Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LOANH QUANH ĐỜI RỒI LẠI VỀ THƠ

Nhà văn Nguyễn Hiếu
Thứ ba ngày 30 tháng 8 năm 2016 9:22 PM


BỐN BÀI THƠ CỦA LÊ CHỨC


Khâu Vai – Chợ Tình ký ức



Đánh rơi cùng người Hoài niệm

Tôi về phiên chợ

Cùng bốn mùa lá không tàn úa

Khâu Vai

Những đôi mắt háo hức

Những nếp váy tròn năm sóng sánh gọi mời

Rượu ngô bừng mặt người

Thao thiết hơi khèn vơi đầy nỗi nhớ

Ngựa buộc vội cây đồi

Bồi hồi gõ móng

Người đàn ông không nhớ tuổi yêu

Bần thần xòe đôi bàn tay chai sần lỡ dở

Người đàn bà tóc sương quấn rối

Chắt cả năm trăng thẫn thờ đám hội

Tay ô xạm đắng

Che hai mái đầu

Đêm bập bùng đuốc nến lửa thiêng

Hầm hập gốc thông bỏng cháy

Tàn lửa rơi trên thân cành chợt gẫy

Kèn lá gọi đơn côi

Hòa vào đất trời mang mang

Nhặt những mảnh rơi chuyện tình lứa đôi

không chung bờ bãi

Những hạt mầm oan trái

Cằn thân trên đất cỗi oằn dáng mà nên

Những bảo vật sắc Chàm hoàn nguyên

Chợ Tình thiêng:

Chẳng bán mua

Dành trao mời

Dâng nhận đợi

Hiến chia

Thơ ngây

Muôn thuở

Khâu Vai.



Tam giác mạch
.


Mong manh Huyền thoại

Nỗi lo

Đàn con giáp hạt

Cha Trời Mẹ Đất

Cho Cao nguyên đá

Riêng một loài Hoa

Mỏng cánh phấn hồng

Ru gió mơn man

Ngập đất tầng tầng bậc thang

Tam giác mạch!

Ngậm sương

Nắng dầu gió giãi

Đông lạnh

Truân chuyên

Khép mình ven đường

Em đứng làm duyên

Cho đôi lứa tìm về nguyện ước

Những bước chân chạy

Khát lời bỏng cháy

Khắc linh thiêng

Khép lễ Tình yêu!

Tam giác mạch

Đong đầy ưu tư

Chiu chắt sớm chiều

Chút mầu mật núi

Kéo bột đầu hoa

Muôn triệu Hạt kết li ti

Đợi mùa

Bừng nở

Ươm những Cuộc tình ./.

2016
.

Cờ Tổ quốc trên đỉnh Lũng Cú!
.


Vàng sao trên nền đỏ

Vật mình gió. Bay!

Một không gian như say

Cờ Tổ quốc - địa đầu Lũng Cú!

Tất cả chợt bé nhỏ

Từ mỗi người

Đoàn người

Không bao giờ kết thúc

Đang ngước mắt lên

Nhìn.

Cái nhìn

Ánh mắt

Khát vọng!

Lịch sử bao đời để có được Lá cờ

Sải cánh bay bầu trời Tự do

Lồng lộng ý chí

Đỏ mênh mang xanh trời

Dấu chân tôi in đất mũi Cà Mau. Cờ!

Tâm hồn tôi ngất ngây Hà Nội. Cờ!

Thẳm sâu linh thiêng trên Đại nội. Cờ!

Trên nóc dinh Thống Nhất. Cờ!

Và trong mỗi trái tim con dân Đại Việt.

Đỏ cùng máu vẫy nhịp vàng sao.

Lũng Cú! Địa đầu!

Bước chân thứ nhất kẻ thù xâm phạm

Dấu chân cuối cùng kẻ thù lui rút

Không chỉ là đất đá cây xanh

Mà ý thức tạo dựng đỉnh cao

Cho Cờ no gió

Ánh mắt thanh khiết trẻ thơ

Chiêm nghiệm cái nhìn tuổi già

Bao sắc mầu hoa văn trang phục

Hối hả bước lên

Để được từ trên cao nhìn xuống

nhìn dọc

nhìn ngang

Thấy Tổ quốc mình!

