Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SUY NGÂM VỀ "GHEN" VÀ "CHUNG THỦY" CỦA NGƯỜI XƯA

Bích Nga
Thứ bẩy ngày 9 tháng 9 năm 2017 1:33 PM





Người ta hay nói, Gia đình chỉ là một phần trong thế giới của đàn ông nhưng Gia đình lại là tất cả thế giới của đàn bà, bởi thế, khi lấy chồng, người đàn bà lúc nào cũng lo canh cánh, làm cách nào để giữ được tổ ấm của mình. Họ coi việc giữ chồng là điều khó nhất và cần làm nhất, vì đàn ông không giống đàn bà, họ dễ thay đổi.

Ghen là một trạng thái cảm xúc mà hầu như người đàn bà nào cũng có. Đàn bà “phái yếu” so với đàn ông nên thường yếu thế hơn trong tình trường khi đã

“ khóa xuân” nên mới hay xảy ra “ Sự ghen”.

Mỗi người đàn bà đều có cách ghen riêng. Người ghen khủng khiếp nhất là Lã Hậu, hoàng hậu của Hán Cao Tổ. Khi Hán Cao Tổ mất đi bà mới trả thù người người được vua sủng ái nhất là Thích phu nhân. Lã Hậu giết chết con Thích phu nhân đã được Hán Cao Tổ cho làm Thái Tử, chặt hết chân tay và vứt thân thể Thích phu nhân vào chuồng lợn để đầy đọa. Đây là người hoàng hậu dã man nhất trong lịch sử nhân loại. Khi ghen, người ác không từ một thủ đoạn nào để trả thù tình địch của mình.

Xưa, trong cung cấm bao nhiêu cung nữ bị hoàng hậu trả thù mà “ hồn xiêu phách lạc”. Nếu ái phi muốn làm hoàng hậu cũng không từ một thủ đoạn nào để giành giật ngôi vị quí báu này nhằm độc chiếm sự sủng ái của nhà vua.

Thường dân, cũng đủ loại hình ghen nhưng vì luật xưa cho “trai năm thê bảy thiếp” nên đàn bà có ghen cũng nuốt vào lòng. Thường là, người đàn bà có danh phận có quyền ghen hơn là thường dân. Ta tham khảo ý chí quyết giữ chồng của bà Lư phu nhân, vợ của viên quan có tiếng Phòng Quyền Linh (đời Đường):

“ Lư phu nhân, vợ ông Phòng Huyền Linh là người tuyệt đẹp và đức hạnh.

Ông một niềm yêu mến, kính trọng Lư thị vô cùng, không hề lấy người tì thiếp nào nữa.

Người ngoài cho thế là tại ông sợ Lư thị có tính hay ghen.

Chính vua Đường Thái Tôn muốn thử Lư phu nhân, một hôm cho Hoàng Hậu gọi vào bảo:

-Theo phép thường các quan to vẫn có tì thiếp. Quan nhà ta tuổi đã cao, vua muốn ban cho một người mỹ nhân.

Lư thị nhất quyết không nghe. Vua nổi giận mắng rằng:

-Nhà ngươi không ghen thì sống, ghen thì chết. Rồi sai người đưa cho một chén rượu, giả làm chén rượu độc, phán rằng: “ Đã vậy thì phải uống chén thuốc độc này”.

Lư thị không ngần ngại chút nào, cầm chén uống hết ngay.

Vua thấy thế nói :

-Ta cũng phải sợ nữa là Huyền Linh”.

Lại có trường hợp lạ là ghen mà vẫn yêu tình địch, vẫn sống chung chồng với họ, như câu chuyện “Ghen cũng phải yêu”( Cổ học tinh hoa ):

“ Hoàn Ôn trước đã có vợ là Nam Khang công chúa, con gái vua Minh Đế nhà Hán. Sau Hoàn Ôn sang đánh dẹp được nước Thục lại lấy con gái của Lý Thế là một nhà quyền quý nước Thục mang về làm thiếp.

Lúc về nhà, công chúa biết chuyện nổi cơn ghen, liền cầm gươm và đem theo mấy người nàng hầu, xăm xăm đến, chực chém chết Lý thị. Lúc đến nơi, công chúa thấy Lý thị ngồi trước cửa sổ chải đầu, tóc rũ chấm đất, dung nhan tư mạo đoan trang tươi đẹp. Lý thị thong thả vấn tóc, lượm tay, đến trước công chúa thưa rằng:

-Nước tôi mất, nhà tôi tan, tôi quả vô tâm mà hóa ra đến đây. Được bà chém cho, thật thỏa lòng tôi mong mỏi.

