Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHI CHỒNG BẠN GỌI BẠN MỘT TIẾNG RỒI IM BẶT

Nguyễn Đức Tùng
Thứ sáu ngày 18 tháng 9 năm 2020 3:04 PM



Khi chồng bạn gọi bạn một tiếng rồi im bặt, bạn đang bận. Chồng bạn khiêng chậu hoa trong sân. Đó là buổi sáng đẹp trời hai vợ chồng chuẩn bị ăn sáng. Bạn là người phụ nữ tất bật, dù về hưu nhưng công việc trong ngoài đều vào tay. Trong khi chồng bạn giống những người đàn ông khác, hết tuổi làm việc thường sinh tật, kẻ thích rượu, người bỗng phát hiện mình có tài làm thơ, kẻ mê hoa. Hai vợ chồng sống chung ba mươi lăm năm, hai con một trai một gái đã lập gia đình, và giờ đây bạn nghĩ đến việc an hưởng tuổi già.

An hưởng tuổi già tức là suốt ngày đứng trong bếp. Vào lúc nghe chồng bạn gọi, bạn bỏ tất cả xuống, chạy ra cửa. Cuối sân, chồng bạn quỳ xuống bên chậu cúc, dáng điệu bất thường, hai tay bám chặt vào thành chậu, nghiêng người. Bạn cất tiếng gọi, anh ấy ngẩng đầu lên, tỉnh táo, nhưng tia nhìn thất thần. Bạn biết mọi thứ đang thay đổi.

Bạn cúi xuống đỡ, anh ấy để yên cho bạn dìu vào nhà. Chồng bạn thường uống rượu, vẫn lên cơn đau dạ dày mỗi khi nghe tin thời sự, nhưng lần này có vẻ nặng hơn, toát mồ hôi, mặt tái xanh, vẻ mệt nhọc. Không nói được, tay phải mềm nhũn. Bạn gọi số điện thoại cấp cứu.

Trong khi chờ đợi, bạn để anh ấy nằm xuống, đầu nâng cao để tránh ói mửa. Bạn để ý xem anh ấy có khó thở không, cởi cúc áo. Bạn phải bình tĩnh không được cuống quít, đắp cho anh ấy một cái chăn mỏng, đừng cho ăn một thứ gì. Bạn cho anh ấy uống một viên aspirine nếu có sẵn trong nhà. Bạn có thể nhầm đau tim với đột quỵ não, nhưng aspirine có ích cho cả hai. Năm phút sau xe cứu thương đến, bật đèn chớp sáng. Họ quyết định đưa chồng bạn vào bệnh viện. Vài phút sau xe hú còi chạy đi. Bạn lái xe theo sau.

Vào lúc ấy bạn biết rằng mọi thứ đã thay đổi. Thiếu máu não hay đột quỵ não xảy ra khi động mạch đưa máu đến nuôi não bị tắc nghẽn, gọi là nhũn não, hoặc nặng hơn do mạch máu vỡ ra, gọi là xuất huyết não. Huyết áp là nguyên nhân hàng đầu. Tiểu đường, mỡ cao trong máu, rượu, thuốc lá, căn thẳng tinh thần, lo âu. Bạn thấy nhức đầu, hoa mắt, khó thở, tim đập loạn xạ, mệt mỏi, lú lẫn. Vào lúc ấy bạn biết rằng có thể chồng bạn ăn nhiều mỡ quá và các thành động mạch dày lên, đóng bám, làm máu bị tắc nghẽn, hay ăn nhiều đường quá và các thành mạch xơ cứng lại. Có thể anh ấy hay giận dữ và âm mưu nhiều quá, lo chạy quyền chạy chức nhiều quá, lo cho con cái vào trường này trường kia nhiều quá, khiến cho huyết áp vọt lên 170 mà bạn không biết, đôi khi 190 trên110 mà bạn không hay. Vì sao chồng bạn không hay? Vì cơ thể anh ấy cố hết sức làm việc, sửa chữa ngày đêm. Nó vá bên này đắp bên kia để cho các mạch máu lưu thông đều đặn, mở các mạch máu mới, nối các huyết lộ mới, như một vương quốc mà các cận thần lo lắng ngày đêm, dẹp loạn khắp nơi, vì dân chúng tức giận nổi loạn, khiến cho ông vua trị vì hoàn toàn không biết gì cả, mãi làm thơ, đờn ca hát xướng, tự ca ngợi mình, tưởng như vương quốc sáng lập trăm năm không có chuyện gì. Hệ tuần hoàn làm việc khổ sở như thế cho đến một ngày nó mệt quá, tim đập hẫng một nhịp, rồi hẫng một nhịp nữa mà chồng bạn không biết, hay anh ta biết mà không chú ý. Bộ não cố hết mình để phát đi một tín hiệu, nó làm bạn hoa mắt, chóng mặt. Tháng trước, nó làm chồng bạn ngẩn người ra một lúc, hơi lảo đảo, nhưng anh ấy cứ tưởng một tứ thơ mới mẻ đang tới.