Đâu đó đây thôi …

Có mùi kẻ thù vương theo lịch sử

Tôi cùng những người quân phục uy nghi

Tha thiết yêu

Sẵn sàng theo Lệnh

Lên đến đỉnh cờ Lũng Cú

Khó nhất lúc về

Khi tâm khảm mỗi người neo lại!

Ẩn cánh mãi bay cùng sắc đỏ sao vàng

Lũng Cú - Hà Nội.

2016

.

Đường Hạnh Phúc


.

Cha Anh chúng tôi

Đã nghe lời gọi

Đã tự gọi nhau

Làm đường Hạnh phúc

Hạnh phúc. Hai chữ giản đơn

Hai chữ khát vọng

Hai chữ sự thật

Hàng vạn nam thanh nữ tú đã đến đây

Xếp đáy ba lô những áo quần thường nhật

Đồng phục không gian

Đồng chí thời gian

Đánh đổi tuổi thanh xuân

Cho Con đường vắt núi

Khắp nơi tiếng dội

Những thuốc nổ, choòng, xà beng, xẻng, cuốc

Những thất thanh

Xoáy lũ ào về

Những bàn tay thiếu nữ buốt tê

Run run kim khâu vá áo

Những mái tóc thưa dần chải vội

Những làn môi không giữ được nét hồng

Anh tôi từ đó thoáng về

Chút măng khô làm quà cho mẹ

Thuốc sốt rét mang đi

Hàng vạn trái tim đã làm núi hết vô tri

Sạt xuống … trồi lên .. tan nhỏ…

Từng thước.. từng tấc … con đường

Nhớ đủ được không những vong hồn ở lại

Giữa trầm tích đá triệu năm

Nơi anh nằm

Nơi chị nằm

Nhen lên chồi biếc

Con đường trải dài lẫn ở trong mây

Như cánh Rồng cổ tích

Ẩn hiện bao cuộc đời

Đám cưới nào đầu tiên được “đón Dâu” trên đường

Thiên thần nào đầu tiên được sinh theo vết xe lăn bánh

Lớp học nào đầu tiên khai trống

Hạt mèn mén

Hoa tam giác mạch

Lứa ngô đầu tiên

Lứa hoa đầu tiên lấp lánh mắt người

Bao máu … mồ hôi trụ thành dấu mốc

Theo cuộc đời.

Nay … Giản dị

Trên kỳ tích Con đường Hạnh phúc!

2016


LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN HIẾU

.

Nếu trí nhớ già nua của tôi chính xác thì có thể khẳng định.Tôi biết NSƯT Lê Chức vào những năm cuối thập kỉ 80 của thế kỉ 20, khi ông vừa tốt nghiệp khóa đạo diễn kịch từ Mátxcơ va về. Mặc dù nghề hai chúng tôi rất khác biệt nhau. Lê Chức vốn là một diễn viên, sau này qua học hành thành một đạo diễn với một vốn kiến thức nghiêm chỉnh tạo nên một hành trang vững vàng cho sự hành nghề. Còn tôi học văn, nhưng bởi một lối phân công công tác một thời bao cấp nên tôi hành nghề làm báo. Chúng tôi đến với nhau bằng tình yêu sân khấu.Vừa chân ướt chân ráo, Lê Chức đã biểu hiện nghề một cách kinh viện bằng vở diễn”bốn trái tim đau” trên nền kịch bản viết trong giai đoạn sung sức và ưa cách tân sân khấu của tôi. Kịch bản ”điểm yếu con người” với vẻn vẹn bốn nhân vật trong kết cấu mang nặng một cách vô tình thuyết phân tâm của Frớt giai đoạn đó đang là sự cấm kị trong lý luận và cả nghệ thuật nước ta. Sau đó đó,ông lại cầm luôn kịch bản”quân khu chúng tôi chọn chỉ huy” của tôi với bút pháp phá vỡ mọi khuôn khổ của lý thuyết Stanilaspski đang thịnh hành và được ưa chuộng ở Việt Nam. “Quân khu chúng tôi chọn chỉ huy” song hành hai cốt chuyện. Một cho các nhân vật kịch, một cho các diễn viên. Lê Chức kì vọng không thành với việc dựng kịch bản này ở Nhà hát Tuổi trẻ khi kịch Lưu Quang Vũ đang là một cơn sốt lại được một đạo diễn chủ chốt nhà hát này o bế. ...Vậy là tình yêu sân khấu làm chúng tôi có quan hệ với nhau. Và đến nay gần ba mươi năm quan hệ giữa hai chúng tôi được gạch nối bằng tình yêu nghệ thuật ấy đã trở thành một thứ tình vừa nghề vừa bạn. Ở tuổi chòm chèm thất thập, do công việc của mình Lê Chức vẫn tức khắc và sôi nổi khen ngợi những kịch bản đáng khen và chê một cách nghiêm khắc những gì còn non dại,ngu ngơ trong kịch nghệ của tôi. Còn tôi cũng sau ngần nấy năm để càng ngày càng nhận ra ở con người sinh ra, lớn lên và chung thủy đến trọn đời về kịch nghệ lại có một điểm mạnh quen mà lạ về... thơ, để tôi hiểu rằng. Cái den di truyền quả là mạnh, nó có thể nấp ẩn trong sự xô bồ của cuộc sống thường nhật, để rồi nó lại ló hiện và ngày càng xum xuê với tố chất không gì xóa lấp và làm mai một ở cá thể nhất định. Thân phụ Lê Chức là kịch sĩ – nhà thơ tài ba Lê Đại Thanh, Vậy thì từ cội nguồn ấy Lê Chức cũng mang đủ hai yếu tố kịch và thơ. Có điều, cái gì phát lộ, hiển hiện mang tính trội thì do hoàn cảnh của cuộc đời quyết định. Để rồi với Lê Chức muốn làm gì trong đời, dù đời có xô đẩy đến đâu thì cuối cùng “loanh quanh đời rồi lại về với thơ”.

