Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THU HOẠCH TỪ HÀ TĨNH

Bùi Việt Thắng
Thứ tư ngày 10 tháng 8 năm 2016 8:12 AM



 


Trực chỉ Hà Tĩnh

 


Tại Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ IV do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) tháng 6 - 2016, nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả 6.000 trang tiểu thuyết lịch sử về các triều Lý, Trần đã đặt câu hỏi đầy tính chất gây men cảm xúc tích cực “hướng về đâu văn học?” làm cả khán phòng của Hội đồng văn xuôi xao động và kích thích tranh luận. Cũng chính nhà văn trưởng lão bước vào tuổi tám mươi này, ngay trong những ngày hội nghị, đã trực tiếp đặt vấn đề với nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội NVVN - về việc cần thiết cử các nhà văn đi vào “tuyến lửa” khu Bốn, cụ thể là vào Hà Tĩnh, mảnh đất khởi sự thảm họa môi trường bởi Formosa gây nên. Ngay lập tức vị Chủ tịch Hội NVVN đồng ý về ý tưởng, về phương hướng và động viên các nhà văn tham gia chuyến đi thực tế bổ ích cho sáng tác này. Cũng đúng thôi, từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2016, Hội NVVN đã cử các đoàn công tác đến các địa phương phía Bắc xa xôi như Lai Châu, Lạng Sơn, Hà Giang. Thì không có lí do gì không cử một đoàn có mặt kịp thời ở một vùng đất đang nóng lên từng ngày, từng giờ. M. Gorki đã nói, đại ý, nhà văn chính là “cơ quan” nhạy cảm nhất (là tai/là mắt) của xã hội. Về Hà Tĩnh thời điểm này có muộn không? Không bao giờ là muộn, và thậm chí muộn vẫn hơn không, như cổ nhân nói. Về Hà Tĩnh lúc này không phải là một cuộc ngao du, thăm quan như thường thấy, mà là về với đời sống của nhân dân cần lao và vĩ đại đang trải qua “lửa đỏ và nước lạnh”.

Đoàn nhà văn Việt Nam về Hà Tĩnh thực tế có trưởng lão Hoàng Quốc Hải (được anh em phong là “kiến trúc sư” của đoàn). Năm nay ông đã 79 xuân nhưng còn tinh anh, nhanh nhẹn, người trai trẻ coi chừng thua. Trong balô của ông khá đầy đủ cho một chuyến đi xa vào nơi khó khăn (thuốc Tây thông dụng, lương khô, nước uống, sâm nhung,…). Tất cả do phu nhân - nhà thơ Nguyễn Thị Hồng - sắm sanh, chuẩn bị từ mấy hôm trước. Bảy mươi sáu cái xuân xanh là nhà văn Trần Nhương (chủ trang web trannhuong.com, có đến 25 triệu lượt người truy cập tính đến nay). Đồ nghề đầy đủ (máy tính, máy ảnh chuyên dụng, điện thoại di động đời mới). U80 mà trông khỏe, hoạt, lại hơi có vẻ “ngầu” như cánh trẻ vẫn nói. Văn Chinh (Thư ký Tòa soạn Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm, Hội NVVN), thế hệ U70. Tóc bạc, râu bạc nhưng da đỏ au. Quần bò, áo phông trông rất “trai lơ”. Bùi Việt Thắng là dân phê bình văn chương. Tưởng chỉ ru rú trong thư phòng. Ai ngờ độ này cũng xông xáo, muốn trải nghiệm để viết cho đỡ “ngô nghê”. Xe đi qua Vinh (Nghệ An) đón thêm nữ sỹ Đàm Quỳnh Ngọc (hiện là Chi Hội trưởng nhà văn Việt Nam tại Nghệ An). “Quá giang” cùng đoàn nhà văn Việt Nam về Hà Tĩnh là Kiều Mai Sơn - phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam. Trẻ người nhưng không non dạ. Là người có kiến văn sâu rộng. Vừa làm báo vừa làm văn (một “tay” khảo cứu có triển vọng!).

