Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà thơ: PHẠM XUÂN TRƯỜNG TRƯỚC TRANG GIẤY

Vũ Quốc Văn
Thứ hai ngày 16 tháng 1 năm 2017 4:14 PM


Vũ Quốc Văn

Bài thơ Trước trang giấy của nhà thơ Phạm Xuân Trường mà tôi lấy làm nhan đề cho bài viết này được công bố vào thời đoạn đời ông đã áp mạn tuổi lục tuần. Và trước đó ông từng đã trình làng nhiều chục bài thơ đăng trên các báo, tạp chí…một phần nữa in chung cùng nhóm tác giả thơ Đất Cảng trong tập Hoa muống biển; Người miệt biển vào cuối thập niên chín mươi hồi thế kỷ trước.

Có lẽ qua tháng năm trải đời, trải nghề đã xui khiến nhà thơ gửi cảm xúc vào một trước tác những nhận chân cùng điều tự ngộ trong đời thơ mình theo đuổi, tôn thờ.

Phải chăng là thế nên Phạm Xuân Trường mới dặn lòng Trước trang giấy hãy:“ Nung nấu gửi vào thơ” Nhưng đừng viết: Những câu thơ dối lòng vấy bẩn giấy tinh khôi/ Xác còn đây hồn thui chột lâu rồi/ Tim rớm máu mà lòng ta man trá/ Đưa đẩy tình yêu giữa hoa và lá/ Câu thơ không thật lòng như đứa trẻ đẻ non/ Không dám nói những điều mình nghĩ/ Những đứa con tinh thần như sản phẩm cưỡng hôn/ Học cách người xưa yêu trăng yêu gió/ Rồi huyễn hoặc mình là thi sĩ thi nhân/ Có một điều hình như quên/ Học biết cách làm người xấu hổ…

Nhà thơ Phạm Xuân Trường có là người khắc kỷ thái quá chăng? Tôi nghĩ là không! Bởi trong những lần chuyện vãn, cả khi đàm đạo văn chương và đọc mỗi dòng thơ ông viết luôn hiển lộ những trăn trở riết róng, hỏi xét, vắt kiệt trí lực, cảm xúc ở nơi mình còn hơn cả một người khó tính.

Qua bốn tập thơ: Cỏ cháy- 2006; Ở trọ hồn làng- 2007; Bến chuồn chuồn- 2010; và tập thơ tinh khôi có tên là Thần dược của Phạm Xuân Trường do Nhà xuất bản Hội nhà văn vừa ấn hành dạo mùa hạ năm con Dê này sẽ là minh chứng cho niềm nguyện ước, lòng tận hiến chân thành cho thi ca của ông.

Tôi nhớ lần gặp nhà thơ Phạm Xuân Trường hơn mười lăm năm trước trong buổi giao lưu với các nhà thơ của một tỉnh bạn. Hôm đó, Phạm Xuân Trường được người dẫn chương trình giới thiệu lên đọc bài thơ Làm vua. Ông đứng thẳng, hai bàn tay ngửa ra hướng về phía cử tọa nửa như dãi bày than thở, nửa như chế diễu những bất cập nhăng nhố của thói đời. Giọng ông gần như thảng thốt và lạc hẳn đi: “ Rủ nhau vô Huế làm vua/ Vương triều cũ hóa trò đùa hôm nay/ Tôn nghiêm rẻ đến thế này/ Thì ta chân đất điếu cày lên ngôi…/ Vàng son, ờ cũng thế thôi/ Chia tay Huế ngổn ngang trời mưa…mưa…”

Nghe hết câu thơ cuối cùng sau một khoảng ngắt ngừng của dấu chấm lửng, cả khán phòng đang ồn ã huyên náo bỗng dưng lặng phắc. Riêng lòng tôi thì hơ hoác một khoảng trống không cùng, buồn man mác.

Thật không tưởng tượng nổi có một câu chuyện như đùa đang công nhiên phơi lộ giữa thiên thanh bạch nhật ở thế gian này. ( Bài thơ được nhà thơ viết khi mục sở thị trong hoàng cung cố đô Huế, người ta đang làm dịch vụ cho thuê ngai vàng, Long bào, mũ bình thiên của bậc quân vương, chụp ảnh lưu niệm để đời cho du khách có nhu cầu thích được Làm vua).