Lý thị khi nói, mặt trông nghiêm chính ung dung, tiếng nghe êm đềm thấm thía.

Công chúa thấy vậy ném gươm xuống đất ôm lấy nàng mà nói rằng:

-Này em ơi! Chị thấy em còn phải yêu, phải thương huống chi là lão già nhà ta.

Rồi tự đây, công chúa rất trọng đãi Lý thị.

Khi đọc Truyện Kiều, nhắc tới Hoạn Thư là nói về cái ghen của Hoạn Thư, người thì khen, kẻ thì chê. Theo nhà nghiên cứu Tạ Quang Khôi thì : Có thể nói nếu Hoạn Thư đánh ghen ( như người ta vẫn gán cho nàng) thì cuộc đánh ghen đã rất nhân từ, độ lượng , trí tuệ và độc đáo. Ban đầu Hoạn Thư chỉ giận chồng, không muốn mang tiếng “ghen”:

Dại chi chẳng giữ lấy nền

Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình.

Hoạn Thư không dám ghen vì xưa kia đàn ông được pháp luật công nhận

năm thê, bảy thiếp”, nhưng muốn lấy vợ lẽ phải thông báo với gia đình, Thúc Sinh không làm vậy, cứ mê đắm và đi theo Thúy Kiều nên Hoạn Thư phải ra tay, bắt cóc Thúy Kiều về nhà để hành hạ, bắt làm tôi tớ. Cao tay, bà ta bắt Kiều đàn hát và hầu rượu chàng Thúc:

Bắt khoan bắt nhặt đến lời,

Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay

Khiến cho chàng Thúc đau đớn:

Bốn dây như khóc như than,

Khiến người trên tiệc cũng tan nát nát lòng

Cùng trong một tiếng tơ đồng,

Người ngoài cười nụ , người trong khóc thầm.

Hoạn Thư ghen để giành lại được chồng từ Thúy Kiều. Khi nghe lén chồng khuyên Thúy Kiều:

Liệu mà cao chạy xa bay

Ái ân ta có ngần này mà thôi

Nàng tin chồng đã ở lại với mình. Hoạn Thư giận chồng, nhưng thời xưa không được phép lăng loàn nên phải hành hạ Kiều để Thúc Sinh phải đau lòng. Nhưng Hoạn Thư không quá ác độc hành hạ thể xác Kiều. Biết Kiều là người đa tài:

Khen rằng bút pháp đã tinh

So vào với thiếp Lan đình nào thua

Tiếc rằng lưu lạc giang hồ

Nghìn vàng thực cũng nên mua lấy tài

Nên Hoạn Thư chọn cách hành hạ tinh thần của cả hai người nhưng rất khôn ngoan nên sau này khi Kiều báo ân, trả oán đã tha cho Hoạn Thư, bởi vì “ ớt nào mà ớt chẳng cay, gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng”.

Khi ghen chẳng ai tỉnh táo được. Người xưa nói: “Giận mất khôn”. Trong tất cả các cảm xúc về “Sự ghen” thì nỗi tức giận khi ghen vợ ( hoặc chồng)là khủng khiếp nhất. Ghen rồi dẫn tới đánh ghen, một loạt hành động bột phát không thể kiềm chế. Bởi ghen là một trạng thái tình cảm, xuất phát từ sự chiếm hữu, không thể chia sẻ trong lĩnh vực tình yêu. Ghen ở đây là một trạng thái tình cảm kỳ dị nhất vì nó đan xen giữa tình yêu mãnh liệt và sự căm ghét điên cuồng. Ghen được xâu chuỗi từ rất lâu. Từ chỗ nghi ngờ bị phản bội, đến khi biết rõ ràng thì lập tức phát cơn đánh ghen. Lúc ghen tim ta như ngừng đập, cổ tắc nghẽn, chân tay bủn rủn…và đưa tới hành động phi nhân cách nếu thiếu lý trí. Biết bao nhiêu tai họa do ghen mà báo chí đã đưa tin, cả Việt Nam và trên thế giới đều có sự ghen tàn bạo mang đến cái chết cho tình địch thậm chí cả cái chết cho người mình yêu quí .

