Trang chủ » Tin văn và...

TIN BUỒN: NHÀ VĂN NAM HÀ TẠ THẾ

TN và Phùng Văn Khai
Chủ nhật ngày 20 tháng 5 năm 2018 5:34 PM



Kết quả hình ảnh cho Nhà văn Nam Hà


Nhà văn Nam Hà tên thật là Nguyễn Anh Công,sinh năm 1935 quê ở xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. 
Ông là Đảng viên Đảng CSVN; Hội viên Hội nhà văn Việt Nam năm 1974.. Sau một thời gian ốm đau, Ông đã tạ thế ngày 19/5/2018 tại Hà Nội. Hưởng thọ 84 tuổi.
Lễ viếng hồi 7h đến 8h45 ngày 22/5/2018 tại Nhà tang lễ BQP số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội

Trang trannhuong.com và gia đình Trần Nhương xin chia buồn cùng gia quyến, cầu mong cho anh linh Ông thanh thản về Trời


* Giải thưởng:
  • Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1996.
  • Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng năm 2004.
  • Giải thưởng Hội Văn nghệ Sông Bé năm 1994,
  • Giải thưởng Nguyễn Thông năm 1996,
  • Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng năm 1994,
  • Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
* Các tác phẩm tiêu biểu:
  • Trong vùng tam giác sắt
  • Mùa rẫy (1978)
  • Khi tổ quốc gọi lên đường (1975)
  • Đất Miền Đông (1983)
  • Sự kỳ diệu của lịch sử (2003)
  • Dặm dài đất nước (1994)
  • Ngày rất dài (2004).
Xin giới thiệu bài viết của nhà văn Phùng Văn Khai về ông.




NHÀ VĂN NAM HÀ, NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG

PHÙNG VĂN KHAI

Nắm bàn tay ấm nóng chằng chịt những dây dợ truyền nước, thuốc, máu của nhà văn Nam Hà tôi như thấy trái tim mình đập dồn dập hơn. Vừa là xúc động vừa như có điều gì đó nhắc nhở phải làm việc nhiều hơn, sống chân tình bao dung hơn, đặc biệt phải biết hi sinh cái riêng tư vì việc chung lớn lao bừa bộn phía trước.

Những ngày tháng bảy, hàng loạt hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ đồng loại diễn ra. Nào ai biết người thương binh, nhà văn lứa đầu tiên của Văn nghệ Quân đội từng sống và viết ở chiến trường những câu thơ hào sảng: Đất nước/ Của những người con gái con trai/ Đẹp như hoa hồng cứng hơn sắt thép/ Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt… đang nằm đây, trong khu điều trị của Bệnh viên 108 với những phác đồ riêng. Tôi nắm bàn tay ông, những lời nói bỗng trở nên thừa thãi. Ông nhìn tôi, bàn tay khẽ rung, ý chừng đã hiểu những câu tôi vừa nói. Chúng ta nhiều lúc đã vô tâm từ sự bận rộn không đáng có của chính mình, của cuộc sống ào ạt, xô bồ đang dần vắng những thanh âm trong trẻo.


Văn nghệ Quân đội, môi trường đặc biệt, môi trường ao ước của các nhà văn Việt Nam muốn chung lòng góp sức ở đó. Nam Hà đến với Văn nghệ Quân đội từ tháng 2 năm 1957 khi phía sau ngôi nhà số 4 còn là những vườn chuối đầy muỗi. Khi ấy, từ đơn vị cơ sở, Nam Hà viết các chuyện ngắn: Đôi bạn; Dưới chân đỉnh Long Phù; Chuyện một người cha và nhanh chóng gia nhập hàng ngũ những cây bút bộ đội. Vốn là một Trung đội trưởng bộ binh ở Khu 4, Nam Hà mê viết và in những bài thơ, bút ký, truyện ngắn đầu tiên trên các báo Cứu quốc; Quân đội nhân dân. Năm 1957, khi Văn nghệ Quân đội mở cuộc thi truyện ngắn đầu tiên thì những cây bút như Nam Hà, Xuân Thiều đã sớm góp mặt. Đầu năm 1960, khi Nam Hà chuẩn bị đi học nước ngoài, trong những ngày dừng chân ở Trạm 66 đã đến Văn nghệ Quân đội thì nhận được lời khuyên của Tổng Biên tập Văn Phác: Nếu cậu muốn về Văn nghệ Quân đội, Tạp chí sẽ đề nghị lên Tổng cục. Thế là Nam Hà trở thành Nhà văn của nhà số 4.

