Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LẠI CHUYỆN AI "THUỔM" THƠ AI ?

Xuân Thanh
Thứ hai ngày 26 tháng 9 năm 2016 11:07 AM





Sau đổi mới, đới sống nâng cao, trên khắp đất nước ta việc làm và in thơ đã trở thành phong trào quần chúng. Có thể nói mỗi người Việt Nam là một nhà thơ. Chỉ có điều lúc nào ở mỗi người thơ phát tiết ra mà thôi. Điều này cho thấy lời nhận xét của Ngô Thì Nhậm "Nước ta là một nước thơ" cách đây mấy trăm năm vô cùng chính xác. Có lý.

Dân tộc Việt Nam ta là dân tộc thơ. Người người làm thơ là điều đáng mừng. Khi người người làm thơ thì không tránh khỏi sự hạn chế về khả năng sáng tác của một số người làm thơ. Điều đó chẳng sao miễn là họ có khả năng đến đâu thì làm thơ đến đó. Cái đáng tiếc, đáng nói là trong số đó có người háo danh, muốn nổi tiếng nên xảy ra chuyện lùm sùm "thuổm', "đạo" thơ của người khác đưa vào tác phẩm của mình để xuất bản tặng bạn bè. Thậm chí còn "đạo" thơ để dự thi như như báo Quảng Ninh số ngày chủ nhật 8-6-2016 đưa tin "Lại phát hiện chuyện đạo thơ giải thơ Lê Thánh Tông" ở Quảng Ninh gần đây. Hoặc tầy đình hơn nữa là chuyện "đạo" thơ của Phan Huyền Thư làm sôi sục báo chí và dân mạng vừa qua.

Vì chuyện đạo thơ tùm lum này mà ở các câu lạc bộ thơ có thành viên nào đọc bài thơ kha khá một tí là bị nghi đạo thơ xuất bản miệng. Như vậy môi trường văn thơ của chúng ta bi ô nhiễm, bị vẩn đục, nghi ngờ nhau vì có một số kẻ đạo thơ. Các cụ nói không sai "Con sâu làm rầu nồi canh".

Tôi tin rằng mọi người cầm bút cũng như tôi đều mong muốn có môi trường trong sạch cho nền văn chương của chúng ta. Chính vì mong muốn đó tôi mạnh dạn nêu ra những sự kiện sau đây.

Tôi có trong tay tập thơ "Phận đời" (Tập 1) của Nguyễn Mạnh Hùng được NXB Văn Học ấn hành quý II năm 2016, có bút danh Đoản Thi, sinh năm 1942. Phó chủ nhiệm CLB thơ Lục bát Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. (Vừa được kết nạp cuối năm 2015). (Ảnh 1)

Trước đó Nguyễn Mạnh Hùng đã ra mắt hai tập thơ Lều đời (NXB HNV 2009), Trăng lặn (NXB Văn Học 2012). Trong 3 năm ra hai tập thơ khiến ta phải nể về sức viết của Nguyễn Mạnh Hùng.

Phận đời (Tập 1) là tập thứ ba của ông. Trong tập có bài "Lục bát xót xa" (trang 56). Đây là bài thơ khá nhất trong tập thơ. Văn phong khác hẳn các bài khác trong tập. Khi đọc tôi giật mình thấy quen quen. Như gặp người yêu cũ thời trai trẻ.

Bài thơ không ghi năm sáng tác. Nhiều bạn đọc xì xào bài thơ này hình như giông giống bài thơ của một nhà thơ ở Kinh Bắc.

Tôi bèn tìm gặp nhà thơ Phúc Toản ở Dương Lôi, Tân Hồng Từ Sơn, Bắc Ninh. Tôi khoe sáng tác được bài thơ đọc ông nghe bốn câu:

Nào đâu đã phải của nhau

Vô duyên! Tình cứ bám sâu tận lòng

Xa thì nhớ, vắng thì mong

Gần nhau cay đắng tan trong ngọt ngào

Nghe xong Phúc Toản bảo 'Sao ông sửa hai câu thơ tôi?". Tôi hỏi: "Sao ông nói thế?". Phúc Toản nói "Đây là bốn câu đầu trong bài Lục bát bâng khuâng. Tôi sáng tác năm 2001 đã được nhiều báo, tạp chí và tuyển tập trong tỉnh và ngoài tỉnh cả nước đăng tải rải rác suốt từ năm 2002 đến năm 2015".

Để chứng minh, Phúc Toản đưa tôi cuốn sổ ghi lại các bài báo, bài thơ của ông được đăng tải theo từng năm. Bài thơ "Lục bát bâng khuâng" được đăng lần đầu tiên trên báo Văn Nghệ Vĩnh Phúc số tháng 11- 2002 và lần cuối gần đây là tập san Bắc Ninh số tháng 5 - 2015.

Tôi thống kê từ 2002 đến 2015 đã có 8 Tuyển tập thơ, 8 tạp chi và 9 tờ báo đã đăng bài thơ "Lục bát bâng khuâng". (Tôi gửi bản thống kê đến tòa soạn báo để kiểm chứng). Tổng cộng 25 tờ báo, tạp chí và tập san đăng tải bài thơ trên trong vòng 13 năm.

