi họ lên nắm quyền vào
năm 1949. Tương tự như trước đây, đảng vẫn nắm quyền kiểm soát tuyệt đối trên toàn bộ
Trung Quốc, cai trị quân đội, cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp bù nhìn. Các cấp
bậc trong đảng đều phải báo cáo cho Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết
định hàng đầu của đất nước. Bao gồm từ năm đến chín thành viên của Bộ Chính trị, Ủy

ban Thường vụ do Tổng bí thư, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, đứng đầu. Kể từ
năm 2012, người đó là Tập Cận Bình.
Chi tiết về cách thức hoạt động của Ủy ban Thường vụ là một bí mật được bảo vệ nghiêm
ngặt, nhưng ai cũng biết rằng nhiều quyết định đã được đưa ra bằng cách chuyền tay các
tài liệu liên quan đến các vấn đề chính sách lớn, và các ủy viên sẽ lần lượt bổ sung thêm ý
kiến. Những tài liệu đó thường được viết bởi các nhà lãnh đạo đứng đầu các bộ hoặc các
cơ quan khác của đảng, cũng như chuyên gia từ các trường đại học và viện chính sách
hàng đầu. Nếu đề xuất của một cá nhân đến được tay của các Ủy viên Thường vụ, nó sẽ là
vinh dự cho cả cơ quan của người đó. Khi tôi còn là Giáo sư, Trường Đảng Trung ương đặt
ra yêu cầu phải nộp các đề xuất như vậy mỗi tháng một lần. Các tác giả có đề xuất được
trình lên Ủy ban Thường vụ sẽ nhận tiền thưởng tương đương khoảng 1.500 đô la – cao
hơn cả tiền lương hàng tháng của một Giáo sư.
Ngoài ra, có một đặc điểm khác của đảng cũng không thay đổi: tầm quan trọng của các
quan hệ cá nhân. Để được thăng tiến trong hệ thống cấp bậc của đảng, các mối liên hệ cá
nhân, bao gồm danh tiếng và truyền thống đảng viên của gia đình, cũng quan trọng như
năng lực và ý thức hệ.
Điều đó chắc chắn đúng với trường hợp của Tập. Trái ngược với nội dung tuyên truyền
của Trung Quốc và đánh giá của nhiều nhà phân tích phương Tây, rằng ông ta đã vươn
lên nhờ tài năng của mình, sự thật là hoàn toàn ngược lại. Tập được lợi rất nhiều từ các
mối quan hệ của cha mình, Tập Trọng Huân, một lãnh đạo ĐCSTQ với uy tín cách mạng
rất lớn, người từng giữ chức bộ trưởng tuyên truyền một thời gian ngắn dưới thời Mao.
Khi Tập Cận Bình còn là bí thư huyện ủy ở tỉnh Hà Bắc vào đầu những năm 1980, mẹ ông
đã viết một bức thư gửi cho bí thư tỉnh ủy, đề nghị ông giúp Tập thăng tiến. Nhưng vị
quan chức này, Cao Dương (Gao Yang), sau đó đã tiết lộ nội dung của bức thư tại một
cuộc họp của thường vụ tỉnh ủy. Hành động đó khiến gia đình Tập xấu hổ, vì lá thư đã vi
phạm chiến dịch mới của ĐCSTQ – cấm nhờ vả giúp đỡ. (Tập chắc chắn đã không quên
chuyện này, vào năm 2009, khi Cao qua đời, ông thẳng thừng từ chối đến dự đám tang,
theo đó phá vỡ thông lệ, dù cả hai đều từng là hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương.)
Một vụ bê bối kiểu này có thể hủy hoại sự nghiệp của một cán bộ bình thường, nhưng các
mối quan hệ của Tập đã giúp ông: cha của bí thư tỉnh ủy Phúc Kiến là phụ tá thân tín của
Tập Trọng Huân, và hai bên gia đình đã sắp xếp để đưa ông về tỉnh này.
Nhưng Tập Cận Bình vẫn tiếp tục thất bại. Năm 1988, sau khi để mất chức phó thị trưởng
trong một cuộc bầu cử địa phương, ông được thăng chức bí thư quận ủy. Tuy nhiên, khi
đó, Tập đã cảm thấy chán nản với sự nghiệp tầm trung của mình. Trong ĐCSTQ, việc
chuyển từ cấp quận huyện lên cấp tỉnh là cả quãng đường dài, và suốt nhiều năm, ông đã
không thể vượt qua nó. Nhưng một lần nữa, liên hệ gia đình đã trở nên có ích. Năm 1992,
sau khi mẹ của Tập viết đơn cầu xin tân Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến, Giả Khánh Lâm (Jia
Qinglin), con trai bà đã được chuyển đến đây. Kể từ thời điểm đó, sự nghiệp của Tập Cận
Bình đã bắt đầu khởi sắc.

Tất cả các cán bộ cấp thấp đều biết rõ, để có thể thăng tiến trong ĐCSTQ, người ta phải
tìm được một người nâng đỡ ở cấp cao hơn. Trong trường hợp của Tập, chuyện này khá dễ
dàng, vì nhiều nhà lãnh đạo đảng rất tôn trọng cha ông. Người nâng đỡ đầu tiên và quan
trọng nhất của ông là Cảnh Biểu (Geng Biao), một quan chức ngoại giao và quân sự hàng
đầu, từng làm việc cho cha của Tập. Năm 1979, Cảnh đưa Tập về làm thư ký cho mình.
Việc có người cố vấn từ giai đoạn đầu trong sự nghiệp sẽ để lại tác động lớn đến hàng chục
năm. Mỗi quan chức cấp cao đều có “ê-kíp” của riêng mình, hay nhóm người mà họ bảo
trợ, mà trên thực tế chính là các phe phái trong đảng. Thật vậy, các cuộc tranh luận được
cho là về ý thức hệ và chính sách trong nội bộ ĐCSTQ có bản chất ít phức tạp hơn nhiều:
chúng là các cuộc tranh giành quyền lực giữa các ê-kíp khác nhau. Một hệ thống như vậy
tạo ra một mạng lưới của lòng trung thành cá nhân. Nếu vị cố vấn thất sủng, thì kẻ mà
ông ta bảo trợ cũng kể như “mồ côi.”
Đối với người ngoài, sẽ hữu ích hơn nếu xem ĐCSTQ giống như một tổ chức mafia thay vì
một đảng chính trị. Người đứng đầu đảng là bố già, kế đến là các ông trùm dưới, hay Ủy
ban Thường vụ. Những người đàn ông này sẽ chia nhau quyền lực, mỗi người chịu trách
nhiệm về một số lĩnh vực nhất định – chính sách đối ngoại, kinh tế, nhân sự, chống tham
nhũng, … Họ cũng được coi là quân sư cho bố già, tư vấn cho ông về các lĩnh vực chuyên
trách của họ. Tiếp đến là 18 thành viên còn lại của Bộ Chính trị, những người sẽ kế nhiệm
các ủy viên thường vụ. Họ có thể được coi là tay chân của mafia, thực hiện mệnh lệnh của
Tập nhằm loại bỏ những gì ông cho là mối đe dọa, với hy vọng sẽ tiếp tục được bố già
trọng dụng. Với vị thế của mình, họ được phép làm giàu chừng nào còn chấp nhận được,
chiếm đoạt đất đai và các cơ sở kinh doanh mà không bị trừng phạt. Và cũng giống như
mafia, đảng này sử dụng đủ thứ công cụ để đạt được thứ mình muốn: hối lộ, tống tiền,
thậm chí là bạo lực.

