Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐƠN VỊ TỪ TRONG TIẾNG VIỆT

Nguyễn Ngọc Kiên
Thứ sáu ngày 26 tháng 8 năm 2016 3:29 PM
1. Thế nào là đơn vị từ
Đơn vị từ là từ biểu thị đơn vị số lượng sự vật; trong đoản ngữ danh từ khi có số từ kết hợp với danh từ (gọi là danh trung tâm) phải thông qua đơn vị từ, trừ những danh từ có tính chất như đơn vị từ.
Về tên gọi, trong từ điển tiếng Việt, do Hoàng Phê chủ biên, vẫn gọi là danh từ. Tác giả Nguyễn Hoàng Anh [1] gọi là “đơn vị từ”. Các GS Nguyễn Tài Cẩn [2], Đinh Văn Đức [3] thì gọi là “loại từ”. Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học cũng gọi là “loại từ” và giải thích:
“Các từ hư hóa về ý nghĩa từ vựng ở mức độ khác nhau có tác dụng xác định sự vật do danh từ biểu thị hoặc xác định sự phụ thuộc của một đơn vị từ vựng vào phạm trù từ loại danh từ còn gọi là danh từ loại thể. Ví dụ: cái, con, chiếc,tấm, bức, nỗi, niềm, việc, cuộc.”
[10, tr. 133]
Chúng tôi thấy rằng, vì đặc điểm ngữ pháp, cần tách chúng ra khỏi danh từ để phân loại và theo cách gọi của Nguyễn Hoàng Anh với hàm ý là đơn vị cân, đong, đo, đếm và phân loại danh từ.
2 . Cách sử dụng đơn vị từ
Đối với người nước ngoài học tiếng Việt, đơn vị từ là vấn đề hết sức phức tạp và nan giải. Tuy không cùng nguồn gốc nhưng tiếng Việt cũng như tiếng Hán đều là những ngôn ngữ đơn lập phân tích tính. Đơn vị từ xúất hiện trong tiếng Việt, tương tự lượng từ (liàng cí) tiếng Hán, là từ kết hợp với danh từ trước khi nó kết hợp với đại từ nghi vấn hoặc số từ; hoặc khi nó kết hợp với các từ một ít / một số. Chẳng hạn ta nói: hai quyển sách, mà không nói: hai sách.
Đơn từ tiếng Việt là loại từ rất đặc biệt. Nó khác với trong tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Nga. Chẳng hạn trong tiếng Anh nếu nói: 5 books / 6 houses thì người Việt phải nói: 5 quyển sách / 6 ngôi nhà. Hoặc khi người Anh nói 7 kg of rice thì người Viết nói: bảy kg gạo.
Danh từ tiếng Việt không có số như trong các ngôn ngữ biến hình như tiếng Anh, tiếng Pháp. Nhưng đối với những vật / người có thể đếm được, khi hỏi về số lượng nhỏ hơn mười ta dùng đại từ mấy và bắt buộc có đơn vị từ đi kèm; còn khi hỏi số lượng lớn hơn mười ta dùng bao nhiêu và có thể có đơn vị từ hoặc không. Chẳng hạn, ta nói: Cậu có mấy quyển sách ?
mà không nói:
Cậu có mấy sách?
Nhưng lại có thể nói:
Cậu có bao nhiêu (quyển) sách?
Ta cũng có thể nói: một ít (quyển) sách / một số (quyển) sách.
Nhưng có thể nói:
Cậu uống bao nhiêu bia?
mà không nói:
Cậu uống mấy bia?
Mô hình đoản ngữ danh từ tiếng Viêt:
Số từ + đơn vị từ + danh từ trung tâm
Mấy + đơn vị từ + danh từ trung tâm
Bao nhiêu +( đơn vị từ )+ danh từ trung tâm
Một số / một ít + (đơn vị từ) + danh từ trung tâm
Chẳng hạn: ba con mèo, sáu cái bàn, ba con bò.
Ta không nói mấy bia? Mà phải nói bao nhiêu bia? Hoặc phải nói: mấy vại bia hoặc bao nhiêu vại bia?
Như vậy, đơn vị từ tiếng Việt là đơn vị đo đếm của danh từ nên nó còn có tác dụng phân loại danh từ. Có nghĩa là, danh từ tiếng Việt có thể được phân loại theo đơn vị từ thích hợp. Tuy nhiên nó lại gây rất nhiều phiền toái cho người nước ngoài mới học tiếng Việt.
