Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LẰN RANH GIỮA LỊCH SỬ VÀ HƯ CẤU: NHÌN TỪ TRƯỜNG HỢP TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ PHÙNG VĂN KHAI

Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân
Thứ bẩy ngày 12 tháng 12 năm 2020 5:30 AM


Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân[1]

Trong mỗi con người đều có một sự tò mò mê hoặc bởi quá khứ, từ ký ức cá nhân cho tới lịch sử tộc người. Tiếp cận đến quá khứ, hay lịch sử cũng có rất nhiều cách khác nhau, từ sách ghi chép sử (historiographic) cho tới huyền sử như truyền thuyết, sử thi và lịch sử hư cấu (historical fiction). Từ lâu nay, mối quan hệ giữa lịch sử và hư cấu đã được giới nghiên cứu nhận diện là gần gũi và chặt chẽ, nhưng đồng thời cũng nảy sinh nhiều vấn đề, đặc biệt được trình hiện rõ nhất trong trường hợp tiểu thuyết lịch sử. Tiểu thuyết lịch sử có một vị trí độc đáo, nằm giữa hai bờ của lịch sử và hư cấu với bản chất là một nghịch lý giữa phần thực (lịch sử) và phần hư (hư cấu tiểu thuyết), giữa sử và văn. Tiểu thuyết lịch sử manh nha trỗi dậy ở phương Đông với Tứ đại danh tác ở Trung Hoa từ thế kỷ XIV, cho dù còn mang ít nhiều yếu tố sử thi, còn ở phương Tây định hình trở thành một thể loại cùng với tác phẩm Waverley (1814) của Walter Scott với hơi hướng lãng mạn chủ nghĩa.

Những tranh cãi về tiểu thuyết xuất hiện dưới hai góc độ, thứ nhất là về sự phản ánh của tiểu thuyết lịch sử, thứ hai là về góc độ tác giả - người viết. Kể từ khi tiểu thuyết lịch sử ra đời nó đã hứng chịu không ít những tranh cãi và chỉ trích. Đến cả Walter Scott, người tiên phong cho tiểu thuyết lịch sử ở phương Tây, đã bị một nhà văn khác, cũng là một đối thủ xứng tầm (người sáng lập trào lưu lãng mạn trong văn học Pháp), François-René de Chateaubriand, lên án là làm đồi trụy tha hóa cả khía cạnh tiểu thuyết lẫn lịch sử. Luận điểm này có phần đúng, bởi lẽ nhiều tiểu thuyết lịch sử có tham vọng “giải thiêng,” lật ngược lịch sử, thậm chí tạo ra một diễn ngôn khác đi ngược lại chính sử, viết lại lịch sử. Một quan điểm cơ giới máy móc khác, bổ đôi tiểu thuyết lịch sử thành hai phần lịch sử và hư cấu, trong đó lịch sử là “cái đã là” hoặc “cái thực sự là,” còn hư cấu đơn thuần chỉ là phần “chế tạo” của tác giả. Tiểu thuyết lịch sử, theo nghĩa rộng nhất, khái quát hóa vấn đề nhị phân “cái đã là”/”cái có thể là” của Aristotle. Do đó, có thể nhìn nhận tiểu thuyết lịch sử là sự lai ghép kỳ lạ, mô tả cái đã là bên cạnh cái có thể là, và ở một số thời điểm, là cái chắc chắn không thể. Trong tác phẩm Nghệ thuật tiểu thuyết (The Art of Novel), Milan Kundera đã phát biểu: “Lý do hiện hữu của tiểu thuyết là khám phá những gì mà chỉ có tiểu thuyết mới khám phá được.” Một tiểu thuyết lịch sử, có thể là một góc nhìn khác của nhà văn về sự kiện lịch sử, hoặc điền vào khoảng trống của lịch sử, thông qua sự tái tạo lại lịch sử bằng ngôn ngữ văn học. Nhưng, tựu chung lại, tiểu thuyết lịch sử không phải là sự tấn công sách ghi chép sử hay sách giáo dục lịch sử. Sau cùng, tiểu thuyết lịch sử là cuộc hạnh ngộ giữa lịch sử và hư cấu.

