(Bán sách quyết không bán Nước)
Thưa bầu bạn và bạn đọc !
Xin cho phép Trần Nhương được vân vi đôi lời nhân việc bán tiểu thuyết hài hước KIM KỔ KỲ KUẶC KÝ. Tôi viết TT này từ năm 2010, viết đôi ba chương rồi để đấy mần thơ và vẽ tranh, đi làm báo kiếm thêm thu nhập. Năm 2016 Công ty sách Bách Việt liên kết xuất bản phần đầu TT này, gồm 21 chương (Trong đó 3 chương đầu của nhà văn Bão Vũ biếu không). Nhuận bút được hơn chục củ tôi mua sách gần hết để tặng bạn bè, bà con…Thấy câu chuyện chưa thể kết thúc, năm 2017 được Hội Nhà văn Hà Nội cho đi sáng tác tại Vũng Tầu, tôi quyết định viết phần 2. Được mấy chương lại xếp lại để lo cho Triển lãm tranh cá nhân lần thứ 3. Năm 2020 được Hội Nhà văn Việt Nam cho dự trại Đại Lải 15 ngày, tôi ra tay quất tiếp cho bằng xong. Thế là cặm cụi viết hùng hục nối từ chương 21 đến chương 38. Xong, nhẹ hết cả người như bác nông dân vừa cày xong thửa ruộng. Đọc lại sửa sang cuối năm 2020 thì xong. Bản thảo có rồi mà không công bố thì tức anh ách. Tức đến khó chịu như đàn bà chửa trâu.
Dịch Vũ Hán bùng phát dữ dội, Sài Gòn hàng vạn người chết. Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ đóng cửa cài then. Nhà xuất bản thì không thể bao cấp xuất bản cho ai, trừ sách được Nhà nước đặt hàng. Các công ty, nhà sách hay liên kết chắc đều gay go cả. Tính sao đây ? Hay bản thảo cứ lưu trong ổ cứng, in vài bản xem chơi. Rồi một hôm tôi buột miệng: “Đêm nằm nghĩ mãi phải ra/ Bán sách qua mạng thì ta sợ gì”. Tôi quyết định xin giấy phép xuất bản tại NXB Hội nhà văn nơi tôi nhiều năm gắn bó. Gửi bản thảo cho nhà văn Thái Chí Thanh biên tập. Nhà văn Thái Chí Thanh đọc chừng nửa tháng, điện thoại trao đổi những chỗ nhạy cảm, cắt đi một chương, một số đoạn. Thật tình tôi tiếc, nếu trọn ven thì mình thích hơn. Việc phải thế nếu không sẽ không có giấy phép thì danh chính ngôn thuận sao được. OK đi, sau này tái bản ta sẽ tìm cách lấy lại, vì biết đâu khi đó cơ quan chức năng cấp trên sẽ thông thoáng, hiểu biết văn chương hơn….
Nhà văn Thái Chí Thanh trình bản bản thảo lên giám đốc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều giám đốc kiêm TBT ký giấy phép số 1010-QĐ-NXBHNV ngày 22-9-2021. Thế là có phép thông công, tôi bắn bản thảo xuống nhà in rồi quay sang vẽ bìa, vẽ 34 minh họa. Mình làm lấy tuốt để giảm đối đa chi phí. Bây giờ khâu quan trọng nhất là tiền giấy công in. Một lão già 80 hưu hắt phải lo mấy chục củ để in sách thì đâu có nhẹ nhàng. Thú thật là lấy Họa nuôi Văn. Rất may hồi tháng 5-2021 tôi TL tranh bán được hơn chục bức nên có chút tiền. Chưa in xong sách tôi đã bắn tiền vào tài khoản nhà in đúng như hợp đồng. Gần 15 ngày thì có sách, sách chở đến nhà. Ôi mở thùng ra thấy “ái nữ” nhà mình đầy đặn, mặt mũi vuông vức, có nét duyên thầm. Sướng âm ỷ cả tuần….Tôi nhanh chóng đèo hơn chục cuốn lên Nhà xuất bản để nộp lưu chiểu. Tôi nói với các cháu cán bộ NXB nộp lưu chiểu sớm để chú bán sách online.