CHIA SẺ LÀ QUAN TÂM
Dù sức mạnh của quan hệ cá nhân và tính linh hoạt của các quy tắc chính thức vẫn giữ
nguyên kể từ khi Trung Quốc Cộng sản được thành lập, nhưng có một điều đã dần thay
đổi: mức độ tập trung quyền lực vào tay một người duy nhất. Từ giữa những năm 1960 trở
đi, Mao nắm quyền kiểm soát tuyệt đối và là người có tiếng nói cuối cùng trong mọi vấn
đề, dù ông thể hiện quyền lực của mình không quá thường xuyên và về mặt chính thức
vẫn ngang hàng với các lãnh đạo còn lại. Nhưng khi Đặng Tiểu Bình trở thành nhà lãnh
đạo thực tế của Trung Quốc vào năm 1978, ông đã xoá bỏ chế độ độc tài suốt đời của Mao.
Đặng giới hạn thời gian nắm quyền của chủ tịch nước Trung Quốc xuống còn tối đa hai
nhiệm kỳ 5 năm và thiết lập một hình thức lãnh đạo tập thể, cho phép các quan chức khác
– đầu tiên là Hồ Diệu Bang và sau đó là Triệu Tử Dương – giữ chức vụ Tổng Bí thư đảng,
ngay cả khi ông vẫn nắm quyền thực chất phía sau. Năm 1987, ĐCSTQ quyết định cải
cách quy trình lựa chọn các thành viên của Ban chấp hành Trung ương, cơ quan giám sát
trên danh nghĩa của đảng, đồng thời là cơ quan mà từ đó các ủy viên Bộ Chính trị được
lựa chọn. Lần đầu tiên trong lịch sử, đảng đề xuất nhiều ứng viên hơn số ghế – không hẳn
là một cuộc bầu cử dân chủ, nhưng dù sao cũng là một bước đi đúng hướng. Ngay cả ứng
viên được Đặng Tiểu Bình ủng hộ cũng không chắc sẽ thành công: ví dụ, Đặng Lực Quần
(Deng Liqun), một người theo chủ nghĩa Mao, vốn được Đặng Tiểu Bình hứa hẹn thăng

chức vào Bộ Chính trị, đã không đạt đủ số phiếu và buộc phải giã từ sự nghiệp chính trị.
(Điều đáng chú ý là khi Ban chấp hành Trung ương đảng tổ chức bầu cử năm 1997, Tập
suýt chút nữa đã không được chọn. Ông có ít phiếu nhất trong số những người có tên
trong danh sách, phản ánh sự chán ghét của đảng đối với các “Thái tử Đảng,” hậu duệ của
các lãnh đạo đảng cấp cao, những người đã thăng tiến nhờ quan hệ gia đình hơn là thực
lực.
Để tránh lặp lại Cách mạng Văn hóa thảm khốc, khi sự tuyên truyền của chủ nghĩa Mao
đạt đến đỉnh điểm, Đặng cũng tìm cách ngăn cản bất kỳ nhà lãnh đạo nào tìm kiếm sự
sùng bái cá nhân. Năm 1978, một sinh viên trường Đảng Trung ương là bạn thân của tôi
đã nhìn thấy trong chuyến đi đến một trang trại chăn nuôi heo ở ngoại ô Bắc Kinh, những
món đồ mà Hoa Quốc Phong đã sử dụng trong một chuyến thị sát – một ấm nước nóng,
một tách trà – được trưng bày trong tủ kính, như thể một ngôi đền tôn giáo. Bạn tôi đã
viết thư cho Hoa để chỉ trích sự sùng bái cá nhân, và ông đã cho dẹp bỏ những món đồ
trưng bày. Năm 1982, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đi xa đến mức ghi vào điều lệ
đảng một lệnh cấm sùng bái cá nhân, mà họ coi là đặc biệt nguy hiểm.
Đặng chỉ chịu chia sẻ quyền lực đến mức ấy, và ông đã liên tiếp loại bỏ Hồ và Triệu khi hai
người này tỏ ra quá tự do về mặt chính trị. Nhưng người kế nhiệm Đặng, Giang Trạch
Dân, đã tiến hành cải cách chính trị sâu rộng hơn. Ông cho thể chế hóa nhóm cố vấn của
mình, để họ hoạt động nhiều hơn với tư cách là một văn phòng điều hành. Ông tìm kiếm
lời khuyên từ tất cả các thành viên của Ủy ban Thường vụ, mà đến thời điểm đó đã ra
quyết định dựa trên đa số phiếu, và ông cũng cho lưu hành rộng rãi các dự thảo phát
biểu. Giang cũng khiến các cuộc bầu cử Ban chấp hành Trung ương có tính cạnh tranh
hơn một chút, bằng cách tăng tỷ lệ ứng viên so với số ghế. Ngay cả các Thái tử Đảng,
trong đó gồm một người con trai của Đặng, cũng có thể thất bại trong cuộc bầu cử.
Khi Hồ Cẩm Đào lên kế nhiệm Giang Trạch Dân vào năm 2002, Trung Quốc đã tiếp tục
tiến xa hơn trên con đường lãnh đạo tập thể. Hồ cai trị với sự đồng thuận của chín thành
viên Ủy ban Thường vụ, một nhóm được gọi là “cửu long trị thuỷ.” Cách tiếp cận theo chủ
nghĩa quân bình này cũng có những hạn chế. Mỗi thành viên của Ủy ban Thường vụ đều
có thể phủ quyết bất kỳ quyết định nào, dẫn đến suy nghĩ rằng Hồ một nhà lãnh đạo yếu
không thể vượt qua bế tắc. Trong gần 10 năm, các cuộc cải cách kinh tế bắt đầu dưới thời
Đặng đã bị đình trệ. Tuy nhiên, cũng có những ưu điểm nhất định, vì yêu cầu đồng thuận
đã ngăn cản những quyết định bất cẩn. Chẳng hạn, khi dịch SARS bùng phát ở Trung
Quốc trong năm đầu tiên ông lên nắm quyền, Hồ đã hành động thận trọng, sa thải Bộ
trưởng Y tế Trung Quốc vì đã che đậy mức độ bùng dịch và khuyến khích các quan chức
báo cáo số lượng ca nhiễm một cách trung thực.
Hồ cũng cố gắng áp dụng giới hạn nhiệm kỳ một cách rộng rãi hơn. Dù bị phản đối khi cố
gắng thiết lập giới hạn nhiệm kỳ cho các thành viên của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường
vụ Bộ Chính trị, nhưng ông đã có thể thiết lập giới hạn nhiệm kỳ cho các cấp từ tỉnh
trưởng trở xuống. Hơn nữa, Hồ còn thiết lập một quy trình chưa từng có tiền lệ, theo đó
thành viên của Bộ Chính trị trước tiên sẽ được lựa chọn bằng một cuộc bỏ phiếu của các
thành viên cấp cao trong đảng.

Trớ trêu thay, chính nhờ hệ thống bán dân chủ này mà Tập đã vươn lên đỉnh cao quyền
lực. Năm 2007, tại một cuộc họp mở rộng của Ban chấp hành Trung ương, khoảng 400
lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đã tập trung tại Bắc Kinh để bỏ phiếu đề cử các quan chức
cấp bộ từ một danh sách 200 người, vào Bộ Chính trị gồm 25 thành viên. Tập đã nhận
được nhiều phiếu bầu nhất. Tôi cho rằng yếu tố quyết định không phải là kinh nghiệm Bí
thư Tỉnh ủy Chiết Giang hay Bí thư Thành ủy Thượng Hải của ông, mà là sự tôn trọng của
những người tham gia bỏ phiếu dành cho cha ông, cùng với sự tán thành (và áp lực từ)
một số đảng viên lão thành chủ chốt. Trong cuộc bỏ phiếu đề cử tương tự diễn ra 5 năm
sau đó, Tập tiếp tục nhận được nhiều phiếu bầu nhất, và nhờ sự đồng thuận của các nhà
lãnh đạo sắp mãn nhiệm, ông đã đặt chân lên đỉnh của kim tự tháp quyền lực. Sau đó,
ông nhanh chóng bắt tay vào việc lật ngược tiến trình phát triển lãnh đạo tập thể đã diễn
ra hàng chục năm qua.

ĐẢNG MỘT NGƯỜI?
Khi Tập lên nắm quyền, nhiều người ở phương Tây đã ca ngợi ông là Mikhail Gorbachev
của Trung Quốc. Một số người mơ tưởng rằng, giống như nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên
Xô, Tập sẽ thực hiện những cải cách triệt để, giải phóng sự kìm kẹp của nhà nước đối với
nền kinh tế và dân chủ hóa hệ thống chính trị. Tất nhiên, điều đó hóa ra chỉ là một suy
nghĩ viển vông. Thay vào đó, Tập, một học trò nhiệt thành của chủ nghĩa Mao, đồng thời
cũng mong muốn để lại dấu ấn cá nhân trong lịch sử, đã nỗ lực để thiết lập quyền lực
tuyệt đối của mình. Vì những cải cách trước đây không thực sự thiết lập cơ chế kiểm soát
và đối trọng lên nhà lãnh đạo đảng, nên ông đã thành công. Giờ đây, cũng như dưới thời
Mao, Trung Quốc là nơi một người nắm trọn quyền hành.
Một phần trong kế hoạch củng cố quyền lực của Tập là giải quyết vấn đề mà ông cho là
khủng hoảng ý thức hệ. Ông nói, Internet là một mối đe dọa sống còn đối với ĐCSTQ,
khiến đảng này mất quyền kiểm soát tâm trí của mọi người. Vì vậy, Tập đã thẳng tay đàn
áp các blogger và các nhà hoạt động trực tuyến, kiểm duyệt những nội dung bất đồng
chính kiến, và củng cố “vạn lý hỏa thành” của Trung Quốc nhằm hạn chế truy cập vào các
trang web nước ngoài. Kết quả là, xã hội dân sự non trẻ đã bị bóp nghẹt và dư luận trong
vai trò người giám sát Tập đã bị tiêu diệt.
Một động thái khác của Tập là phát động chiến dịch chống tham nhũng, gọi nó là sứ
mệnh cứu đảng khỏi sự tự hủy diệt. Vì tham nhũng là dịch bệnh phổ biến ở Trung Quốc,
gần như mọi quan chức đều có thể là mục tiêu, Tập đã sử dụng chiến dịch này như một
cuộc thanh trừng chính trị. Dữ liệu chính thức cho thấy từ tháng 12/2012 đến tháng
06/2021, ĐCSTQ đã điều tra 393 cán bộ lãnh đạo trên cấp tỉnh, các quan chức thường
được nhắm cho các vị trí cao nhất, cũng như 631.000 cán bộ trong nhiều cơ quan, những
người thực hiện chính sách của đảng tại cấp cơ sở. Cuộc thanh trừng đã bắt giữ một số
quan chức quyền lực nhất mà Tập cho là mối đe dọa, bao gồm Chu Vĩnh Khang, cựu
thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và người đứng đầu bộ máy an ninh Trung
Quốc, và Tôn Chính Tài, một ủy viên Bộ Chính trị mà nhiều người coi là đối thủ và là
người có khả năng kế nhiệm của Tập.

