Trang chủ » Tin văn và...

TÂM HƯƠNG DÂNG NGƯỜI ĐÃ KHUẤT

Nguyễn Thị Kim Hạnh
Thứ ba ngày 20 tháng 7 năm 2010 4:53 PM
 
(Nhân đọc tiểu thuyết Bầu Trời Cổ Tích của Nguyễn Nguyên An – Nhà xuất bản Công an Nhân dân Quý II/2010)
 
Đọc nhiều thơ & truyện của Nguyễn Nguyên An, tôi xúc động trước văn chương sâu lắng của anh. Anh dự lớp Tập huấn văn học từ Hà Nội về tặng tôi cuốn tiểu thuyết Bầu Trời Cổ Tích (BTCT). Anh nói: “Đây là cuốn thứ 05 của anh được các NXB ấn hành & trả nhuận bút). Tôi chúc mừng anh bài cảm nhận cho dù tôi chập chững viết.
BTCT là TÁC PHẨM THAM DỰ CUỘC THI VIẾT TIỂU THUYẾT, TRUYỆN VÀ KÝ VỀ ĐỀ TÀI “VÌ AN NINH TỔ QUỐC VÀ BÌNH YÊN CUỘC SỐNG” 2007 – 2010. Hình bìa đẹp, in ảnh đô thị miền Nam thời khói ám, các sinh viên học sinh xuống đường đòi nguyện vọng; bìa bốn các anh Giải phóng quân vượt Trường Sơn cứu nước. Sách dày 266 trang giấy trắng, gồm 40 chương chia ba Phần. Mở đầu, mệ Lê lên nhà con gái mượn tiền xây am: “…  - Nhà cửa xiêu vẹo mạ không thuê người che chắn cho kín đáo, đổ tiền ra xây am làm chi?
- Mẫu phán mạ phải làm lính chầu hầu ngài, không thôi ngài bắt về xách giày xách dép? Mạ làm thủ am đặng lộc bà nuôi cái thân già tiệt tự vô dư...” Người đọc ngỡ chuyện mê tín dị, đọc tiếp mới bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh thầm lặng, bất khuất của người dân làng Vân. Mệ Lê xây am không vì mê tín mà nuôi cán bộ và bảo vệ hầm bí mật. Tác giả thắt nút ngay Chương một rồi mở xòa xuyên suốt cuốn tiểu thuyết là cuộc đấu tranh giành Độc lập - Thống nhất kiên cường của bà con. Hà nữ du kích làng Vân từng là nữ sinh trường Đồng Khánh. Lài, Lanh, Bê, Hường … đều là những cô gái thuần hậu chơn chất. Đến tuổi dậy thì ai cũng chớm yêu thương, Hà có một nụ hôn vụng trộm của Vi làm hành trang lên đường hoạt động cách mạng, có cô chưa biết nụ hôn là gì mà đã hy sinh ngay cái thời rực rỡ nhất của một đời con gái. Tác giả miêu tả mối quan hệ và không gian nơi xảy ra nụ hôn đến với Hà: “…Hè năm trước, khi Vi khen con Lanh đứng trên lưng một con trâu, lùa đàn trâu nhà qua sông như nữ tướng. Hà nói : Dễ ợt ! mai Vi đi giữ trâu với Hà, Hà chỉ cho. Hôm sau, Vi và Hà cùng đứng trên lưng con trâu đực. Khi ra giữa sông con trâu lặn cả thân hình to đùng xuống nước chỉ ngoi hai mũi phì phò thở. Vi sẩy chân tuột khỏi lưng trâu liền ôm cứng Hà từ phía sau lưng làm Hà cũng chìm luôn xuống nước. Ở trong nước, Vi vẫn ôm thân thể chắc lẵn của Hà. Hà vùng mạnh bứt ra và cùngVi bơi sang bờ bên kia. Đứng trên bờ, Vi run run khi thấy bê bết lớp vải ướt hoang dã và khuôn mặt màu bồ quân của Hà dường như ửng chín. Vi liều mạng ôm Hà hôn đại lên má một cái. Mặt đối mặt, Vi thấy đôi mi cong vút của Hà như hai vệt đen khép bình yên trong khuôn mặt chữ điền bướng bỉnh. Bất chợt Hà mắng : Khỉ đó ! rồi nhảy ùm xuống sông bơi về thay áo quần và chèo ghe trở lại cồn coi trâu. Nụ hôn vụng trộm đầu đời ấy và những nụ cười giòn tan toả rạng khuôn mặt ngăm ngăm thuần khiết của Hà luôn hành hạ Vi điêu đứng!...”.