Chẳng ai có thể kết luận là nên hay không nên ghen vì ghen trong lĩnh vực yêu đương nam nữ hình như có ở trong máu mỗi người. Đàn ông ghen còn khủng khiếp hơn đàn bà, nên ta chẳng cần lý giải. Người trong cuộc không thể kiểm soát được hành vi, những hậu quả khôn lường rất dễ xảy ra. Người ở ngoài khuyên đủ kiểu nhưng vào cuộc mới biết cần làm gì. Tuy nhiên, nếu ghen lý trí một chút, khôn ngoan tìm cách ghen thế nào để giữ được tình yêu thì còn có cơ may cứu vãn tình yêu hoặc hôn nhân, ghen mà dẫn tới đánh ghen thì tan nát hết, cho dù có giữ được vợ ( hoặc chồng) thì vết thương lòng cũng mãi mãi sâu đậm trong tim khiến cho quan hệ vợ chồng sẽ nhạt phai theo thời gian chung sống

Đời người, suy cho cùng, tình yêu và gia đình là cái đáng quí nhất để người ta sống và tồn tai. Một triết gia từng nói: yêu nhiều người thì dễ hơn là yêu được một người suốt cả cuộc đời. Bởi cuộc đời là một dòng chảy, ta gặp gỡ biết bao người đáng yêu để yêu. Nhưng tình yêu lại mong manh dễ vỡ, làm sao giữ được tình yêu trọn vẹn sau khi lập gia đình để gia đình có cơ sở duy trì sự bền vững.

Garcia Marquez, tác giả Trăm năm cô đơn đã viết : “ Hãy luôn nhớ rằng điều quan trọng nhất trong một cuộc hôn nhân tốt đẹp không phải là hạnh phúc mà là sự ổn định”.

Vì thế, trước khi kết hôn ta đừng lý tưởng hóa hôn nhân hoặc nhìn nó toàn màu hồng. Chỉ trải qua cuộc sống vợ chồng dài lâu, trọn đời mới hiểu và kết luận được thế nào là một tình yêu đích thực .

Muốn duy trì được gia đình, hiểu gia đình như Marquez nói là hợp lý.

Ông còn gợi mở cho người đàn bà tìm người bạn đời của mình như sau: “Không ai xứng đáng với giọt nước mắt của bạn, nhưng nếu có người xứng đáng, anh ta sẽ không làm bạn khóc”.

“ Trí nhớ của trái tim xóa đi những điều xấu và phóng đại những điều tốt đẹp”, đó chính là tình yêu đích thực mà ta tìm kiếm .

Việc tìm kiếm hạnh phúc và sự chung thủy muôn đời diễn ra. Vì thế ta luôn mơ ước có được hạnh phúc. Có điều lạ là, khi có hạnh phúc thì lại không cảm nhận được, mất đi rồi mới tiếc nuối, buồn đau.

Ta thử tìm xem cái thời “trai năm thê bảy thiếp” của người xưa có tồn tại sự chung thủy vợ chồng không ?

Truyện vợ chồng của Án tử Anh thời Xuân Thu Chiến quốc của Trung Quốc được sách Cổ học tinh hoa ghi lại :

“ Vua Tề Cảnh công có cô con gái yêu , muốn gả cho Án Tử. Một hôm vua đến ăn tiệc nhà Án Tử, thấy vợ An tử, hỏi:

- Phu nhân đấy phải không?

Án Tử thưa:

- Vâng phải đấy.

Vua nói:

-Ôi! Người trông vừa già vừa xấu! Quả nhân có đứa con gái trẻ và đẹp, muốn cho về hầu, khanh nghĩ sao ?”

Án Tử đứng dậy thưa rằng:

-Nội tử tôi nay thật già và xấu; Nhưng lấy tôi cốt để nhờ cậy lúc già, lúc đẹp lấy cốt để nhờ cậy lúc xấu. Nội tử tôi thường nhờ cậy tôi mà tôi cũng đã nhận được sự nhờ cậy ấy. Nay nhà vua tuy muốn ban ơn, chắc cũng không nỡ để cho tôi ăn ở bội bạc với những điều nội tử tôi đã nhờ cậy tôi bấy lâu nay.”

Nói đoạn Án Tử lạy hai lạy, xin từ không lấy”

Dù ở thời nào, việc gìn giữ ngọn lửa tình ái trong hôn nhân đều vô cùng quan trọng, nó chính là cái gốc để duy trì sự chung thủy. Với quan niệm của người xưa, bất kể lúc nào vợ chồng cũng phải “Tân kính như tân”- từ lúc trẻ cho đến lúc già phải kính trọng nhau. Khi không còn tôn trọng, kính trọng nhau nữa thì tình yêu vợ chồng cũng mất.

