Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÂN NĂM TÝ NÓI CHUYỆN CHUỘT

Hoàng Xuân Chinh
Thứ ba ngày 28 tháng 1 năm 2020 10:26 AM





Đám cưới chuột, tranh dân gian Đông Hồ. Nguồn internet

Chuột là con vật nhỏ nhất, nhưng lại là con vật được các cụ nhà ta xưa kia xếp đứng đầu trong 12 con giáp. Chính vì vậy chuột trở thành con vật đặc biệt được học giả nhiều thời đại từ xưa đến nay bàn luận sôi nổi.

Chuột - con vật đặc biệt thuộc bộ gặm nhấm

Khái quát về đặc điểm của chuột Từ điển Bách khoa (tập 1) viết “Chuột: là động vật có vú, bộ gặm nhấm (Rodertia), gồm nhiều loài thuộc các chi, các họ khác nhau. Thường gặp chuột nhắt (Mus), chuột cống (Rattus), ở trong nhà, kho, tàu biển, ăn hại thóc lúa, truyền bệnh, nguy hại nhất là bệnh dịch hạch. Chuột nhắt trắng, chuột lang (Cavia porcellus) đã được xác định di truyền và nuôi thuần chủng làm những động vật thí nghiệm trong sinh học, y học. Ở Việt Nam có loài chuột nhắt cây (Vandeleuria oreracea) là loài thú hiếm, có giá trị thẩm mĩ, có thể nuôi làm cảnh, xuất khẩu”.

Một đặc điểm của chuột là có cặp răng cửa phát triển dài ra liên tục cho đến lúc chết, do đó nếu không được mài mòn thì miệng không ngậm lại được, do đó chuột phải gặm nhấm bất cứ thứ gì liên tục để mài mòn răng. Tuy vậy, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại chuột chù không thuộc loại gặm nhấm mà thuộc loại ăn sâu bọ.

Chuột là con vật ăn khỏe nhất. Một ngày một con chuột ăn khối lượng lương thực gần bằng ½ trọng lượng cơ thể chúng. Một con chuột cống nặng khoảng 150 gam thì một ngày ăn hết 57 gam lương thực.

Chuột là con vật đẻ mắn nhất, có số lượng nhiều nhất. Chuột được 3 tháng đã có thể đẻ, một lứa đẻ có thể tới 10 con, 2 tháng sau chuột đã có thể đẻ lại. Năm được mùa, một cặp bố mẹ chuột có thể để lại khoảng 1.000 hậu duệ con cháu chút chít. Gần đây nhà động vật học Ba Lan Muraxki cho biết trên thế giới hiện có trên 4 tỷ con chuột, gần bằng 2/3 dân số thế giới. Thủ đô Paris có khoảng 4 triệu con chuột, trung bình mỗi người dân có 2 con chuột. Trung Quốc có 2 tỷ chuột cống. Trên thế giới không nước nào là không có chuột. Có nhiều loại chuột khác nhau như chuột nhắt, chuột chù, chuột cống, chuột đồng, chuột nâu, chuột đen, chuột lang, chuột bạch. Phần lớn chuột có kích thước tương đối nhỏ. Chuột nhắt chỉ nặng khoảng 15 gam, chuột chù lùn Srilanca chỉ nặng 1,2-1,7 gam. Song trên thế giới cũng có những loại chuột có kích thước khá lớn. Châu Phi có chuột khổng lồ như chuột túi Gambia nặng 4-5 kg. Nam Mỹ có nhiều loại chuột lớn, như chuột Capybara nặng 65 ki lô, Brazil có loại chuột nặng tới 91 ki lô. Những loài chuột to lớn này người ta nuôi làm cảnh, chiều chiều dẫn chuột di dạo chơi.

Các nhà khoa học học Pháp cho chuột là con vật rất tinh khôn, có óc tiên tri và linh cảm phi thường và biết thông tin cho đồng loại. Khi có loại thuốc diệt chuột đầu tiên, chuột phát triển ngay loại gen kháng thuốc. Sau khi có loại thuốc diệt chuột mạnh hơn, chuột liền khám phá ra loại vũ khí tự vệ, mà các nhà khoa học sau này mới biết. Đó là vitamin K dùng như thuốc giải độc Tức thì chuột ăn các loại có chứa vitamin K.

Nhà khoa dọc Pháp Daniel sau 20 năm nghiên cứu tác phong và tư duy chuột đã đi đến nhận định chuột là động vật có vú tinh khôn thứ 3, chỉ sau con người và tinh tinh.