Trong cuốn tiểu thuyết gọn nhỏ, tác giả xây dựng thành công nhiều nhân vật, mỗi người mỗi vẻ không lẫn vào nhau, cán bộ điềm đạm, mưu trí như chú Bảy bí thư, kiên cường bất khuất như ông Mão cơ sở của Ban An ninh và những nông dân chất phác như ông Thí cha của Hà, chú Khâm thợ tiện đồ thờ bằng gỗ, cậu Quép, o Hường Ban chầu văn… một người một nghề, đều là dân lành không biết hại ai. Và, thằng quận trưởng Cáo gian hùng; Cáo như tên du đảng khét tiếng, coi sinh mạng người cỏ rác, một anh lính vì say lỡ miệng xúc phạm Cáo, Cáo rút súng bắn gãy chân tại chỗ, rồi cho thằng “tà lọt” đi tù thay. Khi đi càn vào nhà mụ Quới. Cáo đã thẳng tay lấy thuổng xâm hầm đâm thẳng vào đùi mụ Quới. Mụ Quới vẫn không khai! Cáo dã man hơn, túm thằng cháu nội đích tôn của mụ quẳng vào đống lửa chúng vừa đốt. Thằng bé bị phỏng hốt hoảng chạy ra trong tiếng cười man rợ của bọn lính… Tác giả dụng công xây dựng các nữ du kích ngây thơ trong sáng, hiền lành thật thà nhưng khi chạm vào sự đểu giả, vào cái ác thì phản ứng mãnh liệt:  “… Khanh quất ngựa truy phong với lý do đơn giãn là mẹ Khanh không đồng ý, bởi nhà Hường ở vùng bất an ninh, lỡ Khanh về đó VC bắt sống thì sao!? Rồi Khanh sắm sửa rục rịch lấy vợ trước mắt Hường… Trước ngày Khanh cưới vợ một hôm, Hường nhắn tin Khanh cho Hường gặp mặt lần cuối. Khi hai người bí mật ngồi trong quan cà phê, Hường nói: Mai anh lấy vợ rồi. tối nay cho em một đêm cuối. Em nhớ anh lắm.. Khanh nghĩ đến thân hình xép ve của cô vợ sắp cưới và  tấm thân nảy nở độ chín mùi của ngưòi tình cũ. Khanh cầm lòng không đậu, hẹn tối Khanh đánh xe về chân cầu đưa Hường lên thuê khách sạn. Khanh cho Hường chỉ nửa đêm ân ái cuối cùng vì ngày mai Khanh phải có mặt ở nhà lo tiệc tùng, khách khứa. Hường chấp nhận  nửa đêm, cũng đủ cho toan tính của Hường. Khanh  sõi đời mấy đi nữa, Khanh cũng không thể ngờ, lúc Khanh đang cơn phấn kích, Hường lấy lưỡi lam dấu sẵn cắt đứt của quý của Khanh. Khanh tòng ten của quý, máu me tèm lem chạy ào ra đường, phóc lên xe chạy vù lên  bệnh viện khâu lại...”.
Nói về cái ác của giặc trong thời đấy thì muôn vàn việc đau lòng. Trong BTCT tác giả chỉ đưa ra 02 sự kiện chúng ta đã thấy rùng rợn cái dã tâm của những tên lính viễn chinh, những con người vung vinh vũ khí hiện đại và mệnh danh là văn minh nhất hành tinh.  “ …Thường bạn anh chở anh đuổi theo đoàn công-voa Mỹ, khi xe Honda áp sát thành xe GMC chở hàng trong đoàn công - voa mà bọn nhảy xe Mỹ đã nghía đoán biết trong đó có hàng giá trị, anh nhảy lên lật những thùng hàng xuống, có lần anh lật nguyên một kiện hàng toàn súng Colt 45 bị một thằng Mỹ đen bắt được, hắn lấy lưỡi lê cắt gân cánh tay anh. Anh ôm cánh tay máu me tèm lem chạy quáng quàng về làng, vừa chạy vừa khóc vừa la: Mẽo cắt cén, Mẽo cắt cén tui rồi... mẹ ơi.... Mụ Bờ đành đưa con đi viện cứu chữa vì chẳng biết kiện ai. Mà kiện loạng quạng tụi cảnh sát chụp mũ Ăn cướp vũ khí để tiếp tế cho Việt Cộng câu đầu giam trong nhà đá, thì khốn cả đời! Từ đó bà con làng Vân gọi anh là “thằng Bại” thành tên.”