Vào một sáng ngày giáp cuối tháng 7, Lê Chức sang sảng đọc liền 9 bài thơ ông mới viết bằng một giọng đọc chuyên nghiệp trong nhấn nhá câu từ nhưng cực kì hưng phấn của một thi sĩ đang đầy ắp thi hứng. Tôi cầm bản thảo 9 bài thơ về và chợt nhận ra câu nhận xét của mình trong bài
“thẩm thơ “ của tôi viết cách đây năm năm đã ghim đúng tố chất thơ Lê Chức – Đây là một nhà thơ sung mãn về nội lực thơ –

Sự sung mãn thơ này không phải là thứ có thể rèn luyện,làm duyên hoặc a dua theo phong trào mà nó là sự tự thân khó cưỡng. Tôi không rõ trong hai chuyến công tác liền nhau tại hai vùng đất hoàn toàn khác biệt về nhiều lĩnh vực mà Lê Chức có thể viết liền một mạch 9 tác phẩm thơ. Năm viết về vùng cao nguyên đá Hà Giang chênh vênh, hiểm trở, nơi địa đầu của cương thổ phía bắc non sông ta. Ba bài về sông Hương, nuí Ngự kinh thành Huế , một bài suy gẫm về sự đời nhưng thi tứ này cũng nẩy ra trong không gian, khí sắc của một vùng đất kinh kì.

Nghe Lê Chức đọc chùm gần ngót chục thi phẩm mới toanh của ông. Tôi chợt hiểu phải có một trường lực về thi cảm như thế nào thì nhà thi sĩ mới có đủ câu chữ cấu tứ để phô diễn sự suy tư của mình khuôn trong cảm xúc dạng của thi ca. 9 thi phẩm này không chỉ thêm một lần khẳng định nội lực thơ sung mãn của thi sĩ mà nó còn hiển hiện ra những đặc trưng cơ bản về bút pháp thơ của nhà thơ họ Lê.

Thơ Lê Chức không lạm dụng vần, mặc dù ông thừa sức để viết những câu thơ có những kiểu bắt vần.Ở trong chùm thi phẩm 9 bài này, không phải ngẫu nhiên trong chùm 5 bài viết về cao nguyên kể cả bài viết về chợ tình Khâu Vai rất dễ khuyến dụ nhà thơ tìm đến thế thơ đã làm nên truyện Kiều bất tử, Lê Chức không một lần dùng thể lục bát du dương để chốt thi tứ của mình. Nhưng ở chùm viết về Huế ông lại có tới ba lần dùng lục bát như một thủ pháp để kết thi hứng của mình như một vĩ thanh kiều mỵ.