Tượng bán thân của Tập,

tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, tháng 06/2019 © Jason Lee / Reuters
Đáng chú ý là những người giúp Tập thăng tiến đã không hề hấn gì. Giả Khánh Lâm, Bí
thư Tỉnh ủy Phúc Kiến vào những năm 1990 và cuối cùng trở thành thành viên Ủy ban
Thường vụ Bộ Chính trị, là người có công giúp Tập thăng tiến trong sự nghiệp. Dù có lý
do để tin rằng ông ta và gia đình cực kỳ tham nhũng – Hồ sơ Panama, kho tài liệu bị rò rỉ
từ một công ty luật, tiết lộ rằng cháu gái và con rể của Giả sở hữu một số công ty bí mật ở
nước ngoài – nhưng đến nay họ vẫn chưa bị chiến dịch chống tham nhũng của Tập sờ gáy.
Tập không hề nhẹ tay. Theo tôi được biết từ một người trong đảng, mà tôi không thể nêu
tên vì sợ sẽ đẩy ông vào rắc rối, hồi năm 2014, người của Tập đã đến gặp một quan chức
cấp cao từng công khai chỉ trích Tập và đe dọa sẽ điều tra tham nhũng nếu ông này không
dừng lại. (Ông đành phải im lặng.) Khi theo đuổi mục tiêu, cấp dưới của Tập thường gây
áp lực lên các thành viên gia đình và trợ lý của các quan chức. Vương Mân (Wang Min),
Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh, người mà tôi biết rõ từ những ngày còn là học viên tại Trường
Đảng Trung ương, đã bị bắt vào năm 2016 dựa trên những lời khai từ tài xế của ông.
Người này nói rằng khi ở trong xe, Vương đã phàn nàn với một người đi cùng về việc
không được thăng chức. Vương bị kết án tù chung thân, một trong những cáo buộc là
chống lại sự lãnh đạo của Tập.
Sau khi loại bỏ các đối thủ khỏi các vị trí chủ chốt, Tập đã cài người của mình vào. Phe của
Tập trong đảng được gọi là “Chi Giang Tân Quân” (Zhījiāng Xīnjūn之江新军) bao gồm
các cựu cấp dưới trong thời gian ông làm tỉnh trưởng ở Phúc Kiến và Chiết Giang, thậm
chí cả những người bạn thời đại học và trung học. Kể từ khi lên nắm quyền, Tập đã nhanh
chóng thăng chức cho tay chân thân tín của mình, thường là vượt quá năng lực của họ.
Người bạn cùng phòng của ông từ những ngày còn học tại Đại học Thanh Hoa, Trần Hi
(Chen Xi陈希), được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương ĐCSTQ, một vị trí đi
kèm với một ghế trong Bộ Chính trị và quyền quyết định ai sẽ có thể thăng cấp. Tuy
nhiên, Trần hoàn toàn không có kinh nghiệm liên quan: năm người tiền nhiệm trực tiếp

của ông đều từng đảm nhiệm các vị trí đảng vụ địa phương, trong khi ông dành gần như
toàn bộ sự nghiệp của mình tại Đại học Thanh Hoa.
Tập đã đảo ngược một cải cách lớn khác: “tách biệt giữa đảng và nhà nước,” tức nỗ lực
nhằm giảm mức độ mà các cán bộ đảng với động lực ý thức hệ can thiệp vào các quyết
định kỹ thuật và quản lý trong các cơ quan chính phủ. Trong nỗ lực chuyên nghiệp hóa bộ
máy hành chính, Đặng Tiểu Bình và những người kế nhiệm đã cố gắng, với mức độ thành
công khác nhau, để tách chính phủ khỏi sự can thiệp của ĐCSTQ. Tập đã phá hoại tất cả
khi thiết lập khoảng 40 ủy ban riêng của đảng, có nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan chính
phủ. Chẳng hạn, không giống như những người tiền nhiệm, ông có đội ngũ riêng để xử lý
các vấn đề liên quan đến Biển Đông, bỏ qua Bộ Ngoại giao và Cục Hải dương Nhà nước.
Những ủy ban này đã tước bỏ phần lớn quyền lực khỏi tay người đứng đầu chính phủ
Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường, và biến vị trí từng là lãnh đạo đồng cấp trở thành
phụ tá. Có thể nhận ra sự thay đổi này trong cách Lý thể hiện bản thân mỗi khi xuất hiện
trước công chúng. Trong khi hai người tiền nhiệm trực tiếp của ông, Chu Dung Cơ và Ôn
Gia Bảo, lần lượt đứng ngang hàng với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, Lý lại giữ
khoảng cách với Tập, như để nhấn mạnh sự chênh lệch quyền lực. Hơn nữa, trong quá
khứ, truyền thông chính thức và truyền thông nhà nước thường đề cập đến “hệ thống
Giang-Chu” và “hệ thống Hồ-Ôn”, nhưng ngày nay hầu như chẳng ai nói đến “hệ thống
Tập-Lý.” Từ lâu đã có sự đối kháng giữa đảng và chính phủ ở Trung Quốc – mà người
trong cuộc gọi là đấu tranh giữa “khu Nam” và “khu Bắc” của Trung Nam Hải, vốn là nơi
đặt trụ sở của hai cơ quan. Nhưng khi nhấn mạnh rằng tất cả mọi người phải coi ông là
người có quyền lực cao nhất, Tập đã làm căng thẳng thêm trầm trọng.
Tập cũng đã thay đổi động lực trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Lần đầu tiên trong
lịch sử ĐCSTQ, tất cả các thành viên Bộ Chính trị, kể cả những người trong Ủy ban
Thường vụ, đều phải báo cáo trực tiếp với Tổng Bí thư bằng cách gửi báo cáo định kỳ cho
Tập, người sẽ tự đánh giá kết quả làm việc của họ. Đã qua rồi cái thời mà tình đồng chí
thân thiết và gần như bình đẳng tồn tại giữa các ủy viên Thường vụ. Như một cựu quan
chức ở Bắc Kinh nói với tôi, một trong bảy thành viên của ủy ban – Vương Kỳ Sơn, phó
chủ tịch nước và là đồng minh lâu năm của Tập – từng phàn nàn với bạn bè rằng quan hệ
giữa Tập và các Ủy viên Thường vụ còn lại là quan hệ giữa một hoàng đế và các bá quan.
Thay đổi trơ trẽn nhất mà Tập thực hiện là xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước
Trung Quốc. Giống như mọi nhà lãnh đạo tối cao từ thời Giang Trạch Dân trở đi, Tập
kiêm nhiệm ba chức vụ: Chủ tịch nước, Tổng Bí thư đảng và Chủ tịch Quân ủy Trung
ương. Dù giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm chỉ áp dụng cho chức vụ đầu tiên trong số ba chức
vụ kể trên, nhưng bắt đầu từ Hồ Cẩm Đào, người ta hiểu rằng giới hạn này cũng phải áp
dụng cho hai chức vụ còn lại, để một người có thể cùng lúc giữ cả ba chức vụ.
Nhưng vào năm 2018, theo chỉ thị của Tập, cơ quan lập pháp của Trung Quốc đã sửa đổi
hiến pháp để loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước. Lời biện minh cho hành động
ấy thật nực cười. Mục tiêu được người ta công bố là để làm cho nhiệm kỳ của chủ tịch nước