 Và: “…Lính Mỹ phối hợp với lính đánh thuê Mãnh Hổ Đại Hàn tràn về làng. Hành quân đến đâu chúng bắt bớ, đốt phá, cày xới tanh banh đến đó. Nhà nào chưa kịp giở mái chúng châm lửa đốt, nếu giở mái rồi chúng lại đốt đống rơm, nhà bếp để lùng sục du kích và khui hầm bí mật. Chúng thiết lập một vùng trắng ven thị xã. Nhưng bà con làng Vân vẫn bí mật chống trả. Cách chống trả âm thầm, dai dẵng và không kém phần quyết liệt là bất hợp tác, lặng lẽ cam chịu! Cảnh ngày địch đêm ta diễn ra âm thầm nhưng rất ác liệt. Một đêm du kích tấn công vào trại đóng quân dã chiến của địch, bắn chết ba thằng Mỹ. Sáng hôm sau chúng xách súng túa ra làng bắt đúng ba người chúng gặp ngoài đường sớm nhất đưa đi bắn chết! Một là cậu Thí cha Hà đi ra sông cất mẻ rớ đầu tiên trong ngày. Hai là thằng Quép lơn tơn đi chầu văn làng bên cạnh. Ba là chú Kham đi ra sông nhổ bó câu gặm câu cá lóc mà chú gặm từ chiều hôm trước!”.
Ngoài những trang miêu tả cảnh đồng quê sông nước đẹp như tranh thủy mặc, nhà văn Nguyễn Nguyên An còn già giặn trên từng câu chữ, có lẽ nhờ những trải nghiệm về chiến tranh và có thể là sự dấn thân, anh mới khắc họa, tái hiện, khái quát lại một cuộc chiến đấu âm thầm, gan góc của bà con làng Vân nói riêng & nhân dân cả nước nói chung, trong đó tính cánh các nhân vật bật lộ rõ ràng ở cả hai phía tốt lẫn xấu; bà con, người dân, Giải phóng quân và cán bộ ta có vẻ đẹp vô ngôn anh dũng, phía phản diện lính tráng, quân viễn chinh… độc ác, gian manh, ăn chơi hưởng thụ…  Nhà văn khép Bầu Trời Cổ Tích ở Chương Bốn Mươi: “Thi thoảng Vi về làng Vân để được hít thở không khí trong lành của phố quê, đồng nội. Cảnh phố quê sông nứơc khi chiều sắp tắt nắng thường luênh loang một màu tím mộc mạc thanh bình. Sau những ô cửa đèn điện đã bừng sáng phả vào dòng sông lung linh. Nguồn sáng này là dấu hiệu thị tứ của một phố quê yên ả ngày càng rạng rỡ, nở nang phía tuơng lai. Và Vi đi trong miên man hoài niệm về mối tình đầu của Vi, về em đã sống trong sáng, chết thiên thần. Để đêm đêm trong bầu trời cổ tích của Vi  em mãi mãi là một vầng sáng vằng vặc thiên thu cho Vi soi gương mãi vững gót làm người với một niềm tin rực sung mãn...”.
Hơn thế, tiểu thuyết Bầu Trời Cổ Tích còn là bản trường ca, ca ngợi những liệt sĩ vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ đến hơi thở cuối cùng và cũng là nén tâm hương dâng lên người đã khuất.
Huế, ngày 12 tháng 06 năm 2010
Nguyễn Thị Kim Hạnh

Địa chỉ: Nguyễn Thị Kim Hạnh – Trường Tiểu học Thủy Xuân
Kiệt 5/69 Đường Lê Ngô Cát, phường Thủy Xuân, thành phố Huế.
Điện thoại: 054.3826845