Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"NGHỆ SĨ ĐỒNG QUÊ"

Đắc Trung
Thứ sáu ngày 18 tháng 9 năm 2020 3:08 PM

Thưa các bạn.


Bổ sung chủ đề "Văn hóa và bảo tồn bản sắc văn hóa" và qua những chuyện lình xình về việc phong tặng Nghệ sĩ. Tôi trân trọng gửi đến các bạn bài viết dưới đây...(ĐT)



Chú ruột của tôi tên là Nguyễn Trọng Ngạn. Ông qua đời từ năm 1947 nhưng ký ức về chú vẫn luôn sống động trong mỗi chúng tôi. Rất tài tử, máu nghệ sĩ luôn đầy ắp huyết quản, lại đa tình, tâm hồn ông lúc nào cũng lâng lâng bay bổng trên mây, trong gió. Chú rất thích chơi diều và say mê đàn hát. Tài sản trong nhà có bao nhiêu, sức lực trong người có bao nhiêu gần như chú dốc hết cho hai thú chơi tao nhã này. Chuyện chơi diều và đàn hát của chú cũng thật lãng mạn và độc đáo. Mảnh vườn rộng ông bà nội tôi cho, chú làm năm gian nhà gỗ, chỉ bưng kín ba gian ở, còn lại để trống dùng làm nơi cất con diều vĩ đại của mình. Con diều dài năm mét, rộng gần hai mét. Để có con diều như thế đâu dễ. Nhiều ngày chú tôi mang dao đi khắp vùng tìm những cây tre to, dài, thẳng, nây đều, mắt đốt nhỏ, không sâu bệnh, không gìa cũng không non, mới bánh tẻ. Đắt mấy cũng mua đem về làm khung và dây diều. Việc pha, chẻ, chau, vót rất công phu. Khi dựng diều càng cẩn thận, tỷ mỷ. Cân nhắc, tính toán từng ly từng tý. Cán và khung phải cứng và khoẻ nhưng vẫn đủ độ đàn hồi và cõng nổi cả giàn sáo trên lưng. Hai cánh cong đều để khi lên cao diều no gió cũng không bị lật, bị đảo. Phất diều phải dùng giấy dó loại tốt. Để các lớp giấy gắn kết với nhau phải dùng nhựa của mấy gánh quả hồng, quả cậy giã nhỏ, lọc kỹ, cô đặc, sánh như keo quét đều nhiều lần khiến cánh diều vẫn nhẹ mà dai, mưa to không ướt, gió to không rách, chịu đựng được mọi thời tiết trên cao suốt ngày này qua đêm khác. Dây diều phải vót thật đều, thật tròn, to gần bằng đầu đũa. Sau đó cuộn lại cho vào chiếc nồi đồng lớn, hoà nước muối, đổ đầy, đặt lên bếp lò, chất củi gộc ở dưới đun sôi sùng sục suốt một ngày, một đêm mới vớt ra, nối lại. Làm như thế dây nhẹ mà vẫn giữ được độ ẩm, mềm và giẻo, trời nắng nóng thế nào cũng không bị giòn gãy. Việc buộc lèo, chỉnh dây lèo, làm sáo đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Dây lèo được xe bằng loại tơ tằm đặc biệt, mềm, mảnh, mà rất bền. Vị trí buộc và nút điều chỉnh phải thật chính xác giữ cho diều cân dù gió có luôn xoay chiều hoặc thay đổi cường độ. Giàn sáo gồm ba chiếc, ống bằng nứa, miệng bằng gỗ vàng tâm, bên ngoài quét sơn ta, dài, ngắn, to, nhỏ, dầy, mỏng và miệng sáo rộng, hẹp khác nhau được đặt chéo trên lưng và gắn chặt vào cán diều theo hướng ngược chiều gió. Khi diều lên cao sáu miệng sáo cùng kêu tạo thành bản nhạc trầm bổng du dương tuyệt vời với rất nhiều âm sắc, cao độ, trường độ khác nhau.