Bài thơ Làm vua của Phạm Xuân Trường được trao giải ba không có giải nhất trong cuộc thi thơ lục bát năm (1996- 1997) của Báo Giáo dục thời đại.

Cho đến nay thi phẩm Làm vua vẫn rất nhiều người còn nhớ, còn thuộc. Và không ít độc giả đã hồn nhiên đổi tên cho Phạm Xuân Trường với danh xưng mới là Ông Làm vua nữa kia. Kể đời của một người làm thơ, được thiên hạ nhắc nhớ một câu đã là vui lắm lắm. Vậy mà ơn giời, nhà thơ Phạm Xuân Trường được công chúng yêu thơ nhớ, thuộc không chỉ một mà đến hai, ba bài thơ thì hạnh phúc biết nhường nào.

Chuyện thêm là sau bài Làm vua, Phạm Xuân Trường có không ít câu thơ khiến người đọc giật mình, ưu tư, tỉnh thức, rồi rung đùi, chia sẻ, đồng cảm với ông. Lẩn mẩn mà kiểm tính cho đến nay trong gia tài thơ của Phạm Xuân Trường còn khôi khối bài thơ tôi mạo muội liệt vào thể chính luận hiện thực thuộc hàng độc thi. Gọi là độc thi, nghe như tôi có hơi cao đàm khoát luận thêu dệt rồi tố vống lên, nhưng độc thi ở đây không hàm nghĩa là thi phẩm trác tuyệt, thánh thần mà có người đã liều lĩnh vu khoát cho ai đó thuộc bậc kỳ nhân kỳ tài nhưng không có thật. Mà hãy hiểu giản dị cho ý tôi đó là những thi phẩm độc đáo về ý tứ, diễn tự thôi. Quả tình nhà thơ Phạm Xuân Trường rất gặp may là ông hay tìm được những tứ sự hiếm lạ độc đề, độc bản chưa thấy ai nói, ai nghĩ như thế cả.

Ví như khi dư ba của thi phẩm Làm vua còn chưa bị lãng quên, nhạt mờ thì Phạm Xuân Trường lại bất ngờ gửi đến độc giả một bài thơ gây sốt. Bài thơ có cái tên khá lạ: Chôn dọc. Tôi hỏi nhà thơ sao bác lại có ý nguyện kì quái vậy? Phạm Xuân Trường mủm mỉm cười bảo, bây giờ đất là vàng và đất cũng là câu chuyện dài kỳ chứa chất quá nhiều ái ố hỉ lộ, dở khóc dở cười. Thậm chí trong dân gian đồn rằng hiện thời ta đang sống có một bộ phận người “ ăn đất” thần tình, siêu tốc độ còn nhanh hơn cả thực ăn giăng nữa đấy. Trộm nghĩ cứ đà “ hô biến” đất thế này, mà người đẻ ra thĩ mỗi ngày một đông, vài mươi năm nữa có mà “ bồng bế nhau lên ở núi non” cũng chẳng còn tấc nào ở nữa. Vậy là mình quyết định tình nguyện di chúc dặn lũ con khi bố chết hãy chôn dọc mình cho đỡ tốn đất của đời sau.

Nhà thơ nói thế thì biết thế, nhưng đọc thơ thì xa xót qua chừng. Ông nhà thơ này vốn là người quá nhạy cảm lại có tính cứ hay lo xa, âu cũng là căn bệnh thâm căn của người làm thơ vậy.

Trong ngày thơ Việt Nam dịp tết Nguyên tiêu cách đây dễ đã chục năm, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng phối hợp với Huyện ủy- Hội Đồng Nhân dân – Ủy Ban Nhân dân huyện Thủy Nguyên đồng tổ chức ở thị trấn Núi Đèo.

Ngày thơ xuân năm ấy Phạm Xuân Trường trình bày bài mỗi bài Chôn dọc . Kể cũng có vương chút ngại ngần cho người hay kiêng kị vì đang tiết xuân sang hoa nở, nụ lộc tưng bừng. Nhưng sau khi Phạm xuân Trường đọc thơ xong bước ra khỏi hội trường thì chao ơi không thể đếm xuể bao nhiêu người yêu thơ vây quanh ông xin bản thảo bài Chôn dọc. Có lẽ bài thơ đã đánh thức, khía khắc, gửi thác được cảm xúc thông điệp của nhà thơ tới tâm hồn lòng dạ người nghe nên mới khiến cho họ hứng khởi, cuồng nhiệt thế. Cuối cùng thì “ diễn giả thơ” Phạm Xuân Trường phải nhờ máy phô tô nhân bản mới đủ đáp lại mối cảm tình của “ cử tọa mê thơ” dành cho ông.