Theo quy định thì sau 10 ngày nếu xuôi chèo mát mái thì có phép phát hành. Quy định ngặt nghèo quá lắm. Tôi là người làm xuất bản 10 năm tại NXB Quân đôi chả thấy quy định như bây giờ. Nhiều nhà văn bầu bạn đã bị ách phát hành, tái bản như Hoàng Minh Tường, Phạm Thanh Khương….Hãi thật các bạn ạ. Mười ngày trôi đi chậm chạp. Tôi hồi hộp và có phần lo lo vì sách mình nhắc cổ đấy nhưng có khi họ suy diễn thành chuyện bây giờ. Đủ 10 ngày, Tôi gọi cho Giám đốc Nguyễn Quang Thiều. Thiều bảo để em kiểm tra, chắc anh phải chờ vài hôm nữa, êm xuôi là em ký ngay cho anh. Lại chờ thêm, chất thêm hồi hộp. Đến ngày thứ 15 kể từ khi tôi nộp sách thì có lệnh phát hành KIM KỔ KỲ KUẶC KÝ. Tôi lại điện cho Thiều có phải đến NXB lấy giấy phép không, Thiều nói không cần, em bảo các cháu chụp ảnh gửi cho anh. Thế là ngon lành cành đào.
Bắt tay vào việc phát hành online. Giới thiệu sách ngắn gọn, ảnh chụp bìa sách mời bà con mua sách trên FB Nhuong Tran và trang web tư nhân
trannhuong.com. Ngay ngày đầu đã nhận tin nhắn, zalo, điện thoại, mét sing gờ đăng ký mua sách. Đóng gói cho Bình Thuận 10 cuốn, Hạ Long 10 cuốn, Gia Lâm, Hà Nội 10 cuốn, Vĩnh Phúc 10 cuốn…Nào Vũng Tầu, Đà Lạt, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Sài Gòn, Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam……gọi sách. Nhờ giời bầu bạn và bạn đọc yêu mến là chính nên nhiều người mua sách chứ họ biết mặt hàng tươi ngon thế nào. Nhà báo Trần Mỹ tít trong Bình Thuận mua 10 trả tiền mấy chục cuốn. Nhiều người trả tiền trước nhận sách sau. Lão già đóng gói chở ra bưu điện gửi chuyển phát nhanh cho sang. Tốn kém hơn chút nhưng bù lại người mua nhanh nhận được sách.
Nghĩ cũng cám cảnh, một TT gần 500 trang, bìa 4 màu, giấy tốt mà giá thu về 200k cả tiền cước chuyển phát nhanh chỉ ngang với một cân thịt lơn ba chỉ (giá hôm nay 150 k/kg). Tôi bỗng nhớ câu nói của nhà văn Nguyễn Vỹ “Nhà văn An Nam khổ như chó”, đúng thật các bạn ạ. Bon quan chức thoái hóa thì tham ăn, còn khá hơn thì lo giữ ghế, phọt phẹt biết gì văn chương. Công chức, nhân dân lo bữa ăn, con cái học hành tối mắt, nông dân sấp mặt kiếm bát cơm qua ngày. Người đọc sách hiếm hoi cũng không thể trách cứ. Thôi chịu, thời buổi cả nước nuôi Phây, các bà các mợ, các cụ các ông, các em các cháu suốt ngày khoe ảnh mình õng ẹo, khoe ăn uống, tiệc tùng. Nhiều người thuê xe đi cả trăm cây số, mang cả va ly xống áo để kiếm mấy cái ảnh vỗ béo chị cả Phây. Vậy thì họ đọc sách làm gì cho mệt cái trí não. Ôi dân trí nước nhà thật là vĩ đại !
Nói than vãn đôi câu cho vơi nỗi lòng thế thôi. Nhoáng cái là quên buồn luôn khi điện thoại tinh tinh báo tiền về tài khoản. Ô ra lão già cũng hám tiền. Mà tiền ai chả hám, đây là tiền sạch, tiền mình vắt óc ra viết gần 500 trang thì thu tiền về là lẽ công bằng ở đời. Ngân hàng nơi tôi mở tài khoản tíu tít tin nhắn: “Tài khoản của quý khách số ban đầu X đồng, tăng X đồng, số dư hiện có X đồng". Ôi sướng, túi mình đầy thêm.
Vui đáo để các bạn ạ ! Lão già thò một chân vào kinh tế thì trường cóc cần định hướng định hiếc gì, bán sách lấy tiền, thế thôi ! Lần đầu tiên lão Trần làm phát 4.0 bán sách, oách xà loách chứ chơi à….
Cho đến ngày hôm nay số sách đã vơi đi, Trần Nhương đã thu đủ số mấy chục củ in sách, đã có nhuận bút, có lãi…bán hết sách chắc cũng có món nho nhỏ để hoa lá cành…với nàng...
Vân vi đôi câu, rất mong các bạn đồng cảm, đừng cười, đừng bảo lão Trần Nhương khoe khoang, chém gió.
Đa tạ bầu bạn yêu thương và bạn đọc đã yêu quý, ủng hộ Trần Nhương. Thank very !
15-XI- 2021.