Vất vả, cần mẫn suốt mấy tháng trời mới làm xong con diều. Chú tôi và những người bạn cùng hội chơi diều trong làng háo hức đón mùa hè đến để chọn ngày thả lên Trời. Ngày đó rất thiêng liêng. Phải chọn giờ tốt để làm lễ tế Trời, phải tìm bãi thả, phải kiên trì đợi đến khi sức gió đủ mạnh đưa được diều lên cao đến hàng trăm mét, cách xa vài ba cây số cũng nhìn thấy và nó có thể lơ lửng suốt mùa hè. Dù dưới mặt đất hoàn toàn tĩnh lặng thì ở trên đó diều vẫn luôn no gió. Bản nhạc du dương từ giàn sáo lan toả cả vùng trời, bán kính mấy cây số, thể hiện khát vọng cao đẹp, đem lại niềm vui, cảm xúc và tình yêu cuộc sống cho hàng ngàn người nông phu lam lũ.

Chuyện chú tôi mê đàn hát cũng không kém độc đáo. Trong nhà treo, bày la liệt đủ thứ nhạc cụ: trống quân, trống đế, trống chầu, mõ, phách, thanh la, nhị, hồ, tiêu, sáo, đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu, đàn đáy... Chú như một phù thuỷ cao tay điều khiển các loại nhạc cụ như sai khiến âm binh. Động vào đâu là phát ra âm thanh, trầm bổng, luyến láy, lúc êm dịu réo rắt, lúc rộn ràng, rồi bỗng hối hả, thôi thúc... làm xao xuyến, mê mẩn lòng người. Cùng với nhạc cụ là các loại trang phục dùng cho biểu diễn sân khấu: nón quai thao, áo tứ thân mớ ba mớ bẩy đủ màu sắc, khăn vấn, tóc giả, râu giả, mặt nạ, gươm, dáo, cung, tên, mũ trụ, áo giáp, lá chắn, cờ xí, giầy vải, xà cạp... và đủ thứ phấn son. Chú tôi cùng các bạn nam thanh, nữ tú trong làng lập ra "Hội chèo làng Mai Độ". Ban ngày lo việc đồng áng, tối đến lại cùng nhau tập luyện. Tiếng hát, tiếng đàn sôi động truyền hơi thở làm bừng lên sức sống cho cả một vùng quê vốn nghèo khó, ảm đạm. Dựa vào những tích cổ có sẵn, chú tôi soạn ra cốt truyện và lời ca. Rất dân giã, gần gũi mà hấp dẫn, lôi cuốn và truyền cảm. Những dịp lễ tết, hội hè, đình đám "gánh chèo" của chú vô cùng bận rộn. Không chỉ biểu diễn ở làng mà cả thiên hạ. Không bán vé thu tiền, không cò kè mặc cả đòi "cát-xê" cao như không ít nghệ sĩ ngày nay. Lấy việc phục vụ nhân dân là chính. Tùy tâm ai thấy hay "thưởng" vài xu một hào thì tự thả vào cái rá để gần chỗ biểu diễn. Mục đích rất trong sáng cốt tạo niềm vui cho cuộc sống của mọi người, nhất là những ai bần hàn nghèo khổ trong vùng.

Gần như cả tổng biết tiếng và yêu mến chú tôi bởi thú chơi diều và đàn ca rất tao nhã, rất tài tử, rất lãng mạn, rất độc đáo và cũng rất gần gũi cuộc sống.

Bà con yêu mến gọi chú tôi là "Nghệ sĩ đồng quê".

Danh hiệu ấy được nhân dân phong tặng. Không thèm thuê bồi bút viết bài "lăng-xê" lên báo, không tìm cách đánh bóng tên tuổi kiểu "thùng rỗng kêu to", không cần qua các cấp xét duyệt, không bán rẻ nhân phẩm đi đút lót chạy chọt. Rất chân chất và trung thực.

Bởi vậy Danh hiệu "Nghệ sĩ đồng quê" của chú tôi thật sự cao quý.

Giá mà ngày nay khắp thiên hạ cũng có nhiều "Nghệ sĩ đồng quê" như thế.