tương ứng với các chức vụ trong đảng và quân đội, dù rõ ràng cải cách phải đi theo chiều
ngược lại: áp dụng giới hạn nhiệm kỳ cho cả chức tổng bí thư đảng và chủ tịch quân ủy.
Tiếp đến là sự sùng bái cá nhân. Dù lệnh cấm sùng bái cá nhân vẫn còn trong điều lệ
đảng, Tập và các cấp phó đã đòi hỏi một mức độ trung thành và ngưỡng mộ dành cho
lãnh đạo chưa từng thấy kể từ thời Mao. Bắt đầu từ năm 2016, khi ông được tuyên bố là
“lãnh tụ hạt nhân” của đảng (một danh xưng chưa từng được trao cho người tiền nhiệm
của ông, Hồ Cẩm Đào), Tập Cận Bình đã luôn đứng trước các thành viên Ủy ban Thường
vụ trong các bức chân dung chính thức. Chân dung của ông được treo khắp nơi, theo
phong cách giống như Mao, trong các văn phòng chính phủ, trường học, địa điểm tôn
giáo và nhà riêng. Theo Radio France Internationale, cấp dưới của Tập đã đề xuất đổi
tên Đại học Thanh Hoa, trường cũ của ông, đồng thời là một trường đại học hàng đầu
Trung Quốc, thành Đại học Tập Cận Bình. Họ thậm chí còn tranh cãi về việc có nên treo
ảnh của ông bên cạnh ảnh của Mao ở Quảng trường Thiên An Môn hay không. Dù cả hai ý
tưởng đều không đi đến đâu, nhưng Tập đã cố gắng đưa Tư tưởng Tập Cận Bình vào điều
lệ đảng hồi năm 2017 — cùng Mao trở thành hai lãnh đạo duy nhất có hệ tư tưởng của
riêng mình được thêm vào điều lệ đảng khi còn đương chức — và trong hiến pháp nhà
nước một năm sau đó. Trong một bài viết dài đăng năm 2017 trên trang Tân Hoa Xã, cơ
quan truyền thông nhà nước, một nhà tuyên truyền đã dành cho Tập bảy danh hiệu mới
theo kiểu Bắc Triều Tiên, thứ sẽ khiến những người tiền nhiệm thời hậu Mao của ông ta
phải đỏ mặt: “nhà lãnh đạo đột phá,” “người cán bộ siêng năng làm việc vì hạnh phúc của
nhân dân,” “kiến trúc sư trưởng của tiến trình hiện đại hóa trong kỷ nguyên mới,” …
Trong nội bộ đảng, phe của Tập đang thực hiện một chiến dịch quyết liệt, yêu cầu ông
phải được tiếp tục nắm quyền để hoàn thành điều ông đã khởi xướng: “sự phục hưng vĩ
đại của dân tộc Trung Hoa”. Nỗ lực của họ ngày càng mạnh mẽ, nhưng thông điệp của họ
lại được đơn giản hóa. Tháng 4 vừa qua, các quan chức đảng ở Quảng Tây đề xuất khẩu
hiệu mới: “mãi mãi ủng hộ lãnh tụ, bảo vệ lãnh tụ, và đi theo lãnh tụ.” Tựa như “hồng bảo
thư” của Mao, họ cũng phát hành một bộ sưu tập các câu danh ngôn của Tập trong một
cuốn sách bỏ túi và khuyến khích người dân ghi nhớ nội dung của nó. Tập dường như
đang tự định vị mình không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại của đảng mà còn là một hoàng đế
thời hiện đại.
T.H.
Nguồn: nghiencuuquocte.org
Phần II

Thái Hà (Cai Xia 蔡霞), “The Weakness of Xi Jinping”, Foreign Affairs, 09-10/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
VỊ HOÀNG ĐẾ KHÔNG QUẦN ÁO
Hệ thống chính trị càng tập trung vào một lãnh đạo duy nhất thì càng phải lưu tâm đến
những thiếu sót và tính cách khác thường của nhà lãnh đạo đó. Trong trường hợp của
Tập, nhà lãnh đạo là người không thích bị chỉ trích, cố chấp và độc tài.
Tính cách này đã hiện rõ ngay từ trước khi ông nhậm chức Chủ tịch nước. Năm 2008, Tập
trở thành Hiệu trưởng của Trường Đảng Trung ương, nơi tôi giảng dạy. Một năm sau đó,
trong một cuộc họp cấp khoa, Hiệu phó nhà trường đã chuyển lời đe dọa của Tập tới các
giảng viên, rằng ông sẽ “không bao giờ cho phép họ vừa ăn từ bát cơm của đảng, vừa cố
gắng đập vỡ nồi cơm của đảng” – nghĩa là nhận lương từ Chính phủ trong khi vẫn âm
thầm chỉ trích hệ thống. Tức giận trước quan điểm ngớ ngẩn của Tập rằng ĐCSTQ mới là
người đóng góp cho ngân sách nhà nước, chứ không phải những người dân đóng thuế, từ
chỗ ngồi của mình, tôi đã hỏi vặn lại thật to, “Thế còn đảng ăn từ bát cơm của ai? Đảng ăn
từ bát cơm của dân nhưng ngày nào cũng đập nồi cơm của họ.” Đã không ai báo cáo tôi, vì
các đồng nghiệp cũng đồng ý với tôi.
Khi chính thức nắm quyền, Tập tỏ rõ rằng mình không có hứng thú lắng nghe những lời
chỉ trích. Ông không sử dụng các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ và Bộ Chính trị như
những cơ hội để thảo luận kỹ càng về chính sách, mà là cơ hội cho những cuộc độc thoại
kéo dài hàng giờ đồng hồ. Theo số liệu chính thức, từ tháng 11/2012 đến tháng 02/2022,
ông đã tổ chức 80 “buổi học tập thể”, trong đó ông trình bày dài dòng về các chủ đề định
sẵn trước Bộ Chính trị. Ông cũng từ chối bất kỳ lời đề nghị nào từ cấp dưới mà ông cho là
sẽ khiến bản thân trông xấu đi. Theo một người bạn cũ của Vương Kỳ Sơn, người từng là
Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tập, nghĩa là một thành
viên trong vòng tròn thân tín của Chủ tịch, Vương từng đề xuất rằng “quy định tám điểm”
của Tập, một danh sách các yêu cầu đối với đảng viên, phải được trở thành yêu cầu chính
thức của đảng. Nhưng ngay cả hành động mang tính nịnh hót này cũng bị Tập coi là một
sự sỉ nhục vì nó nghe như không phải ông là người đề xuất, và ông đã quở trách Vương
ngay tại chỗ.

Tập Cập Bình cũng là một nhà quản lý vi mô. Như nhiều nhà phân tích đã chỉ ra, ông làm
việc như một “chủ tịch của mọi thứ.” Chẳng hạn, trong năm 2014, ông đã 17 lần ban hành
chỉ thị về bảo vệ môi trường – một mức độ can thiệp đáng kể, nếu xét đến khối lượng công
việc khổng lồ của ông. Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, và Hồ Cẩm Đào đều nhận ra
rằng việc quản lý một quốc gia rộng lớn như Trung Quốc đòi hỏi phải tính đến sự phức tạp
của từng địa phương. Họ nhấn mạnh rằng cán bộ thuộc tất cả các cấp nên nhận chỉ thị từ
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhưng phải biết điều chỉnh chúng trong các tình
huống cụ thể khi cần thiết. Sự linh hoạt như vậy là rất quan trọng đối với phát triển kinh
tế, vì nó trao cho giới chức địa phương cơ hội đổi mới. Tuy nhiên, Tập nhấn mạnh rằng
các chỉ thị của ông phải được tuân theo đúng từng chữ một. Theo tôi được biết, một bí thư
huyện uỷ vào năm 2014 đã cố gắng tạo ra một ngoại lệ đối với các quy định mới của chính
quyền trung ương về tiệc chiêu đãi, vì địa phương ông thường xuyên phải đón tiếp các
đoàn đại biểu của các nhà đầu tư nước ngoài. Khi Tập hay tin về cố gắng đổi mới này, ông
đã rất tức giận, cáo buộc vị quan chức trên đã “nói xấu chính sách của Ban Chấp hành
Trung ương” – một cáo buộc vô cùng nghiêm trọng, và sau vụ việc này, nó đã được chính
thức đưa vào các quy định kỷ luật của đảng và người vi phạm sẽ bị trừng phạt bằng cách
khai trừ khỏi đảng.
Kể từ thời Mao, ĐCSTQ từng có một truyền thống lâu đời, theo đó các cán bộ có thể viết
thư đề xuất và thậm chí là thư chỉ trích cho lãnh đạo cao nhất, nhưng những người dám
thử điều này với Tập ngay từ đầu nhiệm kỳ của ông đã bị dạy cho một bài học. Khoảng
năm 2017, Lưu Á Châu (Liu Yazhou 刘亚洲), một tướng trong Quân đội Giải phóng Nhân
dân và là con rể của cựu Chủ tịch nước Lý Tiên Niệm, đã viết thư cho Tập, khuyến nghị
rằng Trung Quốc nên đảo ngược chính sách ở Tân Cương và ngừng giam giữ người thiểu
số Duy Ngô Nhĩ. Ông đã bị cảnh báo không được phép nói xấu các chính sách của Tập.
Việc Tập từ chối chấp nhận những lời khuyên kiểu này đã loại bỏ một phương pháp tự sửa
sai quan trọng.
Tại sao, khác với những người tiền nhiệm của mình, Tập lại kiên quyết không nghe theo
lời khuyên của người khác? Tôi nghi ngờ một phần nguyên nhân là ông ta có phức cảm tự
ti, khi biết rằng trình độ của mình kém hơn so với các lãnh đạo cấp cao khác trong
ĐCSTQ. Dù theo học ngành kỹ thuật hóa học tại Đại học Thanh Hoa, Tập được nhận vào
theo diện “công – nông -binh”, một loại sinh viên được nhận vào những năm 1970 dựa
trên độ tin cậy chính trị và lý lịch giai cấp, chứ không phải thành tích học tập. Ngược lại,
Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã vượt qua kỳ thi đại học có tính cạnh tranh cực cao.
Năm 2002, khi còn là cán bộ cấp tỉnh, Tập đã nhận bằng tiến sĩ về lý thuyết Mác-xít,
cũng tại trường Thanh Hoa, nhưng như nhà báo người Anh Michael Sheridan đã chỉ ra,
luận văn của Tập có rất nhiều đoạn bị nghi ngờ là đạo văn. Theo kinh nghiệm của tôi từ
thời còn ở Trường Đảng Trung ương, các quan chức cấp cao thường giao bài vở ở trường
cho trợ lý giải quyết, trong khi các giáo sư của họ nhắm mắt làm ngơ. Thật vậy, vào thời
điểm mà ông được cho là phải hoàn thành luận văn của mình, Tập đang giữ chức Tỉnh
trưởng Phúc Kiến – cực kỳ bận rộn.