Hầu hết các loại chuột đều phá hoại cuộc sống của con người thậm chí dẫn đến chết chóc cho con người, song cũng có một số loại chuột giúp ích cho con người như loại chuột chù ăn sâu bọ, không cắn phá đồ đạc trong nhà, kho tàng hay phá hoại hoa màu trên đồng ruộng, hoặc loại chuột bạch, tức là loại chuột nhắt trắng, chuột Đồng Nai được các nhà khoa học dùng để làm thí nghiệm trong sinh học, y học.

Chuột gây tác hại ghê gớm cho con người

Chuột có nhiều loại như chuột nhắt, chuột chù, chuột cống, chuột đồng, chuột lang, chuột bạch. Trong đó có những loại chuột đào hang hốc để sống gây nên sập nhà, sụp đổ đường tàu. Như ở Rumani ngôi nhà 5 tầng đổ sập do chuột đào hang làm sụp móng nền nhà. Ở Ấn Độ cả một đoàn tàu hỏa bị đổ kềnh do chuột đào rỗng dưới nền đường sắt. Ở Venezuela đã từng có nạn “giặc chuột”. Do chuột sinh sôi quá nhiều, có khoảng 18 triệu con, chuột kéo hàng đàn thi nhau cắn trụi hầu khắp các cánh đồng lúa mì, kho tàng, bệnh dịch hạch phát triển mạnh, chính quyền phải huy động hàng ngàn quân đội trang bị vũ khí chống độc sục sạo khắp hang cùng ngõ hẻm diệt tận gốc lũ giặc gặm nhấm này.

Chuột khổng lồ Nam Mỹ

Chuột là loài động vật bẩn thỉu nhất. Trong nội tạng chuột có năm sáu loài giun sán và trong bộ lông hôi hám của chuột cũng có biết bao vi trùng các bệnh dịch hạch, đậu lào gây nên chết chóc cho con người vượt cả các cuộc chiến tranh.

Như nạn đại dịch hạch thế giới lần thứ nhất xẩy ra vào thế kỷ thứ 6 đã làm chết khoảng 100 triệu người. Đại dịch hạch thế giới lần thứ 2 xẩy ra vào thế kỷ 14 đã lấy đi sinh mạng 65 triệu người. Đại dịch hạch thế giới lần thứ 3 xẩy ra vào năm 1984 tại Hồng Kông, sau lan ra 60 thành phố và hải cảng, làm chết hàng chục triệu người.

Chính vì vậy, ngoài các động vật trong thiên nhiên như mèo, rắn, chồn, chim lợn, chim cú thường xuyên bắt chuột kiếm sống, con người cũng tìm mọi cách săn chuột. Một năm một con chim cú có thể bắt được 2.000 con chuột. Con người tìm nhiều cách bắt chuột, từ dùng thuốc độc diệt chuột đến đánh bẫy bắt chuột. Viện nghiên cứu dầu cọ Malaysia từ năm 1980 đã tiến hành làm tổ chim lợn trên các cành cọ dầu để chim lợn bay rình tìm cách đánh bắt chuột cắn phá cọ dầu.

Từ ca dao, Trinh thử, Hịch đánh chuột đến tranh đám cưới chuột và chú chuột Mickey

Hình ảnh chuột xuất hiện đậm nét trên các tác phẩm văn hóa nước ta cũng như các nước trên thế giới.

Kinh thi, tác phẩm nổi tiếng của Nho học Trung Quốc rất được các Cụ nhà ta ca ngợi, từ rất sớm đã nói đến tác hại của chuột đối với con người.

Ở ta, hình ảnh chuột được thể hiện khá đậm nét trong ca dao, tục ngữ, văn hóa dân gian. Trước đây không ai là không thuộc 4 câu:

Con mèo mà trèo cây cau,

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà,

Chú chuột đi chợ đường xa,

Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo.

Dân ta từ nhiều đời đã dùng hình ảnh chuột để chỉ một số loại người có tính xấu. Như những kẻ ba hoa, phô trương nhưng làm không ra gì là loại người mắt dơi mày chuột, Hay loại người phô trương, nói thì hay nhưng làm không ra gì là đầu voi đuôi chuột. Hoặc những người nói dai, không ăn nhập vào vấn đề là nói dơi nói chuột. Những người không tự biết mình, dòi hỏi quá mức thì được ví như Chim chích mà đậu cành sồi/Chuột chù trong cống đòi soi gương Tàu. Diễu cợt kẻ hợm đời, trưởng giả học làm sang, ra bộ khó tính, ca dao có câu Chuột chê xó bếp chẳng ăn/Chó chê nhà dột sang nằm bụi tre.