Sống trong xã hội phong kiến việc thể hiện tình cảm vợ chồng luôn phải riêng tư, kín đáo. Người xưa thể hiện tình cảm vợ chồng đầy thi vị, đó chính là cách để giữ sự bền vững của hôn nhân.

Theo thông tin đăng tải trên trang mạng Sina (Trung Quốc), có những câu chuyện tình thời xưa khiến hậu thế vẫn thầm ngưỡng mộ, ví dụ:

-Trương Thưởng đại thần thời Tây Hán, Trung Quốc hàng ngày, trước khi thượng triều đều tự tay vẽ lông mày cho vợ.

-Tô Thức họa sĩ, nhà văn, nhà thư pháp nổi tiếng thời Bắc Tống lại có sở thích đứng ở sân ngắm vợ chải tóc trước hiên nhà.

-Lý Thanh Chiêu nhà thơ nổi tiếng triều Tống lại có cách thể hiện tình cảm với phu quân Triệu Minh Thành một cách vô cùng đặc biệt. Nàng thường xuyên chơi cờ, phú thơ điền chữ, ai thua thường sẽ phải uống trà uống rượu.

Với tài năng văn thơ khó đấu lại vợ nên ông thường xuyên phải uống trà, uống rượu đến say mềm. Có người vợ vừa tài hoa vừa chịu chơi, Triệu Minh Thành không còn cách nào khác chỉ đành chịu phạt. Nhưng đó chính là những khoảnh khắc "bá đạo" đó đã duy trì hạnh phúc gia đình họ.

-Phạm Trung Doãn một người có danh tiếng ở Bắc Tống, hậu nhân của nhà đại văn học Phạm Trung Yêm. Sau khi thi đỗ làm quan và được cử đến nơi xa làm quan. Vì cấp bậc quá thấp không thể mang theo gia quyến đi theo nên vợ chồng mỗi người một phương.

Nơi phương xa, vào một đêm thu về, gió thu hây hẩy, ánh trăng thu vằng vặc trong đêm thanh vắng, dưới ánh nến lé lói, cô đơn, người vợ trẻ phương xa đã viết lá thư chứa đựng nỗi nhớ nhung da diết gửi Phạm Trung Doãn:

"Đêm qua gió Tây xuyên qua rèm, ngoài sân càng thêm vắng lặng. Chỉ mình thiếp cô đơn, gió thu quẩn quanh, nỗi lòng khó gửi gắm qua thư, mình thiếp cô đơn trong phòng lệ rơi cùng ánh nến". Nhưng do sơ suất nàng đã viết nhầm chữ "” trong 《伊川令》 thành chữ “”.

Nhận được thư vợ tâm trạng Phạm Trung Doãn bay bổng tưởng tượng mình mọc đôi cánh bay ngay về bên vợ. Thân là nam nhi, chí thỏa phương xa nhưng là người chồng một lòng yêu vợ không có cách nào để đáp lại ân tình sâu đậm đó. Đột nhiên nước mắt ông rơi đẫm lá thư của vợ, càng đọc càng cảm thấy nỗi cô đơn và có lỗi với người vợ hiền.

Phạm Trung Doãn liền cầm bút đáp lại lá thư của vợ: "Những ngày ta không ở bên nàng hi vọng nàng hãy cố gắng. Đừng cúi đầu âu sầu kẻo làm rơi vương miện, đừng chảy nước mắt nếu không ta sẽ điên mất. Cuối thư ông đã đùa vợ rằng: “ Chắc Y gia không cần người nữa", vì nàng nhớ ta mà trong câu chữ không thấy bóng dáng ta đâu".

Khi gửi thư đi nàng đã nhận ra mình viết nhầm chữ nên đã bật cười khi nhận được thư của chồng. Là người thông minh người vợ lại đáp lại: "Thiếp cố ý trêu chàng chứ bên cạnh thiếp không có ai nên thiếp mới viết chữ "” ( Y tức anh ấy hoặc cô ấy) thành chữ “”.

Cách ứng đáp linh hoạt của người vợ đã khiến Phạm Trung Doãn càng nghĩ và càng thêm nhớ nhung người vợ thông minh của mình nên đã viết thư đáp lại rằng: " Thế giới thật bao la, ta chỉ muốn về nhà"

Tuy chỉ là những lời văn rất nhẹ nhàng, ý tứ, kín đáo nhưng lại đong đầy tình yêu và ân tình mà họ dành cho nhau.

