Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tưởng nhớ TRẦN VÂN HẠC

Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Thứ bẩy ngày 25 tháng 3 năm 2017 6:04 PM









Tin Trần Vân Hạc qua đời thực là đột ngột, và đau xót đối với tôi cũng như đối với không ít người yêu quý văn hoá văn học dân tộc miền núi Tây Bắc, đặc biệt là văn hoá Thái... Tôi được quen biết anh qua trang mạng vanhac.org, và cũng qua anh, tôi tìm gặp lại được vợ chồng anh Nguyễn Nguyên Bảy & Lý Phương Liên- hai người thơ tôi yêu quý từ thời sinh viên và bặt tin tức gần 40 năm ròng! Còn bảy năm qua, tôi và anh, cùng hoà vào cơn lũ thơ ca của đôi vợ chồng được mệnh danh là “phù thuỷ chữ nghĩa”, đã liều mạng tham gia với anh Bảy & chị Liên một số công trình văn chương mà chúng tôi cảm thấy tin tưởng, tự hào: đó là các tập Thơ Bạn Thơ, Văn Bạn Văn... Ngoài ra, cùng là người có nhiều kỷ niệm sâu sắc với miền núi Tây Bắc, hai chúng tôi còn có mối đồng cảm đặc biệt. Vân Hạc hay kể cho tôi nghe những trải nghiệm của anh về miền núi, anh có một vốn liếng khá rộng về văn hoá Thái; một vài người bạn Tây Bắc và học trò người Thái của tôi như nhà nghiên cứu Cà Chung, cô giáo Lò Mai Cương... đã coi anh như một nhà Thái học. Một số kịch bản đề tài miền núi và nhiều bài viết liên quan tới Tây Bắc của tôi, tôi đều đưa anh đọc góp ý, hoặc gửi lên trang vanhac.org. Tôi có một cuốn sách rất quý do nhà Thái học Cầm Cường ( anh trai nhà điện ảnh Cầm Kỷ) tặng từ lâu: Văn học dân tộc Thái Tây Bắc, thấy anh cần, tôi đã tặng lại anh... Anh hẹn với tôi là sẽ có lần cùng nhau lên thăm thú, tìm hiểu thêm về văn hoá đất Văn Chấn- Mường Lò, quê gốc của người Thái đen, đó cũng là quê của con dâu anh... Nhưng chúng ta chưa kịp thực hiện được lời hò hẹn, Vân Hạc ơi, anh đã vội ra đi... Lúc này, trên Tây Bắc, hoa ban đang vào mùa nở rộ. Anh sẽ không bao giờ còn được nhìn ngắm hoa ban, được ăn món nộm hoa ban theo kiểu người Thái... Những công trình nghiên cứu về văn hóa Thái của anh còn dang dở, ai sẽ làm tiếp cho anh đây? ... Xin gửi đến anh hồn Trần Vân Hạc niềm tiếc thương xa xót nhất. Và xin gửi đến những bạn đọc quen thuộc của anh một bài viết cũ, nói về cuốn sách TIẾNG BAN MAI- cuốn sách chắc là tâm huyết nhất của Vân Hạc.



HƯƠNG SẮC CỦA HUYỀN THOẠI VÀ SỰ SỐNG.

Đọc sách "Tiếng Ban Mai"* của Trần Vân Hạc


Không phải ngẫu nhiên mà nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Vân Hạc đặt tên cho tập bút ký, ghi chép mới nhất của anh là: "Tiếng ban mai". Sau khi được anh tặng sách, tôi đã nghiến ngấu đọc suốt đêm, trong mối đồng cảm của một người cũng đã từng trải những tháng năm đẹp nhất đời mình nơi núi rừng Tây Bắc. Trần Vân Hạc đã đến với bạn đọc bằng cái cảm xúc thi vị say đắm được hun đúc từ thời trai trẻ - thời ban mai, và chúng còn đeo đẳng anh đến suốt đời: "Tây Bắc gắn bó với tôi mấy chục năm trời: Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên… những con sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Chảy… những con suối Thia, suối Tiên, suối Mơ, Nậm Na, Nậm Rốm… chở đầy lịch sử và huyền thoại." Và tôi không thể không nhắc đến những đoạn văn viết về "Huyền thoại tắm tiên Tây Bắc" hiển hiện rõ nét tâm trạng tác giả, và khiến rất nhiều người chưa hề lên Tây Bắc cũng phải mê mẩn trước thiên nhiên và tình người nơi ấy: "Không biết có phải từ khi các cô gái Thái khỏa mình trong dòng biếc, những dòng suối già nua trầm mặc chợt nhận ra mình có một trái tim nồng cháy và tâm hồn trẻ trung, rồi cứ mộng mơ, khao khát một cuộc sống bình dị, yên vui - ước mơ cháy bỏng của bao đời? " (Bài viết này xuất hiện lần đầu tiên trên trannhuong.com và được rất nhiều người đọc tán thưởng!). Những bài viết loại này có thể nói là "đặc sản" của riêng Trần Vân Hạc và trang mạng vanhac.org - ta có thể đọc nhiều bài như thế ở trong tập để thấy anh "bơi lội" trong đó một cách thành thạo và vui sướng ra sao: "Hương sắc rừng xuân Tây Bắc", "Lửa xòe đêm hội", Áng tóc trữ tình Tây bắc", Lao Cai mùa nhớ", "Mùa xuân Tây Bắc trong tôi", "Sóng nhạc lưng trời", "Như ánh cầu vồng",v.v. Trước tập này, anh đã có tập sách "Nhân sinh dưới bóng đại ngàn- Những mỹ tục của người Thái Tây Bắc"( NXB Văn học) mà anh tự nhận đó "Chính là tiếng gọi của cội nguồn văn hóa vọng về từ ngàn năm trầm tích". Nếu "Nhân sinh dưới bóng đại ngàn" là tập tùy bút dân tộc học cho thấy khả năng của một nhà nghiên cứu, một chuyên gia Thái học (Vân Hạc là Hội viên Hội VNDGVN) thì tập "Tiếng ban mai" lại bộc lộ trước người đọc một nhà thơ mà trong đó yếu tố khảo cứu, độ chính xác của tư liệu tuy vẫn đảm bảo nhưng chúng được lùi xa/ ẩn sâu/ hòa vào trong mạch cảm xúc dồi dào và những suy tưởng bay bổng. Hai tập sách có thể nói là đã bổ sung cho nhau một cách khá thú vị!

