Nhà văn Nguyễn Thanh (Mười Thanh), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, công tác tại Hội VHNT tỉnh Cà Mau. Ông quê gốc tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Nhà văn Nguyễn Thanh sinh năm 1942. Ông đã từ trần hồi 10h20p ngày 24-4-2016 (tức ngày 18 tháng 3 năm Bính Thân), hưởng thọ 75 tuổi. Tang lễ được tổ chức tại nhà riêng (đường Nguyễn Du, phường 5, TP. Cà Mau. Lễ an tang tổ chức vào sang ày 27-4-2016 (tức ngày 21 tháng 3 năm Bính Thân).
Trang trannhuong.com xin chia buồn cùng gia đình nhà văn Nguyễn Thanh và cầu mong linh hồn Ông về Trời thanh thản.
Xin giới thiệu bài viết về Nguyễn Thanh
Nhà văn Nguyễn Thanh: Viết để trả nợ ân tình
Lê Ngọc Diễm
Nhắc đến Nhà văn Nguyễn Thanh (Mười Thanh), rất nhiều người biết anh qua những trang viết, từ báo chí đến văn học hồi thập niên 60 của thế kỷ trước cho đến nay. Cả đời cầm bút, Nguyễn Thanh đã để lại dấu ấn khó quên đối với những ai đã từng đi qua cuộc chiến tranh trên vùng đất Tây Nam Bộ. Vẫn với giọng văn điềm đạm, tả thực một cách dung dị nhưng phản chiếu rõ nét những lát cắt thời gian mà anh bước qua, chứng kiến, trăn trở…
Hơn 70 tuổi rồi nhưng anh vẫn còn thao thức vì món nợ anh đã vay của quê hương, anh em, đồng đội, bà con vùng kháng chiến, đến nay vẫn chưa trả xong mặc dù đã cố gắng “cày cuốc” trên mảnh đất văn chương suốt thời gian dài, bởi món nợ ân tình quá lớn.
Hành trang khởi nghiệp
Gốc cội anh ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, thời chống Pháp cha anh tham gia cướp đồn Trà Luộc ở huyện bị Pháp truy nã, ông nội đem cả gia đình tản cư xuống Cà Mau, qua nhiều nơi, cuối cùng ông nội chọn xứ Khánh Bình (Trần Văn Thời) để an cư và anh được sinh ra trên vùng đất mới này. Lớn lên trong nghèo khó, thiếu thốn trăm bề nhưng má anh là người có tư tưởng tiến bộ, sợ con mình dốt nên bà cho anh đi học ở trường ấp, hết lớp 3 má gởi anh ra chợ Cà Mau học tiếp. Do ở nhờ nên không ổn định, anh phải chuyển chỗ nhiều lần, xa nhà, môi trường mới lạ lẫm anh cảm thấy bơ vơ nhưng lâu ngày rồi cũng quen, cố gắng thích nghi để đi học. Một ngày kia má anh chèo xuồng ra chợ bảo: “Về thôi con! Mấy anh, mấy chú đang cần con!”, thế là anh theo má về lại quê nhà rồi làm thầy giáo bất đắt dĩ theo sự phân công của tổ chức.
Nguyễn Thanh có diện mạo sáng sủa, giọng nói nhẹ, rõ ràng, trong sáng, nông thôn Cà Mau thời điểm đó anh là người hiểu biết rộng lại khiêm tốn nên bà con thương mến và rất tín nhiệm. Gần 5 năm vừa “gõ đầu trẻ” rồi làm hiệu trưởng trường xã mà anh mới bước qua tuổi 19. Phong trào xây dựng xóm làng kiểu mẫu đã cuốn anh vào công việc bắc cầu, làm lộ, cất nhà… việc gì tổ chức và Nhân dân cần là anh cùng lực lượng thanh niên hăng hái xung phong thật vô tư, không nghĩ mình đang làm cách mạng. Một ngày, thảm hoạ xảy ra. Máy bay giặc ném bom xuống xã Khánh Bình cướp đi sinh mạng gần 20 người dân vô tội. Ðám tang tập thể diễn ra tại nhà ông Ba Chánh (ấp So Le). Cảnh tang thương đó đã chạm đến nơi sâu thẳm nhất trong trái tim anh và lên tiếng thúc giục anh hãy hành động vì đồng bào, vì quê hương, đất nước mình. Lòng yêu nước, chí căm thù giặc hình thành từ đó.
Mỗi giờ lên lớp, tâm tư anh nặng trĩu, anh phải làm gì để những đứa trẻ ngây thơ hôm nay không chỉ biết đánh vần, làm toán mà chúng còn phải là những người có trách nhiệm đối với gia đình, quê hương trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh? Năm 1961-1962, anh được dự lớp sư phạm, bài tốt nghiệp anh viết về đám tang tập thể mà anh chứng kiến ở ấp So Le được điển hình xuất sắc. Kết quả này là cơ hội đưa anh sang một lĩnh vực khác, anh được tổ chức cho đi học tại trường viết văn của khu. Anh lội bộ 120 ngày ròng rã qua mấy con sông, cánh rừng, vừa đói, vừa mệt, gần như kiệt sức để đến căn cứ Tây Ninh. Sau 1 năm học tập, ngày trở về vẫn chân trần luồn lách qua những nơi hiểm trở, mất mấy tháng trời anh mới về đến Cà Mau.