Có nhiều sự đối sánh giữa sử gia và nhà văn lựa chọn đề tài lịch sử. Một quan điểm phổ biến cho rằng, công việc của các nhà văn, đặc biệt là nhà văn viết đề tài lịch sử, nhẹ nhàng và dễ dàng hơn nhiều so với công việc của một sử gia. Quan điểm này, phần nhiều là do người ta cho rằng nhà văn không bị trói buộc nhiều vào tính thực chứng, sự chính xác của sử liệu, đồng thời họ có một mảnh đất hư cấu rộng mở để cầy xới nhiều hơn. Tuy nhiên, viết một tiểu thuyết lịch sử không hẳn không có mặt khó khăn của nó. Bởi lẽ, dựa trên một cứ liệu chính sử mang tính biên niên tuyến tính, thậm chí đôi khi nguồn cứ liệu này lại vô cùng ít ỏi, nhà văn phải trải qua quá trình hư cấu để mở rộng biên độ không gian và thời gian của lịch sử. Trong đó xuất hiện hệ thống nhân vật, những nhân vật này, tuy ấn định về mặt niên biểu, nhưng cá tính của mỗi nhân vật, làm rõ mối quan hệ giữa các nhân vật là công việc sáng tạo của nhà văn. Mục đích đầu tiên và tiên quyết của một tiểu thuyết lịch sử, là chuyển tải tinh thần, lối ứng xử và các điều kiện xã hội của một giai đoạn lịch sử quá khứ, với chi tiết thực tế và trung thành với lịch sử. Một nhà văn có nhiều cách tiếp cận với tiểu thuyết lịch sử. Tác phẩm có thể xoay quanh một nhân vật lịch sử làm trọng tâm, hoặc có thể có sự kết hợp giữa nhân vật lịch sử và hư cấu. Hoặc một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử có thể chú trọng vào một sự kiện lịch sử đơn nhất có tầm vóc lớn. Trong đó sự kiện lịch sử được phản chiếu qua ảnh hưởng của nó tới đời sống các nhân vật cá nhân của tiểu thuyết. Khác với một sử gia, nhà văn được tự do tưởng tượng hơn. Viết tiểu thuyết lịch sử, có thể nói, là kiến tạo ra một lịch sử thứ hai hay một diễn ngôn khác về lịch sử. Tuy mang tính chất phái sinh, nhưng lịch sử thứ hai này có giá trị tự thân của nó - giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật.

Tiểu thuyết lịch sử có vai trò không nhỏ, trong việc cung cấp một nhận thức sâu sắc mới về lịch sử. Thử nhìn sang Trung Hoa, mặc nhiên Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung trở thành một dẫn nhập quan yếu, đối với bất kỳ ai quan tâm và muốn tìm hiểu lịch sử Trung Quốc. Độc giả phổ thông rất dễ đi đến kết luận nhầm lẫn, rằng Tam quốc là một công trình lịch sử, thay vì một tác phẩm hư cấu lịch sử. Hay cả một quốc gia tồn tại và được bảo lưu trong vô thức tập thể nhờ tiểu thuyết lịch sử, như trường hợp Ba Lan trong giai đoạn bị đế quốc Nga chiếm đóng. Tiểu thuyết lịch sử trỗi dậy vào đầu thế kỷ XIX, hòa nhập với làn sóng Lãng mạn đương thời và khích lệ tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Ở châu Âu, rất nhiều tiểu thuyết lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong việc phục hồi sự quan tâm của đại chúng tới vấn đề lịch sử Trung Cổ. Điển hình như tiểu thuyết Thằng gù ở Nhà thờ Đức bà của Victor Hugo đã thúc đẩy phong trào bảo tồn và phục dựng kiến trúc Gothic ở Pháp. Những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử xuất sắc, còn hội tụ, cố kết và khích lệ sức mạnh của toàn dân tộc.