Đoàn nhà văn xuất phát từ Hà Nội lúc 8h30p, đến Hà Tĩnh lúc 17 h ngày 18-7-2016. Cập bến khách sạn 3 sao Ngân Hà giữa trung tâm thành phố Hà Tĩnh, đã thấy nhà văn Đức Ban (Chi Hội trưởng nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh) đón ngay tại sảnh. Nghỉ ngơi, tắm rửa nhanh để 19h giao lưu. Người sở tại có thêm nhà thơ Bùi Quang Thanh, thêm hai cây bút nữ trẻ có triển vọng Trần Quỳnh Nga (văn xuôi) và Trần Thị Ngọc Mai (thơ). Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú (Tổng Biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh) có việc đột xuất, hẹn sáng hôm sau sẽ có mặt tháp tùng đoàn đi Vũng Áng, thâm nhập Formosa. Vừa giao lưu vừa bàn công chuyện cho những ngày ở Hà Tĩnh (dự kiến 2 ngày). Kết thúc ngày đầu tiên về nơi gió Lào cát trắng của đoàn nhà văn. Đêm đầu tiên ở Hà Tĩnh mọi người ngủ ngon sau một ngày hành trình xa ngái, nắng gió.

Những sắc màu

Những ngày thâm nhập thực tế ở Hà Tĩnh tôi thường bị ám ảnh bởi ba màu Đỏ, Xám và Xanh. Sẽ có người căn vặn về ba màu này mà tôi trình ra trong bài viết không biết xếp vào thể loại gì của mình. Đỏ thường được gắn với lửa (xe cứu hỏa thường sơn màu đỏ), với sức nóng mặt trời, với máu. Đỏ cũng đồng nghĩa với báo động (“bùn đỏ” chẳng hạn). Cũng là hiếm hoi khi thi sỹ Nguyễn Mỹ xúc cảm tràn trề mà viết bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ khiến nhiều thế hệ nhập tâm. Chỉ với thi sỹ Nguyễn Mỹ thì mới có một “cuộc chia ly màu đỏ” mà thôi. Nhưng khi về Hà Tĩnh, mỗi lần nghĩ đến, hay nhìn thấy màu đỏ là tôi lại có cái ấn tượng, cái cảm giác về độ nóng. Độ nóng của mặt trời thiêu đốt dải đất hẹp nhất cả nước vào mùa hè. Lại thêm gió Lào. Là dân gốc Hà Tĩnh, xa quê hơn 60 năm, nhưng mỗi lần trở về đúng dịp tháng 6, 7 hàng năm thì chính tôi lại cũng có cái cảm giác bị nung chảy ra, đừng nói người xứ Bắc vào đây công tác hay nghỉ ngơi khi biển chưa chết như bây giờ (trẻ con vùng này hát chế “biển ngày xưa chưa chết như bây giờ”). Nhưng cái nóng của đất trời dù có khốc liệt thì cũng chỉ vài ba tháng hè mà thôi. Có một cái nóng khác, không đo được bằng nhiệt kế, nhưng sức nung, sức hủy của nó thì khủng khiếp hơn nhiều. Anh bạn đồng hương Hà Tĩnh của tôi, năm nay ngót sáu mươi, thừa nhận về cái gọi là “hậu quả của phát triển nóng”. Formosa (dân ở đây gọi chệch đi là “thằng Phò”) là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây nên thảm họa cá chết/biển chết ở 4 tỉnh miền Trung. Thật ra thì không chỉ riêng Hà Tĩnh mới lãnh đủ hậu quả của phát triển nóng. Phát triển nóng là phát triển thiếu bền vững. Phát triển nóng là phát triển chỉ chăm chăm tính đến lợi nhuận kinh tế mà quên đi môi trường sống. Phát triển nóng là phát triển theo lối “tư bản hoang dã”, cuối cùng hủy diệt sự sống, hủy diệt văn hóa và văn minh, văn hiến. Thử tưởng tượng 70 năm tới, không riêng gì Hà Tĩnh, mà cả một dải đất miền Trung, đặc biệt là mặt biển của 4 tỉnh (từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế) sẽ là biển chết. Và nữa, nếu 1.000 tấn rác thải khô của “thằng Phò” vừa lộ diện không được xử lý theo đúng quy trình thì sẽ tiếp tục tạo ra những vùng đất chết mới. Trên bờ, dưới nước đều chết vì phát triển nóng. Viết đến đây tôi chợt nhớ tới một tác phẩm Kẻ ám sát cánh đồng của nhà văn Nguyễn Quang Thiều xuất bản cách đây đã lâu. Bây giờ ở miền Trung nói chung, Hà Tĩnh nói riêng, thì không chỉ có “ám sát” (là bắn, đâm lén) mà là tàn sát, hủy diệt (công khai, lộ liễu, ngang ngược, dã man như bọn khủng bố).