Có rất nhiều loại đơn vị từ, tạm chia như sau:
- Đơn vị từ chuyên dụng:
Ví dụ: Một con bò/ một quyển sách / một củ khoai/ hai cuốn từ điển
+ Đơn vị từ cá thể: là những đơn vị từ chỉ cá thể sự vật. Chẳng hạn: một chiếc rổ/ hai con cá, một con bò
+ Đơn vị từ chỉ đôi: là những đơn vị từ chỉ đôi / hai sự vật. Chẳng hạn: một đôi dép / một đôi quần/ một cặp vợ chồng / hai cặp bánh dầy
+ Đơn vị từ tập thể : Là đơn vị từ chỉ nhóm hay nhiều sự vật lớn hơn hoặc bằng ba. Chẳng hạn: một nhóm người / một băng cướp/ một bầy ong/ hai đàn kiến/ một đoàn thủy thủ/ một đội bóng.
+ Đơn vị từ bộ phận: Là những đơn vị từ chỉ một phần trong tổng / toàn thể sự vật. Chẳng hạn: một phần cơm / hai suất kem
+ Đơn vị từ đo lường: Là những đơn vị từ chỉ đơn vị đo lường. Chẳng hạn: hai mét vải / 5 kg gạo / 5 lít xăng
- Đơn vị từ lâm thời: Là những từ mượn danh từ chỉ vật chứa, hoặc từ chỉ bộ phận cơ thể khi sử dụng trong đoản ngữ ta thêm chữ “đầy”. Chẳng hạn: người đầy mồ hôi/ đầu đầy chấy / bàn đầy thức ăn
- Đơn vị từ vay mượn: Là những danh từ vốn trước kia là danh từ đích thực chỉ vật chứa đựng, được mượn làm đơn vị từ. Người ta còn gọi nó là danh từ kiêm loại. Chẳng hạn: một bát cơm / một chén rượu / hai tách cà phê / một xe hàng.
Một vấn đề đặt ra đang gây tranh cãi là: vậy trong đoản ngữ thuộc loại trên con gà thì danh từ trung tâm là phần chính hay đơn vị từ là thành phần chính. Người ta nói tất nhiên “gà” là chính. Nếu gà là chính thì sao khi ra chợ người ta chỉ có thể nói:
Bán cho tôi nửa con
mà không thể nói:
Bán cho tôi nửa gà.
Người ta đi tìm giải pháp trung dung cho vấn đề này nhưng chưa đến hồi ngã ngũ. GS Nguyễn Tài Cẩn nói vui (đại ý): Lúc ngoài chợ thì “con” là chính, lúc ngồi vào mâm thì “gà” là chính.
Đơn vị từ có liên quan đến văn hóa và tri nhận của người Việt. Trong tiếng Việt, cứ cái gì phình to mọc dưới đất thì được tri nhận là “củ”, chẳng hạn “củ lạc” mà đúng ra phải gọi là “quả lạc”. Hoặc “củ cải”, “củ su hào”, “củ cà rốt” mà đúng ra nó là phần thân phình ra dưới / gần đất.
Người Việt cũng dùng “cây” để chỉ vật hình cán dài, chẳng hạn:cây bút/ hai cây súng; “nhánh”, “cành” cho cành cây có hoa, lá, chẳng hạn: một cành đào, hai nhánh hoa mai.
Tiếng Việt dùng “phiến” “tấm” chỉ các vật mỏng và dẹt, chẳng hạn: phiến đá/ tấm gỗ/ phiến gỗ. Người Việt cũng dùng “cuộn” cho những đồ vật có thể cuốn lại. Chẳng hạn: một cuộn giấy / hai cuộn chăn
Người Việt dùng đơn vị từ “nhà” / “vị” chỉ người hoặc nghề nghiệp biểu thị sự tôn trọng: hai nhà khoa học / ba nhà nghiên cứu / hai vị lãnh đạo / các vị bộ trưởng / các vị giám đốc.