Không thể phủ nhận mối quan hệ của tiểu thuyết lịch sử với các tài liệu chính sử. Các tài liệu chính sử này như một xương sống và bệ phóng để nhà văn phát huy óc sáng tác của mình, ví như việc canh tác trên một mảnh đất chưa từng ai biết đến. Mọi tiểu thuyết gia lịch sử mẫu mực, đều tôn trọng tính trung thực của lịch sử và vai trò của việc nghiên cứu bối cảnh lịch sử khi chấp bút tác phẩm. Văn hào người Ba Lan, Henryk Sienkiewicz, khi viết Quo Vadis, đã phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng về Đế chế La Mã thời Nero và giai đoạn tiền Kitô giáo, nhằm mục đích liên kết và liên hệ trích dẫn các dữ kiện lịch sử một cách chuẩn xác. Song, nếu chỉ dựa trên những dữ kiện khô khan đến từ các tài liệu này, sẽ là không đủ để nhà văn sáng tạo. Bên cạnh việc nghiêm cẩn khảo cứu sử liệu, một hướng tìm tòi mang lại cho tác giả rất nhiều dẫn liệu và cảm hứng sáng tác là điền dã nơi phát tích, cũng là nơi gắn liền với các truyền thuyết dân gian về nhân vật lịch sử. Dã sử vốn được lưu hành rộng rãi trong dân gian truyền miệng thông qua các nghệ nhân kể chuyện, các nhà văn học nghệ thuật viết kịch, biểu diễn kịch. Mọi cá nhân này lại không ngừng sáng tạo, làm cho những tình tiết câu chuyện và hình tượng các nhân vật lịch sử trở nên phong phú thêm. La Quán Trung đã lấy Tam quốc chí bình thoại, một khối lượng sáng tác tập thể vô cùng hùng hậu của quần chúng nhân dân ở đầu thời Nguyên, làm cơ sở sáng tác Tam Quốc diễn nghĩa. Tuy nhiên, để xử lý dã sử một cách hiệu quả, đòi hỏi nhà văn phải có tư duy chọn/sàng lọc và óc tư biện hư cấu - đây chính là tài năng của tiểu thuyết gia. Tư duy sàng lọc được thể hiện ở chỗ lựa chọn các chi tiết dã sử đắt giá, hợp lý, đồng thời tước bỏ những tình tiết hoang đường, mê tín. Sau đó nâng cao ngôn ngữ văn chương đến mức độ nghệ thuật, để tăng cường thêm sức hấp dẫn của nghệ thuật đối với độc giả.

Ở Việt Nam kể từ sau 1975, đặc biệt là từ những năm đầu thế kỷ XXI cho tới nay, các sáng tác về đề tài lịch sử không còn chỉ là nhu cầu nội sinh của tác giả, mà còn trở thành một nhu cầu bức thiết đối với toàn xã hội. Bởi lẽ, thế hệ trẻ ngày nay ngày một trở nên hờ hững với lịch sử. Các tiểu thuyết lịch sử luôn gây được tiếng vang trong dư luận cũng như nhận được nhiều ý kiến phê bình tranh luận, có thể kể đến Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Mạc Đăng Dung của Lưu Văn Khuê, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Kinh đô Rồng, Một mất một còn, Thời vàng son của Nguyễn Khắc Phục, Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Kim Thiếp Vũ Môn của Trần Gia Ninh, Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai, Kẻ sĩ thời loạn của Vũ Ngọc Tiến… Qua chất liệu văn học, lịch sử được thổi một sức sống mới, những sự kiện lịch sử không còn khô khan hay chỉ là con số thống kê đơn thuần, những nhân vật lịch sử trở nên sinh động hơn bao giờ hết, thậm chí thay đổi hoàn toàn quan niệm cũ. Tiểu thuyết lịch sử, như một cây cầu lịch sử bắc nối với quá khứ, trình hiện lại những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời truyền cảm hứng tự cường dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu quê hương ở người đọc, đặc biệt là đối tượng độc giả trẻ.

Một trong những nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử thành công sau 1975 là Nguyễn Xuân Khánh với bộ ba tác phẩm Hồ Quý Ly (2000), Mẫu thượng ngàn (2006), Đội gạo lên chùa (2011). Có thể coi ông là một nhà văn có nghệ thuật vị văn hóa với mối quan tâm sâu sắc về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Thông qua tiểu thuyết lịch sử, Nguyễn Xuân Khánh luôn tìm đến những vấn đề bản chất của văn hóa Việt từ văn hóa làng xã, rồi mở rộng đến các chủ đề văn hóa như văn hóa chính trị, văn hóa tâm linh, văn hóa sinh thái, tiếp biến văn hóa.