Mỗi lần tham gia giao thông, dù ở đâu, thì đèn đỏ vẫn là ký hiệu cảnh báo “stop”. Dừng lại, nếu vượt là nguy hiểm chết người. Nhưng trong thực tế thì có không ít người vẫn cố tình vượt đèn đỏ. Liên hệ với Formosa, thì thấy có những người liều lĩnh vượt đèn đỏ, đem lại hậu họa cho không chỉ một người khác, mà cả đồng loại triệu người. Vì kém cỏi hay vì lòng tham? Đúng như cổ nhân nói “tham đĩa bỏ mâm”. Nóng trong nhân tâm vì “thằng Phò” (Formosa) còn chĩnh chệ (“ghế trên ngồi tót sỗ sàng”), tọa lạc ở mảnh đất này đến 70 năm. Chao ôi, bảy mươi năm là cả một đời người sống lâu (“nhân sinh thất thập cổ lai hy”). Nghĩ vậy làm sao mà không thấy “nóng trong người” như cái quảng cáo trên tivi. Nóng từ người này sang người khác, nóng từ vùng này sang vùng khác, không chừa ai, không chừa nơi nào. Sáng 19-7, được sự giúp đỡ của Ủy ban Nhân dân Tỉnh Hà Tĩnh, đoàn nhà văn Việt Nam có điều kiện thâm nhập sâu vào “hang ổ” của Formosa. Vì nhiều lý do, đoàn cũng chỉ được phép ngồi trên xe, không quay phim chụp ảnh, đi theo sự hướng dẫn của một nhân viên đối ngoại Formosa. Đồng hồ chỉ tất cả 16km ghi nhận hành trình của đoàn nhà văn đi và nhìn cái công trình đại công nghiệp “khủng”. Formosa chiếm giữ hơn 3.000 ha cả trên cạn (hơn 2.000) và cả trên mặt biển (hơn 1.000), là một không gian màu xám xịt với những kho bãi khổng lồ, những ống khói cao chất ngất của khu luyện, cán thép; những băng chuyền dằng dặc như vòi bạch tuộc, hàng chục km đường rải nhựa hắt lên tuyền một màu đen nóng sực, nhức mắt. Tôi cứ hình dung cái khối màu đen - xám khổng lồ này như bóng một con “khủng long sắt thép” thời hiện đại, ngoác cái miệng đầy nanh, ăn tươi nuốt sống không từ thứ gì. Và miệng nó nhuốm đầy máu. Đoàn nhà văn đã đi thăm một khu tái định cư ở Kỳ Anh, đến một làng chài cheo leo ở Vũng Áng, đến Bến Cá ở Thiên Cầm, vào một xóm ngư dân ở Cẩm Nhượng để tìm hiểu đời sống thực của nhân dân sau thảm họa Formosa. Một phụ nữ, chủ nhân một ngôi nhà sát biển ở xã Cẩm Nhượng, kinh doanh hải sản cho biết mọi năm doanh thu của gia đình thường dao động từ 5 đến 7 tỷ đồng. Vậy mà năm nay cho đến tháng 7 mới chỉ được khoảng 200 triệu. Chị bức xúc như là đay nghiến “Tất cả chỉ tại thằng Fo” (chúng tôi hiểu là chị nói về Formosa).

