Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẠI SAO TRUYỆN NGÔN TÌNH ĐƯỢC YÊU THÍCH?

Nguyễn Hoàng Dương
Thứ sáu ngày 13 tháng 1 năm 2017 8:56 AM


11902228_913263168744838_5490113866258743775_n

Trong khoảng 10 năm gần đây, tiểu thuyết ngôn tình nổi lên ở Việt Nam như một hiện tượng thu hút đông đảo lượng người quan tâm, từ những người nghiên cứu chuyên nghiệp cho đến các bạn đọc đại chúng. Tiểu thuyết ngôn tình trở thành tâm điểm của nhiều cuộc tranh cãi về văn chương, về tình yêu, về cuộc sống và về ti tỉ các thứ liên quan khác. Mặc dù có kẻ khen hết lời, người chê thậm tệ, song chúng ta không thể phủ nhận được một thực tế: Ngôn tình vẫn đang ngày càng được các thế hệ độc giả khác nhau ưa thích. Vậy nguyên nhân là do đâu?

  1. Ngôn tình là gì?

Để hiểu được tại sao truyện ngôn tình được rất nhiều người yêu thích, trước hết cần hiểu “ngôn tình” là gì.

Khái niệm “ngôn tình” xuất phát từ những năm đầu thế kỉ XXI trên các trang văn học mạng Trung Quốc. Cắt nghĩa ra, “ngôn tình” có nghĩa là “kể lại câu chuyện về các mối tình”. Trên thực tế, “ngôn tình” không phải thể loại quá mới mẻ, mà thực chất chính là tiểu thuyết tình cảm được khoác lên mình một cái tên khác, nghe có vẻ mượt mà, êm ái hơn. Ở phương Tây, chúng ta từng biết đến các cuốn “ngôn tình” nổi tiếng như Jane Eyre, Tiếng chim hót trong bụi mận gai hay Kiêu hãnh và định kiến, Nếu em không phải một giấc mơ,… thì sang thế giới văn chương phương Đông, bạn đọc cũng không hề xa lạ trước những Tây sương kí, Kim Bình Mai hoặc các cuốn tiểu thuyết tình cảm sướt mướt của Quỳnh Dao từng một thời làm mưa làm gió ở thị trường Việt Nam nhưDòng sông ly biệt, Em là cánh hoa rơi,… Thậm chí, ngay cả các tác phẩm kinh điển của Việt Nam thời 30-45 như “Tố Tâm”,”Tuyết hồng lệ sử”, “Lan Hữu”,”Hồn bướm mơ tiên”… đều là các truyện tâm lý tình cảm.

Phải đặt trong bức tranh toàn cảnh như vậy mới thấy, hóa ra truyện ngôn tình chính là các truyện tâm lý tình cảm mà thời nào cũng có bạn đọc thích thú. Đến đây, chắc chúng ta cũng phần nào lí giải được (hay thấu hiểu được) vì sao truyện ngôn tình lại được yêu thích.

  1. Tại sao các tiểu thuyết tình cảm lại được yêu thích?

Thời phong kiến, các ràng buộc, giáo lý hà khắc ngăn cấm sự bộc lộ và phát triển của tình yêu đôi lứa. Người ta yêu mà không được thổ lộ, lại phải tuân thủ theo lề luật đạo đức “nam nữ thụ thụ bất thân”; thậm chí còn có vô vàn rào cản ngăn cách tình yêu của con người. Tiểu thuyết tình cảm ra đời để thể hiện cho tiếng nói cá nhân phản kháng lại sự trói buộc ấy. Các vấn đề về tình yêu, cảm xúc,… là những yếu tố mang đậm tính cá nhân, cho phép người ta trải nghiệm các tưởng tượng mà trong đó cảm xúc của cá nhân đồng nhất với cảm xúc của nhân vật (dù có thể cá nhân đó chưa hề được trải nghiệm cảm xúc đó trên thực tế). Có thể chính vì trong tình trạng bị ngăn cấm ấy mà các truyện tình lưu hành trong xã hội phong kiến ngày càng nhiều lên, nhưng quanh đi quẩn lại vẫn chỉ gói gọn trong một vài motif chính: Trai anh hùng – Gái thuyền quyên, Nho sinh – Hồ ly, Kiếm sĩ – Kĩ nữ, hoặc đơn giản hơn là motif trai tài – gái sắc, mà quen thuộc nhất đối với chúng ta chính là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và một vài câu chuyện trong Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh.

Đến thời hiện đại, khi các mối quan hệ mở cửa, con người được tự do thể hiện tình cảm, thoải mái trong yêu đương, trong cuộc sống, giới trẻ (đặc biệt là phụ nữ) vẫn thích tìm đến ngôn tình hay tiểu thuyết tình cảm là bởi vì ảnh hưởng của hiệu ứng Pygmalion.