Quan niệm tiểu thuyết lịch sử là sự giải mã lịch sử, nhà văn Hoàng Quốc Hải thông qua hai bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ Tám triều vua Lý (gồm 4 tập Thiền sư dựng nước, Con ngựa nhà Phật, Bình Bắc dẹp Nam, Con đường định mệnh) và Bão táp triều Trần (gồm 5 tập Bão táp cung đình, Thăng Long nổi giận, Huyết chiến Bạch Đằng, Huyền Trân Công chúa, Vương triều sụp đổ) đã tái tạo khắc họa lại toàn bộ hai triều đại Lý - Trần kéo dài tới 400 năm trong lịch sử. Tiểu thuyết của ông có sự đan cài tinh thần tôn giáo sâu sắc, phản chiếu một mô hình tư tưởng Tam giáo đồng nguyên khoan hòa tiến bộ thời bấy giờ, với chủ trương chấp nhận cả ba tôn giáo Phật, Nho, Lão “xã hội Nho, tâm linh Phật, thiên nhiên Đạo.”

Kể từ năm 2015 trở lại đây, giữa dòng chảy của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam, Phùng Văn Khai nổi lên xuất hiện như là một tác giả chuyên tâm về tiểu thuyết lịch sử, viết nhiều, viết nhuần nhuyễn và viết ổn định. Tác giả đã lần lượt cho ra mắt ba tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương (Nxb Hội nhà văn, 2015, tái bản 2018), Ngô Vương (Nxb Văn học, 2019) và Nam Đế Vạn Xuân (Nxb Văn học, 2020). Đặc sắc của Phùng Văn Khai so với các tác giả tiểu thuyết lịch sử khác, trên hết, là lựa chọn bối cảnh thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc của lịch sử Việt Nam. Và để tăng thêm phần khái quát hóa về mẫu số chung, thì tinh thần chủ đạo của tiểu thuyết lịch sử Phùng Văn Khai là tinh thần độc lập tự chủ, còn hình tượng nhân vật chủ đạo là con người quân vương, và viết theo lối chủ đạo là tiểu thuyết chương hồi.

Nhìn vào cấu trúc của các tiểu thuyết Phùng Văn Khai, có thể thấy rõ mỗi quan tâm của tác giả trong việc trình hiện nhân vật lịch sử, và đặt nhân vật này làm trung tâm trần thuật, do đó đưa lịch sử xuống vị trí thứ cấp. Mục đích của tác giả, không nhằm kể lại lịch sử mà thay vào đó cho thấy ảnh hưởng của lịch sử và xã hội đến cá nhân. Hơn nữa, nhân vật chính không đơn thuần chỉ là trung tâm trần thuật, mà còn trải qua một quá trình vận động nội tâm như sự phản chiếu của bối cảnh vận động đấu tranh của lịch sử. Đối với các tiểu thuyết lịch sử của mình, ngay từ tên gọi đã toát lên nhân vật trung tâm của tiểu thuyết - Lý Bí, Phùng Hưng và Ngô Quyền. Trong sử liệu họ được ghi chép là các vị vua khai quốc, đánh đuổi giặc ngoại xâm giành lại quyền độc lập tự chủ cho nước nhà, gắn liền với những chiến thắng hiển hách. Nhưng qua sự hư cấu của nhà văn, họ trở thành những con người có phẩm chất minh quân, có thái độ đối với thời cuộc, tồn tại trong mối quan hệ ứng xử tương tác đối với những nhân vật xung quanh. Thậm chí, họ còn được nhà văn gắn liền với những điển tích mang tính huyền ảo hoặc phi thường trong dân gian. Một mấu chốt nữa trong tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai, là tác giả không nghịch đảo lịch sử hay lật ngược quan niệm, không “giải thiêng,” không tìm cách tạo dư luận cho tiểu thuyết của mình bằng việc đề ra một vấn đề gai góc gây tranh cãi, thay vào đó là sử thi hóa lịch sử, sử thi hóa anh hùng dân tộc.