Từ cái gốc cảm xúc và chất liệu cơ bản là "Tiếng ban mai" của những ấn tượng tinh tế, tươi mới nuôi dưỡng từ thuở thanh xuân, mượt mà tựa áng tóc người thiếu nữ dân tộc bên suối trong, Trần Vân Hạc "bay nhảy" một cách tự nhiên và điệu nghệ sang những đề tài của văn hóa dân tộc Việt- "Nỗi lòng của những hồn hoa", Hương trà sen", "Những ngôi chùa trên huyện đảo Trường Sa", "Ngôi đền thờ thầy cô giáo cổ nhất Việt Nam", "Năm Thìn tản mạn về con rồng Việt Nam"... Và, cũng chính từ cái nền văn hóa đó, anh đã có một loạt bài viết tâm huyết về hoạt động nhiều ý nghĩa của "Hội những người yêu kính danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ" mà người đứng đầu là nhà giáo Hoàng Đạo Chúc- cũng là một trong những người của "thế hệ thầy giáo 59 huyền thoại"- những thầy giáo đầu tiên mang ánh sáng văn hóa đến với đồng bào dân tộc trên vùng núi Tây Bắc! Với trên 10 bài ký, truyện, ghi chép công phu trong tập sách có thể nói anh là người "chép sử" của những hoạt động nói trên, không phải chỉ là "sử biên niên" mà thực ra chính là tiếng lòng hân hoan, đồng cảm của anh trước tinh thần nghĩa hiệp của một ông giáo già lặn lội bao năm tháng để tìm cách minh oan cho bà Lễ nghi học sĩ nguyễn Thị Lộ, đứng ra hưng công xây dựng ba ngôi đền thờ hai cụ Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ tại Khuyến Lương- Hà Nội, Tân Lễ- Thái Bình và Lệ Chi Viên- Bắc Ninh... Vào một ngày cuối năm 2011, trước tượng bà Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ bằng đá cẩm thạch được khánh thành tại khu Di tích lịch sử Lệ Chi Viên, tác giả đã nói lên được hộ biết bao tấm lòng yêu kính danh nhân- tốt hơn cả là chúng ta hãy cùng nhau đọc đoạn văn miêu tả công trình văn hóa tâm linh đó:

"Đứng trước pho tượng tinh khôi, ai cũng xúc động trước khuôn mặt, ánh mắt của Lễ nghi học sĩ nhân từ, khoan dung gần gũi thân thương và cao quí như khuôn mặt của bà, của mẹ, của những người nông dân một nắng hai sương, tần tảo, hy sinh vì gia đình, vì quê hương đất nước, song vẫn toát lên thần thái của một bậc văn tài, tâm đức tỏa sáng như trăng thu vằng vặc, trong lòng chợt ấm áp lạ thường, như được tiếp thêm một luồng sinh khí... " (Tượng đài Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ ).

Trân trọng trước nỗi niềm thao thức của Trần Vân Hạc về văn hóa Tây Bắc, về hoạt động của "Hội những người yêu kính danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ", nhà giáo Hoàng Đạo Chúc đã bỏ tiền riêng của mình ra toàn bộ để giúp anh in được cuốn sách này, đồng thời cũng coi như là một món quà biếu đầy ý nghĩa cho những ai tìm đến với các công trình tưởng niệm hai cụ Trãi - Lộ tại Khuyến Lương, Tân Lễ, Lệ Chi Viên, những ai mang trong lòng tình yêu và lòng ngưỡng vọng hai cụ... "Tiếng ban mai" được phát hành giữa những ngày nắng thu trong vắt giữa bầu trời Lệ Chi Viên, và khi những cơn lũ rừng đã lắng lại trên vùng núi Tây Bắc xa kia, nơi mà như tác giả thú nhận: "Nếu thiếu đi hơi ấm của mùa xuân Tây Bắc, chắc cuộc đời tôi sẽ nghèo đi nhiều lắm." ( Mùa xuân Tây Bắc trong tôi )

Với tập sách này, tôi cho rằng cần phải đọc lúc lòng tạm thanh thản, đọc và lắng sâu vào tâm hồn rung động của một người viết có nhiều phẩm chất thi sĩ, để những âm thanh của đất trời, chim muông, cỏ cây... tạo thành hợp âm ngân nga thấm mãi vào trong ta để bất chợt trở thành một góc tài sản tinh thần riêng quý báu giữa bao ngổn ngang bụi bặm và chát chúa của cuộc đời...

______________________________________

* NXB Văn hóa - Thông tin & Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ- Hà Nội, 2012