Nước Việt từ ngàn xưa đã là một nước nông nghiệp, cư dân sống theo cộng đồng. Con người vốn rất thân thiện, luôn coi trọng tình cảm thân thuộc, gia đình, huyết thống. Trong cách xưng hô của người Việt cũng vậy. Các từ chỉ người và chức vụ trong tiếng Việt nói chung khi ghép với số từ không cần đơn vị từ. Chẳng hạn, có thể nói: ba công nhân / bốn bác sĩ / năm giáo viên. Nhưng người Việt lại nói: ba anh công an / hai thím bộ đội / bốn chú công nhân / ba anh kỹ sư.
Sau đây là một số đơn vị từ điển hình:
- Cái: 1) Từ dùng để chỉ từng vật riêng lẻ thuộc loại vô sinh. Cái bàn này cao / hai cái nhà mới.
2) Từ dùng để chỉ từng cá thể động vật thuộc một số loại thường là nhỏ bé hoặc đã được nhân cách hóa. Con ong / cái kiến.
- Con: 1) Từ dùng để chỉ những đơn vị cá thể động vật. Hai con mèo
2) Từ dùng để chỉ một số vật, thường có đặc điểm hoat động hoặc hình thể giống động vật. Con măt / con tim / con trăng/ con sông / con đường / con dao.
- Chiếc: từ dùng để chỉ từng đơn vị một số đơn vị vốn dùng thành đôi mà tách lẻ ra. Chiếc giày / chiếc đũa.
- Mảnh: 1) phần rất nhỏ của vật nào đó bị chia tách ra. Mảnh giấy / mảnh gương vỡ / mảnh vụn.
2) Từ chỉ đám đất nhỏ hoặc thường coi là nhỏ bé so với vật cùng loại. Mảnh ván / mảnh bằng / mảnh trăng khuya.
- Vầng: từ dùng để chỉ từng đơn vị một số vật hình tròn. Vầng mặt trời / vầng trăng.
Một danh từ tiếng Việt có thể có dùng với nhiều đơn vị từ khác nhau, chẳng hạn:cái / con / chiếc dao. Ngược lại, một đơn vị từ có thể tu sức cho nhiều danh từ khác nhau, chẳng hạn: cái cày, cái cuốc, cái rổ, cái rá,cái giần, cái sàng ...
Trong tiếng Hán có một loại lượng từ chuyên biệt. Tức là có danh từ chỉ đi với một loại lượng từ. Ta tạm gọi đó là lượng từ chuyên biệt. Chẳng hạn, 一匹马 (một con ngựa). Ở đây, 匹 (con) chỉ đi được với 马( ngựa) mà không đi được với con vật khác. Trong tiếng Việt, theo chúng tôi, đơn vị từ như thế có nhưng không nhiều . Vì vậy chúng tôi chủ trương cũng không tách chúng thành loại riêng. Chẳng hạn đơn vị từ “thếp” chỉ đi được với từ “giấy” mà không đi được với các từ khác. Ví dụ: Tôi mua năm thếp giấy. Không nói, thếp vở, thếp sách.
3. Sử dụng đơn vị từ biểu thị tu từ
3.1. Sử dụng đơn vị từ nhân cách hóa
Nhân cách hóa là một biện pháp tu từ lấy vật bao gồm vật thể, động vật, tư tưởng hoặc khái niệm trừu tượng làm cho chúng có diện mạo, cá tính, tính cách, hoặc tình cảm.
Nhân cách hóa là một biến thể của ẩn dụ, trong đó người ta lấy những từ ngữ biểu thị thuộc tính, dấu hiệu của con người để biểu thị thuộc tính, dấu hiệu không phải con người, nhằm làm cho đối tượng được miêu tả trở nên gần gũi dễ hiểu hơn, đồng thời làm cho người nói có khả năng bày tỏ kín đáo tâm tư.
3.1.1. Nhân cách hóa động vật
Như đã nói, nhân cách hóa động vật là làm cho các con vật cũng có tâm tư, tình cảm, suy nghĩ như người.
Chẳng hạn: ông ba mươi / ông voi
Nhân cách hóa được dùng nhiều trong văn chương, nhất là trong thơ ca và chuyện đồng thoại cho thiếu nhi làm cho thế giới trẻ em thêm sinh động. Người ta thường nhân hóa các con vật làm chúng trở nên thân thương như người và gọi chúng là chú chó / chú mèo / chú vịt. Thế giới động vật trong thơ viết cho thiếu nhi của các nhà thơ chuyên viết cho thiếu nhi như Phạm Hổ, Võ Quảng thật sinh động. Chú bò tìm bạn là một ví dụ. Một ví dụ khác:
Lông vàng mát rượi
Mắt đẹp sáng ngời
Ơi! Chú gà ơi!