Lấy bối cảnh là thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba, Phùng Vương là tiểu thuyết lịch sử được ra mắt đầu tiên, nhưng đã định hình rõ phong cách của Phùng Văn Khai, cùng với một nỗ lực nhằm góp lý giải và lấp đầy khoảng trống tư liệu trong lịch sử. Lịch sử là xương sống, là khung để nhà văn triển khai tự sự bằng ngôi kể thứ ba bao quát mọi không gian và thời gian. Một mặt, tác giả tô đậm các nhân vật lịch sử như Phùng Hạp Khanh, Phùng Hưng, Phùng Hải, Bồ Phá Giang, Vũ Khánh, Phan Đường, Đỗ Anh Doãn, Đỗ Anh Hàn, Phạm Cương, Đỗ Lăng, Phan Anh, Ngô Chất… mặt khác, lại dựa trên những suy đoán mang tính chất tư biện nhìn từ phía ngoài để biện giải động cơ hành động của họ. Đối với các sự kiện lịch sử, tác giả chủ yếu tái hiện lịch sử từ góc độ khách quan, rồi mượn điểm nhìn của các nhân vật để đưa ra nhận định. Cách kể chuyện ngôi thứ ba truyền thống này, tuy phù hợp với những tiểu thuyết có thời lượng và bối cảnh lớn, đa dạng nhiều nhân vật, trao sự chủ động hư cấu cho tác giả, nhưng đôi khi lại tạo ra sự kiểm soát chủ quan, bỏ mất vận động nội tâm và tiến triển tâm lý của nhân vật.

Tiểu thuyết Ngô Vương của nhà văn Phùng Văn Khai, trước hết, góp phần soi chiếu và luận giải một vùng mờ của lịch sử. Ngô Vương bao trùm hơn 30 năm đầy biến động nhưng không kém phần lẫy lừng trong lịch sử Việt Nam (907-939). Bởi, trên diễn trình lịch sử Việt Nam, Ngô Quyền là dấu mốc quan trọng, chính thức đánh dấu chấm dứt gần một thiên niên kỷ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, đặt viên gạch nền móng mở ra một thời kì độc lập lâu dài của Việt Nam. Nhiều quan điểm nghiên cứu lịch sử Việt Nam đều đồng thuận coi Ngô Quyền là vị vua chính thức đầu tiên của Việt Nam, vua của các vị vua. Thế nhưng, những sử liệu tồn hiện về vị vua này vô cùng ít ỏi và tản mác. Thử làm một phép thống kê nhỏ, trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Quyền (tức Tiền Ngô Vương) chỉ được đề cập đến trong 20 dòng, trong Đại Việt sử lược chỉ vỏn vẹn 14 dòng, còn trong Việt Nam sử lược, con số này là 5 dòng. Mọi chi tiết về ông chỉ được ghi chép vắn tắt, về những thông tin như trận chiến trứ danh trên sông Bạch Đằng, năm xưng vương và năm mất. Đối với Phùng Văn Khai, các nguồn tài liệu chính sử này như một xương sống và bệ phóng để nhà văn phát huy óc sáng tác của mình, ví như việc canh tác trên một mảnh đất chưa từng ai biết đến.

Song, nếu chỉ dựa trên những cứ liệu khiêm tốn khô khan này, sẽ là không đủ để nhà văn sáng tạo. Bên cạnh việc nghiêm cẩn khảo cứu các tài liệu chính sử, nhà văn Phùng Văn Khai đã thực hiện hoạt động điền dã công phu, trong đó có Khu di tích lịch sử Quốc gia Ngô Quyền ở thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Một không gian thiêng liêng, là nơi phát tích và gắn liền với các truyền thuyết dân gian về Ngô Quyền, mang lại cho tác giả rất nhiều dẫn liệu cảm hứng sáng tác. Phùng Văn Khai, thông qua ngòi bút của mình, đã tô vẽ tính cách và hình tượng nhân vật cho sâu sắc, đậm nét hơn. Qua đó, làm nổi bật và chân thực về lai lịch, xuất thân, phẩm chất, tính cách, khí phách, dung mạo của những nhân vật lịch sử trong tiểu thuyết, điển hình như Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Phạm Bạch Hổ, Đoàn Thành, Đỗ Cảnh Thạc, Đinh Công Trứ, Kiều Công Chuẩn… Các nhân vật trong Ngô Vương xuất hiện đầy sinh động, với những ứng xử cá nhân, chân thật, có sự thấm nhuần tư tưởng yêu nước thời đại.

Tính chất lãng mạn, huyền sử không hề vắng bóng trong tiểu thuyết Ngô Vương. Một trong những chi tiết đắt giá, mang màu sắc kỳ ảo, là mối liên hệ lịch sử giữa Phùng Hưng và Ngô Quyền. Trước trận chiến quyết định với Hoằng Tháo tại cửa sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã được Phùng Hưng báo mộng và phù trợ đánh giặc. Hình ảnh Bố Cái Đại Vương xuất được đặc tả về tầm vóc và khí chất quân vương phi thường (“cao lớn dị thường, thân mang đầy đủ giáp trụ sáng lòa, đầu đội mũ đâu mâu khảm ngọc, lưng đeo trường kiếm dài, bao kiếm dát vàng óng ánh…” tr. 333, Ngô Vương). Ắt sự trợ giúp này phải xuất phát từ “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu,” từ tấm lòng và ý hướng giải phóng dân tộc giữa hai vị anh hùng dân tộc đến từ miền “đất thiêng người hiền” Đường Lâm.

