Trong 50 vạn cánh ấn đến với tay người đời, có bao nhiêu người được nhận và phát quan, bao nhiêu người chẳng may rớt quan trường và bao nhiêu người có ấn vẫn trở về “ao thu lạnh lẽo nước trong veo”?
Người ta sẵn sàng làm tất cả để có một chiếc ấn. Ảnh vneNgười ta sẵn sàng làm tất cả để có một chiếc ấn. Ảnh vne

Mahatma Gandhi (1869 – 1948), nhà chính trị và lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi độc lập của Ấn Độ dưới chế độ thực dân của Đế quốc Anh từng nói: “Trong cầu nguyện, thà có trái tim mà không thốt nên lời còn hơn thốt nên lời mà thiếu vắng trái tim”.

Cuộc sống cổ đại, trung đại, cận đại rồi thời hiện đại ngày nay, tôn giáo và niềm tin tín ngưỡng vẫn luôn tồn tại đồng hành cùng đời sống xã hội, dù mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi châu lục, vùng miền đều có những biểu hiện, sắc thái khác nhau. Tin ở một thế giới nào khác ngoài thế giới vật chất đang vận động trong cuộc sống mà con người nhìn thấy, chạm được hay hiểu biết được thực sự không phải là niềm tin tiêu cực, ở góc độ nào đó, nó là động lực để con người tiến dần hơn đến chân, thiện, mỹ và là động lực để thúc đẩy hành động theo mục đích, chí hướng nào đó.

Tuy nhiên nếu lạm dụng và bị quấn vào một cách mù quáng, bị mê hoặc bởi những ý nghĩ viển vông thì niềm tin đó không khác nào rào xích kéo lùi chính cuộc sống của mỗi cá nhân và nếu lan rộng thì nó đẩy lùi cả sự phát triển của một cộng đồng, một xã hội.

Mấy năm nay, cứ sau Tết Nguyên đán, cộng đồng cuốn hút vào đa dạng các lễ hội từ Nam chí Bắc, nhiều người dự hội cả những điểm ngoài biên giới, ngoài châu lục. Lễ hội nào cũng gắn với một tục truyền được duy trì, phát triển qua các thời đại nhưng không ít lễ hội lại biến thái cùng với tâm lý sùng bái quá đà, biến những tập tục văn hóa truyền thống thành chuyện mưu lợi, thậm chí xô bồ. Ngẫm chuyện xin ấn đền Trần là một điển hình.

Cướp ấn cầu quan: Bấu víu niềm tin đến mức biến thái - ảnh 1Cảnh chen lấn tại Lễ khai ấn đền Trần. Ảnh: vne

Theo tập tục, lễ khai ấn có từ thế kỷ XIII, vào năm 1239 của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Thiên Trường không phải là Kinh đô nước Việt nhưng gắn với việc khai ấn là bởi trong kháng chiến chống Nguyên - Mông, Thăng Long thực hiện vườn không nhà trống, rút lui chiến lược thì nơi đây là căn cứ địa dễ tiến thoái như một "Thủ đô kháng chiến" theo cách gọi hiện đại để tận dụng địa thế và huy động sức người sức của cả một vùng trấn Sơn Nam, phủ Thiên Trường...

Vậy nên danh sĩ Phạm Sư Mạnh mới gọi nơi đây là "Hùng thắng Đông kinh hộ ấn vàng...". Trải bao thế kỷ, ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé qua đây và cho khắc lại. Ấn cũ khắc là "Trần triều chi bảo", ấn mới khắc là "Trần triều điển cố" để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu "Tích phúc vô cương".

Từ đây, Lễ khai ấn vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng (từ 11 giờ đêm 14 đến 1 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng) là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ trời, đất, tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông.

Cướp ấn cầu quan: Bấu víu niềm tin đến mức biến thái - ảnh 2Ấn đền Trần.

Tục là như vậy, nhưng ngày nay hình thành trong tâm lý người dân đến xin ấn đền Trần để chóng phát quan. Không ít người tin rằng phải lấy được ấn đúng “giờ thiêng” thì chức tước, quan trường mới phát. Thế nên mới có chuyện không được phát thì phải… cướp, miễn là sau lễ khai ấn nhất định không về tay không vì như thế chẳng những không phát quan mà có khi lại dính cái dớp mất ấn, rớt quan. Bởi niềm tin đó, cảnh tượng chen lấn, xô đẩy đêm khai ấn không năm nào ngớt, cho dù ban tổ chức có tăng lên 50 vạn cánh ấn đền Trần chứ 100 vạn cũng khó lòng đáp ứng.

Đương nhiên, có niềm tin ở chốn linh thiêng rằng “cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc” thì niềm tin ấy lâu dần tạo thành nếp sống và mặt nào đó là bộ phận không tách rời của cuộc sống. Có sự cầu nguyện, tức là có sự tôn thờ và có thể là động lực để mỗi người phấn đấu, hướng đến mục đích cao đẹp và hành động theo chuẩn mực của mục đích đó.

Nhưng nếu vin vào đó để bấu víu niềm tin, để bằng mọi giá phải có, phải đạt được dù theo cách nào thì đó là sự biến thái. Đền chùa, chốn thanh tịnh thì tự thân lòng dạ phải thật tâm. Sự lừa dối, lọc lừa chính mình và với người khác thì sự cầu nguyện ấy đâu còn màu sắc tôn giáo, màu sắc tín ngưỡng văn hóa dân gian?

Tôi tự hỏi, trong 50 vạn cánh ấn đến với tay người đời, có bao nhiêu người được nhận và phát quan, bao nhiêu người chẳng may rớt quan trường và bao nhiêu người có ấn vẫn trở về “ao thu lạnh lẽo nước trong veo”? Hãy để niềm tin, hãy để tín ngưỡng tồn tại theo đúng nghĩa. Tự mỗi người khi cầu nguyện điều gì đó, khi chắp tay vái lạy nếu hiểu rằng “thà có trái tim mà không thốt nên lời còn hơn thốt nên lời mà thiếu vắng trái tim” thì chúng ta đang góp sức cho một xã hội vận động tích cực vậy.

Theo CAND