Trang chủ » Tin văn và...

THÊM MỘT NGƯỜI ĐÀN ANH RA ĐI

Dương Trung Quốc
Thứ bẩy ngày 26 tháng 2 năm 2022 4:38 AM

TNc: Hồi còn là lính tôi hay gặp anh Quế Dương vì nhà anh gần nơi tôi làm việc. Anh là một người lính cương trực, bản lĩnh và yêu nước.  Anh đã đi xa, cầu cho anh linh Anh thanh thản ra đi (TN)


 Tấm ảnh cuối cùng tôi chụp cùng Đại tá Phạm Quế Dương cách đây chừng một năm. Lần đến thăm tại nhà riêng thấy Anh đã yếu, nhưng vừa nhận ra tôi Anh đã cười "phơ phớ" rồi mới có lời chào. Tiếng cười "phơ phớ" là cách nói của tôi, vì mỗi khi gặp nhau lúc nào Anh cũng cười rất to rồi mới vào câu chuyện. Lần này anh vẫn cười "phơ phớ" nhưng sức đã yếu lắm rồi, âm thanh chỉ nhận ra bởi cái nhếch môi trên miệng. Cuộc đời Anh, ở đoạn đầu đời nhiều gian khổ những thật vẻ vang với sự nghiệp của một người lính trong chiến tranh. Lúc trai trẻ được đào tạo ở Trường Quân chính Bắc Sơn rồi Lục quân Trần Quốc Tuấn. Được đào tạo pháo bính, thời chống Pháp, chống Mỹ và chống bành trướng, Anh đều tham gia các đơn vị thuộc quân chủng pháo binh, sau này chủ yếu là Phòng không- Không quân. Anh từng đảm nhận Tổng biên tập tờ báo của quân chủng và kết thúc bằng tờ "Nghiên cứu Lịch sử Quân sự" của Viện Lịch sử Quân sự, Bộ quốc phòng, Anh về hưu năm 1991.
Nhưng phần đời sau thì Anh gặp nhiều gian truân, thị phi và kể cả tù tội... Đáp lại, gặp nhau chỉ thấy anh cười như tỏ rằng đấy là lẽ sống mà Anh đã chấp nhận. Theo Anh, lẽ sống đơn giả là lẽ phải. Không thấy oán trách, ngay cả người làm ác với mình, Anh vẫn cho những điều mình phải chịu đựng là cái nghiệp… theo cách nghĩ của người theo Đạo Phật…Những việc khác tôi không biết, nhưng biết nhiều về việc Anh đã đấu tranh để bảo vệ Chùa Một Côt, có thời điểm nằm trong dự án di rời cho công trình khác, hay bảo vệ ngôi đình làng Tó ở quê nhà khỏi bi vi phạm…, có việc thành, có việc không thành
Vậy mà hôm qua, 24-2, theo gia đình cho biết, Anh đã về với lòng đất Mẹ ở Làng Tía (Thường Tín), tất cả nghi thức tang lễ đều làm ở quê nhà, mặc dàu Anh đã mất từ chập tối ngày 21-2. Đại tá Phạm Quế Dương sinh năm 1931, như thế là Anh thọ 92 tuổi. Với tôi, Anh là một người đồng nghiệp đàn anh và cùng với Anh Vương Hồng (nguyên biên tập viên Nhà xuất bản Sự thật", người sáng lập tờ "Huế Xưa&Nay") là những người đã thiết thực giúp đỡ để ra đời được tờ Tạp chí "Xưa&Nay" của Hội Sử học VN mà tôi nhận trách nhiệm TBT đến sang năm là tròn 3 thập kỷ.
Với gia đình tôi, cứ đến Ngày Thương binh Liệt sĩ hàng năm Anh đều đến thăm Mẹ tôi (năm nay 97 tuổi), sang Chùa Cầu Đông thắp hương cho Bà Nội và Bố tôi ở bia Liệt sĩ và BMVNAH Phường…Có năm, Anh cũng các bác Vũ Oanh, Lê Trọng Nghĩa ra tận Nghĩa trang Mai Dịch thắp hương cho bố tôi… Chỉ vài năm nay, tuổi quá cao, sức quá yếu Anh không còn làm được việc đó. Năm ngoái Mẹ tôi cũng nhắc tới Anh nhưng bảo tôi nhắn với Bác Phạm Quế Dương rằng cứ ở nhà nhớ đến là quý rồi… Lúc chụp bức ảnh là lúc tôi vừa chuyển lời nhắn của Mẹ tôi cho Anh.
Bây giờ thì Anh đã rời cõi Tạm để về với Tổ tiên và những người thân của mình rồi. Tôi tin rằng có thể Anh lại gặp cả bà tôi và bố tôi…Không còn buồn phiền nữa, Anh lại cười "phơ phớ" cho mà xem.
Lưu Trọng Văn, Vũ Đạt và 409 người khác
68 bình luận
1 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