Ngô Vương phát huy giá trị và nối tiếp dòng chảy các tiểu thuyết lịch sử trước đó, tiêu biểu như Hoàng Lê nhất thống chí, đặc biệt ở cấu trúc chương hồi diễn biến theo thời gian đơn tuyến và mạch nguồn tinh thần dân tộc. Là người đương thời viết về lịch sử, nhà văn Phùng Văn Khai đã nhận diện và đặt mình vào chủ điểm tâm thế của thời cuộc bấy giờ – chính là tinh thần yêu nước và chống giặc ngoại xâm. Tinh thần này đã được minh chứng thông qua lịch sử từ ngàn xưa, chứ không phải xuất hiện như một yếu tố thoáng chốc nhất thời, là một cá tính riêng của dân tộc Việt Nam. Nhà văn đặt niềm tin vào dòng văn học chính thống, đề cao những giá trị cao đẹp của cá nhân và dân tộc. Đó cũng là lý do chủ quan nhà văn lựa chọn thể loại tiểu thuyết lịch sử, và can đảm xông pha dấn thân vào đề tài lịch sử với đối tượng trọng tâm là những vị anh hùng dân tộc. Phần nào đó, ở Phùng Văn Khai phản ánh tinh thần “văn dĩ tải đạo,” phò chính trừ tà, nhân nghĩa chính trực đã chảy trong tâm quản văn chương Việt Nam từ xưa tới nay. Có lẽ, thẳm sâu trong tâm can, nhà văn muốn dùng văn học để xây dựng một con người lý tưởng, trượng nghĩa, đóng góp cống hiến cho đất nước. Qua chất liệu văn học, lịch sử được thổi một sức sống mới, những sự kiện lịch sử không còn khô khan hay chỉ là con số thống kê đơn thuần, những nhân vật lịch sử trở nên sinh động hơn bao giờ hết. Tác phẩm Ngô Vương, như một cây cầu lịch sử bắc nối với quá khứ, đặc biệt với đối tượng bạn đọc trẻ tuổi – những người cần cung cấp nhận thức về lịch sử và được truyền cảm hứng tự cường dân tộc, được khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu quê hương.

Đến tiểu thuyết Nam Đế Vạn Xuân xoay quanh công cuộc khởi nghĩa và thành lập nên nhà nước Vạn Xuân của Lý Bí. Trong suốt chiều dài giai đoạn Bắc thuộc và chống Bắc thuộc của lịch sử Việt Nam, Lý Bí (503-548) nổi lên như một mốc son chói lọi. Bởi ông là người Việt Nam đầu tiên tự xưng là hoàng đế, đặt quốc hiệu nước là Vạn Xuân và niên hiệu riêng là Thiên Đức. Không chỉ là sự kết tinh đỉnh cao của ý thức tự cường độc lập dân tộc, mà còn là một lời khẳng định đanh thép của nước Nam trong tư thế đối trọng ngang hàng với thế lực phương Bắc. Cuộc khởi nghĩa của ông trở thành bài học và động lực cho những cuộc khởi nghĩa sau này của Mai Thúc Loan, Phùng Hưng. Đồng thời, việc dựng nước Vạn Xuân của Lý Bí chính là tiền đề cho nhà nước tự chủ của nhà Đinh, nhà Lý sau này.