Con người, dù là trong thời đại nào đi nữa, cũng vẫn thường đói khát thứ hoàn hảo: Người tình hoàn hảo, khoảnh khắc hoàn hảo, kết thúc hoàn hảo,… Đây là những điều ở thực tế không thể kiếm được do bị các ham muốn tầm thường như cơm áo gạo tiền chi phối. Trong giới đọc ngôn tình lâu năm, ai lại không từng mong sẽ gặp được một Hà Dĩ Thâm, ai lại không từng mơ ước sẽ có những năm tháng thanh xuân như của Trịnh Vi hoặc Triệu Mặc Sênh, và ai lại không từng một lòng hướng về người đàn ông đặc biệt như Dương Lam Hàng? Xa hơn, ngày bé, trong chúng ta có ai không mong mình sẽ có một mối tình đẹp như của Tiểu Yến Tử và Ngũ A Ca? Kể cả trong văn chương phương Tây, hãy nhìn Cha Ralph để thấy cả một hình mẫu thầy tu phá giới từng một thời làm mưa làm gió trên các diễn đàn bình luận, nhìn Mr. Darcy để rồi ngất ngây trước vẻ lạnh lung kiêu hãnh nhưng sở hữu tình cảm vô cùng mãnh liệt,… Và trong thực tế, những kết thúc buồn cũng có thể trở thành motif dễ dàng được đón nhận. Người ta chấp nhận cái kết buồn vì trong cái buồn ấy là sự nuối tiếc cái hoàn hảo đã mất đi. Đó là khi Mạc Úc Hoa vĩnh viễn không thể chạm đến mối tình đeo đuổi suốt từ thời còn đi học trong câu chuyện của Tân Di Ổ, đó cũng là khi hai nhân vật trong Bến xe không bao giờ đến được với nhau, và là khi Tôn Gia Ngộ mỉm cười chúc phúc: “Cô gái của tôi, chúc em một đời bình an vui vẻ”. Sự hoàn hảo ấy mất đi, nhưng nó vẫn còn lại dư âm ở vẻ đẹp của câu chuyện tình, và lại gián tiếp tạo ra một loạt những ảo tưởng khác về hiện thực, dù rằng ảo tưởng ấy không mấy vui vẻ.

  1. Tác động của tiểu thuyết tình cảm đến tâm trí

Đọc nhiều truyện ngôn tình, độc giả nào cũng sẽ ít nhiều bị truyện ngôn tình tác động ngược trở lại, từ đó chi phối đến các hình mẫu, gu thẩm mĩ và cách tư duy của mỗi người.

Từ các mẫu nhân vật, mẫu quan hệ được đề cập đến có thể hình thành các hình mẫu với người đọc, khiến người đọc chọn làm tiêu chuẩn hoặc lối sống. Khi Bên nhau trọn đời được xuất bản tại Việt Nam, Hà Dĩ Thâm trở thành người yêu lí tưởng trong lòng vạn cô thiếu nữ. Hoặc để trở thành soái ca ngôn tình cực đoan, các chàng trai buộc phải tỏ ra lạnh lùng, lãnh đạm, nhưng thực chất là “ngoài lạnh trong nóng” . Với Bất phụ Như Lai, bất phụ khanh, Chương Xuân Di đã đặt ra một cuộc tranh luận về đạo và đời, tu và tục, liệu rằng ái tình có ngăn cản đời tu hành của kẻ xuất gia? Để rồi theo cách lí giải của cô, người đọc lại tìm được trong đó giải pháp để “không phụ Như Lai, chẳng phụ nàng”.

Gu thẩm mĩ của mỗi người cũng bị tác động thông qua thói quen của nhân vật mà họ yêu thích. Sở thích hoặc thói quen của nhân vật đó có thể khiến độc giả thích thú, muốn tìm hiểu, dần dần đồng nhất với sở thích của chính bản thân trong thực tế. Cách hành xử của Triệu Mặc Sênh và nghề nghiệp của cô đã thôi thúc biết bao người con gái cầm máy lên theo đuổi sự nghiệp chụp ảnh, mà khởi đầu sẽ là chụp ảnh chàng trai trong mộng của mình.

Không chỉ vậy, cách kể chuyện, bố cục cuốn sách, cách dùng từ đều có ảnh hưởng đến tư duy của người đọc. Bố cục truyện ảnh hưởng đến cách ta nhận thức về thực tại (truyện đơn tuyến khiến ta có tư duy trình tự, đa tuyến khiến ta nhận thức thực tại là đa chiều và đồng hiện). Cách kể chuyện còn tác động đến lập luận của chúng ta. Từ ngữ trong các sách truyện tình cảm cũng bổ sung thêm cho chúng ta một lượng từ vựng phong phú khác. Chẳng hạn, đọc Hoa Thiên Cốt, Tru Tiên hay Hương mật tựa khói sương,… vốn từ thuộc trường từ thần tiên, tiên hiệp của người đọc sẽ tăng lên đáng kể.

Tiểu thuyết tình cảm được công chúng đón nhận một cách vô cùng hào hứng, đặc biệt là tiểu thuyết xuất phát từ Trung Quốc. Trên thực tế, người ta thích đọc truyện tình cảm không phải chỉ vì đó là thể loại dễ đọc nhất, mà còn vì có những người muốn được giải tỏa tâm lí thông qua đọc truyện. Thế nhưng, khi đọc một quyển sách hay một tập thơ nào đó, bất luận các bạn có nghiên cứu nó hay chỉ để đọc cho vui, thì lượng thông tin trong tác phẩm vẫn được đẩy về phía bạn thường xuyên, và dù muốn hay không, bạn vẫn ít nhiều chịu sự tác động của tiểu thuyết tình cảm. Do khi đọc tiểu thuyết tình cảm, chúng ta thụ động tiếp nhận một cách vui vẻ, nên tất cả các yếu tố này đều đi vào tiềm thức của chúng ta. Tiềm thức chính là thứ không hiển lộ nhưng lại chi phối hành vi và suy nghĩ của mỗi người. Vì vậy, việc chọn lựa ngôn tình sao cho có ích là một điều vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh đang có rất nhiều truyện ngôn tình biến tướng tràn ngập trên các tiệm sách hiện nay.

Nguyễn Hoàng Dương

Nguồn: bookhunter