Nhưng phải nói đến màu Xanh. Tham gia giao thông, đến ngã ba, ngã tư, ngã năm, nếu nhìn thấy đèn Xanh là tín hiệu an toàn. Đi được. Không nguy hiểm. Màu Xanh bao trùm hơn là màu của cây cối, màu của mảnh trời thu trong vắt như trong thơ Nguyễn Khuyến (“Trời thu xanh ngắt mấy tầng mây”). Biển Thiên Cầm dạo nọ tôi đến cách đây mấy năm xanh ngăn ngắt. Người Pháp coi đây là bãi biển đẹp nhất Trung Bộ!? Dòng sông Lam đi vào thơ ca, nhạc, họa cũng đậm đà màu xanh quê hương xứ sở. Màu Xanh của bờ xôi ruộng mật một vùng Đức Thọ trù phú, địa linh nhân kiệt, nơi “chôn nhau cắt rốn” của tôi và những người đồng hương thân yêu. Gần đây xem tivi thấy nước Nhật đang độ phát triển bền vững, họ gọi là “phát triển Xanh”. Phát triển Xanh là phát triển bền vững. Phát triển Xanh là phát triển tính đến không gian sống toàn diện của con người như là trung tâm vũ trụ. Trên các chuyến xe khách đường dài chạy khắp các nẻo đường đất nước bây giờ, có câu khẩu hiệu chữ rất to dán ở kính trước xe và hai bên thành xe “Tính mạng Con Người là vốn quý nhất”. Màu Xanh là màu của Hòa Bình, Sự Sống. Màu của phát triển trong văn hóa - văn minh - văn hiến. Vậy mà Thiên Cầm nước biển vẫn xanh như bao đời, nhưng hầu như không có ai xuống tắm (có rải rác, đếm được đầu trên ngón tay vào chiều 19-7, khi đoàn nhà văn quyết định ở lại đây, để “trăm lần nghe không bằng một lần thấy, trăm lần thấy không bằng một lần sờ”). Không gì bằng trực quan sinh động (từ đó rồi mới tiến lên tư duy trừu tượng). Nhà văn sẽ viết thế nào nếu không trải nghiệm. Nhà văn có là người bạn đường của nhân dân nếu chỉ ru rú chốn thư phòng rồi tha hồ bịa đặt và hư cấu vô lối và tùy tiện?! Bài học thu hoạch được từ Hà Tĩnh lần này, với các nhà văn là vô giá. Có người ở Hà Nội, vào facebook mà tỏ ý ghen tỵ với đoàn chúng tôi. Tôi trả lời “Thế vì sao anh/chị không đi vào đây như chúng tôi?!”. Câu hát “Trời mô xanh bằng trời Can Lộc/Nước mô xanh bằng dòng nước sông La” (trong ca khúc Người con gái Sông La của nhạc sỹ Doãn Nho), cứ văng vẳng bên tôi, cứ váng vất bao nhiêu tâm sự đôi khi rất khó diễn tả. Vốn làm nghề dạy học, đôi khi hứng lên viết phê bình văn chương, đợt này về quê tự nhiên cảm xúc dâng trào, muốn sáng tác! Chả biết có thành ra cái gì. Nhưng mà như cổ nhân nói “không thành công cũng thành nhân”. Đành lòng vậy. Cầm lòng vậy. Có một nhà văn trẻ từ Hà Nội nhắn tin cho tôi, hỏi cảm xúc như thế nào khi ở Hà Tĩnh, khi vào trong lòng “thằng Phò” (Formosa)? Tôi trả lời “Vào đây bỗng thấy những trang viết của chúng ta vừa qua là còn rất hời hợt, rất nông nổi, rất nông cạn và rất ốm yếu trước nỗi đau của nhân dân cần lao và vĩ đại, trước cuộc đời vốn chất đầy “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Nói thế có quá cảm thán?!