Trinh thử (Lòng trinh tiết của chuột) là truyện thơ dài 852 câu bằng chữ Nôm sớm nhất còn lại cho đến nay. Chuyện kể vào năm Long Khánh thời Trần ở miền Lộc Đông chuột Bạch chạy nấp vào hang chuột Đực. Chuột Đực quyến rũ chuột Bạch, chuột Bạch cự tuyệt, liều chết bảo vệ lòng trinh tiết. Chuột Cái về, ngờ rằng chồng mình tình gian với chuột Bạch, tỏ ý giận dữ. Chuột Bạch giãi bày và từ biệt ra về. Chuột Cái không tin, nổi ghen, đay nghiến rồi đến nhà chuột Bạch xỉ vả. Mèo ở đâu chợt đến, chuột Bạch chạy tọt vào thùng gạo, chuột Cái chạy ra sa xuống ao. Hồ Sinh, người biết tiếng chim muông nghe được đầu đuôi câu chuyện. Thấy thế, bèn đuổi mèo đi, vớt chuột Cái lên, rồi lấy lẽ phải trái nói rõ lòng trinh tiết của chuột Bạch và khuyên nhủ chuột Cái về đạo cư xử trong gia đình.

Nguyễn Đình Chiểu, người dân thường gọi là Đồ Chiểu, vào nửa đầu thế kỷ 19 đã viết tác phẩm Thảo thử hịch (Hịch đánh chuột) theo thể nghị luận bằng thơ có giọng đanh thép, hùng hồn nhằm cổ động thuyết phục mọi người đánh giết họ hàng nhà chuột đã gây ra biết bao tai hại về đồ đạc, mùa màng và dịch bệnh cho con người.

Bức tranh Đám cưới chuột, cũng được gọi là Trạng chuột vinh quy được nghệ nhân dân gian làng Đông Hồ Bắc Ninh sáng tạo cách nay khoảng 500 năm, in khắc trên nền giấy điệp. Đây là một đám cưới trang trọng, ngựa anh đi trước, kiệu nàng theo sau. Chàng xúng xính trong bộ áo gấm xanh, nàng mặc áo màu gụ, được rước đi rạng rỡ trên con đường làng. Chuột trạng hay chuột chù rể được che lọng tía tượng trưng cho vinh quang và danh vọng. Chuột cô dâu dịu dàng trong chiếc kiệu bát cổng. 4 chú chuột ghé vai khiêng kiệu, hai chú chuột thổi kèn. Các chú chuột ăn mặc lòe loẹt giống như các anh hề gánh xiếc. Cái hay là có một ông mèo già ngồi đón đường, trước mặt có 2 chú chuột cầm cá và chim với dáng vẻ khúm núm dâng quà tặng cho mèo.

Chú Chuột Micky

Vào khoảng nửa đầu thế kỷ 20, năm 1928 nhà điện ảnh Mỹ Walt Disney khai sinh ra chú chuột Mickey trên màn hình điện ảnh. Cho đến nay đã trên 90 năm, chú chuột Mickey không chỉ dừng lại trên màn ảnh mà đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa đại chúng của Mỹ cũng như ở nhiều nước trên thế giới. Mickey là chú chuột thông minh, ngộ nghĩnh và hài hước. Mickey là chú chuột hoạt hình biết nói, biết vui, biết buồn, biết ghét, biết yêu. Trẻ em yêu chú, nhiều người lớn cũng khoái chú. Chú cũng là người yêu đời, yêu người, lúc nào cũng vui vẻ, nghịch ngợm, nhưng không làm hại ai. Từ điển Bách khoa Larousse định nghĩa Mickey là con chuột nhắt được nhân cách hóa, một nhân vật hỗn hợp, không là người, nhưng cũng không phải là thú, nhưng ranh mãnh, năng động và gan dạ.

Chuột Mickey chính thức đón tuổi 90 bằng một buổi lễ hội vui nhộn và đầy màu sắc ở Việt Nam tại Trung tâm Thương mại Cressent Mall Q7 Tp Hồ Chí Minh từ ngày 10-11 đến ngày 31-12/2018.