SAI LẦM NỐI TIẾP SAI LẦM
Trong bất kỳ hệ thống chính trị nào, quyền lực không được kiểm soát cũng đều nguy
hiểm. Khi xa rời thực tế và thoát khỏi sự ràng buộc của đồng thuận, một nhà lãnh đạo có
thể hành động hấp tấp, triển khai các chính sách thiếu khôn ngoan, không được lòng dân,

hoặc cả hai. Do đó, chẳng ngạc nhiên khi phong cách cai trị biết tuốt của Tập đã dẫn đến
nhiều quyết định tai hại. Điểm chung là người ta không thể xác định được tác động thực
tế của các chỉ thị của ông.
Trước tiên là các chính sách đối ngoại. Đi ngược lại với chủ trương “ẩn mình chờ thời” của
Đặng Tiểu Bình, Tập đã quyết định trực tiếp thách thức Mỹ và theo đuổi một trật tự thế
giới lấy Trung Quốc làm trung tâm. Đó là lý do tại sao ông ta đã có những hành vi mạo
hiểm và gây hấn ở nước ngoài, quân sự hóa Biển Đông, đe dọa Đài Loan, và khuyến khích
các nhà ngoại giao của mình áp dụng phong cách “ngoại giao chiến lang” hung hăng hơn.
Tập cũng thành lập một liên minh trên thực tế với Tổng thống Nga Vladimir Putin, khiến
Trung Quốc càng xa lánh cộng đồng quốc tế. Sáng kiến Vành đai và Con đường của ông
đã tạo ra làn sóng phản kháng ngày càng tăng khi các quốc gia mệt mỏi vì nợ nần và
tham nhũng phát xuất từ chương trình này.
Các chính sách kinh tế của Tập cũng phản tác dụng theo cách tương tự. Cải cách thị
trường là một trong những thành tựu tiêu biểu của ĐCSTQ, giúp hàng trăm triệu người
Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo. Nhưng khi Tập lên nắm quyền, ông coi khu vực tư
nhân là mối đe dọa đối với quyền lực của mình, và đã cho hồi sinh nền kinh tế kế hoạch
thời Mao. Ông củng cố các công ty nhà nước và thành lập các chi bộ đảng trong khu vực
tư nhân để chỉ đạo cách thức hoạt động của các doanh nghiệp. Dưới chiêu bài chống tham
nhũng và thực thi luật chống độc quyền, ông ta đã cướp tài sản của nhiều công ty tư nhân
và doanh nhân. Trong vài năm qua, một số công ty năng động nhất của Trung Quốc, bao
gồm Tập đoàn Bảo hiểm Anbang và Tập đoàn HNA, đã buộc phải giao quyền kiểm soát
công việc kinh doanh cho nhà nước. Những cái tên khác, chẳng hạn như Tập đoàn
Tencent và gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, đã bị ép phải khuất phục bằng sự kết
hợp của các quy định mới, các vụ điều tra và xử phạt. Năm 2020, Tôn Đại Ngọ (Sun
Dawu 孙大午), vị tỷ phú là chủ sở hữu một tập đoàn nông nghiệp, người từng công khai
chỉ trích Tập vì hành vi đàn áp các luật sư nhân quyền, đã bị bắt giam với các cáo buộc sai
sự thật và sớm phải nhận bản án 18 năm tù. Tập đoàn của ông đã bị bán rẻ cho một công
ty nhà nước được thành lập vội vàng, trong một cuộc đấu giá có dàn xếp, với cái giá chỉ
bằng một phần nhỏ giá trị thực của nó.
Như dự đoán, Trung Quốc đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và hầu hết
các nhà phân tích tin rằng tăng trưởng sẽ còn chậm hơn nữa trong những năm tới. Dù có
nhiều nguyên nhân lý giải tình trạng này – bao gồm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với
các công ty công nghệ Trung Quốc, chiến tranh Ukraine, và đại dịch Covid-19 – vấn đề cơ
bản là sự can thiệp của ĐCSTQ vào nền kinh tế. Chính phủ liên tục can thiệp vào khu vực
tư nhân để đạt được các mục tiêu chính trị, đây vốn là một liều thuốc độc đối với năng
suất. Nhiều doanh nhân Trung Quốc sống trong nỗi sợ hãi rằng công ty của họ sẽ bị tịch
thu, hoặc bản thân họ sẽ bị giam giữ, vốn không phải là kiểu tư duy sẽ khuyến khích đổi
mới. Vào tháng 4, khi triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc xấu đi, Tập đã chủ trì một
cuộc họp của Bộ Chính trị để tiết lộ giải pháp mà ông cho là sẽ khắc phục tình trạng tồi tệ
của nền kinh tế: kết hợp hoàn thuế, giảm phí, đầu tư cơ sở hạ tầng và nới lỏng tiền tệ.
Nhưng vì không có đề xuất nào trong số này giải quyết được vấn đề gốc rễ là sự can thiệp
quá mức của nhà nước vào nền kinh tế, nên chúng chắc chắn sẽ thất bại.

Không có lĩnh vực nào mà mong muốn kiểm soát của Tập lại gây ra thảm họa nhiều hơn
là phản ứng của ông với đại dịch Covid-19. Khi bệnh dịch bùng phát lần đầu tiên ở thành
phố Vũ Hán vào tháng 12/2019, Tập đã bưng bít thông tin về căn bệnh nhằm giữ gìn hình
ảnh của một Trung Quốc hưng thịnh. Trong khi đó, các quan chức địa phương rơi vào thế
bị động. Một tháng sau, với tư cách là thị trưởng Vũ Hán, Chu Tiên Vượng (Zhou
Xianwang 周先旺), đã thừa nhận trên truyền hình nhà nước, mà không có sự chấp thuận
của cấp trên, rằng ông đã không thể công khai về sự bùng phát dịch bệnh. Khi tám
chuyên gia y tế dũng cảm lên tiếng về việc này, chính quyền ra lệnh giam giữ và bịt miệng
họ. Một trong tám người sau đó tiết lộ rằng anh đã bị buộc phải ký tên vào một bản thú
tội sai.