Căn tính người Xứ Nghệ

Trên xe khi đoàn nhà văn Việt Nam vào đến Hoàng Mai, địa đầu tỉnh Nghệ An, có người cao hứng ngâm “Đường vô Xứ Nghệ quanh quanh/Non xanh nước biếc như tranh họa đồ/Ai vô Xứ Nghệ thì vô”. Tôi liền alô cho nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ, hỏi xuất xứ những câu ca này, được biết đó là dân ca cổ Xứ Nghệ. Mà chỉ có ba câu mới lạ? Nó nguyên bản thế, ông Nguyễn Hùng Vỹ trả lời dứt khoát. Trên đường đi, mỗi nhà văn có cách hình dung riêng về tâm tính (tôi thì gọi là căn tính) người Xứ Nghệ (bao hàm cư dân sống trong vùng địa - văn hóa Xứ Nghệ, gồm cả Hà Tĩnh và Nghệ An). Tôi có chia sẻ với lão tướng Trần Nhương về các giai thoại “dân mang tơi”, “dân cá gỗ” - lối ví von xưa chỉ cái chịu thương, chịu khó, căn cơ bền bỉ của những người dân sinh ra ở một vùng đất chỉ có nhiều gió Lào và cát trắng (như nhan đề một tập thơ Gió Lào, cát trắng của nữ sỹ Xuân Quỳnh). Thiên nhiên khắc nghiệt là thế nên con người sinh ra ở đây ai cũng cần cù, nhẫn nại. Ai cũng cầu thị, tiến thủ học hành. Ai cũng biết “lá lành đùm lá rách”, “chị ngã em nâng”. Nói thế không có nghĩa là trên tinh thần cục bộ “địa phương chủ nghĩa”. Cái căn tính ấy phổ quát ở dân tộc Việt, nhưng đặc trưng nhất là người Xứ Nghệ.

Hôm nay, các nhà văn lại tri nhận sâu sắc thêm phẩm chất trầm tĩnh, tự tại của người dân Xứ Nghệ nói chung, Hà Tĩnh nói riêng. Công sở vẫn nhộn nhịp như thường. Khách đến, khách đi vẫn nườm nượp. Hôm (20-7) từ biển Thiên Cầm trở về thành phố Hà Tĩnh, chúng tôi chủ quan không đặt phòng trước tại khách sạn ba sao Ngân Hà, xuýt nữa thì phải di chuyển tới địa điểm mới. Cuối cùng rồi cũng hanh thông. Ở lại Ngân Hà đêm cuối trong trạng thái yên tĩnh cả đoàn. Trong cuộc giao lưu với các nhà văn Hà Tĩnh, mọi người vẫn bàn luận sôi nổi về Giải thưởng Nhà nước về VHNT sẽ được trao cho một nhà văn sở tại - Đức Ban (tên thật Phạm Đức Ban, nguyên Giám đốc Sở VH-TT Hà Tĩnh). Ông cười hiền lành mà phân bua rằng “Chưa chính thức. Hãy đợi đấy!”. Ô hay, cứ tưởng ở mảnh đất đang rất “nóng” này thì chuyện văn chương nghệ thuật chỉ là thứ “xa xỉ”. Nhưng không! Văn chương phải chăng là ánh phản tâm hồn và cốt cách con người? Phải chăng trong đau khổ ta vịn câu thơ đứng dậy, như một thi sỹ nào đó đã viết, mà tôi quên tên. Chiều 20-7, trước hôm trở ra Hà Nội, nhà thơ Bùi Quang Thanh dẫn đoàn đi thăm Hồ Kẻ Gỗ. Cái địa danh này gắn với một bài hát nổi tiếng về Hà Tĩnh. Rất tiếc hôm ấy mực nước thấp nên không đi thuyền trên mặt hồ được. Thì ngồi ở trên bờ ngắm thỏa thích. Thì sau đó ăn cơm với các món cá nước ngọt. Rồi trở về thành phố lúc đã chớm khuya. Coi như một cú “pich-nich”. Tôi và các nhà văn trong đoàn có cái cảm giác lúc ở Hà Tĩnh, nơi đây “sự sống chẳng bao giờ chán nản” với những con người giản dị, trầm tĩnh, tự tại trên mảnh đất này. “Lây” được cái tâm thế ấy, bình sinh ấy không phải lúc nào, ở đâu cũng dễ mà có được. Thu hoạch từ Hà Tĩnh, như nhan đề bài viết, chính là thế.

