Trang chủ » Tin văn và...

PHỎNG VẤN TÂN PHÓ CHỦ TỊCH HNVVN NGUYỄN QUANG THIỀU

Thanh Hằng (thực hiện)
Thứ ba ngày 10 tháng 8 năm 2010 5:40 AM

Nguyễn Quang Thiều là một trong những cái tên được nhắc đến với sự kỳ vọng tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII. Vì thế, ngay sau khi anh đắc cử Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về những nhiệm vụ trong thời gian trước mắt của anh.

PV: Trước hết, xin chúc mừng anh, anh có thể cho biết, trong vai trò mới của mình, anh sẽ có sáng kiến gì để thúc đẩy phong trào sáng tác của Hội?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: BCH sẽ là một sáng kiến tập thể, cộng lại của những sáng kiến cá nhân. Những gì Đại hội nhận thấy là yếu kém của các cơ quan Hội: báo chí, xuất bản, giải thưởng, kết nạp hội viên và lớn hơn là thái độ nhà văn đối với những vấn đề số phận con người trong cuộc đời và của dân tộc chúng ta trước thế giới, thì đó chính là những mục tiêu trước hết BCH mới phải tập trung để giải quyết. BCH cũng sẽ tạo mọi điều kiện để mỗi hội viên luôn tự trách nhiệm, phát huy được khả năng, được cá tính sáng tạo trong từng trang viết của họ. Nhưng những trang viết dù cá tính đến đâu, thì người viết vẫn phải đồng hành cùng hạnh phúc, khổ đau, công bằng và bác ái của một người dân bên cạnh họ và rộng lớn hơn là của dân tộc mình.

PV: Đại hội đã kỳ vọng thay đổi tờ Văn Nghệ, như mọi người nói là đã không còn sang trọng, thu hút bạn đọc. BCH sẽ làm gì để xứng với sự kỳ vọng đó?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi rất cảm ơn sự tín nhiệm của Đại hội. Nhưng ai làm Báo Văn Nghệ lại không phụ thuộc vào việc anh ta muốn hay không muốn. Niềm hy vọng thay đổi Báo Văn Nghệ không phải đặt vào riêng Nguyễn Quang Thiều mà đặt vào cả BCH. Để làm được, tôi cho rằng, phải là tổng lực trí tuệ, tinh thần và sự hy sinh của BCH, phải khơi mở, kêu gọi, tập hợp được năng lực, trí tuệ của các hội viên và những người viết ngoài Hội và cả các nhà báo nữa.

Một cá nhân cho dù tài giỏi đến đâu cũng không thể là tất cả. Dù anh ta đầy năng lực, đầy khát vọng và đầy ý tưởng, nhưng phải đứng trên một nền vững chắc và đằng sau là một tập thể lớn. Trần Đức Tiến, Nguyễn Thị Thu Huệ hay là tôi hay bất kỳ ai được phân công làm Báo Văn Nghệ đều phải có sự hỗ trợ của BCH, của hội viên và sau đó, phải đồng hành cùng con người, với bạn đọc, mới làm được.

src=http://www.cand.com.vn/Uploaded_CANDONLINE/anhtu1/anhtu1/anhtu1/1_nhavan1838-400a.jpg
Phút hội ngộ của các Nhà văn. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Làm báo hiện nay rất khó, vì TV, Internet, các thứ giải trí khác đang đẩy báo viết vào con đường hẹp hơn rất nhiều. Điều này đòi hỏi người làm báo viết phải có năng lực mạnh mẽ, có khát vọng, ý chí và phải hiến dâng. Đặc biệt, tờ Văn Nghệ là gương mặt, tiếng nói của nhà văn Việt Nam thì phải trở nên sang trọng, sự sang trọng này phải đồng hành, hiện thực trên đời sống của con người.

Báo Văn Nghệ không chỉ để phát hay cho hội viên đọc, tự cảm thấy thỏa mãn với những trang đã in bài của mình, mà phải cất tiếng nói của những con người đau đớn nhất, bất hạnh nhất, phải làm hiển lộ một nền văn hóa và Cái đẹp đang mỗi ngày bị chủ nghĩa thực dụng tấn công. BCH phải nhận ra, nếu không làm được thì họ có lỗi với hội viên và quan trọng nhất là, với những con người đang cần họ lên tiếng về giấc mơ của họ, về số phận của họ

PV: Nếu được phân công, anh sẽ tạo được dấu ấn với tờ Văn Nghệ?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tờ Văn Nghệ đã làm được một số điều cần thiết, nhưng đòi hỏi phải trí tuệ hơn, sang trọng hơn, hấp dẫn hơn và hiện thực hơn nữa. Nếu tôi phải làm tờ Văn Nghệ thì điều tôi cần mà nó lại ở bên ngoài khả năng của tôi là sự ủng hộ, sự đồng thuận của các hội viên, của BCH và của những người quản lý báo chí và văn hóa nữa.