Những câu chuyện đời thường với người khác không biết thế nào chứ với Nam Hà là vô cùng đáng nhớ. Một lần, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ có dấu hiệu leo thang khốc liệt, nhà thơ Vũ Cao, khi ấy là Phó Tổng biên tập nhìn thấy Nam Hà đang tích cực tập thể dục buổi sáng bèn vẫy đến gần nói nhỏ nhẹ: Ăn sáng xong cậu lên mình có việc. Nam Hà vừa chạy quang vườn chuối xiên lên gốc đại già vừa ngẫm nghĩ không biết là việc gì mà lãnh đạo mới tờ mờ sáng đã nhắn lên phòng. Nam Hà bỏ ăn sáng, ăn mặc chỉnh tề sang phòng Vũ Cao. Vũ Cao đủng đỉnh pha trà, rót nước mời nhà văn trẻ Nam Hà đoạn thủng thẳng nói luôn: Nam Hà! Cậu đi B được không?. Nam Hà khẽ sững người nhìn thủ trưởng. Vốn là Trung đội trưởng nên việc chấp hành đối với Nam Hà hết sức dễ dàng. Vào chiến trường lúc này càng thuận tiện vì vốn độc thân, chưa có người yêu. Nơi súng nổ cũng là nơi vẫy gọi ngòi bút các nhà văn. Ở nhà số 4, Nguyễn Thi và Nguyên Ngọc cũng vừa khởi hành đi B. Nam Hà nhìn thẳng vào mắt nhà thơ Núi đôi, nói rõ ràng: Tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Tôi xin phép về quê thăm mẹ ít ngày.

Thế là người lính chiến đi thẳng vào chiến trường vừa cầm súng vừa cầm bút. Hôm cùng đoàn công tác lên đường, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Quang Đạo gặp đoàn trò chuyện, căn dặn, còn gọi riêng Nam Hà ra nói: Vào trong chiến trường sống và chiến đấu cùng đồng chí, đồng bào, cậu phải viết ngắn, viết kịp thời cổ vũ cuộc chiến đấu. Phải ghi chép tỉ mỉ, tích lũy để sau này viết dài về chiến tranh.

Người thủ trưởng chỉ nói ngắn gọn vậy nhưng đối với Nam Hà đó là mệnh lệnh. Cái tên Nam Hà cũng ra đời từ cuộc đi B này. Người gợi ý quyết định là Phù Thăng. Phù Thăng bảo: Đi B tức là vào Nam chiến đấu. Ông tên Hà, lấy tên mới là Nam Hà đúng quá còn gì. Tất cả hoan hô. Bút danh Nam Hà ra đời từ đó. Nghĩa tình đồng đội đối với nhau thật khó nói thành lời. Những nhà văn ở nhà số 4 có gia đình đều mời Nam Hà đến ăn cơm chia tay vào chiến trường. Hồ Phương, Hữu Mai, Xuân Thiều, Hải Hồ, Doãn Trung thương quý Nam Hà mời bữa cơm thay lời nói. Các chị chủ nhà gắp đầy thức ăn vào bát Nam Hà nói: Chú yên tâm vào Nam, ngày chiến thắng trở về nếu chưa có người yêu trong đó chúng tôi sẽ xúy cho một cô ngoài này. Riêng Thanh Tịnh, Tổng biên tập biết Nam Hà không uống được rượu rủ nhà văn trẻ lên chiếc xe đạp tồng tộc không chắn bùn chắn xích ra phố Hàng Da đưa vào quán café thủng thẳng nói: Miềng biết Hà không uống được rượu. Tiễn nhau một chén quan hà. Thì uống café vậy. Nhớ ly café này nghe Hà…