Một nhân viên y tế đóng
rào chắn vào khu dân cư trong đợt phong toả Covid-19 ở Thượng Hải, tháng 05/2022 ©

Aly Song / Reuters

Xu hướng quản lý vi mô của Tập cũng đã cản trở việc ứng phó với đại dịch. Thay vì để các
nhân viên y tế của chính phủ soạn thảo nội dung chi tiết chính sách, Tập nhấn mạnh rằng
mình sẽ tự điều phối các nỗ lực của Trung Quốc. Sau này, Tập khoe khoang rằng ông đã
“đích thân chỉ huy, lập kế hoạch phản ứng, giám sát tình hình chung, hành động quyết
đoán và vạch ra con đường phía trước.” Dù khẳng định này là đúng sự thật, nhưng nó
không mang lại hiệu quả tốt đẹp. Trên thực tế, sự can thiệp của ông đã gây nhiều bối rối
và thụ động, khi các quan chức y tế địa phương nhận hàng loạt thông điệp trái chiều từ
Bắc Kinh và từ chối hành động. Theo một nguồn tin trong Quốc vụ viện (cơ quan hành
chính cao nhất của Trung Quốc), Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đề xuất kích hoạt một chu
trình ứng phó khẩn cấp vào đầu tháng 01/2020, nhưng Tập từ chối phê duyệt vì sợ sẽ làm
hỏng các lễ kỷ niệm Tết Nguyên Đán của Trung Quốc.
Khi biến thể Omicron lan rộng ở Thượng Hải vào tháng 02/2022, Tập lại chọn một phản
ứng khó hiểu. Chi tiết về quá trình ra quyết định đã được một người làm việc tại Quốc vụ
viện gửi cho tôi. Trong một cuộc họp trực tuyến của khoảng 60 chuyên gia về đại dịch

được tổ chức ngay sau khi Omicron bùng phát, mọi người đều đồng ý rằng nếu Thượng
Hải chỉ đơn giản tuân theo các hướng dẫn y tế chính thức mới nhất, nới lỏng các yêu cầu
kiểm dịch, thì cuộc sống trong thành phố có thể diễn ra ít nhiều như bình thường. Nhiều
quan chức đảng và nhân viên y tế của thành phố đã ủng hộ cách tiếp cận này. Nhưng khi
Tập nghe về điều đó, ông đã nổi giận. Từ chối lắng nghe các chuyên gia, ông khăng khăng
thực thi chính sách “zero-covid” của mình. Hàng chục triệu cư dân Thượng Hải bị cấm ra
khỏi nhà, kể cả là để mua hàng tạp hóa hoặc đi cấp cứu. Một số người đã chết ngay trước
cổng bệnh viện, số khác nhảy lầu tự tử từ các tòa nhà chung cư của họ.
Và như vậy, một thành phố hiện đại, thịnh vượng đã hoá thành một thảm họa nhân đạo,
với hàng loạt người chết đói và những đứa trẻ bị chia cắt khỏi cha mẹ của chúng. Một nhà
lãnh đạo cởi mở hơn, hoặc chịu sự kiểm tra chặt chẽ hơn, hẳn đã không thực hiện một
chính sách hà khắc như vậy, hoặc chí ít sẽ cố gắng sửa chữa đường lối khi những bấp cập
và sự chống đối trở nên rõ ràng. Nhưng với Tập, điều chỉnh chính sách là một sự thừa
nhận sai lầm không thể tưởng tượng được.

PHẢN ỨNG CỦA CÁC PHE PHÁI
Ban lãnh đạo của ĐCSTQ chưa bao giờ là một khối thống nhất. Như Mao đã từng nói, “Có
những đảng bên ngoài đảng, và có những phe phái bên trong đảng của chúng ta, luôn là
như vậy.” Các phe phái này về cơ bản dựa trên quan hệ cá nhân, và họ có xu hướng tự dàn
xếp theo một phổ liên tục từ tả sang hữu. Nói cách khác, dù chính trị Trung Quốc chủ yếu
theo chủ nghĩa cá nhân, nhưng vẫn có những khác biệt thực sự về đường lối chính sách
quốc gia, và mỗi “ê-kíp” sẽ thường liên kết bản thân với những ý tưởng của người đứng
đầu.
Cánh tả là những người vẫn cam kết theo chủ nghĩa Mác chính thống. Họ thống trị đảng
trước thời Đặng Tiểu Bình, và chủ trương tiếp tục đấu tranh giai cấp và bạo lực cách
mạng. Tiêu biểu là phe của Mao Trạch Đông, Trần Vân (nhân vật thứ hai dưới thời Đặng),
Bạc Hy Lai (một cựu ủy viên Bộ Chính trị đã bị bỏ tù trước khi Tập nắm quyền) và Tập
Cận Bình. Ở cấp cơ sở, cánh tả còn bao gồm một đội ngũ nhỏ, không có quyền lực chính
trị, là các sinh viên Mác-xít và các công nhân bị sa thải do cải cách của Đặng.
Phe trung dung chủ yếu là các hậu duệ chính trị của Đặng Tiểu Bình. Bởi vì hầu hết các
cán bộ ngày nay đều được đào tạo dưới quyền ông, đây là phe thống trị bộ máy hành
chính của ĐCSTQ. Nhóm này ủng hộ các cải cách kinh tế toàn diện và cải cách chính trị
hạn chế, tất cả đều với mục tiêu đảm bảo sự cầm quyền vĩnh viễn của đảng. Ngoài ra, phe
trung dung còn có người của hai quan chức hàng đầu đã nghỉ hưu, Giang Trạch Dân và
Tăng Khánh Hồng (cựu phó chủ tịch nước), cùng một nhóm khác là Đoàn phái, gồm
những người ủng hộ cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào và thủ tướng đương nhiệm Lý Khắc
Cường.
Cuối cùng là cánh hữu, mà đối với trường hợp Trung Quốc, được hiểu là những người
theo chủ nghĩa tự do ủng hộ nền kinh tế thị trường và một hình thức nhẹ nhàng hơn của
chủ nghĩa chuyên chế (hoặc thậm chí, trong một số trường hợp, là ủng hộ nền dân chủ lập
hiến). Tôi thuộc về phe này, cũng là phe yếu thế nhất. Nó bao gồm những người ủng hộ

Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, hai lãnh đạo đảng dưới thời Đặng. Nó cũng bao gồm cả
Ôn Gia Bảo, người từng là thủ tướng của Trung Quốc trong giai đoạn 2003-2013 và đến
nay vẫn có ảnh hưởng. Khi được hỏi về việc thúc đẩy cải cách chính trị trong một cuộc
phỏng vấn năm 2010, Ôn trả lời “Tôi sẽ không nhượng bộ cho đến ngày cuối cùng của
cuộc đời mình.”
Tập Cận Bình đang phải đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng từ cả ba phe phái. Dù ban
đầu họ ủng hộ các chính sách của ông, nhưng giờ đây, cánh tả cho rằng Tập chưa đi đủ xa
trong việc phục hồi các chính sách của Mao, một số thậm chí còn bất mãn sau khi ông ta
đàn áp phong trào lao động. Phe trung dung thì ôm hận vì Tập đã hủy hoại các cải cách
kinh tế. Còn cánh hữu lại hoàn toàn im lặng, vì Tập đã loại bỏ ngay cả những cuộc tranh
luận chính trị nhỏ nhất.
Có thể cảm nhận những chia rẽ này trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Một trong các
ủy viên, Hàn Chính, được nhiều người coi là thành viên của phe Giang Trạch Dân. Lý
Khắc Cường đặc biệt tỏ ra xa cách với Tập, và sự xung khắc giữa các quan chức đang dần
được hé lộ trước công chúng. Lý từ lâu đã âm thầm phản đối chính sách zero-covid của
Tập, nhấn mạnh sự cần thiết phải mở cửa các công ty và bảo vệ nền kinh tế. Vào tháng 5,
sau khi Lý nói với 100.000 cán bộ đảng tại một hội nghị trực tuyến rằng nền kinh tế đang
trong tình trạng tồi tệ hơn dự kiến, các đồng minh của Tập đã tiến hành một cuộc phản
công. Trên Tân Hoa Xã, họ bảo vệ ông bằng cách lập luận, “Triển vọng phát triển kinh tế
của Trung Quốc chắc chắn sẽ tươi sáng hơn.” Như một biểu tượng cho sự phản kháng của
họ đối với chính sách covid của Tập, Lý và các cấp dưới của ông đã từ chối đeo khẩu trang.
Hồi tháng 4, trong một bài phát biểu ở thành phố Nam Xương, người ta đã nhìn thấy các
phụ tá của Lý yêu cầu những người tham dự tháo khẩu trang. Cho đến nay, Lý vẫn nhân
nhượng trước thái độ kiêu ngạo của Tập, luôn miễn cưỡng phục tùng khi cần thiết. Nhưng
ông có thể sẽ sớm đạt đến ngưỡng chịu đựng của mình.
Sự phẫn nộ đang từ giới tinh hoa tràn dần xuống các cấp thấp hơn trong bộ máy hành
chính. Vào đầu nhiệm kỳ của Tập, khi ông bắt đầu xáo trộn quyền lực, nhiều thành viên
của bộ máy đã cảm thấy bất bình và vỡ mộng. Nhưng họ chỉ phản kháng thụ động, thể
hiện qua việc không hành động. Cán bộ địa phương xin nghỉ ốm liên tục hoặc viện đủ loại
lý do để ngăn cản các sáng kiến chống tham nhũng của Tập. Cuối năm 2021, ủy ban kỷ
luật của ĐCSTQ thông báo rằng trong 10 tháng đầu năm, họ đã phát hiện ra 247.000
trường hợp “thực hiện không hiệu quả các chỉ thị quan trọng của Tập Cận Bình và của
Ban chấp hành Trung ương.” Tuy nhiên, kể từ đợt phong tỏa Thượng Hải, sự phản kháng
đã trở nên công khai hơn. Trên mạng xã hội, nhiều quan chức địa phương công khai chỉ
trích chính sách zero-Covid. Vào tháng 4, các thành viên Hội đồng Khu phố Tam Lâm,
Thượng Hải, đã đồng loạt từ chức, phàn nàn trong một bức thư ngỏ rằng họ đã bị cấm cửa
trong văn phòng suốt 24 ngày, không hề được gặp mặt gia đình.
Điều đáng lo ngại hơn nữa đối với Tập là sự bất mãn của giới tinh hoa đang ngày càng lan
rộng ra công chúng. Trong một nhà nước độc tài, việc đo lường chính xác dư luận là
không thể, nhưng các biện pháp Covid khắc nghiệt của Tập có lẽ đã khiến ông đánh mất
thiện cảm của hầu hết người dân Trung Quốc. Một trường hợp bất đồng chính kiến đã nổi

