Trang chủ » Tin văn và...

MỜI DỰ KHAI MẠC TRIỂN LÃM TRANH CỦA MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ

Thủy Vân - Nguyễn Văn Học
Thứ tư ngày 14 tháng 7 năm 2010 7:11 AM
 
Kính mời các bạn yêu nghệ thuật đến dự khai mạc triển lãm tranh của nhà báo, nhà văn Thủy Vân vào hồi 17 giờ ngày 13-7-2010 tại Trung tâm Nghệ thuật Việt, 42 Yết Kiêu Hà Nội. Rất hân hạnh được đón tiếp các bạn.
Đỗ Thu Thủy (Thủy Vân)

 Tự bạch
 
Tôi giống như tất cả hàng triệu người đàn bà Việt Nam: Sinh ra khi cuộc chiến Đông Dương lần thứ 1 kết thúc. Lớn lên khi cuộc chiến Đông Dương lần thứ 2 trở nên ác liệt…Đi qua chiến tranh, lấy chồng, đẻ con, rồi lại cuộc chiến biên giới bùng nổ. Chưa kịp hết lao đao vì bom đạn, sơ tán, lại chạy ngược, chạy xuôi trong thời buổi tem phiếu…
Khi con cái lớn lên một chút, giật mình nhìn lại hóa ra bản thân mình chưa bao giờ được nghỉ ngơi và nghĩ gì cho mình. Chưa hết, không chòng chành vì bão tố thời cuộc, thì lại chòng chành vì những đòi hỏi của cuộc sống hàng ngày. Không chòng chành vì xung đột nội tâm thì lại chòng chành vì tâm thế và lựa chọn… Lắm lúc tôi có cảm giác mình như con thuyền mà sóng gió bên ngoài quá lớn, nước mấp mé be thuyền, đáy thuyền thì thủng lỗ chỗ… Vừa cuống quit chèo chống, vừa hốt hoảng múc nước để con thuyền khỏi bị đắm, bị lật úp…
Nghĩa là lúc nào cũng chòng chành – Sống chòng chành thì đương nhiên viết, vẽ và nghĩ ngợi cũng chòng chành…
Tôi bỗng nhớ câu thơ của anh Tường Vân – Nhà thơ Hải Phòng:
Nắng soi cái tổ tò vò
Dọc ngang cũng một con đò ấy thôi…
Nhưng với tôi thì:
Chòng chành cái tổ tò vò…
Đỗ Thu Thủy (Thủy Vân)
Tháng 7-2010
 
Bài của Nguyễn Văn Học
Phỏng vấn họa sĩ Đỗ Thu Thủy
 
-Không ít người phụ nữ làm nghệ thuật văn chương đã bước sang địa hạt hội họa. Bà là một nhà báo, có viết truyện và làm thơ, vậy cảm xúc của thơ ca có ảnh hưởng đến việc vẽ tranh của bà không ạ?
-Sáng tạo nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng đều cần cảm xúc chân thực. Tất cả các truyện ngắn của tôi đều được viết ra từ những xúc động chân thực trong cuộc sống hàng ngày. Nó xuất phát từ thân phận, hoàn cảnh sống của con người. Cũng có thể nó được nảy sinh từ một phản ứng chung trong xã hội, từ một vấn đề bức xúc chung của cộng đồng. Hay từ những vướng mắc, những khó khăn chưa được giải tỏa…hoặc những điều khó nói mà chỉ nghệ thuật ngôn ngữ mới tải hết. Với thơ ca thì súc tích hơn, ngắn gọn hơn. Một bài thơ có thể diễn đạt cả một đời người gặp bao biến cố thăng trầm như tiểu thuyết. Vì vậy, tôi cho rằng cảm xúc của thơ ca gần gũi với hội họa hơn – Tôi nói là gần gũi – Vì một bức tranh có thể biểu đạt khái quát cuộc sống, tình cảm, suy nghĩ, hoặc lối sống của con người qua màu sắc, hình khối.
 