Ta yêu chú lắm!
(Phạm Hổ)
Trong thơ thiếu nhi của Trần Đăng Khoa cũng rất ấn tượng, sinh động. Hình ảnh bác giun hiện lên như một lão nông cần cù, lam lũ, suốt ngày chỉ biết đến công việc:
Bác giun cuốc đất suốt ngày
Trưa nay chết dưới bóng cay sau nhà.
(Trần Đăng Khoa – Đám ma bác giun)
Hình ảnh chú dế mèn trong Gửi bạn Chi Lê của chú bé Khoa hiện rất ngạo nghễ, oai hùng, bất chấp tất cả nguy hiểm:
Ao trường vẫn nở hoa sen
Bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu.
(Trần Đăng Khoa - Gửi bạn Chi Lê)
Cảnh buổi sáng ở nhà chú bé thần đồng diễn ra hết sức sống động và vui nhộn:
Ông trời nổi lửa đằng đông
Bà sân vấn chiếc khăn hồng đẹp thay
...........
Cậu mèo đã dậy từ lâu
Cái tay rửa mặt, cái đầu nghiêng nghiêng
Mụ gà cục tác như điên
Làm thằng gà trống huyên thuyên một hồi
(Buổi sáng nhà em)
Nhân cách hóa động vật còn được sử dụng trong văn xuôi. Điển hình là nhà văn Nam Cao khi ông gọi con chó Vàng là “cậu” để biểu thị lòng yêu quý. Ví dụ:
Tôi bán cậu Vàng rồi ông giáo ạ!
(Nam Cao – Lão Hạc)
Trong ca dao của người Việt, hình ảnh con cò, con vạc cũng hay được nhân cách hóa để nói nên thân phân lam lũ, nghèo hèn, thấp kém hay bị ức hiếp của người nông dân, những người cùng đinh trong xã hội. Ví dụ:
Cái cò cái vạc cái nông
Ba con cùng béo vặt lông con nào
(Ca dao)
Hoặc:
Cái cò cái vạc cái nông
Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò
(Ca dao)
Trong văn học dân gian, nhân hóa được dùng trong những bài học mang tính phúng dụ, nói lên sự phản kháng của kẻ bị trị chống lại giai cấp thống trị:
Chú mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.
Trong ca dao, người ta nhân cách hóa những con cò, con vạc không chỉ gây cười mà còn phê phán những thói hư tật xấu, phải sửa chữa. Ví dụ:
Cái cò là cái cò kỳ
Ăn cơm nhà dì, uống nước nhà cô
Đêm nằm thì ngáy o o
Chưa đi đến chợ đã lo ăn quà
Hàng bánh hàng bún bầy ra
Củ từ khoai sọ, đến bà cháo kê
Ăn rồi cắp đít ra về
Thấy hàng chả chó, lại lê chân vào
3.1.2. Nhân cách hóa thực vật:
Là biến động vật cũng có thể hoạt động và tư duy như người. Ví du:
Cái na đã tỉnh giấc rồi
Đàn chuối đứng vỗ tay cười, vui sao!
Chị tre chải tóc bên ao
Nàng mây áo trắng ghé vào soi gương
(Trần Đăng Khoa - Buổi sáng nhà em)
3.1.3.Nhân cách hóa sự vật
Không chỉ nhân hóa động thực vật mà người Việt còn dùng đơn vị từ để nhân hóa sự vật. Thông thường ta nói : vầng trăng / mảnh trăng, nhưng cũng nhân cách hóa khi nói: ông trăng, hay chị Hằng.Ví dụ:
Gặp tuần trăng sáng dạo chơi trăng
Sẵn nhắn vài câu hỏi chị Hằng
(Hồ Chí Minh)
Trách ông Tơ bà Nguyệt chẳng se
Một mình ngồi lên bụi tre khóc ròng
Trời sao trời ở không công
Duyên tôi như chỉ lộn vòng rối ren
(Ca dao)
Bác nồi đồng hát bùng boong
Bà chổi loẹt quẹt lom khom trong nhà
(Trần Đăng Khoa - Buổi sáng nhà em)
3.2. Sử dụng dơn vị từ để biểu thị khoa trương
Như đã trình bày, tuy không cùng nguồn gốc nhưng tiếng Hán và tiếng Việt đều thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập. Đơn vị từ tiếng Việt cũng có thể được dùng để khoa trương, một lối tu từ nói quá sự thật, trong rất nhiều trường hợp tạo ra những giá trị thẩm mĩ hết sức độc đáo cả trong khẩu ngữ và trong văn chương. Chẳng hạn, ta vẫn nghe người Việt nói: “cả trán đầy mồ hôi to như hạt đậu”.