lên vào tháng 02/2020, khi ông trùm bất động sản Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang 任志
强) gọi Chủ tịch nước là “thằng hề” vì đã không biết cách ứng phó với đại dịch. (Chỉ sau
một ngày xét xử, Nhậm đã bị kết án 18 năm tù.) Các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc
tràn ngập các video trong đó dân thường cầu xin Tập chấm dứt chính sách zero-covid của
mình. Sang tháng 5, một nhóm tự xưng là “Ủy ban Tự cứu Tự trị Thượng Hải” đã phát
hành một tuyên ngôn trực tuyến có tiêu đề “Đừng làm nô lệ – hãy tự cứu lấy mình.” Bản
tuyên ngôn kêu gọi cư dân thành phố chống lại lệnh phong tỏa và thành lập các cơ quan
tự quản để giúp đỡ lẫn nhau. Trên mạng xã hội, một số người Trung Quốc đã mỉa mai
rằng kế hoạch hiệu quả nhất để chống lại đại dịch là triệu tập Đại hội Đại biểu Toàn quốc
lần thứ 20 càng sớm càng tốt để ngăn Tập tiếp tục nắm quyền.
Trong khi đó, bất chấp những tuyên bố của Tập về việc xóa đói giảm nghèo, hầu hết người
dân Trung Quốc vẫn đang chật vật kiếm sống. Như Lý Khắc Cường đã tiết lộ vào năm
2020, 600 triệu người ở Trung Quốc – khoảng 40% dân số – chỉ kiếm được khoảng 140
đô la một tháng. Theo dữ liệu thu thập bởi South China Morning Post, một tờ báo của
Hong Kong, khoảng 4,4 triệu công ty nhỏ đã đóng cửa từ tháng 1 đến tháng 11/2021, gấp
hơn ba lần số công ty mới thành lập trong cùng kỳ. Đối mặt với khủng hoảng tài chính,
các chính quyền địa phương đã buộc phải cắt giảm lương của công chức – đôi khi lên tới
50%, bao gồm cả tiền lương cho giáo viên. Nhiều khả năng, họ sẽ lại dùng những cách
thức mới để cướp bóc của cải từ khu vực tư nhân và từ các công dân bình thường, theo đó
tiếp tục gây ra nhiều khốn khó kinh tế. Sau 40 năm mở cửa, phần lớn người dân Trung
Quốc không muốn quay lại thời Mao. Trong giới tinh hoa của ĐCSTQ, nhiều người phẫn
nộ với việc Tập đã phá vỡ sự phân bổ quyền lực truyền thống, và cho rằng các chính sách
liều lĩnh của ông ta đang gây nguy hiểm cho tương lai của đảng. Kết quả là lần đầu tiên kể
từ sau cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989, nhà lãnh đạo Trung Quốc không chỉ đối
mặt với bất đồng nội bộ, mà còn phải đối mặt với phản ứng dữ dội của dân chúng và nguy
cơ bất ổn xã hội thực sự.
THÊM 5 NĂM NỮA?
Nuôi lòng oán giận là một chuyện, nhưng hành động theo nó lại là chuyện khác. Các
thành viên cấp cao của đảng biết rằng mình luôn có thể bị buộc tội tham nhũng, vì vậy họ
có rất ít động cơ để chống lại Tập. Giám sát công nghệ cao bị lạm dụng đến mức giới tinh
hoa trong đảng, bao gồm cả các nhà lãnh đạo quốc gia đã nghỉ hưu, không còn dám giao
tiếp với nhau bên ngoài các sự kiện chính thức, kể cả là về những vấn đề vặt vãnh. Về
phần mình, công chúng tiếp tục giữ im lặng, bị kiềm chế bởi kiểm duyệt, giám sát, và nỗi
sợ sẽ bị bắt giam. Đó là lý do tại sao những người chống đối Tập lại tập trung vào con
đường hợp pháp duy nhất để loại bỏ ông: từ chối không trao cho ông nhiệm kỳ lãnh đạo
đảng lần thứ ba tại đại hội toàn quốc sắp tới.
Có lẽ vì cảm nhận được sự thất vọng ngày càng tăng, Tập đã làm đủ mọi cách để xoay
chuyển tình thế theo hướng có lợi cho mình. Tất nhiên, lá phiếu quan trọng nhất là của
các thành viên Ủy ban Thường vụ, những người có tiếng nói sau cùng nặng ký nhất để
quyết định liệu ông có còn tại vị hay không, một phần là do họ kiểm soát các thành viên
của cơ quan lập pháp Trung Quốc. Tập có lẽ đã làm mọi việc có thể để đảm bảo sự ủng hộ
của các thành viên Ủy ban Thường vụ, từ hứa hẹn rằng họ sẽ tiếp tục nắm quyền đến cam
kết không điều tra gia đình họ.

Quân đội cũng quan trọng không kém, vì việc từ chối nhiệm kỳ thứ ba của Tập có thể sẽ
cần sự ủng hộ của các tướng lĩnh. Các nhà tuyên truyền thường xuyên nhắc nhở người
Trung Quốc rằng “đảng nắm trong tay ngọn súng,” nhưng các nhà lãnh đạo nước này
nhận ra rằng, trên thực tế, súng luôn chĩa vào người đứng đầu đảng. Dù trong những năm
qua, Tập đã âm thầm thay thế các tướng lĩnh Trung Quốc bằng người của mình, nhưng
luận điệu của các quan chức quân đội vẫn thường xuyên dao động giữa việc nhấn mạnh
lòng trung thành cá nhân đối với Tập, và lòng trung thành thể chế đối với Quân ủy Trung
ương, cơ quan giám sát họ, vốn cũng do Tập đứng đầu.
Trong một dấu hiệu ngầm cho thấy sự phản đối trong quân đội, tháng 12 năm ngoái, một
vài người quen ở Trung Quốc cho tôi biết rằng Lưu Á Châu, quan chức quân đội mà Tập
đã khiển trách vì chỉ trích chính sách đối với người Duy Ngô Nhĩ – đã biến mất cùng với
em trai của mình, cũng là một vị tướng. Nhà của cả hai anh em đã bị đột kích. Tin tức này
đã gây ra một làn sóng chấn động trong quân đội, vì với tư cách là con rể của một cựu Chủ
tịch nước, Lưu là người “không ai có thể chạm tới.” Nhưng bằng cách giam giữ ông và em
trai, Tập đã đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ nhất của mình đối với các Thái tử khác, cũng
như các quan chức hàng đầu của Quân đội Giải phóng Nhân dân, rằng họ nên biết điều
mà tuân phục.