Hà Tĩnh có một “đặc sản” là Thơ. Đây là mảnh đất của thi ca từ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Tự, xa xưa . Gần hơn là các tao nhân mặc khách, “bầu rượu túi thơ” như Huy Cận, Xuân Diệu. Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay có hơn 1.000 hội viên, Hà Tĩnh có gần 80, chiếm tỷ lệ 1/15. Sách Các nhà văn Việt Nam hiện đại tỉnh Hà Tĩnh (xuất bản năm 2011) giới thiệu 76 nhà văn. Trong đó có 22 nhà thơ. Nhiều nhà thơ đang sống và làm thơ ở khắp mọi miền đất nước như Duy Thảo, Đinh Phạm Thái, Lê Huy Quang, Ngô Thế Oanh, Lê Quốc Hán, Lê Thành Nghị, Mai Hồng Niên, Phan Cung Việt, Bùi Quang Thanh, Nghiêm Huyễn Vũ, Nguyễn Sỹ Đại, Nguyễn Ngọc Phú, Thuận Vy, Phan Trung Hiếu, Trần Kim Hoa, Tùng Bách, Nguyễn Huy Hoàng… Họ là hội viên Hội NVVN, đã đành. Bám trụ ở đất Hà Tĩnh thấy có Duy Thảo, Bùi Quang Thanh, Phan Trung Hiếu, Nguyễn Ngọc Phú…Cũng trong chuyến đi này đoàn nhà văn của Hội NVVN được dịp tiếp xúc với những thi nhân Hà Tĩnh trong nghĩa rộng của từ này - đó là Nguyễn Ngọc Vượng (hiện là phóng viên thường trú Báo Lao động & Xã hội tại Hà Tĩnh) và Nguyễn Minh Đức (công tác tại Cảng vụ hàng hải Vũng Áng). Nguyễn Minh Đức, thế hệ 7x, năm 2015 ra mắt tập thơ Những người đàn bà bán tóc (nxb. Hội Nhà văn). Cuộc giao lưu ở Vũng Áng trưa ngày 19-7 để lại nhiều ấn tượng. Nguyễn Ngọc Phú như lên đồng đọc thơ của mình về biển. Người anh như tan chảy ra cùng thơ dưới sức nóng mặt trời chính ngọ. Phiêu diêu, siêu thoát. Giản dị, có lửa, cuồng nhiệt, cháy hết mình…đó là Nguyễn Ngọc Phú. Tôi có trải nghiệm nghề văn, nhưng ít thấy ai vừa làm thơ hay vừa đọc thơ mình hay như Nguyễn Ngọc Phú (không kể ở Hà Nội có Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Trần Cương, Đỗ Minh Tuấn và Hoàng Nhuận Cầm). Nguyễn Minh Đức đọc hai bài thơ Xe cút kít và Những người đàn bà bán tóc. Anh đọc nhỏ nhẹ, vừa đủ nghe. Nhưng thấm thía một giọng thơ trầm tĩnh, suy tư, không màu mè, giản dị và chân thành đến độ có cảm giác như anh nói thơ (có thể gọi là điệu nói). Nguyễn Ngọc Vượng hứa chiều xuống biển Thiên Cầm sẽ đọc thơ, vì “ở đây anh Ngọc Phú và Minh Đức đọc rồi, không muốn mọi người thất vọng về thơ”. Chiều 19-7, lo xong nơi ăn chốn ở cho đoàn nhà văn từ Hà Nội vào, Nguyễn Ngọc Vượng và Nguyễn Ngọc Phú có việc gấp phải ngược ra thành phố Hà Tĩnh trước. Tôi hình dung nếu chiều ấy Nguyễn Ngọc Vượng đọc thơ ở Thiên Cầm thì biết đâu biển lại nổi sóng!? Nói thế để bạn bè văn giới gần xa biết người Hà Tĩnh dù trong lúc bỏng rát nhất của thời cuộc vẫn không quay lưng với Nàng Thơ. Nói thu hoạch từ Hà Tĩnh, như nhan đề bài viết, chính là vì thế.