Nguyên văn bài thơ Chôn dọc như sau:

“ Bố chết con đừng chôn ngang/ Bây giờ tấc đất tấc vàng con ơi! Ngửa mặt nhìn chỉ thấy trời/ Chôn dọc cho bố nhìn đời thẳng cong/ Để mà thấu rõ đục trong/ Biết ai gan ruột thật lòng với ai/ Và ai trong cuộc đứng ngoài/ Lựa màu gió thổi đậm, phai sắc hồng/ Ai về sau bão sau giông/ Những hòn máu đỏ nuôi không thành người/ Ai từ muôn dặm trùng khơi/ Trở về ban phát nụ cười cho quê/ Kìa ai nưa tỉnh nửa mê/ Trắng tay còn một câu thề chặt đôi/ Đất đai giờ đã lên ngôi/ Tình người đồng kẽm buông xuôi giữa đời/ Đất đai đã hóa vàng mười/ Chôn ngang tốn đất cho người chết sau/ Sống thì làm khổ lẫn nhau/ Bố không mong có kiếp sau luân hồi”.

Trong gia tài thơ của Phạm Xuân Trường kể đến tháng năm này có thể nói đã đủ đầy đặn phong phú lắm rồi. Nghe nói ông bén duyên thơ, rồi cầm bút làm thơ đâu mới chỉ hơn hai mươi năm mà giờ đã có hai tập thơ in chung, và bốn tập đứng riêng tên mình, đủ thấy nhà thơ là một người có năng lực lao động thật đáng nể. Người viết tôi nghĩ dù có phẩm bình, kể dẫn thêm ra đây bao nhiêu dòng thơ nữa cũng là không hết được. Bởi nhà thơ ngót nghét thất thập mùa xuân này xem ra vẫn còn sung sức say mê đắm đuối với thơ ghê lắm. Cũng chưa biết đến khi nào ông mới chịu gác bút, nằm ngửa ngắm trăng đếm sao nhàn tản tuổi già.

Tham vọng của người viết bài này thì nhiều lắm, nhưng tôi xin phép chỉ tóm lược, lựa chép ít dòng tác phẩm của nhà thơ chuyển đến bạn đọc cùng chia sẻ. Và tôi cũng mạo muội cho đó là những thi phẩm có thể phản ánh, phản chiếu được phần nào bản ngã, phẩm chất, gu tạng, tấm lòng, thành tựu của nhà thơ Phạm Xuân Trường góp vào thi đàn Việt trong những tháng năm đã qua của đời ông.

Vài dòng vĩ thanh thay cho lời kết.

Nhà thơ Phạm Xuân Trường và tôi cùng sống làm việc ở Hải Phòng. Ông an cư trong nội đô, còn tôi trú ngụ mãi nơi gà gáy, cóc nghiến răng nơi vùng ngoại ô xa ngái. Thành ra chúng tôi chưa có dịp cùng ăn,cùng ở cùng làm việc dài ngày ở đâu đó để dốc bầu tâm sự, hiểu được chân tơ cái nết tật của đời nhau.

Cổ nhân hay ai đó nói rằng có duyên giời. Hai con người đồng giới hay trái dấu gặp nhau, từ sơ đến thân, rồi đến chỗ thâm tình đều nhờ vịn tới duyên giời định đoạt cả. Đúng được bao nhiêu cái tỉ lệ phần trăm về cái vụ duyên giời chẳng biết, nhưng đúng vào kỳ giữa hạ nắng lửa kinh người vừa rồi tôi với nhà thơ Phạm Xuân Trường cùng được Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng cử đi dự trại sáng tác văn học nghệ thuật của Ủy Ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức trên Miền Tây Bắc.

Tây Bắc mùa hè thường nóng hơn dưới vùng đồng bằng Bắc bộ. Nhưng ông giời lại ưu ái cho miền cao nguyên sơn cước này vài nơi mát mẻ, đặc biệt là danh thắng Sa Pa tỉnh Lào Cai và thung lũng Mộc Châu tỉnh Sơn La.