Người Việt lại có thể sử dụng những lượng từ khác nhau để khoa trương. Ví dụ:
Phải nâng niu từng giọt hạnh phúc.
(Báo An ninh thế giới cuối tháng)
Trong tiếng Việt, “giọt” là danh từ chỉ một lượng rất nhỏ chất lỏng có dạng hạt; chẳng hạn: giọt mưa, giọt rượu, giọt cồn. Ngoài ra, “giọt” còn được dùng trong lối nói hình tượng, chẳng hạn: giọt nước mắt giữa hai thế kỉ, giọt sương trên mí mắt, giọt nước trong biển cả. Về chức năng cú pháp, khi đứng trước một danh từ khác “giọt” có tư cách là đơn vị từ. Còn từ hạnh phúc trong câu trên là một danh từ, thông thường nó ở dạng không đếm được nhưng có thể kết hợp với số từ một và sau nó có một tính từ đi kèm; chẳng hạn, ta chỉ có thể nói: nàng có một hạnh phúc viên mãn, mà không thể nói: Nàng có hai/ ba hạnh phúc viên mãn. Vậy nên, Phải nâng niu từng giọt hạnh phúc là lối nói khoa trương, nó gợi cho ta liên tưởng đến hình ảnh giọt cà phê tí tách tí tách, giọt hạnh phúc khiến ta nghĩ đến sự ít ỏi, quí hiếm đòi hỏi phải nâng niu gìn giữ.
Đối với từ trăng, ta có thể nói ánh trăng, vầng trăng, mặt trăng thậm chí là con trăng, nhưng nói giọt trăng, đốm trăng như trong tiểu thuyết “Lão Bõm” của Trần Quốc Tiến thì quả là một sáng tạo hết sức độc đáo của tác giả.
Nửa vành trăng thập thò qua kẽ mây lúc sáng lúc tối, những giọt trăng nhợt nhạt chui qua kẽ lá tre, thập thò nhảy nhót trên hai mái tóc xanh, có mấy giọt đậu trên cặp vú tròn mọng như hai trái cam nhô lên qua làn vải mỏng. Những đốm trăng thì thật gợi cảm.
(Trần Quốc Tiến – Lão Bõm)
Khác với chữ “giọt” đã phân tích ở trên, “giọt” ở đây, gợi lên hình ảnh ánh trăng chiếu qua kẽ lá, nó được nhân cách hóa như một cậu bé hiếu động và tinh nghịch nhảy nhót lung tung và cuối cùng đậu vào đúng chỗ nhậy cảm trên người cô thôn nữ quê đang căng tràn sức sống của tuổi thanh xuân. Cách nói giọt trăng, đốm trăng không chỉ gợi hình mà còn rất gợi cảm. Ngoài giọt trăng, người Việt cũng nói giọt nắng, chẳng hạn: giọt nắng bên thềm. (Nhan đề bài hát của Thanh Tùng). Nhân đây cũng cần phải nói thêm rằng, cách đây đã lâu nhà thơ Quách Tấn cũng đã xuất bản một tập thơ có nhan đề là “Giọt trăng”.
Trong tiếng Việt, từ việc là một danh từ có tính chất của đơn vị từ, nghĩa là khi đi với số từ không cần đơn vị từ kèm theo, vì vậy có thể nói một/ hai/ ba (công) việc. Thay vì nói: Tôi còn rất nhiều việc phải làm, ta có thể khoa trương: Tôi còn cả núi công việc phải làm. Ở đây, “núi” đóng vai trò là đơn vị từ tạm mượn. Ví dụ:
Mình cứ luôn tự hỏi: họa sĩ Thành Chương lấy đâu ra sức lực để có thể làm hàng núi việc từ lớn đến nhỏ như vậy?