Truyện xưa của Trung Hoa được ta tham khảo qua nhiều truyện cổ. Còn chuyện xưa của Việt Nam, cũng vậy, rất nhiều gương thủy chung đáng trọng.

Thế kỷ trước, các gia đình Việt Nam khá bền vững. Cuộc chiến tranh kéo dài nhiều năm ở Việt Nam, đã có biết bao người vợ chờ chồng, thờ chồng đến trọn đời?

Và nữa, khi rau cháo, nghèo khổ bên nhau nhiều đôi vợ chồng vẫn sống yên bình, thủy chung. Hiện tượng ly hôn cũng không phổ biến

Hiện tại có gì cần bàn?

Lòng chung thủy hiện nay như món quà xa xỉ, rất khó tìm. Người giàu có, tiền nhiều, danh phận giàu sang dễ thay đổi tấm lòng trung hậu. Phụ nữ nghèo có nhan sắc một chút dễ chạy theo người có tiền, hoặc đàn ông nghèo đẹp trai một chút cũng dễ quên ý trung nhân.

Ai cũng biết, tình yêu là cơ sở của lòng chung thủy, hết yêu thì sự chung thủy cũng bay đi. Kỳ lạ là khi nghèo thì còn tình, khi giàu có thì tình lại chia xa. Vì sao vậy?

Ngày nay biết bao nhiêu phương tiện thông tin đại chúng dạy người ta cách yêu và gìn giữ hạnh phúc gia đình nhưng ai cũng thấy thực hiện khó quá, vì “ Cái Tôi” của ai cũng to tướng rất khó hài hòa khi sống chung. Ly hôn ngày càng tăng, gia đình tan vỡ ngày càng nhiều. Phải chăng tác động của khách quan quá mạnh vào các gia đình khiến cho lòng chung thủy khó tồn tại? Hay đạo đức đã được thay chuẩn?

Tìm được tình yêu đích thực không dễ dàng, nhiều khi sống đến trọn đời mà vẫn vô vọng.

Nhiều triết gia thấy được nghịch lý trong đời sống vợ chồng đã khuyên con người sống thuận theo qui luật tự nhiên, cái gì giữ được thì giữ, cái gì không giữ được thì nên buông bỏ.

Có người bàn, trong cuộc sống vợ chồng, phải có tình yêu sâu sắc, có trí thông minh và thiện tâm mới có hạnh phúc và sự thủy chung.

Nhưng có người lại nói, chưa đủ, phải cần điều nữa là sự khôn ngoan bởi khôn ngoan hội tụ trí thông minh, ứng xử hài hòa, thiện chí, chân thành…

Ta thử tìm hiểu một câu chuyện xưa, “ Vợ xấu” ( Cổ học tinh hoa) để suy ngẫm. Truyện kể, người đàn bà không đẹp nhưng khôn ngoan vẫn giữ được chồng:

Vợ Hứa Doãn là Nguyễn thị nhan sắc kém lắm. Khi Hứa Doãn mới lấy về, làm lễ cưới xong, trông thấy vợ xấu muốn lập tức bỏ đi thẳng, bèn hỏi Nguyễn thị rằng:

- Đàn bà có “ tứ đức”, nàng được mấy đức?

Nguyễn thị thưa:

- Thiếp đây chỉ kém có “dung” mà thôi. Rồi liền hỏi:

- Kẻ sĩ có “ bách hạnh”, dám hỏi chàng được mấy hạnh?

Hứa Doãn đáp:

- Ta đây đủ cả bách hạnh.

Nguyễn thị nói:

- Bách hạnh thì “ đức” là đầu, chàng là người hiếu sắc, không hiếu đức, sao lại bảo là có đủ bách hạnh được?

Hứa Doãn nghe nói, có sắc thẹn. Tự bây giờ hai vợ chồng bèn yêu mến, kính trọng nhau suốt đời”

Cho nên khổ đau và hạnh phúc luôn song hành trong cuộc đời của mỗi con người, được cái này thì mất cái kia, tham cũng chẳng lại với trời. Ai lâm vào cảnh nào phải chịu cảnh ấy, vì tất cả đều do mình lựa chọn ./.

( Bài viết có tham khảo sách Cổ học tinh hoa và thông tin trên internet)