Đi thực tế Hà Tĩnh, vào đến Kỳ Anh, mà không đến chiêm bái Đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu (dân gian gọi là Đền Bà Hải), thì theo lời nhà văn trưởng đoàn Hoàng Quốc Hải, coi như chuyến đi mới chỉ thành công …một nửa. Cả đoàn đồng thanh nhất trí “tại sao không?!”. Vào Đền thờ Bà Nguyễn Thị Bích Châu (tọa trên đất làng Hải Phong, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh) như là một hoạt động văn hóa tâm linh. Về lai lịch Đền, về nhân vật Bà Nguyễn Thị Bích Châu thì tôi đồ rằng rất nhiều người đã đến, đã biết tường tận hoặc qua sách vở. Rất nhiều người (cả địa phương, cả khách du lịch) vào chiêm bái Đền dù trời rất nóng đến gần 40 độ C. Tôi thực sự bị chinh phục bởi tấm bia khắc tác phẩm Kê Minh Thập Sách (Mười Kế Sáng Trị Nước) do Bà Nguyễn Thị Bích Châu, vốn chỉ là một cung phi của Vua Trần Nhuệ Tông, dâng lên người trị vì đất nước, nhằm thiện ý và thiện tâm can gián Vua bỏ qua việc chinh chiến, binh đao dồn sức củng cố đất nước. Rồi cũng vì thế mà chết oan. Sau này được Vua Lê Thánh Tông minh oan và có thơ đề tặng. Truyện này được chép trong sách Truyền Kỳ tân phả của nữ sỹ Đoàn Thị Điểm. Mười Kế Sáng ra đời cách đây gần 700 năm, nay đọc lại vẫn thấy thời sự, vẫn thấy quan thiết, vẫn thấy hàm chứa cả triết học, cả lịch sử, cả văn chương, cả tinh thần nhân văn, yêu hòa bình cao cả của một người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu cho giống nòi Con Rồng cháu Tiên. Không biết có ai đứng trước tấm bia này mà cảm thấy hổ thẹn với tổ tiên, hay là cái thứ “máu cá” đã làm ai đó trong số chúng ta tê liệt cảm xúc công dân, tê liệt cảm xúc đồng bào? Nói thu hoạch từ Hà Tĩnh, như nhan đề bài viết, chính là thế.

Xem tivi mấy hôm vừa rồi, thấy có chuyện một nữ sỹ quan (quân hàm thiếu úy), công tác tại Công an Hà Tĩnh, mới chỉ 25 tuổi, đang mang thai đứa con đầu lòng, đồng thời phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối (đã di căn). Người mẹ trẻ đó đã dũng cảm, cắn răng chịu những cơn đau khủng khiếp để không truyền hóa chất hay xạ trị nhằm cứu lấy đứa con. Kết quả một cháu bé đã ra đời. Một sinh linh được sinh thành trong vỡ òa nước mắt và niềm vui. Không thể cầm nước mắt khi xem những hình ảnh được phát nhiều lần trên tivi. Một tấm gương về tinh thần kiên định, dũng cảm, vô song nghị lực của người Hà Tĩnh. Nỗi đau này đúng là không của riêng ai. Và niềm vui này cũng không của riêng ai. Nhưng phẩm tính kiên cường của người mẹ trẻ này phải chăng là ánh phản của căn tính người Xứ Nghệ?! Lại thêm một thu hoạch từ Hà Tĩnh, như nhan đề bài viết, chính là thế.