Với Nam Đế Vạn Xuân, nhà văn Phùng Văn Khai vẫn trung thành với thể loại trường thiên tiểu thuyết, theo bố cục chương hồi cùng tuyến nhiều nhân vật, như đã làm với hai tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương, Ngô Vương trước đó. Đây là một lối tiếp cận truyền thống và an toàn, bởi như ở Trung Quốc, những tiểu thuyết trường thiên - dã sử như Tam quốc diễn nghĩa hay Phong thần diễn nghĩa, hay như Hoàng Lê nhất thống chí ở Việt Nam đều lôi cuốn độc giả bởi cách kể chuyện đơn tuyến hấp dẫn kịch tính, dễ đọc dễ nhớ. Chiến lược tiểu thuyết của Phùng Văn Khai khai triển từ một nhân vật trung tâm là Lý Bí (Lý Nam Đế), cùng tuyến nhân vật vệ tinh được xây dựng xung quanh Lý Bí như Phạm Tu, Triệu Túc, Tinh Thiều, Triệu Quang Phục, Phùng Thanh Hòa… từ đó vẽ lên bức tranh lịch sử của cả một giai đoạn kéo dài hơn 50 năm trong thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc của nước ta. Truyện bắt đầu từ lúc Lý Bí còn thiếu thời, vào chùa tu tập cho tới khi trở thành Giám quân ở Cửu Đức, sau đó tập hợp các tù trưởng, hào trưởng, người tài giỏi các vùng miền theo về dấy quân khởi nghĩa đánh đuổi giặc Lương, và cuối cùng kết thúc vào năm 541 khi lập nước Vạn Xuân.

Ngay từ những trang đầu của Nam Đế Vạn Xuân đã thấm nhuần tính tôn giáo trang nghiêm sâu sắc, đồng thời mang màu sắc huyền bí của truyền thuyết, của dân gian. Yếu tố Phật giáo đã được hội tụ và kết tinh ở nhân vật Từ sư phụ, một nhân vật bản lề và đắt giá trong tiểu thuyết Nam Đế Vạn Xuân, người có vai trò rất lớn cũng như ảnh hưởng sâu sắc đến những quyết định sau này của Lý Bí. Từ một chi tiết lưu truyền về việc Lý Bí được một vị thiền sư xin về chùa nuôi dạy, và có lẽ phần nào được tác giả lấy cảm hứng từ nhân vật lịch sử có thật là sư Vạn Hạnh, Phùng Văn Khai đã kiến tạo nên hình tượng nhân vật Từ sư phụ là thầy truyền đạt chữ nghĩa, Phật pháp và lòng yêu nước cho hai học trò là Tinh Thiều và Lý Bí. Bằng cách sử dụng nhân vật này, Phùng Văn Khai đã khéo léo lý giải và chắp nối mối liên hệ giữa các nhân vật lịch sử trong tiểu thuyết. Phần lớn các nhân vật như Tinh Thiều, Lý Thiện (Lý Thiên Bảo), Lý Bí, Điền Công, Điền Thái, Phùng Thanh Hòa đều có một “gốc” chung, xuất thân được thâu nạp làm đệ tử ở cửa Phật, học thông kinh Phật, binh pháp võ nghệ và văn bút thi thư. Và ở họ đều có chung một tư tưởng khuyến thiện trừ tà, thương xót và căm phẫn trước cảnh dân chúng bị đàn áp bóc lột bởi thế lực cai trị ngoại xâm.

Cổ trấn Luy Lâu, địa danh gắn liền với Sĩ Nhiếp, trung tâm kinh tế thương mại và văn hóa - tôn giáo lớn của Việt Nam xưa, chính là nơi châm ngòi và bùng nổ sự kiện bước ngoặt của tiểu thuyết, dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Lý Bí. Vùng đất cổ xưa là nơi hai nhân vật lịch sử có công lao không nhỏ đến sự phát triển văn hóa và tín ngưỡng Việt Nam từng đặt chân đến. Đầu tiên, Luy Lâu là nơi chứng kiến Sĩ Nhiếp mở trường lớp dạy chữ và văn hoá Hán, truyền dạy thi thư và lễ nhạc vào thế kỷ II. Sau này, đến thế kỷ thứ VI, Tỳ Ni Đa Lưu Chi sang truyền bá Phật giáo vào nước ta đã cư trú tại chùa Pháp Vân. Bởi những lý cớ đó, Luy Lâu còn là nơi trung tâm hỗn dung giữa Nho giáo và Phật giáo. Dường như qua hai chi tiết Tiêu Tư giả làm thương lái đến Luy Lâu dâng hương cửa thánh rồi gây chuyện, và sau đó bốn hồi ra lệnh thảm sát các hương trưởng tại lễ dâng hương lễ Phật cũng tại Luy Lâu, Phùng Văn Khai muốn tạo ra một ẩn dụ hàm ý sự xung đột tôn giáo giữa Hán Nho và Phật giáo, hay cũng chính là biểu trưng cho sự xung đột Bắc - Nam, không chỉ đơn thuần là xung đột lãnh thổ mà còn là xung đột về tư tưởng ý thức hệ.