-Bà còn nhớ mình đến với hội họa, và “say” hội họa từ khi nào không? Hình như có lần bà nói, bà không hề học một lớp vẽ chuyên nghiệp nào?
-Suốt 2 năm vừa rồi bà đóng cửa ở nhà ngồi vẽ, dường như không ra ngoài. Thời gian đó bà “ngấu nghiến” cảm xúc, bày biện tâm sự của mình lên tranh. Dường như bà muốn trốn tránh cuộc sống ồn ào này?
-Thực ra, phần thì chuẩn bị về hưu, phần vì tòa soạn báo SGGP chính ở TP Hồ Chí Minh, văn phòng có nhiều phóng viên trẻ nên việc lo tin bài không như trước. Hơn nữa, từ ngày còn trẻ tôi cũng không hướng ngoại… tôi thích ở trong nhà hơn. Thêm nhiều biến cố nên tôi rất ít khi ra ngoài. Nhưng không làm việc gì thì không chịu nổi, nên tôi vẽ. Hàng ngày tôi vẽ như đi làm cơ quan, vẽ để đấy, tranh dựng khắp xung quanh nhà và bếp. Nói là trốn cuộc sống ồn ào cũng đúng, nói là trút tâm sự lên tranh cũng đúng! Vì đôi khi bực dọc, buồn bực, chông chênh, nói một mình thấy không ổn túi nào. Tôi thấy chơi với màu, bạn với bút vẽ lành mạnh hơn và quên hết mọi sự.
-Tại sao triển lãm lần này có tên là “chòng chành”?
-Một hôm, có người viết “lời bình” trên blog của tôi bằng câu ca dao “Chòng chành như nón không quai…”. Rồi có những chuyện buồn, những tổn thương và nhiều nhiều điều khác không ổn với tôi. Trước kia tôi đã từng trầm cảm nặng, mấy năm gần đây có khá hơn khi tôi không ra ngoài nữa. Và tôi vẽ bức tranh chỉ đi một gam hồng từ nhạt đến sẫm. Tôi thả chiếc thuyền không lái, chiếc nón không quai trên dòng sống vắng lặng chỉ có một cái cây đơn độc. Nhìn thì hoang vắng nhưng ấm, ấm và không cô độc. Một cây, một thuyền, một nón, một người… cái gì cũng không trọn vẹn. Cây không ngọn, thuyền không lái, nón không quai. Tôi gọi nó là “Chòng chành”. Tôi định sang năm mới triển lãm với tên gọi “Thiên chức” nhưng nhìn lại cuộc đời, tôi thấy tên là “Chòng chành” có vẻ hợp hơn.
-Bà từng tự bạch: “Mình như con thuyền chòng chành mà sóng gió bên ngoài thì quá lớn...”. Vậy điều đó ảnh hưởng thế nào trong sáng tác của bà?
-Mọi người đã đọc những gì có trong tranh và nói ra đều đúng cả, đó chính là sự ảnh hưởng phải không nào?

-Tranh của bà nói nhiều đến tình mẫu tử, dường như con cái ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bà?
-Gia đình là tất cả những gì tôi có trách nhiệm và tôi yêu. Con cái là máu thịt và cuộc sống của tôi. Nếu trong cuộc đời một con người bị vấp ngã, bị đau bệnh, mọi thứ thuốc của y dược học không chữa khỏi, vẫn còn một thứ thuốc đó là: Tình yêu thương của Mẹ. Mẹ tôi đã yêu thương chúng tôi như thế và chúng tôi cũng yêu thương các con bằng mạng sống của chính mình.
-Xem tranh của bà, người ta thấy cảm xúc trải ra vô tận, không bị bó hẹp bởi một giới hạn nào. So với lần triển lãm “Đàn bà” cùng nhà văn Võ Thị Hảo trước, thì tranh đợt này được đánh giá khá hơn và cảm xúc thăng hơn. Có vẻ, với hội họa, bà đã thể hiện cảm xúc và tâm sự của mình tốt hơn là với thơ?
-Có lẽ thế! Tôi không dám chắc hội họa và thơ cái nào hơn cái nào? Vì mỗi thể loại được thể hiện bằng một hình thức khác nhau. Nhưng tôi biết một điều nghệ thuật nào cũng biểu cảm nội tâm và khát vọng của con người. Nếu tôi nhớ không lầm thì người xưa đã nói: “Ngôn bất túc dục nhạc. Nhạc bất túc dục vũ. Vũ bất túc dục họa”. Múa thì quá già rồi, vẽ thôi.

-Là một người đàn bà vẽ, bà có bị áp lực hay trở ngại nào không?
-Áp lực ư? Chỉ có vẽ được hay không thôi chứ chẳng có ai gây áp lực cả. Ấy là nói về tinh thần! Về vật chất thì…nếu lương hưu hơn hai triệu đủ sống, đủ mua sơn và vải vẽ thì vẫn vẽ, vì tôi thích vẽ, rất thích vẽ.