Tôi cảm giác rằng: Hơn 500 nhà văn bỏ phiếu cho tôi là vì họ muốn tôi sẽ mang những gì bé nhỏ của mình để cùng với Hội Nhà văn làm cho tờ Văn Nghệ khởi sắc. Đó là niềm tự hào nhưng cũng là nỗi lo, vì thách thức rất lớn. Tôi không thể nói mình sẽ làm đến đâu, nhưng tôi tin, với ý chí, sự trong sáng của tôi hay bất kỳ ai, chắc chắn nó sẽ mang lại những điều gì tốt đẹp.

PV: BCH sẽ làm gì để kích thích sự sáng tạo của nhà văn, bởi với nhà văn, đầu tư không phải là tất cả, mà là không khí sáng tác?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi hoàn toàn nhất trí điều đó. Trong những lúc đói nghèo, những tác phẩm kỳ diệu đã sinh ra. Lúc chúng ta đầy đủ về vật chất, lại là những tác phẩm buồn tẻ, nhạt nhẽo, không đúng với người đọc mong đợi. Tôi nghĩ rằng, trước hết phải tạo ra không khí sáng tác. Nếu có sự mâu thuẫn trong BCH, mâu thuẫn giữa BCH với hội viên, sẽ không gợi được.

Tại sao một nhóm nhỏ chúng tôi ngồi với nhau suốt 10 năm, 20 năm trước trong 1 quán cà phê nhỏ, nhưng chỉ nói những điều tốt đẹp nhất, hứng khởi nhất và truyền cảm hứng sáng tạo cho nhau, còn trong một Hội Nhà văn lớn hơn hết, chính thức hơn, tập hợp tất cả những nhà văn tài năng, lại chưa làm điều đó? BCH phải cùng từng nhà văn làm thức dậy mạnh mẽ hơn nữa lòng kiêu hãnh và khát vọng đấu tranh cho dân chủ, cho tự do, cho những điều tốt đẹp của con người. BCH không phải là nơi đến đó để hưởng lợi, mà nơi kêu gọi mọi người đoàn kết, thống nhất.

Khi mỗi nhà văn không tôn trọng nhau, không trân trọng khuynh hướng sáng tác của nhau thì đã loại trừ nghệ thuật. Mà không ai có quyền hay có khả năng độc quyền về cái đẹp, hay độc quyền về nghệ thuật. Mỗi vẻ đẹp hiện lên khác nhau trong mỗi nhà văn và khi chúng ta tôn trọng, công bằng thì điều đó sẽ là nguồn lực khích lệ họ. Chúng ta đang ngồi ở đây với khát vọng chung nhất, tiếng nói chung nhất trong những cá tính khác biệt và cái nhìn khác biệt. Thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi những cái nhìn khác biệt dựa trên nền tảng nhân văn và vì cái chung.

PV: Anh sẽ dành sự quan tâm đến văn học trẻ?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Năm tôi 20-30 tuổi, tôi đã xuất hiện với một cái gì đó và đã thay thế một chút những người hơn tôi 10 tuổi. Giờ đây, lớp trẻ lại vượt lên. 15 năm trước, tôi đã nói, sự bùng nổ của văn học Việt Nam chỉ chờ đợi ở những người dưới 40 tuổi, còn những người trên 50 tuổi như chúng tôi, có thể sâu sắc hơn, kỹ lưỡng hơn, thâm trầm hơn, nhưng sự bùng nổ trong thi pháp hay tư tưởng thì phải đợi những người trẻ. Khi còn làm biên tập ở Báo Văn nghệ, tôi luôn luôn hồi hộp bóc những phong bì có tên lạ nhất, để chờ đợi sự xuất hiện một tác phẩm của những nhà văn mới khiến mình có thể cúi đầu kinh ngạc vì vẻ đẹp và sự quyến rũ.

PV: Xin cảm ơn sự chia sẻ của anh!

Thanh Hằng (thực hiện)
Nguồn: CAND online