Điều hấp dẫn ở một tiểu thuyết lịch sử đối với bạn đọc, nằm ở khả năng của tác giả trong việc kết hợp hài hòa giữa các yếu tố chính sử, dã sử, đồng thời giữ một biên độ hư cấu hợp lý để không đánh mất tính trung thực lịch sử. Chọn một đề tài lịch sử thuộc giai đoạn Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, Phùng Văn Khai ưu tiên các dẫn liệu chính sử để làm xương sống cho Nam Đế Vạn Xuân. Bên cạnh đó, nhà văn sử dụng huyền tích một cách vừa phải không thừa thãi, chủ yếu nhằm tạo ra sự dị biệt đặc thù cho nhân vật lịch sử, điển hình như tình tiết hổ vàng rơi lệ ở hồi một. Cùng với đó là những chi tiết mang yếu tố truyền thống dân gian vùng Bắc Bộ để tăng tính thuần Việt cho tiểu thuyết, đơn cử là những màn giao đấu trên các sới vật. Nhà văn thậm chí để ý cả đến những chi tiết nhỏ như phong tục cha đưa mẹ đón, tang cha chống gậy tre đi sau quan tài, tang mẹ chống gậy vông đi lùi phía trước trong tang ma truyền thống Việt (“Đi trước chiếc xe gỗ ậm ạch chở quan tài, ba cậu nhỏ cao thấp khác nhau toàn thân quấn vải trắng trên đầu đội mũ rơm chống chiếc gậy tre non thập thững bước lùi…” tr 22, Nam Đế Vạn Xuân). Việc mở rộng ra các chủ đề văn hóa, cụ thể là văn hóa thuần Việt, như văn hóa chính trị, văn hóa tâm linh, văn hóa dân gian, văn hóa làng xã, sẽ đi đến một sự biểu đạt của nghệ thuật nhìn từ văn hóa, khiến nhà văn không đơn thuần chỉ còn là một tiểu thuyết gia, mà trở thành một nhà văn có nghệ thuật vị văn hóa.

Các nhân vật lịch sử thông qua ngòi bút nhà văn trở thành hình tượng văn học với cá tính phẩm chất riêng. Ở Nam Đế Vạn Xuân, Phùng Văn Khai đã thể hiện sự tiến bộ nhuần nhuyễn trong bút pháp của mình, qua lối kể chuyện hấp dẫn cùng mạch truyện uyển chuyển, với nhiều tình tiết đan xen nhưng vẫn trên một trật tự tuyến tính, không bị đứt gẫy. Nghệ thuật đối sánh được tác giả nhuần nhuyễn sử dụng nhằm tô điểm và phản chiếu sự đối lập giữa hai nhân vật, vừa là đối thủ vừa là đối trọng. Một bên là Tiêu Tư, thứ sử Giao Châu đầy cơ mưu gian hùng, đại diện cho thế lực phương Bắc xâm lược bành trướng. Bên kia là Lý Bí, được xây dựng hình tượng văn võ song toàn, khí độ hơn người, có khả năng đồng thanh liên tài, đại diện cho nước Nam bất khuất tự chủ. Tiêu Tư càng hiếu sát hiểm ác bao nhiêu, thì Lý Bí lại càng đức độ chính nghĩa chói ngời bấy nhiêu. Có thể nói, Lý Bí là một nhân vật điển hình đại diện cho con người quân vương mà Phùng Văn Khai xây dựng làm trung tâm cho các tiểu thuyết của mình.

Trên đường biên giữa lịch sử và hư cấu, giữa chính sử và tiểu thuyết, là một lối đi đòi hỏi óc sáng tạo của tiểu thuyết gia lịch sử. Phùng Văn Khai đã lựa chọn trung thành với chính sử, và phát huy sáng tạo của mình thông qua xây dựng nhân vật anh hùng dân tộc và sử thi hóa lịch sử. Vị anh hùng dân tộc, trở thành quân vương anh minh mang đầy tính chất huyền thoại, còn những tình tiết lịch sử duy kiện trở thành những chiến công hiển hách mang tầm vóc sử thi. Một sự dung hòa và hài hòa giữa hai thuộc tính lịch sử và hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai.



[1] ThS, Viện Nhân học Văn hóa.