Từ chiến trường. Theo tiếng gọi của trái tim, những bài báo, đặc biệt là thơ Nam Hà gửi ra lập tức có tiếng vang rất lớn, đặc biệt là bài thơ Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi với những vần thơ hào sảng đã đi vào lịch sử: Đường dài đi giữa Trường Sơn/ Nghe vọng bài ca đất nước/ Đất nước bốn ngàn năm không nghỉ/ Những đạo quân song song cùng lịch sử/ Đi suốt thời gian đi suốt không gian/ Sừng sững dưới trời anh dũng hiên ngang… Đất nước/ Ta hát mãi bài ca đất nước/ Cho tuổi thanh xuân sáng bừng lên như ngọc/ Cho mắt ta nhìn tận cùng trời/ Và cho chân ta đi tới cuối đất/ Ôi! Tổ quốc mà ta yêu quý nhất/ Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi. Bài thơ được làm tại chiến trường, ngay sau một trận đánh đã lập tức gây tiếng vang lớn trên văn đàn. Đó là Nam Hà, đó là khí phách của những nhà văn quân đội sớm có mặt ở chiến trường cầm súng và cầm bút.

Sau này, khi hòa bình, Nam Hà luôn là người đi nhiều nhất cơ quan. Mọi chức vụ, quyền lợi Nam Hà đều thờ ơ song chỉ có đi đến với nhân dân, với các vùng đất vô vàn vết thương sau chiến tranh là ông luôn vượt lên phía trước. Đầu những năm 90, khi thực hiện đường dây 500KW Bắc - Nam do đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo thi công thì Nam Hà là người bám sát nơi rừng sâu núi thẳm nhiều nhất. Sau khi hoàn thành bộ tiểu thuyết đồ sộ Ngày rất dài; Trong vùng tam giác sắt; Đất miền Đông trên 4000 trang, nhà văn thương binh Nam Hà đã ngay lập tức nhập cuộc vào đội quân làm đường điện Bắc - Nam dằng dặc. Những bài kí sự nóng hổi của ông trên mặt trận mới đã cho thấy trái tim rừng rực cháy của nhà văn quân đội trên tuyến đầu đất nước. Cả nước dõi theo tiến độ của đường điện Bắc - Nam. Khó khăn chồng chất khó khăn. Nhiệm vụ chồng chất nhiệm vụ. Đất nước khi ấy thiếu thốn trăm bề, phía Nam, phía Bắc vừa tắt tiếng súng đã ngập trong vây hãm về kinh tế của địch. Lời giải cho bài toán đất nước sau chiến tranh là vô cùng cam go, phức tạp. Với chức năng nhà văn, Nam Hà dường như lập tức hiểu rằng phải tự cứu chính mình, phải tự làm điện đường trường trạm cho nhân dân mình chứ không thể trông chờ vào ai khác. Đường dây Bắc - Nam được thực hiện trong bối cảnh đó. Ngay như Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn phải lao đao, lấy đầu của mình để quyết bảo vệ làm bằng được. Có những cái hết sức đúng đắn nhưng không phải dễ gì chứng minh ngay được. Những bài ký của Nam Hà về đường điện Bắc - Nam như có sức nặng ngàn cân để ngay những người bảo thủ nhất, suốt ngày chi tư duy giáo điều, lý luận suông trong bốn bức tường cũng thấy cần phải thay đổi, cần phải quyết tâm để làm những việc ích nước lợi dân. Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn chia sẻ với các nhà văn quân đội, chính ông đã tặng chiếc xe hơi cho các nhà văn ngay từ đầu những năm 90 để các nhà văn có thêm những người như Nam Hà xung kích trên trận tuyến mới.