Bần thần giữa thực giữa mơ

Thời gian không hạn ngơ ngơ một mình ( Mơ những giấc mơ)

...... Để người để cảnh thành thơ

Cho tao nhân được ngẩn ngơ lữ hành( Mưa Huế )

Và ; Không phú tỉnh giữa dòng say

Hương Giang nhận một hồn này ...buông neo( Dòng Hương- Trở lại)

Nhưng không phải nghe giọng đọc tàì hoa, khéo léo của Lê Chức mà ngay đọc thầm trước văn bản tôi vẫn cảm nhận được chất thơ nhuần nhuyễn ẩn dấu trong những dòng thơ của ông. Hóa ra.Với Lê Chức, kĩ năng về sự ngắt câu để tạo nhịp được xử dụng một cách thành thạo đã làm nên nhịp thơ đặc trưng khi Lê Chức dùng thể thơ tự do. Xin lẩy mấy câu làm chứng cho nhận định này;

Ở bài “Khâu vai- Chợ tình kí ức” ‘

Tôi về phiên chợ

Cùng bốn mùa là không tàn úa

Khâu vai.

Ở bài “tam giác mạch”:

Ngậm sương

Nắng giầu, gió giãi

Đông lạnh

Truân chuyên...

Ở bài” Du thuyền sông Hương”

Chiếc đèn giấy nén chờ tay thả

Tĩnh lặng.Linh thiêng.

Cùng với sự ngắt câu ,tạo nhịp thì câu chữ trong các bài thơ của Lê Chức cũng khá điệu đàng,duyên dáng được ông tu từ,chắt lọc kinh qua sự phong phú của kho ngôn từ mà ông tích tụ được qua học vấn,sự kinh lịch cuộc đời và nhân thế gia đình cũng như sự am tường nghệ thuật biểu diễn sân khấu. Đây chính là thế mạnh để Lê Chức đủ sức phô diễn sự tràn trề của thi cảm cũng như nội lực thi ca ở ông.

Tôi thực sự ngạc nhiên khi ông dùng từ “quẩn nhớ “ trong câu thơ khá ấn tượng ở bài”dòng Hương- Trở lại”( Mũ tai bèo quẩn nhớ). Từ “mật nuí “ trong câu thơ “chút mầu mật núi/Kéo bột đầu hoa “( bài Tam giác mạch”). Từ “giáp hạt”trong câu thơ “con thuyền độc mộc giáp hạt lứa đôi”....

Ngoài những đặc trưng trên,một điểm dễ nhận ra trong bút pháp thơ Lê Chức là sự mô tả nổi bật những chi tiết đặc trưng đủ sức diễn tả một trạng thái,một tâm trạng và một tình huống. Điều này chứng tỏ một óc quan sát mang tính đặc trưng của một đạo diễn mặt khác lại phô diễn một sự tinh tế, chắt lọc mà chỉ có ở thi nhân.Tôi xin lẩy ra hai ví dụ Viết về con đường Hạnh Phúc thì quá nhiều nhà thơ, nhà văn từ nhà thơ lớn Xuân Diệu đến nhà văn nổi danh Ma Văn Kháng và sau này đã có những tác phẩm, nhưng chỉ với Lê Chức ta mới có những chi tiết lạ nói lên đặc trưng sự khó khăn của người làm con đường này”

Những mái tóc thưa dần, chải vội

Những làn môi không giữ được nét hồng

Và hay hơn và khái quát hơn:

Chút măng khô làm quà cho mẹ

Thuôc sốt rét mang đi( Bài Đường Hạnh Phúc )

Hoặc ở bài “cờ Tổ quốc trên đỉnh Lũng Cú” chỉ Lê Chức mới có những câu thơ phát hiện mang thi pháp của thơ ông:

Bước chân thứ nhất kẻ thù xâm phạm

Dấu chân cuối cùng kẻ thù lui rút.

Nếu cần nói một điều gì trong thơ Lê Chức nhân đọc 9 thi phẩm mới nhất của ông thì chỉ có thể mong rằng.Nội lực thơ tràn trề,thi hứng thơ ở thi sĩ họ Lê vẫn đang sung mãn, nhưng giá ông để những thi tứ đó đằm hơn trong sự suy tư trăn trở của mình để từ đó bên cạnh những điẻm mạnh trong thi pháp của ông về sự cắt nhịp, tạo từ, tung chi tiết đắt ông tìm đến những thể thơ phù hợp cho những cảm hững đa dạng của ông thì tôi tin cảm giác mô nô tôn của người đọc sẽ mất đi trước những dòng lũ ào ạt của thi ca Lê Chức.

Quỳnh Mai 1/8/2016

Nhà văn Nguyễn Hiếu