(Nguyễn Thị Hồng Ngát – Blog Lê Thiếu Nhơn)
Tương tự, thay vì nói “rất nhiều áp lực”, ta cũng có thể nói khoa trương “núi áp lực”. Ví dụ:
Nếu Ronaldo ghi được bàn thắng thì anh sẽ gỡ bỏ được núi áp lực
đang đè nặng lên người.
(Tường thuật bóng đá EURO 2012 – VTV3)
Có lẽ cách nói rất nhiều tiền là chưa thỏa mãn, chưa đủ gây ấn tượng nên người Việt đã khoa trương là núi tiền hay tiền tấn. Ví dụ:
Người ta vung tay bỏ hàng núi tiền ra để làm những ngôi chùa khổng lồ như chùa Bái Đính.
(Nguyễn Huệ Chi – Boxit Việt Nam)
Có thể kể thêm một trường hợp khác, “bát” – dụng cụ để đựng đồ ăn, là danh từ có thể chuyển loại làm lượng từ vay mượn, chẳng hạn bát cơm, bát tiết canh. Tuy nhiên, để chỉ một số lượng người ít ỏi, có thể nói:
Cả bãi chiếu phim được một bát/ nhúm người.
Rõ ràng là, người ở đây là quá it nhưng không thể đong được bằng bát hay đo được bằng “nhúm”.
Tương tự, thông thường, người Việt nói: mối tình đầu. Nhưng khi cần cũng khoa trương: Tôi đã ba mươi tuổi rồi mà vẫn chưa có mảnh tình rách vắt vai.
Hơn thế nữa, khi viết về nước mắt người Việt còn nói nước mắt tuôn hàng bát hay hàng chậu.
Một trường hợp khác, từ “lít” – một từ vay mượn từ tiếng Pháp (litre) là đơn vị đo thể tích hoặc dung tích bằng 1 decimet khối. Thông thường ta nói lít bia, lít rượu, lít nước, lít nước mắm, nhưng gần đây trên thị trường sách ở Việt Nam xuất hiện một cuốn sách dịch từ tiếng Nhật có nhan đề là Một lít nước mắt của tác giả Kito Aya là cuốn nhật kí rất xúc động viết về nỗi buồn đau của một cô bé tuổi teen.
4. Kết luận
Đơn vị từ là loại từ đặc biệt trong tiếng Việt. Đó cũng là nét đặc thù của ngôn ngữ đơn lập. Nó là thành tố không thể thiếu trong thành ngữ tiếng Việt. Nó có chức năng phân loại danh từ. Nó gắn với yếu tố văn hóa và tri nhận của người Việt. Ngoài ra, nó còn có giá trị biểu cảm và tu từ, như nhân cách hóa và khoa trương. Đối với người nước ngoài mới học tiếng Việt đòi hỏi một sự khổ luyện tốn nhiều công sức với loại từ này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Hoàng Anh (2003), Đặc trưng cấu trúc và ngữ nghĩa của đoản ngữ danh từ tiếng Hán hiện đại, Luận án Tiến sĩ ngữ văn, Viện Ngôn ngữ học.
2. Nguyễn Tài Cẩn (2004), Ngữ pháp tiếng Việt (tiếng – từ ghép – đoản ngữ), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
3. Đinh Văn Đức (2001), Ngữ pháp tiếng Việt, (Từ loại); NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Hữu Đạt (2001), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, NXB ĐH Quốc Gia Hà Nội.
5. Nguyễn Ngọc Kiên (2016); Lối nói khoa trương trong tiếng Hán (có liên hệ với tiếng Việt); Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học; Trường ĐH DXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Huỳnh Ái Nguyên (2005), Phương tiện nhấn mạnh trong tiếng Anh và tiếng Việt, Luận văn Tiến sĩ Ngữ văn, ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
7. Đào Thản (1990), Lối nói phóng đại trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ.
8. Cù Đình Tú (2007), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, NXB Giáo dục.
9. Viện Ngôn ngữ học (1997), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
10. Nguyễn Như Ý (2002), Từ điển giải thích thuật ngữ Ngôn ngữ học, NXB Giaos dục