Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT BÀI VĂN TẾ TƯỚNG SĨ NHÀ THANH TỬ TRẬN

Nguyễn Thị Lâm
Thứ năm ngày 11 tháng 2 năm 2016 9:38 PM


KỈ NIỆM 227 NĂM CHIẾN THẮNG NGỌC HỒI-ĐỐNG ĐA



Bài này có tên là Thiên triều văn (văn tế quân thiên triều) bằng chữ Nôm, dài 62 câu, được chép ở sách Cúng văn tạp lục, ký hiệu A.1948/1-2 Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đây là một cuốn sách viết tay, gồm hai tập, dày 438 trang, khổ 29x20cm, ghi chép về những nghi thức và văn cúng Phật, Thánh, trời đất. Phần chữ Nôm có một số bài ca ngợi các danh tướng thời Trần như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, các vị thánh mẫu, vương phi, công chúa và hai bài văn tế. Tuy sách không đề rõ tên tác giả và niên đại nhưng căn cứ văn bản có viết kiêng húy chữ “thì” (Nguyễn Phúc Thì là tên vua Tự Đức nên thì được viết thành thìn) cho thấy sách này có thể được ghi chép từ thời Tự Đức trở về sau. Tuy là một bài văn tế nhưng Thiên triều văn không viết theo thể phú như lệ thường ở nhiều bài văn tế khác, hoặc không theo thể song thất lục bát như bài Văn chiêu hồn của Nguyễn Du mà lại làm theo thể lục bát là một thể thơ dân tộc được phổ biến rộng rãi. Bằng giọng văn chiêu hồn ai oán, tác giả đã cực tả tình trạng khốn quẫn không lối thoát của bọn tướng sĩ nhà Thanh trong trận Đống Đa vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) với những chi tiết thật cụ thể mà các bộ sử sách bằng Hán văn không có điều kiện ghi chép hết được.

Lịch sử kể lại rằng vào năm Mậu Thân (1778), mấy chục vạn quân Thanh do Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị làm tổng chỉ huy theo đường Lạng Sơn ồ ạt sang xâm lấn nước ta. Chúng kéo thẳng một mạch đến thành Thăng Long. Tin cáo cấp đưa về Phú Xuân, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ sai đắp đàn ở phía nam núi Ngự Bình, làm lễ tế cáo trời đất lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Quang Trung rồi ra lệnh xuất quân. Hôm ấy nhằm ngày 25 tháng Chạp. Đạo quân chủ lực gồm bộ binh, tượng binh và kỵ binh do đích thân nhà vua chỉ huy theo đường chính tiến thẳng ra Thăng Long. Nửa đêm ngày mồng ba tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789), nghĩa quân bí mật bao vây đồn Hà Hồi. Khiếp sợ trước thanh thế của nghĩa quân Tây Sơn, bọn giặc Thanh “ai nấy rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng, lương thực khí giới đều bị quân Nam lấy hết”. Mờ sáng ngày mồng 5, đại quân Tây Sơn lại tiến công tiêu diệt quân Thanh ở đồn Ngọc Hồi, khiến cho chúng “chống cự không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết”, “thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối”. Trong lúc vua Quang Trung đang đánh với quân Thanh ở đồn Ngọc Hồi thì sáng hôm ấy Đô đốc Long theo kế hoạch đốc suất hữu quân, trong đó gồm quân voi và quân kỵ mã xuyên qua huyện Chương Đứcđến làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì đánh thẳng vào đồn quân Thái thú Điền Châuở Khương Thượng (khu vực Đống Đa, Hà Nội). Quân Thanh không có đường thoát, bị giết chết vô kể. Tướng giặc là Sầm Nghi Đống liệu thế chống cự không nổi thắt cổ tự tử. Tôn Sĩ Nghị nghe tin sợ mất mật, tưởng đâu “tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới đất lên”, y vội vàng luống cuống: “ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã của mình chuồn trước qua cầu phao nhằm hướng bắc mà chạy”. Thế rồi, “quân sĩ các doanh nghe tin đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều. Lát sau cầu lại bị đứt, quân lính đều rơi xuống nước, đến nỗi nước sông Nhĩ Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa”.

Chiến dịch Ngọc Hồi - Đống Đa kết thúc thắng lợi. Chiều mồng 5 tết, vua Quang Trung áo bào sạm khói súng dẫn đại binh rầm rộ tiến vào giải phóng Thăng Long, lũ cướp nước và bè lũ bán nước đã bị quét sạch ra khỏi bờ cõi. Nêu cao truyền thống nhân nghĩa cao cả của dân tộc, nhà vua đã hạ lệnh chiêu an, cấp phát lương thực quần áo cho mấy vạn quân Thanh ra đầu thú hoặc bị bắt, đưa hết lên cửa ải thả cho chúng về nước. Còn đối với bọn tướng sĩ tử trận, suy cho cùng cũng chỉ là nạn nhân của cuộc chiến tranh phi nghĩa. Chiến trường năm xưa đã thành mồ chôn quân giặc, song nhân dân ta với tấm lòng bao dung vô hạn vẫn tỏ ý xót thương những kẻ phải bỏ thân nơi đất khách quê người, mảnh cô hồn không nơi nương tựa, cho nên thường lập đàn tế lễ để an ủi họ. Bài văn dưới đây là một ví dụ.