Các thành viên Ủy ban
Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc xếp hàng tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh,

tháng 11/2012 © Carlos Barria / Reuters

Tập cũng đã tăng tốc chiến dịch “chống tham nhũng” của mình. Trong nửa đầu năm
2022, Chính phủ đã trừng phạt 21 cán bộ cấp tỉnh trở lên và 1.237 cán bộ cấp huyện và sở.
Đã có sự tập trung rõ rệt vào các cơ quan an ninh và tình báo. Hồi tháng 1, truyền hình
nhà nước Trung Quốc cho phát sóng lời thú tội của Tôn Lập Quân, từng là một quan chức
an ninh cấp cao, người đã bị buộc tội tham nhũng và hiện đang đối mặt với viễn cảnh bị
xử tử. Theo cơ quan kỷ luật cao nhất của đảng, tội lỗi của ông là đã “lập bè phái để nắm
quyền kiểm soát một số bộ phận quan trọng,” “nuôi dưỡng tham vọng chính trị quá đà,”

và có “phẩm chất chính trị xấu xa”. Sang tháng 3, Phó Chính Hoa, người từng là Thứ
trưởng bộ công an và cũng là sếp của Tôn, đã bị buộc tội tham nhũng, cách chức và khai
trừ khỏi ĐCSTQ. Thông điệp rất rõ ràng: hãy vâng lệnh, nếu không sẽ bị hạ bệ.
Để tăng thêm các lớp bảo vệ bổ sung nhằm đạt được nhiệm kỳ thứ ba, Tập còn đưa ra một
lời đe dọa ngầm đối với các đảng viên đã nghỉ hưu. Những cán bộ lão thành từ lâu đã nắm
giữ ảnh hưởng to lớn trong nền chính trị Trung Quốc; chẳng hạn, chính nhóm tinh hoa
đã nghỉ hưu đã buộc Triệu Tử Dương phải ra đi vào năm 1989. Trong tháng 1, Tập đã
nhắm thẳng vào nhóm lão thành này, tuyên bố rằng Chính phủ sẽ “dọn sạch bọn tham
nhũng có hệ thống và loại bỏ các nguy cơ tiềm ẩn” bằng cách điều tra hồi tố đời tư của các
cán bộ trong vòng 20 năm qua. Và vào tháng 5, đảng đã siết chặt chủ trương đối với các
cán bộ hưu trí, khuyến cáo họ “không được công khai thảo luận các chủ trương chung của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, không phát tán những nhận xét tiêu cực về chính trị,
không tham gia hoạt động của các tổ chức xã hội bất hợp pháp, không sử dụng ảnh hưởng
từ chức vụ, quyền hạn cũ của mình để tìm kiếm lợi ích cho mình và cho người khác, đồng
thời kiên quyết phản đối, chống mọi kiểu tư duy sai trái.”
Tập cũng đã tìm cách đảm bảo sự ủng hộ của 2.300 đại biểu ĐCSTQ được mời tham dự
Đại hội Toàn quốc, 2/3 trong số đó là các quan chức cấp cao trên khắp đất nước và 1/3
còn lại là các thành viên bình thường làm việc ở cấp cơ sở. Các đại biểu đã được sàng lọc
cẩn thận trên tiêu chí lòng trung thành của họ đối với Tập. Để ngăn chặn bất kỳ sự kiện
bất ngờ nào tại đại hội, lệnh cấm “hoạt động phi tổ chức” không cho phép những người
này được trao đổi bên ngoài các cuộc họp chính thức của các đoàn đại biểu cấp tỉnh của
họ, hạn chế khả năng họ kết hợp cùng chống lại một chính sách hoặc nhà lãnh đạo cụ thể.
Trong những tháng trước thềm đại hội, cuộc đấu đá nội bộ của ĐCSTQ có thể sẽ ngày
càng dữ dội. Tập có thể ra lệnh bắt giữ và tổ chức nhiều phiên tòa xét xử các quan chức
cấp cao hơn, trong khi những người chỉ trích ông có thể làm rò rỉ thêm thông tin và lan
truyền nhiều tin đồn hơn. Trái ngược với quan điểm phổ biến trong giới phân tích
phương Tây, Tập có thể vẫn chưa nắm chắc trong tay nhiệm kỳ thứ ba. Các đối thủ lớn
mạnh của Tập có thể thành công trong việc buộc ông rời nhiệm sở, miễn là họ thuyết
phục đủ số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ rằng ông đã mất đi sự ủng hộ của các cấp
trong đảng, hoặc thuyết phục các cán bộ lão thành can thiệp. Thêm nữa, luôn có khả
năng một cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc tình trạng bất ổn xã hội lan rộng có thể khiến
những đồng minh bền chặt quay sang chống lại ông ta. Bất chấp tất cả, kịch bản khả thi
nhất vào mùa thu này là Tập, sau khi thao túng quá trình bỏ phiếu và đe dọa các đối thủ
của mình, sẽ đắc cử nhiệm kỳ Chủ tịch nước thứ ba và cùng với đó là quyền tiếp tục làm
người đứng đầu đảng và quân đội. Và thế là, cuộc cải cách chính trị có ý nghĩa duy nhất
được thực hiện kể từ thời Đặng Tiểu Bình sẽ tan thành mây khói.

NHỮNG NƯỚC CỜ KẾ TIẾP
Sau đó là gì? Tập chắc chắn sẽ biến chiến thắng của mình thành bàn đạp để làm bất cứ
điều gì ông ấy muốn, nhằm đạt được mục tiêu của đảng là phục hưng dân tộc Trung Hoa.
Tham vọng của ông sẽ lại lên một tầm cao mới. Trong một nỗ lực vô ích để tiếp thêm sinh
lực cho nền kinh tế mà không trao quyền cho khu vực tư nhân, Tập sẽ củng cố các chính
sách kinh tế nhà nước của mình. Để duy trì quyền lực, ông sẽ tiếp tục loại bỏ các đối thủ

tiềm tàng từ sớm, đồng thời thắt chặt kiểm soát xã hội, khiến Trung Quốc ngày càng trở
nên giống Triều Tiên. Ông thậm chí có thể tìm cách nắm quyền sau nhiệm kỳ thứ ba. Một
Tập Cận Bình trở nên táo bạo có thể đẩy nhanh quá trình quân sự hóa các khu vực đang
tranh chấp ở Biển Đông và cố gắng cưỡng chiếm Đài Loan. Trong lúc tiếp tục hành trình
đưa Trung Quốc trở thành nước thống trị, ông sẽ khiến đất nước ngày càng trở nên cô lập
với phần còn lại của thế giới.
Nhưng không có động thái nào trong số này có thể làm cho sự bất mãn trong đảng biến
mất. Việc Tập Cận Bình giành được nhiệm kỳ thứ ba sẽ không xoa dịu những người trong
ĐCSTQ phẫn nộ với việc ông tích lũy quyền lực và xây dựng sự sùng bái cá nhân, nó cũng
không giải quyết được vấn đề về tính chính danh của ông trước người dân. Trên thực tế,
những động thái mà ông có thể thực hiện trong nhiệm kỳ thứ ba sẽ làm tăng khả năng xảy
ra chiến tranh, bất ổn xã hội, và khủng hoảng kinh tế, làm trầm trọng thêm những bất
bình hiện có. Ngay cả ở Trung Quốc, người ta cũng cần nhiều hơn sức mạnh và sự đe dọa
để có thể duy trì quyền lực; khả năng làm việc hiệu quả vẫn giữ vai trò quan trọng. Mao
Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình giành được quyền lực nhờ vào thành tích – Mao bằng
cách giải phóng Trung Quốc khỏi Quốc Dân Đảng, và Đặng bằng cách mở cửa và thúc đẩy
phát triển kinh tế. Nhưng Tập không có những thành công cụ thể như vậy. Ông không có
nhiều chỗ cho sai lầm.
Theo tôi, cách khả thi duy nhất để thay đổi thực trạng này, cũng là cách đáng sợ nhất và
chết chóc nhất: một thất bại nhục nhã trong một cuộc chiến. Nếu Tập tấn công Đài Loan,
mục tiêu khả dĩ nhất của ông ta, thì rất có thể cuộc chiến sẽ không diễn ra như kế hoạch,
và Đài Loan, với sự giúp đỡ của Mỹ, sẽ có thể chống lại cuộc xâm lược và gây thiệt hại
nghiêm trọng cho đại lục. Trong trường hợp đó, giới tinh hoa và quần chúng sẽ từ bỏ Tập,
mở đường cho sự sụp đổ không chỉ của cá nhân ông mà có lẽ là sự sụp đổ của ĐCSTQ như
chúng ta đã biết. Để hiểu rõ hơn, chúng ta có thể sẽ phải quay trở lại thế kỷ 18, khi Hoàng
đế Càn Long thất bại trong nhiệm vụ mở rộng bờ cõi Trung Hoa sang Trung Á, Miến
Điện, và Việt Nam. Đúng như dự đoán, Trung Quốc đã phải chịu một tổn thất nặng nề
trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất, tạo tiền đề cho sự sụp đổ của triều đại Mãn
Thanh và khởi đầu một thời kỳ biến động chính trị kéo dài. Triều đại của một hoàng đế
không phải lúc nào cũng kéo dài vô tận.
Thái Hà là cựu Giáo sư tại Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc từ
năm 1998 đến năm 2012.
Nguồn bản dịch: nghiencuuquocte.org
(*) BVN bổ sung thêm tên riêng chữ Hán trong cả hai phần.
This entry was posted in Tập Cận Bình. Bookmark the permalink.
← Dân Nga không còn đường tho