Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KỊCH NÓI TẤM CÁM CÓ NHỮNG SÁNG TẠO GÌ?

Đường Văn
Thứ hai ngày 9 tháng 9 năm 2019 8:45 AM





Đọc kịch bản Tấm Cám của Nguyễn Hiếu, thấy nổi lên một vài sáng tạo quan trọng, từ nội dung tư tưởng chủ đề, xây dựng nhân vật đến lời thoại và hình thức trình diễn. Những sáng tạo ấy chứng tỏ bản lĩnh nghệ thuật và quyết tâm làm mới một cốt truyện dân gian truyền thống nổi tiếng đã rất quen thuộc với bạn đọc và khán giả không chỉ ở Việt Nam mà còn muốn vươn ra tầm khu vực, châu lục và thế giới. Tất nhiên, hiệu quả của sự cách tân ấy đến đâu thì còn phải chờ thêm thời gian trong và sau nhiều lần công diễn vở ở các sân khấu khác nhau, trong và ngoài nước, dưới bàn tay lạ, mới, hiện đại của một đạo diễn người Singapore đọc, dàn dựng kịch bản và chỉ huy diễn xuất qua một bản dịch ra tiếng Anh chưa được nghiền ngẫm bao nhiêu thời gian; hoặc sau này, dưới sự chỉ đạo của một đạo diễn người Việt, với một đoàn kịch quốc doanh nào đó.

Trước hết, nhà viết kịch đã xác định đối tượng và mục đích của vở kịch rõ ràng và khu biệt: Chuyển thể một trong những truyện cổ tích thế sự Việt Nam phổ biến và nổi tiếng vào bậc nhất trong kho tàng truyện dân gian truyền miệng của cộng đồng người Việt sang thể loại kịch nói hiện đại dành ưu tiên chủ yếu phục vụ các em, các cháu thiếu nhi, (những đứa trẻ của thế kỷ 21 đã, đang và sắp được học truyện cổ tích Tấm Cám trong các nhà trường phổ thông từ Tiểu học đến THCS và THPT), bằng ngôn ngữ sân khấu hiện đại. Nhà văn muốn giúp chúng cảm hiểu, thưởng thức – học tập – trải nghiệm Tấm Cám một cách sâu sắc, mới mẻ, tinh tế, đời hơn và thú vị hơn so với các thế hệ học sinh trước đây đã từng nghe, đọc, xem tác phẩm này.

Muốn đạt mục đích ấy, nhà viết kịch buộc phải đồng thời thỏa mãn 2 yêu cầu đối với khán giả - người đọc, người xem truyện – kịch: Vừa giữ lại được hồn cốt tư tưởng và tinh hoa của nghệ thuật truyện cổ tích Việt vừa phả cho được cái không khí, linh hồn của thời đại – xã hội – thực tế hiện đại hôm nay vào vở kịch chuyển thể, bởi một lối thể hiện dung dị, dí dỏm, nhẹ nhàng, tươi vui mà không hời hợt, phù hợp với tâm lý tiếp nhận và tầm đón nhận của lứa tuổi thiếu nhi nửa đầu thế kỷ 21.

Đọc kỹ kịch bản Tấm Cám, tôi thấy Nguyễn Hiếu đã rất có ý thức về điều đổi mới cốt tử đó; ông đã triển khai vở kịch nói thành 6, 7 cảnh diễn ra liên tiếp theo trật tự tuyến tính kết hợp với thủ pháp đồng hiện của nghệ thuật điện ảnh và mạnh bạo thực hiện ý tưởng cơ bản trong vở kịch chuyển thể ở những tầm mức, bình diện khác nhau.

Xin nêu một vài ví dụ:

Lược bỏ và sáng tạo nhân vật nhằm thể hiện những ý tưởng nghệ thuật mới mẻ, góp phần mở rộng, thậm chí, đào sâu, làm mới chủ đề tư tưởng truyện dân gian truyền thống.

Đó là việc ông táo bạo thay nhân vật huyền thoại Bụt (Phật), một nhân vật hết sức quan trọng, dường như không thể thiếu trong truyện cổ tích Việt Nam nói chung, trong truyện Tấm Cám nói riêng - bằng nhân vật hồn linh mẹ Tấm. Hồn linh mẹ Tấm, với tư cách một nhân vật hư ảo (như nhân vật bóng ma Đạm Tiên trong Truyện Kiều) cơ hồ hoàn toàn không chỉ thay thế vai trò của nhân vật Bụt một cách xuất sắc, gọn gàng và hiệu quả, rất đỗi tự nhiên nhi nhiên mỗi lần Tấm bế tắc, khi gặp sự khó do mẹ con Cám cố ý, cố tình gây ra. Sự thay thế khéo, ngọt đến mức người đọc, người xem không hề có cảm giác thiếu vắng nhân vật Bụt, với vai trò thần, Phật, đại diện cho công lý và lực lượng siêu nhiên sẵn sàng ra tay tế độ, từ bi cứu khổ mọi chúng sinh đang gặp kiếp nạn trong cõi Ta Bà. Người xem, người đọc hôm nay thức nhận và hoan hỉ đón nhận một ân nhân, một người cứu trợ toàn năng kỳ diệu khác (cũng từ thế giới thần tiên, thế giới ảo bên kia bầu trời, mà thú vị thay, lại gần gũi mà thiêng liêng hơn biết mấy!) Bởi đó chính là người mẹ thương yêu ruột rà đã khuất núi từ lâu, nay lại hiện về đùm bọc và cứu giúp đứa con gái mồ côi, trợ giúp, chỉ vẽ cho nó lần lượt vượt qua mọi hoạn nạn, từ thấp lên cao.

Sâu rộng hơn thế, nhân vật mẹ Tấm trong những lần đối thoại, gần như tranh luận tay đôi với mẹ Cám ở những cảnh cuối chính là cơ hội hiếm hoi để cả hai thể hiện nguồn cội sâu xa của những hành vi, việc làm của mình, trực tiếp bộc lộ quan niệm và tình cảm của mình với, tư cách, thiên chức thiêng liêng: Người Mẹ, nhân danh Tình Mẹ. Vì tình mẫu tử thiêng liêng, vì tương lai, hạnh phúc của đứa con mình rứt ruột đẻ ra, người Mẹ có thể làm tất cả chỉ nhằm hướng tới mục tiêu duy nhất: Tất cả cho con, vì con! Mẹ Tấm là thế mà mẹ Cám cũng là vậy! Chỉ có điều, mẹ Cám, vốn tính ác từ trong tâm khảm thì bất biết hậu quả, chỉ chăm chăm nghĩ và hành ác mà thôi! Chân lý phổ quát về Người mẹ, tình Mẹ bất tử và thiêng liêng có từ bao đời, xưa như trái đất, lần này, và ở đây, dưới ngòi bút Nguyễn Hiếu được thức nhận một cách rộng mở hơn, tế vi và nhân văn hơn. Tác giả cố gắng dồn tâm sức triệt để khăc phục cách nhìn nhận vấn đề theo quan điểm giai cấp - xã hội học dung tục, khô cứng của một thời đã qua. Thậm chí nhà văn hình như còn muốn giải thích lại theo cách nghĩ riêng ý nghĩa định luận của câu tục ngữ nghiệt ngã mang hình thức ca dao đáng sợ:

Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng!

Theo tôi, nhân vật Linh hồn mẹ Tấm thay thế nhân vật Bụt là có cơ sở tư tưởng - nghệ thuật, phù hợp với lô gich nghệ thuật của loại hình truyện cổ tích và thú vị hơn nữa là phù hợp với lô gich tâm lý con người, lô gich cuộc sống phức tạp, muôn màu muôn vẻ. Nhân vật mẹ Tấm rõ ràng là một sáng tạo nghệ thuật đã đạt tới những thành công nhất định của nhà viết kịch trong vở Tấm Cám. Chí ít là nó không gây ra sự khiên cưỡng, hụt hẫng, xếp đặt, khi người xem, người đọc không còn thấy sự xuất hiện và vai trò đấng cứu khổ cứu nạn khắp nơi của Bụt. Với nhân vật huyền thoại (bằng hình thức hiện hồn) mẹ Tấm, kịch Tấm Cám vẫn không làm mất đi hương vị độc đáo của truyện cổ tích thế sự, mặt khác, thế giới cổ tích kỳ diệu lấp lánh xa vời lại trở nên gần gụi, thân mật, thu hẹp khoảng cách giữa tưởng tượng, ước mơ của những con người thấp cổ bé họng với thực tiễn đời thường. So với nhân vật Bụt, nhân vật mẹ Tấm có phần rõ nét hơn, cụ thể hơn, người hơn. Tôi nghĩ, có lẽ cảm tình của người đọc, người xem về nhân vật này là ở đó.

Nhân vật mẹ Cám (dì ghẻ), dưới ngòi bút kịch nói Nguyễn Hiếu, không chỉ đơn thuần một mực, một chiều giương giương nanh ác, gian hiểm, lừa mị, tìm mọi cách để đạt bằng được mục đích của mình. Và tất nhiên, mụ phải chịu hậu quả đích đáng, thảm khốc. Nhân vật nổi tiếng này còn được tác giả đào sâu, phát triển và lý giải trong chiều sâu tâm lý và triết lý về căn nguyên chuỗi hành động độc ác đến táng tận lương tâm của mình. Xét trên phương diện một người mẹ (với Cám) thì bà ta cũng đã toàn tâm, toàn ý làm tất cả vì tình thương yêu con, hi sinh vì con vô hạn. Chính với tâm thế này, mẹ Cám có thể, có lúc đứng ngang hàng để tranh luận tay đôi với linh hồn mẹ Tấm. Nhưng chỗ đáng lên án, đáng căm ghét và không thể tha thứ của mụ là ở cái bản tính, bản chất vị kỷ, ích kỷ, tính gian ác đã ngấm vào máu tủy, đồng dạng với triết lý sống lạnh lùng, tàn bạo của Tào A Man: Thà ta phụ người chớ không để người phụ ta! Ranh giới rõ ràng và luôn minh bạch , công khai giữa hai người mẹ trong kịch Tấm Cám là ở đó. Nhân vật mẹ Cám, trong kịch Nguyễn Hiếu, nếu so với nhân vật dì ghẻ trong truyện cổ tích Tấm Cám, thấy phần nào đa diện hơn, sống động, đời hơn; và ở đây, phải chăng cũng có chút xíu rất nhỏ mơ hồ nào đó cũng có thể cảm thông. Mụ cũng có một chút nào đó gây được sự đồng cảm về tình thương vô bờ đến vô lối, không còn phân biệt nổi phải trái, sự thiên kiến, thiên lệch tới cực đoan trong đối xử giữa con đẻ và con chồng; lòng thương hại về cái tính háo danh, tham lam đến ngu xuẩn, lố bịch của mụ. Cái chết của Cám và của mụ, phải chăng là những hậu quả đích đáng và công bằng đối với những kẻ thủ ác, gieo gió thì hiển nhiên trước, sau đều phải gặt bão. Chân lý cuộc đời được khúc xạ qua chân lý nghệ thuật, trong loại hình kịch nói, vẫn cùng một hướng với triết lý phổ quát của người lao động trong truyện dân gian: Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác, ác giả ác báo và triết lý nhân quả, nghiệp báo của đạo Phật.

Nhân vật ông chú say xỉn, tham lam, lầy là trong kịch Tấm Cám là một trong những sáng tạo có dụng ý tư tưởng - nghệ thuật riêng của Nguyễn Hiếu. Nhưng tiếc thay, ý tưởng này chưa có hiệu quả như ý muốn, trừ mấy xen hài hóm, gây cười theo kiểu lão Sứt trong kịch truyền thống. Ngược lại, trong cảm quan và liên tưởng của tôi, vẫn thấy: nhìn gần, thì lặp lại bóng dáng của những Lão Cu (một trong những nhân vật bi – hài xuyên qua nhiều tác phẩm truyện – kịch của Nguyễn Hiếu trước đây); nhìn xa, thì hình tượng hài ông chú say vẫn chưa ra khỏi cái bóng sừng sững của “người anh hùng” làng Vũ Đại: Chí Phèo (Nam Cao). Cắt nghĩa dụng tâm làm mới mà chưa thật mới này có lẽ bởi nhà văn chưa đầu tư đúng mức cho nhân vật chăng? Hay ông cho rằng đó là nhân vật phụ nên chưa dành cho nó nhiều tâm sức để trau chuốt, nâng cao lên chăng, hy tc giả chưa đặt nhân vật vào đúng một tình huống có vấn đề đích đáng để nó có đất phát huy tác dụng và thể hiện tính cách?

Nhân vật thái giám, gã quan hoạn khéo tìm khe hở, lợi dụng địa vị và nhiệm vụ được giao để làm tiền những kẻ hiếu danh mù quáng trong tình tiết thử hài. Nhân vật phụ này đã góp phần làm tăng tính thời sự - xã hội vào cốt truyện kịch xa xưa một cách khá tự nhiên, hài hóm.

Nhân vật người dẫn truyện, kể chuyện mới gồm bà lão và mấy đứa trẻ tuy không có gì đột phá về phương diện thủ pháp dựng kịch, nhưng cũng phần nào gây được không khí kể chuyện cổ tích trong những gia đình nông dân nghèoViệt Nam xưa, góp phần nối kết các phạm trù thời gian cổ tích và đời thường, xa xưa và hiện tại, kết nối, chuyển đổi không gian nghệ thuật sân khấu mang tính ước lệ cao bằng những màn sương khói mờ ảo hoặc cuồn cuộn phun từ hai bên cánh gà, giờ đây, đã trở thành những thủ thuật sân khấu quá quen thuộc. Cho nên có lẽ hiệu quả gây ngạc nhiên, thú vị cũng không nhiều.

Cách kết kịch Tấm Cám, theo tôi, thể hiện năng lực tư duy, bản lĩnh và kinh nghiệm nghệ thuật rất đáng ghi nhận của Nguyễn Hiếu.

Như chúng ta đã biết, đã từ lâu, từ những thập kỷ giữa và cuối thế kỷ trước, trên văn đàn học thuật và trong ngành giáo dục nước ta, về sách giáo khoa Ngữ văn và phương pháp dạy học bộ môn Ngữ văn trong các nhà trường phổ thông, từng xảy ra những cuộc thảo luận, trao đổi, tranh luận sôi nổi, thậm chí gay gắt về đoạn kết truyện cổ tích Tấm Cám (được đưa vào SGK lớp 7 THCS, lớp 10 THPT), thậm chí đã có một vài nhà nghiên cứu phê bình, nhà giáo, soạn giả SGK đề nghị thay đổi hoặc cắt bỏ cách kết truyện trong văn bản truyền thống. Vì họ cho rằng kết truyện như thế tàn nhẫn quá, khủng khiếp quá, không phù hợp với việc giáo dục tinh thần nhân đaọ, nhân văn, nhân ái đối với học sinh, trong nhà trường... Cuộc tranh luận ấy, cho đến nay cơ hồ vẫn chưa có lời phân giải cuối cùng thấu lý đạt tình, khiến mọi người tâm phục, khẩu phục.

Trong vở kịch nói chuyển thể của mình, Nguyễn Hiếu đã táo bạo sáng tạo cách kết truyện theo một lối riêng. Về đường hướng cơ bản, tác giả vẫn thống nhất với kết truyện dân gian truyền thống: Tấm được hưởng hạnh phúc bên Hoàng tử (vua trong truyện). Mẹ con Cám đều bị trừng trị đích đáng bằng những cái chết thê thảm. Nhưng con đường cụ thể dẫn đến cái chết, cách tiếp nhận cái chất của cả hai mẹ con, của từng người, thì như chúng ta đã biết, Nguyễn Hiếu giải quyết kiểu khác.

Xét trong logich của từng nhân vật và mối quan hệ giữa các nhân vật: Mẹ Cám, Cám, Tấm, Hoàng tử,... tôi cho rằng kết kịch của Nguyễn Hiếu sáng tạo là có cơ sở hợp lý, hợp tình, hợp với tính cách và số phận từng nhân vật. Hơn thế, cách kết ấy vừa tránh được lối trả thù ghê rợn, có phần “dã man, nguyên thủy” của Tấm, làm giảm bớt cảm tình của người đọc với cô – nhân vật chính diện mang tính lý tưởng, đẹp người đẹp nết mà lại phù hợp với triết lỹ đạo Phật: Nhân nào quả ấy, với triết lý dân gian:

Những người bạc ác tinh ma/Mình làm mình chịu, kêu mà ai thương!

Và sau hết, bằng việc sử dụng những mảng miếng (nhỏ, chi tiết) chuyên môn thông minh, hiện đại cài đan, nhập hòa thực ảo, trong cái nhìn của nhân vật mẹ Cám: Cám bước vào cung trong khuôn mặt Tấm, để cho mẹ Cám có thể nghiến răng, vận hết sức lực chất chứa thù hận bóp chết kẻ thù - tình địch suốt đời của con mình, cả của mụ nữa. Mụ hoàn toàn không thể ngờ rằng đó chính là con gái ruột của mình. Và khi nhận ra sự thật khủng khiếp này thì lô gich tất yếu buộc mụ phải làm ngay sau đó là: đâm đầu vào cột gỗ cung điện, tự kết liễu mạng sống của mình. Cám cũng hoàn toàn không thể ngờ được rằng mình buộc phải chết tức tưởi dưới bàn tay của chính mẹ mình. Người xem trẻ tuổi hoặc lớn tuổi hôm nay, theo dõi vở kịch đến đây, hẳn phải lặng người thốt lên: - Đáng kiếp!

Mỗi khán giả xem, đọc kịch Tấm Cám hoàn toàn có thể có ý kiến riêng này khác về một cách kết kịch Tấm Cám như thế. Nhưng dù hay, hay dù chưa hay, vừa ý hay chưa làm hài lòng khán giả, chúng ta vẫn cần ghi nhận sự sáng tạo đầy bản lĩnh của nhà viết kịch, nhà chuyển thể truyện – kịch thời 4.0. Chí ít những đổi mới, sáng tạo ấy cũng khiến cho ta ngạc nhiên, tuy có thể chưa đồng tình, nhưng cũng đã được thưởng thức một cảnh cuối cùng ít nhiều thú vị, xưa nay chưa được thấy bao giờ.

Trong phạm vi hạn hẹp sự đọc và thức nhận của riêng tôi, chỉ với bấy nhiêu đóng góp, sáng tạo lớn nhỏ của Nguyễn Hiếu trong vở kịch Tấm Cám mới ra lò cũng đã đủ đưa vở này trở thành một trong những vở kịch nói chuyển thể thành công từ một cốt truyện cổ tích dân gian phổ biến. Tôi mong và tin rằng vở kịch mới của Nguyễn Hiếu sẽ có chỗ đứng vững chắc trên sân khấu kịch Việt Nam và khu vực cuối thập kỷ thứ 2 thế kỷ 21 và có nhiều khả năng neo đậu lâu dài trong tâm trí khán giả - người xem và người đọc./.

Trèm, hạ tuần tháng 5/2019. ĐV