Hôm nay là ngày Quốc khánh 2-9. 72 năm đã đi qua, tự nhiên tôi lại nhớ đến ông Nguyễn Hữu Đang, là người chỉ huy dựng lễ đài cho Cụ Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Trong cuốn 3 phút sự thật của nhà văn Phùng Quán, tôi đã đọc vài ba lần. Đoạn bác Quán viết về bác Đang làm tôi thực sự xúc động.
Xin nhắc lại, Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Hữu Đang được phân công làm Trưởng ban Tổ chức Ngày tuyên bố Độc lập 2/9/1945. Ngày nay trên sách báo người ta hay nhắc đến câu nói của Hồ Chí Minh khi giao việc dựng Lễ đài Độc lập với thời gian hết sức gấp gáp, trang thiết bị thiếu thốn: "Có khó mới giao cho chú" (tức Nguyễn Hữu Đang).
Bây giờ cái thời khắc linh thiêng ấy, 72 năm đã trôi qua. Mỗi lần ngắm nhìn bức ảnh Cụ Hồ đứng trên lễ đài đọc Tuyên ngôn, tôi lại nhớ bác Nguyễn Hữu Đang. Bác Phùng Quán viết rằng, cái công trình kiến trúc mỏng manh được xây dựng bằng gỗ, ván, đinh, vải; được thiết kế và thi công trong vòng 48 giờ đồng hồ – nếu chậm lại một giờ là hỏng – rồi sau đó biến mất khỏi mặt đất như một lâu đài trong cổ tích, cặp mắt mờ đục của người lính già tôi bao giờ cũng cay lệ. Lòng tôi dâng trào biết bao niềm cảm xúc và suy tưởng miên man... về Tổ quốc và Nhân dân, về Cách mạng và Khởi nghĩa, về máu xương của lớp lớp anh hùng hào kiệt đã thấm đẫm khắp giang sơn kể từ khi trên mặt đất xứ sở Việt Nam xuất hiện công trình kiến trúc mỏng manh này. Nó biến khỏi mặt đất, nhưng tầm vóc, hình dáng cùng với tổng thể kiến trúc của nó, đã tạc khắc đời đời vào ký ức của cả dân tộc...
Ba Đình nắng thu vàng rực rỡ, một biển người vừa bước từ đêm dài trăm năm nô lệ ra bình minh Độc lập Tự do, cờ hoa trong tay và câu hát trên môi... Người Hiệp sĩ vĩ đại của Nhân dân cùng khổ và hai triệu người chết đói, bước vào tuổi năm mươi lăm, râu đen, mắt sáng, lễ phục kaki... đứng trên lễ đài mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ: “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng...”
Ai có thể tái tạo công trình kiến trúc Lễ đài Độc lập cùng với tổng thể kỳ vĩ đó? Không một ai! Kể cả thánh thần... Theo ngu ý của tôi, lễ đài Độc lập là cái cột mốc giữa đêm dài một trăm năm nô lệ và bình minh của Độc lập Tự do của cả dân tộc.
Vậy mà...
Tháng 4 năm 1958, ông bị bắt. Cùng với nhiều văn nghệ sĩ, trí thức tham gia phong trào Nhân văn-Giai phẩm, ông bị coi là kẻ "phản Đảng", "đầu cơ cách mạng" trong đó có Phùng Quán, tác giả của "Vượt Côn Đảo"...
Tại phiên tòa xét xử kín ông Nguyễn Hữu Đang cùng bà Lưu Thị Yên (bút hiệu Thụy An) ngày 21 tháng 1 năm 1960, ông bị kết án 15 năm tù vì tội "phá hoại chính trị", "làm gián điệp" và bị đưa lên giam giữ tại Hà Giang.
Sau khi ra tù vào năm 1973, ông bị quản thúc tại quê nhà Thái Bình gần 20 năm. Suốt thời gian trong tù ông bị cách biệt với thế giới bên ngoài và không hề biết về cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam.
Trong một cuộc phỏng vấn với nhà phê bình văn học Thụy Khuê: "Thực chất phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, nếu đứng về mặt chính trị, thì đó là một cuộc đấu tranh của một số người trí thức, văn nghệ sĩ và một số đảng viên nữa, là chống -không phải chống đảng cộng sản đâu, mà đấy là chống- cái chủ nghĩa Stalin và chống chủ nghĩa Mao Trạch Đông."
Và rồi...
Năm 1986, sau Đại hội Đảng VI, ông bắt đầu được minh oan và phục hồi danh dự và được coi là "lão thành cách mạng".
Từ năm 1990, ông được hưởng lương hưu trí.
Từ năm 1993, ông về sống ở Hà Nội, được cấp một căn hộ tại khu nhà B tập thể Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ông không có vợ con.
Ông qua đời ngày 8 tháng 2 năm 2007 tại Hà Nội.
Ban Tang lễ của Bộ Giáo dục và đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam, tuần báo Văn Nghệ được thành lập. Thi hài ông được hỏa táng và đưa về quê an táng ngày 11 tháng 2 năm 2007.
Xin kết lại sự suy tư của tôi về ông Nguyễn Hữu Đang:
Tôi cần giá trị thật. Những gì của Xêda hãy trả lại cho Xêda!
Vinh dự thì phù du, mà oan khiên đằng đẵng...
Nguồn: FB quoctoansontay