Trang chủ » Tin văn và...

TỌA ĐÀM VỀ TIỂU THUYẾT DÒNG SÔNG CHỞ KIẾP

Hoài Khánh
Thứ sáu ngày 30 tháng 7 năm 2010 9:23 PM
Sáng nay, thứ sáu 30-7-2010, tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng, diễn ra cuộc tọa đàm về tiểu thuyết Dòng sông chở kiếp (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - 2009) của Nguyễn Quốc Hùng - hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng. Tác giả hiện là công nhân Cảng Hải Phòng.
Các nhà văn Lưu Văn Khuê, Vũ Hoàng Lâm, Ngọc Châu, Hoài Khánh, Cao Năm, Nguyễn Long Khánh, Lương Văn Chi, Đình Kính … đã có tham luận hoặc bài phát biểu tại cuộc tọa đàm, khẳng định: tiểu thuyết Dòng sông chở kiếp của anh viết về một làng quê nhỏ bé, khiến ta liên tưởng đến một câu chuyện cổ tích về cuộc đời của riêng từng nhân vật, của riêng làng quê ấy, một vùng đất nhỏ tới nỗi gặp một trận mưa to là lụt trắng cả làng, gần hai trăm sinh linh phải dồn về trú ngụ tại khoảnh đất đình. Hai tuyến nhân vật thiện và ác được thể hiện rõ nét. Cuộc xung đột âm thầm giữa hai dòng họ trong làng là diễn biến chính của câu chuyện. Mô-típ tuy đã cũ nhưng tác giả muốn làm mới nó bằng cách tập trung khai thác những xung đột nội tâm của từng nhân vật. Và xung đột của những con người ấy như tiền định bắt phải thế, như giời xui phải làm thế chứ cuộc sống thường ngày của họ hoàn toàn không có nguyên cớ gì để tạo nên mâu thuẫn, mà Tất cả chỉ là dục vọng của con người không kiềm chế được mà thôi. Tất cả các nhân vật chính trong tiểu thuyết đều có tuổi thọ cao, nhưng rồi khi tiến tới cái chết mỗi người phải chịu một hoàn cảnh thật công bằng với những gì họ đã làm ở trần thế. Tác giả muốn đề cập tới sự nhân quả ở đời. Trong tiểu thuyết có một số chi tiết huyền ảo, thần thoại nhưng tất cả đều giải thích được nguyên nhân từ đâu. Tất cả từ tâm con người mà ra.
Vốn sống thực tế phong phú là điểm mạnh trong sáng tác của Nguyễn Quốc Hùng. Qua tiểu thuyết Dòng sông chở kiếp, anh còn thể hiện rõ được tính cách thâm trầm, suy tư thường ngày của anh.
Mấy chục năm trở lại đây, những người công nhân trực tiếp đứng máy trong các xưởng thợ tham gia sáng tác văn chương không nhiều. Tác giả Nguyễn Quốc Hùng là một trường hợp hiếm hoi, nhất lại viết tiểu thuyết, thì thật đáng trân trọng.
HOÀI KHÁNH