Vĩ thanh

Trở về Hà Nội vào hồi 17h ngày 21-7. Dư âm và ấn tượng của một chuyến đi thực tế vào “tuyến lửa” Hà Tĩnh, quả là không nói quá, không nói sai so với thực tế thật dồi dào. Người thân, bạn bè hỏi han rất nhiều nhưng dường như chưa trả lời kịp. Chỉ biết hứa, sẽ viết để giãi bày. Viết để chia sẻ. Viết để thu hoạch được một cái gì đó, dù rất nhỏ nhoi. Chỉ biết cảm giác rất khó tả của một tình cảm buồn, vui lẫn lộn sau chuyến đi có một không hai mà văn giới không phải ai cũng may mắn có được. Chỉ biết nhận ra mình và công việc của mình vô cùng bé nhỏ, thậm chí vô nghĩa trước đời sống rộng lớn, dữ dội, phức tạp. Chỉ biết không khéo đồng nghiệp của mình cũng sẽ cảm thấy lực bất tòng tâm khi viết ra những trang sách không có được cái khả năng “thổi lên gió bão của đời sống” (từ dùng của nhà văn Nguyễn Đình Thi). Nhà văn Trần Đình Sử cách đây chưa lâu có viết trên báo Văn nghệ một bài nói về văn chương và nỗi đau (cái ý tứ là: văn chương có đau mới hay, dư luận có vẻ như chia đôi).

Mấy hôm nay theo dõi thời sự (VTV1) thấy Bộ TN&MT vào làm việc ở Hà Tĩnh, với formosa. Bây giờ chuyện đã vỡ ra tung tóe rồi mới thấy Bộ này kiên trì bám địa bàn và vào cuộc “quyết liệt”!? Giá như sớm hơn nhỉ, thì nhân dân được nhờ! Lại nghe Bộ này tuyên bố sẽ giám sát Formosa trong vòng 3 năm liền tới?! Sao lại chỉ có 3 năm? “Thằng” này nó còn “ăn dầm nằm dề” 70 năm cơ mà. Thế thì đến mấy đời Bộ trưởng nhỉ? Chắc nhiều nhiều, không tính xuể. Mọi chuyện về “thằng Phò” như cách nói của dân gian về Formosa, nay đã bạch hóa kể từ buổi chiều lịch sử 30-6-2016, sau 84 ngày chờ đợi trong hỏa mù, trong sự đua nhau chém gió của các quan chức quan liêu liên quan, khi Chính phủ họp báo tuyên bố nguyên nhân cá chết ở bốn tỉnh miền Trung. Cũng chẳng thể thở phào được, cũng không thể “xả xu-páp” như dân sửa xe máy nói chơi được. Nhân Dân cần biển sạch. Câu nói từ tâm can của bất kỳ người dân nào, chúng tôi nghe thấy khi ở Hà Tĩnh, dù chỉ hai ngày. Nói thu hoạch ở Hà Tĩnh, như nhan đề bài viết, chính vì thế.

Thu hoạch từ Hà Tĩnh. Với tôi, sau một chuyến đi ngắn ngày, chỉ có vậy. Ít hay nhiều tùy độc giả phán xét./.

Hà Tĩnh - Hà Nội, tháng 7 năm 2016

B.V.T

Bài đăng trên Tạp chí Hồng Lĩnh (Hội Văn học nghệ thuật hà Tĩnh), số tháng 8 năm 2016.

 

Ảnh:1- Một góc Formosa
2- Đoàn nhà văn thăm hỏi ngư dân xã Kỳ Lợi