Trại sáng tác đặt ở nhà khách Công Đoàn thị trấn Mộc Châu tỉnh Sơn La. Khí hậu Mộc Châu dìu dịu mát mẻ như tiết đang thu. Tôi với nhà thơ Phạm Xuân Trường được xếp ở cùng phòng. Không gian quanh bản doanh trại sáng tác trùng điệp núi rừng xanh ngát. Tiết trời Mộc Châu lành lạnh hơi may đúng là có giúp cho những người đang ấp ủ ý tưởng sáng tác dễ “ gọi cảm hứng về”.*

Mười ngày ở trại sáng tác, chúng tôi cũng ít đi du khảo thăm thú nơi này chỗ kia, mà hầu như toàn nhốt mình trong phòng ngồi hành xác trước trang giấy trắng. Nhiều lúc lòng dạ tôi ngợp đi, đầu óc nóng ngút mà chẳng viết được mấy chữ ra hồn. Nhìn sang bàn bên kia, nhà thơ Phạm Xuân Trường, tay cầm bút đang viết lia lịa trên mặt giấy. Trên môi ông, vắt vẻo điếu thuốc lá lúc nào cũng ngún cháy đỏ lừ. Nom hình hài dung mạo ông khi ấy chắc cảm xúc đang hồi dâng trào không thể đặng đừng thong thả được thì phải.

Nhưng tôi để ý mười ngày ngồi trại, nhà thơ Phạm Xuân Trường hay cặm cụi làm việc về đêm hơn. Buổi tối cơm xong, ông với tôi uống vài ly trà gẫu chuyện giời chuyện bể. Chín mười giờ cả hai cùng tắt “ vơ lum”, trật tự nghỉ ngơi. Tôi đọc sách, còn Phạm Xuân Trường đo giường, tay vắt trán mơ thiếp hay ngủ say, hay nghĩ ngợi chi chi tôi chẳng biết. Rồi đều đặn hôm nào cũng vào tầm một, hai giờ sáng ông khẽ khàng trở dậy xách chiếc ghế tựa ra hành lang ngồi đợi ý tứ, chữ nghĩa, vần điệu kéo về chép vào quyển sổ tay.

Có đêm tôi giật mình thức giấc thấy mất ông, tôi ra bảo ông vào nhà nhỡ gió máy sương sa nó quật. Ông bảo mình đốt thuốc như đống rấm, trong nhà khói nó úm đằng ấy chịu không thấu đâu, kệ mình. Và với thời gian, tần suất làm việc như thợ vật đất đấu như thế, hôm tổng kết trại tôi kinh hoàng thấy Phạm xuân Trường ghim bài, nộp quyển cho ban tổ chức hẳn 9 bài thơ mới viết. Tất cả là tác phẩm tươi ròng được nhà thơ viết ra bằng cảm xúc vừa trải nghiệm nơi núi rừng, đất và người miền Tây Bắc.

Sau lễ tổng kết rất nhiều bạn viết các tỉnh cùng dự trại tìm gặp Phạm Xuân Trường xin những bài thơ của ông làm kỷ niệm.

Mười ngày, sống làm việc chuyện trò cùng Phạm Xuân Trường tôi hiểu thêm cái nết tật của ông. Ông là người có chút tiếng tăm, nhưng ông bảo ông chỉ là người yêu thơ. Ông sợ nhất ai gọi mình là thi sĩ. Tôi tin là ông nói thật từ đáy lòng mình. Để ý những lần giao lưu hay đăng đàn giữa đám đông, đúng là ông không bao giờ đóng vai hay dậm chân vỗ ngực. Ông cũng không làm vẻ mặc tưởng, trầm tư, lung liêng sắm vai người giời. Cái nết ông cũng là cái tật của ông là yêu ghét rạch ròi. Ông nói năng thường thẳng tưng chính kiến, tuyệt nhiên không có chỗ núp cho những lời lẽ trung dung, lờ lờ nước hến. Vì thế nên ông cũng dễ làm lòng người ta chênh mếch . Nhưng quả quyết rằng ông là người nhân hậu, nhiệt tâm, tận hiến trí lực cho cuộc đời và cho thơ ca.

Thiết nghĩ, con người chỉ một phẩm chất rạch ròi, quang minh, chính trực, dám đối mặt với phải trái, trắng đen nơi cuộc đời của nhà thơ Phạm Xuân Trường đã là đức tính rất đáng trân trọng lắm rồi./.

Kiến An, Ngày cuối thu, 2015.

Vũ Quốc Văn