Sau đó chả cần giở sách. Phúc Toản đọc rành mạch cả bài thơ.

Lục bát bâng khuâng

Biết rằng chẳng phải của nhau

Mà tình bám rễ ăn sâu cõi lòng

Xa thì nhớ, vắng thì mong

Gần nhau, cay đắng tan trong ngọt ngào...

Biết rằng chẳng phải của nhau

Mà hờn, mà dỗi ra mầu... ghen tuông!

Xa rồi... hết giận, lại thương

Cô đơn xô lệch nửa giường quặn đau...

Biết rằng chẳng phải của nhau

"Dưng mà..." cái mối tình đàu khó quên!

Nằm trong chăn ấm đệm êm

Vẫn nghe vi vút những đêm gió đồng...

Để khẳng định bài thơ đó là của mình, Phúc Toản đưa tôi 2 tập bản thảo thơ gốc gửi nhà xuất bản Hội Nhà Văn duyệt in. Tập Hoàng hôn xanh viết tay ghi năm 2003. Tập Thơ tình quan họ vi tính ghi năm 2004. Trang nào trong hai tập bản gốc đó cũng có chữ ký của ông Nguyễn Phan Hách (Chịu trách nhiệm xuất bản) và ông Ngô Văn Phú (Biên tập) của NXB HNV thời đó. Trong hai tập bản gốc trên đều có bài Lục bát bâng khuâng (Xem ảnh số 2 bản viết tay bút tích của Phúc Toản )

Lúc đó tôi mới đưa Phúc Toản xem tập thơ Phận đời (Tập 1) của Nguyễn Mạnh Hùng (XB 2016). Có bài Lục bát xót xa (Trang 56).

Lục bát xót xa

Nào đâu đã phải của nhau

Vô duyên! Tình cứ bám sâu tận lòng

Xa thì nhớ, vắng thì mong

Gần nhau cay đắng tan trong ngọt ngào

Nào đâu đã phải của nhau

Vô duyên! Thề thốt nát nhàu gió sương

Để rồi mắc nợ vấn vương

Đêm đêm xô lệch nửa giường quặn đau.

Nào đâu đã phải của nhau

Vô duyên! Mơ tưởng tình đầu khó quên

Nằm trong chăn ấm đệm êm

Vẳng nghe vi vút những đêm gió dồng

( Dưới bài thơ không ghi năm sáng tác. Những chữ viết nghiêng đậm là chữ khác với chữ trong bài Lục bát bâng khuâng".

Chúng ta biết Nguyễn Mạnh Hùng còn có hai tập thơ xuất bản trước đây. Tập Lều đời (NXB HNV 2009). Tập này nhà Thơ Phúc Toản viết lời giới thiệu. Và được tặng một cuốn. Tập Trăng Lặn (NXB VH 2012). Trong tập Trăng lặn có bài Xót xa lục bát (trang 24). Phúc Toản không được tặng tập nào, Xin chép nguyên văn bài thơ:

Xót xa lục bát.

Em ơi! Chẳng phải của nhau

Mà tình bám rễ ăn sâu cõi lòng

Xa thì nhớ, vắng thì mong

Gần nhau cay đắng tan trong ngọt ngào

Em ơi! Chẳng phải của nhau

Mà thương mà nhớ nát nhàu gió sương

Hiểu rồi hết giận lại thương

Cô đơn xô lệch nửa giường quặn đau.

Em ơi! Chẳng phải của nhau

Cứ mơ tưởng - mối tình đầu khó quên

Nằm trong chăn ấm đệm êm

Vẳng nghe vi vút những đêm gió đồng

11/2011

Qua đây ta dễ nhận thấy bài thơ Xót xa lục bát, sau đổi là Lục bát xót xa và có sửa chữa được Nguyễn Mạnh Hùng sáng tác vào năm 2011 Nghĩa là ra đời sau Lục bát bâng khuâng (2001) của Phúc Toản mười năm.

Nghe nói Nguyễn Mạnh Hùng đứng tên mình vào bài thơ trên đi "cưa" chủ nhiệm CLB thơ Đường luật Long Biên (Quận Long Biên Hà Nội). Theo tôi việc này không lạ. Vì trước đây lớp trẻ đã bao người lấy thơ tình Xuân Diệu để cưa gái. Có lẽ vì thế Nguyễn Mạnh Hùng đã đổi một số từ như viết đậm và nghiêng như trên.

Lại chuyện thât mà như đùa. Sau khi vào Hội Nhà Văn Hà nội (cuối 2015) và ra tập thơ Phận đời (Tập 1) quý II 2016, Nguyễn Mạnh Hùng mang tác phẩm của mình đến CLB thơ Cung Văn hóa Việt Xô nơi ông từng làm phó chủ nhiệm tặng. Chẳng hiểu sao mọi người gom lại giao cho bà chủ nhiệm CLB mang về trả lại tác giả.