Về lại Cà Mau, anh được phân công làm báo ngay. Thời điểm 1965, chiến trường còn rất ác liệt nhưng khi bộ đội hành quân thì Nguyễn Thanh cùng anh Nguyễn Xuân Bắc, Phạm Văn Tri… cũng tay súng, tay viết. Những bài phóng sự nóng hổi từ chiến trường Long Ðiền Tây, Long Ðiền Ðông, Phong Thạnh… và trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã cổ vũ kịp thời tinh thần chiến đấu của lực lượng vũ trang. Ngoài những tin tức thời sự, Nguyễn Thanh cũng giữ riêng mình những dòng tư liệu quý về đất và người Hồng Dân cũng như các mặt trận mà anh đã đi qua. Ngòi bút Nguyễn Thanh đã khẳng định bản lĩnh, năng khiếu làm báo của mình, nhưng cuối cùng anh lại thành danh ở sự nghiệp văn chương.
Trang văn - trang đời
“Mười Thanh rất có năng khiếu về văn chương, vì vậy cần cho anh có thêm thực tế làm vốn sống, nên tạo điều kiện cho anh làm báo, vừa là thử thách cũng là môi trường để anh tiếp cận cuộc sống nhiều hơn, sau đó đưa anh về mảng văn học sẽ vững vàng hơn”, ông Nguyễn Kiên Ðịnh (Sáu Kiên), nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh Cà Mau thập niên 60, quyết định như thế nên Nguyễn Thanh có thời gian lăn lộn ở chiến trường, bước trải nghiệm này đối với anh là một tài sản lớn.
Khi chuyển qua Tạp chí Lúa Vàng, ấn phẩm văn học của Cà Mau trong kháng chiến, anh phát huy được sở trường của mình. Sức trẻ, có kiến thức, vốn sống lại được trang bị lý tưởng cách mạng, chung quanh là trận địa, là đạn bom, là khí thế đấu tranh cùng những mất mát hy sinh… anh đã ghi lại những gì diễn ra trên quê hương với đồng chí, đồng bào mình một cách chân thực, sâu sắc.
Ở tâm thế của một người lính trên mặt trận chính trị tư tưởng, văn chương là vũ khí, cũng là hoa, lá, là hạt lúa, củ khoai và Nguyễn Thanh đã sống hết mình, viết hết lòng cho một giai đoạn chiến tranh mà kẻ thù đã liên tục bày nhiều dã tâm gây tội ác.
Hoà bình đã 40 năm nhưng quá khứ vẫn còn nguyên vẹn trên từng trang viết của Nguyễn Thanh. Chân dung của Phan Ngọc Hiển, ông già Bá Ðỏ Nguyễn Văn Tiết, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Thị Bay, Nguyễn Việt Khái… hiện rõ qua cảm xúc của anh đầy trân trọng về những con người bất tử.
Sau ngày giải phóng, anh trở về những dòng sông, cánh đồng, bến nước, cầu ao… để gặp hàng trăm nguyên mẫu là những bà mẹ, người chị, người anh, những lão nông dạn dày với đất, những thanh niên bứt phá vượt lên đói nghèo trong cuộc mưu sinh, những số phận nghiệt ngã phía sau cơ chế thị trường, nạn nhân của lòng tham và ích kỷ của số người có chức quyền ở địa phương…
Anh hay tìm về chốn xưa, nơi còn nguyên những tấm chân tình của cô bác vùng căn cứ để nhìn lại quang cảnh cũ với biết bao kỷ niệm vui buồn: hoa cau, hàng dâm bụt, bông so đũa, cây còng già ven sông… là những hoạ tiết trong bức tranh đồng quê anh mãi yêu thích. Văn của Nguyễn Thanh ảnh hưởng khá nhiều bức tranh tổng thể đó, không mượt mà đến sướt mướt nhưng đủ độ mềm để chuyên chở cảm xúc đẹp, tươi mới.
Nhạc sĩ Trần Thanh Hoà (Sáu Cấu), Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc Cà Mau, chia sẻ: “Tôi công tác chung với Mười Thanh từ năm 1970, dù ở cương vị nào, anh cũng giữ phong thái điềm tĩnh, cẩn trọng, anh có bề dầy sự nghiệp văn chương, có uy tín không chỉ ở Cà Mau mà cả khu vực và Trung ương. Trong vai trò lãnh đạo, anh khá sâu sát với hội viên, vừa tạo điều kiện tốt cho anh em hoạt động, anh có tầm nhìn nên có những gợi mở rất hay để anh em sáng tạo…”.