Trong khi lái xe bạn biết rằng cuộc đời của bạn đã khác. Không phải cuộc đời của chồng bạn mà chính cuộc đời của bạn. Đầu tiên là phòng cấp cứu. Bạn tưởng rằng mọi bệnh nhân đều được khám xét ngay lập tức, nhưng không, mọi người ai cũng chờ đợi. Bạn không hiểu tại sao, bạn mất hết kiên nhẫn. Trong khi chồng bạn nằm im trên giường, tay chân chằng chịt dây truyền tĩnh mạch, các y tá chạy lui chạy tới, còn bác sĩ thì rõ ràng không làm gì cả, không ai chú ý đến bạn, một người đàn bà ngơ ngác đứng ngoài cửa nhìn vào, không biết phải làm gì. Bạn chỉ biết chờ đợi. Và thời gian chờ đợi bao giờ cũng dài gấp đôi thời gian thực tế. Không ai trả lời cho bạn câu hỏi sau đây: Anh ấy bị bệnh gì? Cơ thể anh ấy bị hỏng ở đâu? Cuộc đời của bạn từ đây ra sao?

Vài ngày sau, thật may mắn, anh ấy sống sót, bạn đưa chồng về nhà. Bạn lúi húi làm bữa ăn đầu tiên cho người bệnh. Đó là một chế độ ăn đặc biệt. Bạn chưa hề quen thuộc với cách nấu ăn giảm muối giảm đường giảm mỡ. Không có nước mắm làm sao nấu bún bò Huế? Thử tưởng tượng không có ruốc? Bạn không quen với kiểu ấy. Bạn không thể đi ra khỏi nhà. Sau tai nạn, anh ấy rũ liệt tay phải, nói khó khăn, trở thành một người khác, cáu kỉnh, buồn rầu, hay gây sự, muốn chết, ngơ ngác như thuở dậy thì. Những ngày ở nhà bạn tập làm quen với những thứ chưa hề nghĩ tới: thuốc men, vật ký trị liệu, tiệm thuốc tây. Bạn làm hẹn để gặp bác sĩ, bạn hiểu rằng đó là cái hẹn rất quan trọng. Nhưng bạn không thể nào gọi được, đường dây lúc nào cũng bận. Thế mà bạn biết rằng các cô thư ký phòng mạch chẳng làm gì cả, dường như họ chỉ ngồi đó và sơn móng tay, có người đan áo len cho chồng, có người tán gẫu trên online. Các bác sĩ cũng chẳng làm gì cả, bạn từng thấy họ đi ra đi vào dáng điệu thư thả, làm bạn nóng cả ruột. Bạn không thể nào hiểu được tại sao họ không quan tâm đến chồng bạn. Những cái hẹn gặp người này người khác làm bạn mệt nhoài. Tiền hóa đơn ngày càng cao. Nhưng mỗi khi ngồi trên giường cầm tay anh ấy, nhìn thấy tia hy vọng trong mắt của chồng mình, bạn thấy lòng dịu lại.

Thuốc men và y tế đã tạo ra nhiều phép lạ, một lần nữa họ lại tạo ra phép lạ. Những tuần lễ đầu tiên từ bệnh viện về nhà là quan trọng nhất. Thuốc men gì mà nhiều quá, chồng bạn không uống thuốc đúng giờ, bạn phải nhắc mỏi cả miệng. Thuốc chống đông làm chảy máu bầm khắp nơi, đau đớn, nên chồng bạn không hăng hái uống thuốc. Tập vật lý trị liệu. Trở lại với hoạt động bình thường. Trong những ngày sắp tới chồng bạn sẽ cảm thấy buồn rầu, thấy mình có lỗi, tự oán trách mình, oán trách người khác. Anh ấy sẽ có nhiều bệnh lặt vặt, mất ngủ, nhức mỏi khắp người, ăn uống kém, tình dục suy giảm, cáu kỉnh, buồn chán, nghĩ nhiều đến cái chết.

Đời sống hoàn toàn thay đổi, cả vợ lẫn chồng. Từ đây bạn bắt đầu cuộc sống khác. Bạn cắt giảm thú vui riêng. Khi rảnh rang giữa hai lần bận rộn, bạn nhớ lại quá khứ, nhớ lại lỗi lầm của người đàn ông mà mình yêu thương từ khi còn trẻ, những khi anh ấy cáu gắt với bạn, những lần vui bạn vui bè la cà không chịu về nhà. Nhiều quá. Bạn nhớ lại người mẹ chồng, tuy là người tốt bụng tử tế nhưng lại khó tính, trong những năm đầu tiên bạn phải khổ sở vì bà ấy, nhưng khi bà qua đời, bạn tha thứ hết. Cầu cho bà được yên nghỉ ở thiên đường. Bạn nhớ lại những giờ khắc đau khổ của mình. Nhưng bạn cũng nhớ lại những ngày vui vẻ. Tính tình dễ thương của anh ấy, những lúc anh ấy xử sự như trẻ con. Bạn tha thứ. Rồi bỗng bạn khóc, chính bạn cũng không hiểu tại sao. Nhưng chồng bạn không biết gì cả. Thì xưa nay vẫn thế.

Giờ đây bạn phải là người mạnh mẽ, vì nói cho cùng người mạnh mẽ lúc nào cũng may mắn hơn và bạn tìm thấy niềm vui của người được dịp giúp đỡ người khác, được nhìn thấy người đàn ông của mình đứng dậy, chập chững bước đi, một cánh tay rũ xuống, tập nói bập bẹ như một đứa trẻ. Một đứa trẻ đã từng dẫn bạn đi qua chông gai của cuộc đời, nắm chặt tay bạn qua những vòng đua gắt chóng mặt, đã bồng bạn trên tay đi qua căn phòng rộng ồn ào bạn bè nghịch phá như giặc trong ngày cưới, đã dẫn bạn đi qua chiếc cầu khỉ dài, bên dưới là dòng kênh trôi đầy lục bình nhưng bạn cứ tưởng là cá sấu, trong ngày đầu tiên bạn xuống thăm quê chồng. Và bạn mỉm cười.