Trong câu chuyện đời thường, Nam Hà luôn luôn lo lắng cho đồng đội. Vừa dứt khỏi đường dây Bắc - Nam, sau lễ khánh thành, Nam Hà lập tức cùng các đồng nghiệp bắt tay vào làm bộ Tổng tập Nhà văn Quân đội 4 tập với gần 4000 trang khổ lớn. Đây là cuộc tập hợp đội ngũ nhà văn đầu tiên có quy mô lớn sau năm 1975. Ai cũng tưởng chừng không làm nổi. Kinh phí lấy ở đâu? Ai là người phê duyệt nguồn lực để thực hiện? Nhân sự lấy từ đâu? Hàng trăm nhà văn kẻ mất người còn nay đưa vào một đội ngũ sẽ tuyển chọn ra sao? Hàng trăm câu hỏi đặt ra và người trả lời xuất sắc là Nam Hà. Ông lặng lẽ nhưng quyết liệt thực hiện như thực hiện một chiến dịch lớn. Ngày xưa, khi ở chiến trường, Nam Hà từng tranh luận với các vị tướng mỗi khi chiến dịch chuẩn bị các phương án tác chiến. Những ngày ở chiến dịch mùa xuân năm 1975, Nam Hà từng chất vấn tướng Hoàng Cầm - Tư lệnh Quân đoàn 4: Tại sao Quân đoàn lại đánh theo cách đó, trong khi có cách đánh khác ít tổn thất hơn. Tư lệnh Hoàng Cầm bất ngờ hỏi lại: Nếu làm Tư lệnh, đồng chí đánh thế nào?. Nam Hà bèn giở ngay sổ tay, mở bản đồ chiến dịch trình bày cách đánh. Tướng Hoàng Cầm chăm chú nghe rồi trầm ngâm nói với nhà văn: Này, Nam Hà. Nên nhớ trong chiến tranh không phải lúc nào lí trí cũng thắng được tình cảm. Tôi cũng từng đề xuất các đánh như của đồng chí nhưng không được chấp nhận... Nói rồi vị tướng lặng im.

Trở lại chuyện làm bộ Tổng tập nhà văn Quân đội, Nam Hà cùng các đồng nghiệp đã mất nhiều năm, vượt qua nhiều khó khăn để thực hiện thành công bộ sách hoành tráng này. Bộ sách gồm 4 tập với sự góp mặt của hàng trăm nhà văn áo lính. Bộ sách là tự hào của ngôi nhà số 4. Đến nay, đã gần 20 năm, lứa nhà văn chúng tôi đang muốn làm tiếp bộ Tổng tập mà còn thấy rất khó khăn.

Tôi chưa bao giờ thấy nhà văn Nam Hà kêu ca, phàn nàn gì về bản thân. Ông càng không bao giờ đòi hỏi bất cứ một tiêu chuẩn bị riêng cho mình. Thi thoảng chúng tôi đến thăm ông cũng chỉ toàn là chuyện văn chương chữ nghĩa. Ông hỏi người này, người khác, động viên cánh lính trẻ chúng tôi rồi cười hiền như một bậc tiên phật đã đi qua những quãng khó khăn nhất ở đời người. Ngay chúng tôi, mỗi khi dịp tháng bảy mới nhớ ông là thương binh, đến thăm tuế tóa rồi nhanh chóng theo đuổi công việc của mình. Lần này cũng vậy, khi cơ quan phân công đến mới biết ông vừa vào viện điều trị cấp cứu. Ôi! Bác Nam Hà, như cái tên của bác, như toàn bộ cuộc đời bác, thật giản dị và đáng quý biết bao.