Với bài viết này tôi chỉ là người cung cấp thông tin tới bạn đọc. Tôi không dám kết luận Nhà thơ Phúc Toản đạo thơ của nhà thơ Nguyễn Mạnh Hùng hay ngược lại. Kết luận này tôi xin nhường cho bạn đọc phán xét và cho tòa án lương tâm của hai nhà thơ: - Một là hội viên của Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh. Một là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội -đều là những nhà thơ thành danh, đáng kính tự xét và có cách ứng xử hợp đạo lý với bạn đọc.

Để rộng đường phán xét, tôi xin chụp lại bài thơ Hạt cốm của Nguyễn Mạnh Hùng trong tập Trăng Lặn (ảnh 3) và bài thơ Giao mùa của Phúc Toản trong tập Thơ tình Quan họ, có bút tích ký duyệt in của hai cán bộ NXB HNV. (Ảnh 4) để bạn đọc tham khảo. Xem thêm.

*

Thời gian qua giới cầm bút, các nhà văn, nhà thơ phản ứng rất mạnh về chuyện Phan Huyền Thư đạo thơ của Phan Ngọc Thường Đoan. Như:

- Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói "Chả nhà thơ nào cho phép cầm nhầm thơ của người khác. Đó là đạo đức tối thiểu của người sáng tác".

- Nhà văn Võ thị Hảo gay gắt hơn "Nếu anh không viết được văn thì anh có thể về đi cày bừa, làm thuê cuốc mướn, hoặc anh có thể làm nghề nghiệp sang trọng nào khác. Chứ lôi văn chương ra dể đạo, để tiến thân bằng con đường văn chương quả thật là nguy hiểm... Khi anh đạo văn trắng trợn để đi vào nghề viết đó là sự thiệt hại cho bạn đọc".

- Nhà thơ Phạm Xuân Nguyên (chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội) -người cách đây mấy tháng (Cuối năm 2015) ký quyết định kết nạp nhà thơ Nguyễn Mạnh Hùng vào Hội Nhà văn Hà Nội- đã thẳng thắn với những người đạo thơ: "Nếu phát hiện ai đó đạo thơ có thể cấm xuất bản từ 5 đến 10 năm. Và bỏ tù là hình phạt rất lớn".

*

Xin lỗi bạn đọc. Tôi đã làm mất thời gian vàng ngọc của các bạn. Nhưng mọi người trong chúng ta đều muôn sống trong bầu không khí trong lành, không có kẻ đạo chích, chắc chẳng ai trách tôi về tội dài dòng náy. Tôi xin kết thúc bài viết ở đây. Một lần nữa tôi xin phép nhắc lại, tôi chỉ là người chuyển đến bạn đọc những tư liệu, những thông tin mà tôi biết để bạn đọc và hai nhà thơ trả lời câu hỏi ở đầu bài và khẳng định ai đạo thơ ai giúp tôi. Xin cảm ơn các bạn.

Hà Nội ngày 23 - 7 - 2016

XUÂN THANH


Ảnh 1

Ảnh 2: Bút tích của Phúc Toản

trong tập Hoàng hôn xanh

Ảnh 3: Trong tập Trăng lặn

Ảnh 4: Trong tập Thơ tình quan họ của Phúc Toản

BẢN THỐNG KÊ

Các báo, tạp chí in bài thơ Lục bát bâng khuâng

01 Văn nghệ Vĩnh Phúc 11 - 2002

02 Hương Ngoại Ô (Số Tết) 2004

03 Báo Dường Sắt Việt Nam 8 - 7 - 2004

04 Hoa Nắng Sài Gòn 7 - 2005

05 Tuyển tập Hoa Nắng Vườn Cau (NXB HNV) 2005

06 Tuyên tập Những Nẻo Tình Thơ (TP HCM ) 2005

07 Tạp chí Tản Viên Sơn 2006

08 Văn Nghệ Kiên Giang (Số 69) 2006

09 Tạp chí VN Cửa Việt (Số 145) (Qungr Trị) 10 - 2006

10 Báo Thừa Thiên Huế 16 - 12 - 2006

11 Báo Đà Nẵng (Số tết) 2007

12 TT thơ Suối Nguồn Tươi Mát (NXB Thanh niên) 2007

13 TT thơ Thương (TP HCM) 2007

14 Tạp chí CHƯ ZANG SIN (Đác Lắc) 10 - 2007

15 TT Văn Thơ Kỷ Niệm (NXB Thanh niên) 2008

16 TT Những Hạt Phù Sa (NXB VHDT) 01- 2009

17 999 tác giả thơ Việt Nam Dương Đại (Hội NV) 01 - 2010

18 Báo Người Hà Nội 08 - 2011

19 Tạp chí Xây Dựng Đới Sống Văn Hóa (Bộ VH) 11 - 2011

20 Văn Nghệ Ninh Thuận (Số tháng 5 tháng 6) 2011

21 Tập thơ Như Nguyệt (NXB VHDT) 01 - 2013

22 TT Miền Quan Họ (Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh) 2013

23 Báo Văn Nghệ Ninh Thuận (Số tết) 2014

24 Báo Thái Nguyên (Số tết) 2015

25 Tạp chí Bắc Ninh 05 - 2015