Trang chủ » Tin văn và...

DI SẢN NGƯỜI VIỆT CỔ VỤN VỠ, BÂY GIỜ TRÁCH AI?

Nguyễn Thu Quỳnh
Thứ tư ngày 13 tháng 11 năm 2019 8:59 AM



Vườn Chuối (xã KIM CHUNG, huyện Hoài Đức, HN), nơi tìm thấy xương cốt người Việt cổ từ thời Đông Sơn, chỉ mới được báo cáo kết quả khai quật có 2 tuần, “còn nguyên vẹn nhất trong số nhiều di chỉ tiền - sơ sử” mấy hôm nay bị phá tan tành.
Di sản 3.500 năm có hiện vật quý giá và đầy đủ hơn cả tòa thành Cổ Loa của An Dương Vương, những gò đã khai quật gồm Vườn Chuối, Mỏ Phượng, Dền Rắn giờ hoắm sâu những nhát xúc, vết xích xe ủi và hố đào… Cô giáo tôi, giáo sư Lâm Mỹ Dung lom khom cúi nhặt từng mảnh gốm Đông Sơn. Những người yêu lịch sử và nguồn gốc người Việt cổ đến đây sẽ mê mẩn ngồi ngắm cả ngày, những bình gốm còn dùng tốt, những tấm che ngực còn rõ nét hoa văn, những chiếc rìu đồng, mũi tên đồng, mũi giáo, thậm chí cả lưỡi câu… nguyên vẹn và sắc nét đến kinh ngạc.
Nhưng những thứ đẹp đẽ, tỉ mỉ, gợi hình ảnh sinh động về đời sống thường ngày, từ miếng ăn, nhịp thở hoặc cả những cuộc chiến giữ lãnh thổ của tổ tiên chúng ta ở thời đại mở nước rực rỡ ấy chỉ là quá khứ…không mài ra mà ăn được. Nên di chỉ đã năm lần bảy lượt bị chủ đầu tư khu đô thị và đường vành đai 3.5 cho máy xúc ủi lật tung. Ông Hùng, người làng Lai Xá tâm huyết với bảo tồn di sản thì chạy theo “mót” được cái gì hay cái đó về làm kỷ niệm, ông Thắng, thợ ảnh của làng có truyền thống nhiếp ảnh này cố những cú chụp vớt vát. GS Lâm Mỹ Dung viết thư gõ cửa khắp nơi, từ ngành văn hóa tới UBND Hà Nội nhưng chỉ nhận được sự im lặng, đành huy động lũ học trò Khoa Sử, Trường KHXH&NV Hà Nội xin khai quật.
8 lần để cứu vớt hiện vật, 10 năm vẫn im lặng không có câu trả lời. Những bình, vò gốm, mũi tên, cày đồng… lặng lẽ nằm trong kho của Khoa Sử, của Bảo tàng trường.
Đến tận 2017, PGS Nguyễn Văn Huy phải viết thư kêu cứu gửi Bí thư Thành ủy HN, các báo đều đăng thì mới có hồi âm. Thế mà giữa 2018 Sở Văn hóa mới mở được một hội thảo để các nhà khoa học nói. Tôi đến thấy đông báo đài dự, có đại diện chính quyền xã Kim Chung, Hoài Đức, nhưng về phía TP cao nhất thì chỉ phó giám đốc sở Văn hóa, sở Quy hoạch kiến trúc chỉ có một cô chuyên viên, công ty đầu tư vào khu đô thị không trả lời thư mời, không xuất hiện... nhưng các nhà KH không bất ngờ khi thấy như vậy, có lẽ vì ai làm di sản cũng quen cảnh “nói cho nhau nghe là chính” rồi. Sau Hội thảo, được lời hứa của Sở Văn hóa là sẽ “cố hết sức”, cô chuyên viên Sở Quy hoạch về sẽ “báo cáo cấp trên” và có thể xin điều chỉnh quy hoạch để giữ lại một phần di chỉ ngay trong khu đô thị. Nhưng di sản vẫn cứ bị xúc, ủi, các cụ ở Vườn Chuối cứ kêu cứu. Phải tới tháng tư 2019 Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Nhân học trường KHXH&NV Hà Nội mới được phép đào khẩn cấp để lên phương án bảo tồn.
Rồi sự việc quay về mốc đầu tiên như ngày hôm qua, với hình ảnh cô giáo tôi lom khom đi nhặt gốm. Các giáo sư khác lại lên tiếng với báo chí “đề nghị bảo tồn”, như lời cô tôi “trăm sự nhờ báo chí”.
Trách ai bây giờ? Ngành Văn hóa đều bảo “đang cố hết sức”, chính quyền thành phố và Cục Di sản đã bảo từ trước rồi “quan điểm là phải giữ gìn”. Nhưng máy xúc cứ xúc, máy xúc chẳng có quan điểm gì hết, cứ hiên ngang nằm trên di sản. Trộm cổ vật cứ đào, chẳng ai trông giữ.
Trách công ty ư? Họ cần tiền, cần xây đô thị, cần đào đường thật nhanh, di sản là thứ chỉ có trong tưởng tượng. Có lần, một KTS ở Sở Quy hoạch TP còn nói với tôi về việc một di sản to khác bị phá là “khéo tưởng tượng, di sản đó có gì đâu, toàn tường rêu thấp tè”… huống gì các công ty đầu tư lúc nào cũng cần giàu vật chất chứ không cần giàu di sản. Di sản thua kim tiền, quản lý văn hóa lép vế và đuối sức.
Chúng ta đang sống trong thời kỳ lạ! Rõ ràng muốn xây phù điêu Lạc Long Quân Âu Cơ to bằng nửa quả núi, nhưng lại cứ để di sản thời mà các ông bà sống (truyền thuyết kể thế) bị phá tan thành từng mảnh. Để rồi vài hôm nữa lại đi xây khu tưởng nhớ tổ tiên từ thời đại đồ đồng rực rỡ, lại cố tưởng tượng ra thời ấy ăn gì, mặc gì, trong khi hiện vật minh chứng thì bị nghiền vụn.
Miên man hơn nữa, cả Thần Phật cũng bị coi thường, những chùa trăm năm di sản thì bị phá, chùa mới tinh lại được di cư lên tận địa đầu Lũng Cú, nằm hiên ngang giữa nơi vừa bạt núi san đồi. Hàng chục hàng trăm tỉ. Lúc ấy ai bảo “di sản mới” không ra tiền?
Trên báo, những từ khóa gắn liền với di sản đây: “kêu cứu”, “tiếp tục kêu cứu”, “cứu vãn”, “phá bỏ”, “hủy hoại”, “thương tích”, “biến mất”… Đối xử với di sản như thế! Trách ai bây giờ?
Mà thôi, đấy là chuyện xa xôi, sẽ lại trôi trong những cú cuộn chuột.
Người Việt ta có một câu đúc kết rất hay, chứ không cần dẫn lý thuyết Đông Tây đâu: “Hạt mưa trước rơi đâu hạt mưa sau rơi đấy”, cách chúng ta đối xử với đời trước, di sản của đời trước như thế nào thì đời con, cháu sẽ đối xử với di sản chúng ta tạo ra y hệt như vậy. Di sản do thời đại, thế hệ chúng ta xây trong vài chục năm, hay trăm năm, ngàn năm do tổ tiên để lại chẳng lẽ đều chung một số phận? Chẳng lẽ nào, để rồi lịch sử cứ bị đứt gãy, vụn vỡ.
Ảnh: Nguyễn Văn Thắng.
Một số hình ảnh tàn phá, san phẳng di chỉ khảo cổ học: