Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẠO ĐỨC SUY THOÁI

Tạp bút Tạ Hữu Đỉnh
Thứ tư ngày 12 tháng 12 năm 2018 8:30 PM





Tạp bút 

Quốc hội khoá XIV, kỳ họp thứ sáu cuối năm 2018. Phiên chất vấn, có đại biểu quốc hội hỏi ông Bộ trưởng Văn hoá - Thể thao và Du lịch Đinh Ngọc Thiện về vấn đề đạo đức suy thoái. Trên màn hình ti vi, tôi trông thấy ông Thiện đứng lên trả lời, tuy ngắn gọn và rõ ràng. Nhưng…dường như hơi có một chút bối rối. Chắc vì thế nên có mấy vị ĐBQH nhìn nhau cười. “Nói có sách. mách có chứng”. Đúng như sách cụ Mác đã dạy: Kinh tế quyết định hết thảy”. Ông Thiện trả lời: “Vấn đề này còn liên quan đến các ngành Kinh tế nữa, chứ không riêng một ngành Văn hoá.

Vâng, quả là như vậy. Từ thời xửa thời xưa, ông cha ta cũng nói: “Có thực mới vực được đạo”. Thực ở đây là cái ăn, là vật chất, là kinh tế. Đạo là tinh thần, là quy ước về hành vi đạo đức, về điều hay lẽ phải của con người. Có ăn rồi mới có đạo. Nếu đói đến vàng cả mắt, chỉ nghĩ đến miếng ăn, thì còn đầu óc đâu mà nghĩ đến thể diện và đạo đức của con người nữa.

Đạo đức của con người nhìn rộng ra là của xã hội, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng chủ yếu là phụ thuộc vào Kinh tế và Văn hoá. Khi đã có cái ăn rồi, thì con người cần phải được học hành để biết điều hay lẽ phải, biết cách làm ra nhiều của cải, vật chất hơn. Và nhất là để biết làm người có ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội.

Thời “quan liêu bao cấp” cái nghèo cũng bình quân. Cả nước cùng nghèo. Thậm chí cả đói rách nữa. Nhưng “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Con người vẫn yêu thương, đùm bọc nhau. Thiện - ác, thị - phi phân biệt rõ ràng.

Còn bây giờ, nếu đặt câu hỏi: Từ ngày mở cửa hội nhập đến nay, nước ta đã trở thành một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình. Vượt xa thời “quan liêu bao cấp”. Từ một nước nghèo đói, bây giờ ta đã có rất nhiều tỉ phú, do làm ăn chân chính mà giầu. Ở vùng sâu, vùng xa tuy còn hộ nghèo. Nhưng bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi. Nhiều xã, nhiều huyện đã đạt tiêu chuẩn nông thôn kiểu mới. Ở Tây Nguyên đã có một số hộ nông dân mua được ôtô.

Vậy, tại sao kinh tế thì tiến mà đạo đức lại tụt lùi? Tệ nạn tham nhũng, lừa gạt, trộm cướp, giết người lấy của, hãm hiếp trẻ gái vị thành niên lại nhiều như vậy?

Câu hỏi ngày chỉ có thể trả lời rằng: Đó là lỗi của thể chế, của nền giáo dục. Hơn 400 năm trước, nhà tiên tri Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng phát ngôn rằng: “Không có gì nguy hiểm bằng lòng người. Nếu không biết kìm nén lại, mà cứ buông phóng ra, thì đều là quỷ quái cả”.

Tuyên ngôn của Tổng thống Nelson Mandela được viết tại cổng trường Đại học Nam Phi rằng: “Để phá huỷ bất kỳ quốc gia nào, không cần sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên”. Khi đó:

- Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ của nền giáo dục ấy.

- Các toà nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục ấy.

- Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy.

- Nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy.

- Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy.

Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia.

Trong nền kinh tế thị trường, cái gì cũng là hàng hoá cả. Thượng vàng hạ cám, cái gì cũng đều mua được bằng tiền. Một số nhà giầu thoái hoá biến chất, bỏ tiền ra mua quan bán chức. Mua bằng cấp, mua tiến sĩ giáo sư, mua ghế. Họ chẳng cần phải học hành gì nhiều cũng vẫn được làm to. Cho nên có ông chức sắc đứng đầu hàng tỉnh, chỉ viết có hơn 100 từ mà đã mất đến chín lỗi chính tả. Xã hội đang sản sinh ra tầng lớp trọc phú giầu có mà dốt nát, bần tiện, giúp đỡ đồng bào bị bão lụt, không bao giờ quá một ngày lương!

Đó là sự phát triển khập khiễng, không hài hoà của xã hội. Chỉ nhìn vào các phái đoàn cao cấp của ta đi ra nước ngoài kí kết các hiệp định đầu tư kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật với các nước. Ta cũng có thể thấy sự “lệch pha” đó. Vì, hầu như chưa có một hiệp định nào về Văn hoá được ký kết giữa ta và các nước đối tác. Ngoại trừ vài trường đại học như Đại học Nhật-Việt, Đại học Anh-Việt. Hoặc loại bỏ giấy phép nhập cảnh cho khách du lịch của một số quốc gia. Và gần đây cho phép Tập đoàn Vingroup vào đầu tư đua xe ôtô.

Có lẽ do ta là một nước xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá xã hội chủ nghĩa có những đặc thù riêng. Cho nên ta khồng cần các nước khác thể chế chính trị vào đầu tư trong lĩnh vực này.

“Mất bò rồi mới nằm chuồng”. Đất bờ sông sạt lở rồi mới xây kè chắn sóng. Đạo đức suy thoái rồi mới cải cách, đổi mới nền giáo dục. Sửa đổi sách giáo khoa. Rồi mở phố sách. Vận động phong trào đọc sách, học tập suốt đời. Nhưng lại ít sách hay, không mấy hấp dẫn người đọc. Vì tiêu chí hàng đầu các nhà xuất bản đặc biết quan tâm là sách phải phản ảnh đúng chủ trương, đường lối, chính sách. Sách đúng, dù kém hay, thậm chí tẻ nhạt cũng có thể được xuất bản. Còn sách hay, dù chỉ phạm một chút sai lầm, nếu đã trót in, trót phát hành rồi cũng bị thu hồi để tiêu huỷ. Cho nên nhiều người đọc bỏ sách.

Trên mạng truyền thông cho biết: Người Việt Nam mỗi năm chỉ đọc 0,8 cuốn sách. Tôi quen mấy ông bác sỹ, kỹ sư. Chẳng biết họ có đọc sách không? Nhưng chẳng thấy nhà nào có giá sách, kể cả sách viết về nghề nghiệp của họ. Hay là các vị ấy bắt chước cụ Trạng Quỳnh, để sách ở trong bụng?...

Cũng mạng xã hội cho biết: Trên thế giới có hai quốc gia thích đọc sách nhất là Israel và Hungary. Israel, trung bình mỗi năm người dân đọc đến 64 cuốn sách. Ngay cả người ăn xin cũng luôn có cuốn sách ở bên mình. Trong mỗi gia đình người Do Thái luôn luôn có một tủ sách được truyền từ đời này sang đời khác. Trẻ nhỏ, ngay từ khi bắt đầu biết nhận thức, đã được người lớn dạy bảo: “Sách là nơi cất giữ trí tuệ của loài người. Sách còn quý hơn cả tiền bạc, châu báu. Và trí tuệ là thứ không ai có thể cướp đi được”. Tủ sách bao giờ người Do Thấi cũng để ở phía đầu giường, để tỏ sự quý trọng. Để ở phía chân giường, bị coi là “bất kính”. Thậm chí người ta còn xịt nước hoa lên tủ sách, để kích thích người đọc.

Có lẽ vì những điều đó cho nên Israel là quốc gia duy nhất trên thế giới không có người mù chữ. Và chỉ có tám triệu dân, nhưng tính đến năm 2011, giải Nobel đã trao cho 181 người Do Thái, chiếm 22% tổng số nhân vật được coi là những trí tuệ hàng đầu của nhân loại.

*

* *

Dân ta ai cũng thuộc lòng câu nói của Thân Nhân Trung: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Nhưng nói là một việc, còn làm lại là một việc khác. Vả chăng cũng có câu: “Từ lời nói đến việc làm là con đường xa nhất ở Việt Nam”. Song không có cách nào khác. Báo Văn nghệ số 45, ngày10/11/2018 tại bài: “Không có vùng cấm trong trả lời chất vấn” cho biết năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 là 4.019 USD. Thấp hơn Thái Lan 3 lần. Thấp hơn Malaysia 5 lần. Thấp hơn Hàn Quốc 14 lần. Thấp hơn Nhật Bản 18 lần. Thấp hơn Singapore 25 lần. Để đuổi kịp người và không bị bỏ lại ở nphía sau, thì con đường dù xa mấy cũng phải đi.

Về nông nghiệp, ta đã học tập người Do Thái cách tưới nước nhỏ giọt cho cây trồng chỉ vừa đủ độ ẩm. Chứ không phun vòi rồng để nước chẩy tràn lan lãng phí.

Còn về Văn hoá - Giáo dục, ngoài việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, liệu ta có nên hỏi các nước xem, họ làm cách nào mà năng suất lao động của họ cao thế? Đồng thời, cũng hỏi người Do Thái xem, làm cách nào để dân ta cũng ham đọc sách như họ?./.

TP Uông Bí, ngày 16/11/2018

Tạ Hữu Đỉnh