Thiên triều văn

(Văn tế quân thiên triều)

Thương thay, hỡi các chú ơi!

Ăn uống đã rồi thầy kể một văn:

Quý Tỵgiữa ngày mồng năm,

Giờ Dần chính nguyệt ầm ầm huyên hoa.

Một chi đánh ở Đống Đa,

Cầu Duệ kéo đến tốt xamuôn phần.

Khiếp voi bại trận tiên phong,

Cầu nhương sụt cả xuống sông Bồ Đề.

Đao binh tử trận đầy khe,

Dọc đường gài gác nằm kề năn nănChú sang cứu viện nước Nam,

Chẳng may gặp phải suối vàng thương thay !

Chú thì thắt cổ trên cây,

Chú thì tự vẫn ở nay trong nhà.

Chú thì thác xuống Diêm La,

Chú nào còn sống về nhà Đại Minh.

Ai ai là chẳng đeo tình,

Di Đàtiếp dẫn chúng sinh cô hồn.

Chú nào có vợ có con,

Có cha có mẹ hãy còn giỗ chung.

Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông,

Nam Kinh, Quảng Bắccó lòng sang đây.

Trời làm một trận gió lay,

Sống làm tướng mãnh chết rày thần linh.

Phù hộ tín chủ bình an,

Cửa nhà phú túc vững bền cao xây.

Mạo chiênnon khách móng giầy,

Đuôi sam hảo lớchú rày cần lo.

Chú thiêng nao đấy phụng thờ,

Kính quan tôn sứ để nhờ hậu lai.

Nhớ xưa chú bác từng bày,

Cung dao tay nỏ đầu kề non chiên.

Tay vòng bạc, cổ đeo tiền,

Cờ mao một ngọn xông tên chiến trường.

Điền Châu Thái thú đảm đương,

Liều mình tử trận chiến trường nên công.

Trận vây ở trong Nam Đồng,

Rạng ngày mồng sáu cờ rong lai hàng.

Còn ông Tổng Đốc ban sang,

Quyết liều một trận chiến trường ba quân.

Muốn cho được chữ ái ân,

Quyền quyềnvai gánh trung cần đế vương.

Vua sai bộ sứ tiếp sang,

Quan tài phong kín đón đường kéo ra.

Con con cháu cháu hằng hà,

Mừng lấy được xác Điền Châu đem về.

Tướng tài can đảm cũng ghê,

Làm đền phụng sự tức thì Đống Đa.

Các chú thác xuống Diêm La,

Bắc nam đôi ngả trẻ già cùng thương.

Cơm dày áo nặng nhà vương,

Bõ công gối đất nằm sương bao đành.

Thác ở chiến trận nên danh,

Về thời vua giết chẳng lành được đâu.

Chú thì thác ở đầu cầu,

Chú thì tự vẫn đâm đầu xuống ao.

Ai ai trông thấy thương sao!

Lập đàn chẩn tếmà kêu cô hồn.

Gọi là mảnh áo thoi vàng,

Ít nhiều làm của ăn đường sinh thiên.

Khuông phù tín chủ bình an,

Gái trai già trẻ thiên niên thọ trường.

Chú thích:

1. Hà Hồi: tên làng thuộc huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam. Nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.

2. Hoàng Lê nhất thống chí, tập II, Nguyễn Đức Vân - Kiều Thu Hoạch dịch, Nxb. Văn học, H. 1984, tr.183.

3. Ngọc Hồi: tên làng thuộc huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng, nay thuộc ngoại thành Hà Nội.

4. Hoàng Lê nhất thống chí, Sđd, tr.184.

5. Huyện Chương Đức: thuộc phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam. Nay là các huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây.

6. Thái thú Điền Châu: tức Sầm Nghi Đống.

7, 8. Hoàng Lê nhất thống chí, Sđd, tr.185-186. Theo Bang giao lục thì trong chiến dịch mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), số quân Thanh bị chết là 27 vạn.

9. Hoàng Lê nhất thống chí, Sđd, tr.191.

10. Quý Tỵ: ở đây chép lầm, đáng lẽ là Kỷ Dậu (1789) thì đúng hơn.

11. Huyên hoa: nghĩa như huyên náo, ồn ào.

12. Tốt xa: binh lính và xe cộ.

13. Ý nói quân Tiên phong của giặc đã thất bại vì khiếp sợ tượng binh của ta.

14. Cầu nhương: tranh cướp nhau lên cầu. Sông Bồ Đề: khúc sông Hồng chảy qua xã Bồ Đề thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội.

15. Gài gác nằm kề năn năn: ý nói xác quân giặc nằm gài vào nhau, gối lên nhau nhiều vô kể.

16. Di Đà: danh hiệu một vị Phật.

17. Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, Nam Kinh, Quảng Bắc: đều là tên các địa danh bên Trung Hoa.

18. Mạo chiên: mũ và cờ.

19. Đuôi sam hảo lớ: nói về tục để đuôi sam và giọng nói của người Thanh.

20. Nam Đồng: tên làng ở gần Đống Đa.

21. Tổng đốc: tức Tôn Sĩ Nghị.

22. Quyền quyền: khăng khăng.

23. Hằng hà: nhiều không kể xiết.

24. Chẩn tế: cứu giúp.

25. Khuông phù: giúp đỡ cho./.