Không chỉ những người cùng thời mà lớp trẻ cũng dành cho anh tình cảm tốt đẹp, nhà văn trẻ Lê Minh Nhựt chia sẻ: “Nhà văn Nguyễn Thanh là người am hiểu văn học đề tài chiến tranh cách mạng vì ông là người trong cuộc. Sự từng trải của ông đã trở thành vốn quý, ông rất chỉn chu, cẩn trọng trong cách viết, chính kiến rõ ràng, lớp trẻ chúng tôi cần trang bị những điều đó và luôn trau dồi để học tập”.
Những trang viết của anh như những trang đời anh vậy, bởi nó rất thật, dung dị và không kém phần sâu lắng, chi tiết nhưng không vụn vặt, góc cạnh nhưng không sắc nhọn, dữ tợn. Mỗi nhân vật của anh đều mang một ẩn số, anh gắn họ vào hoàn cảnh cụ thể để thử thách, giải mã, anh đưa họ về đúng vị trí theo quy luật nhân - quả, đó là sự công bằng, tình yêu thương mà ngòi bút Nguyễn Thanh luôn hướng tới.
Nguyễn Thanh có một nguyên tắc: Không viết theo “đơn đặt hàng”. Văn chương anh không chạy theo thị hiếu hay cái “gu” của nhà xuất bản để phù hợp với nhu cầu thị trường. Món nợ anh trót mang của bà con xứ Khánh Bình, Hồng Dân, Phước Long, Cái Nước, Ðầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển… cứ riết róng trong tim, đòi anh phải trả. Anh chia sẻ: “Còn những điều chưa nhắc, chưa nói lắm. Cái vĩ đại của những người làm nên chiến thắng không chỉ ở các binh đoàn, vũ khí hiện đại, hay tầm chiến lược mà đó còn là cây kim, sợi chỉ của người mẹ nghèo, cái bánh lá dừa của hội phụ nữ kháng chiến, con cá, lá rau trong vườn chị Sáu, cô Ba với những bữa cơm đạm bạc đón bộ đội về làng…”.
Niềm tin gửi lại
Gần 20 năm vừa sáng tác, vừa làm công tác quản lý trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật tỉnh Cà Mau (sau khi chia tách tỉnh), Nguyễn Thanh cùng tập thể Ban Chấp hành hội đã tạo được nền tảng cho anh chị em hội viên ở các chuyên ngành, đó là nghiêm túc trong nghề, xây dựng tình đoàn kết gắn bó và đóng góp cho sự nghiệp văn học - nghệ thuật bằng những tác phẩm, công trình có giá trị cao. Cá nhân Nhà văn Nguyễn Thanh với vai trò Chủ tịch hội, anh đã làm hết trách nhiệm để không ngừng phát huy sức mạnh nội lực, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức và nâng cao kỹ năng sáng tạo ở tất cả 9 chuyên ngành. Tôi thấy được sự chắt chiu, trân trọng của anh đối với hội viên qua nhiều kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, sinh hoạt chuyên ngành. Anh chịu khó lắng nghe nguyện vọng của anh em cầm máy, cầm bút trước những phức tạp của cuộc sống mà anh em gặp phải khi tác nghiệp.
Từ lúc rời vị trí Chủ tịch hội đến nay gần 10 năm, nhưng tình cảm của anh em đối với Nguyễn Thanh còn rất sâu đậm, thể hiện qua nền nếp, sự tuân thủ và chấp hành của hội viên trong hoạt động nghề nghiệp và đời sống cá nhân.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Hoàng Thêm, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau, khẳng định: “… Anh Mười Thanh là người có công lao lớn ở Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau. Anh đã tạo nền tảng từ cơ sở vật chất đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế thừa và gắn kết được anh chị em ở các chuyên ngành lại với nhau. Nhìn lại sự trưởng thành của anh em hội viên, đủ ghi nhận tâm huyết, tình cảm của Nhà văn Nguyễn Thanh đối với sự nghiệp văn học - nghệ thuật của Cà Mau như thế nào…”.
Mấy năm gần đây, bệnh tật ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sáng tác của anh bởi đi đứng khó khăn vì căn bệnh xơ cứng mạch máu ở chân. Căn nhà liên kế trên đường Nguyễn Du yên ắng được bố trí nội thất đơn sơ nhưng rất ngăn nắp, gọn gàng. Khoảng sân nhỏ hoa lan khoe sắc bốn mùa là nơi Nguyễn Thanh đang sống và viết. Sáng sáng, có người phụ nữ khoẻ khoắn, nhanh nhẹn dắt chiếc xe máy ra đưa anh đi cà phê với bạn bè. Hình ảnh của đôi vợ chồng già này làm nhiều người ngưỡng mộ. Anh thường bảo, cuộc đời anh đơn giản lắm! So với nhiều người cùng thời anh chẳng có gì, bởi anh không tham vọng chuyện lớn lao. Bây giờ anh hoàn toàn thanh thản, tiếp tục viết để trả nợ ân tình./.
Bút ký của Lê Ngọc Diễm