Xuân DươngTác phẩm Quân vương của Nicolas Machiavel đã từng được đề cập trong các bài: “Quân Vương, tội ác và trừng phạt” ; “Quyền lực trị quốc và vai trò Quân vương” đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Bài này nằm trong mạch bài về chủ đề Quân vương, người viết muốn nêu một vài ý kiến liên quan đến những nghịch lý trong quan điểm của Nicolas Machiavel về phép trị quốc và sự nghiệp của đấng Quân vương trong Vương quốc Thế tập (Vương quốc cha truyền con nối).
Nicolas Machiavel viết: “Nếu nhà Vua lại không có nhiều tính hư, tật xấu quá đáng cho dân phải ghét bỏ, thì tất nhiên cảm tình của dân sẽ nghiêng về Ngài.
Vả lại sự thâm niên và liên tục trị vì của dòng họ nhà Vua, những kỷ niệm để lại trong nước khiến cho dân tự gạt bỏ những lý do của bất cứ một sự thay đổi nào.
Họ cũng thừa hiểu mỗi cuộc thay vị đổi ngôi chỉ là những viên đá đặt trước để gây nên một cuộc thay vị đổi ngôi mới khác nữa” (Chương 2: Những Vương quốc Thế tập).
Một mặt Nicolas Machiavel ca tụng sự thâm niên và liên tục trị vì của dòng họ nhà Vua, những kỷ niệm tốt đẹp (mà hoàng tộc) để lại khiến cho thần dân không muốn thay đổi ngôi báu.
|
Quân vương - logic của nghịch lý (Ảnh: wikipedia) |
Mặt khác ông cũng chỉ ra viễn cảnh: “Mỗi cuộc thay vị đổi ngôi chỉ là những viên đá đặt trước để gây nên một cuộc thay vị đổi ngôi mới khác nữa” bởi lẽ trên thế giới này, không vương triều và Quân vương nào tồn tại thiên tuế chứ đừng nói đến vạn tuế.
Nicolas Machiavel đã không úp mở khi cảnh báo Quân vương, rằng nếu những kỷ niệm trong lòng dân chúng không phải là những kỷ niệm đẹp thì thần dân sẽ không tự ý gạt bỏ lý do của một sự thay đổi ngôi vị hoàng tộc.
Điều quan trọng hàm chứa trong ngôn từ “khuyên nhủ” của Nicolas Machiavel - nói hàm chứa vì nó được ẩn giấu một cách công khai mà chỉ Quân vương ngờ nghệch mới không nhận thấy - đó là không ai khác, chỉ có dân chúng mới có sức mạnh gạt bỏ hoặc chấp nhận “bất cứ một sự thay đổi nào” trong vương quốc.
(GDVN) - Dùng cấp dưới để hiện thực hóa ý tưởng, dựa vào thần dân để củng cố ngai vàng, chỉ có vậy quyền uy của Quân vương mới thực sự vững bền. |
Quân vương cần lo đến ý dân chứ không phải sự phản nghịch của đám cận thần trừ khi Quân vương dù nắm trong tay Thượng phương bảo kiếm nhưng lại lóng ngóng không biết sử dụng.
Tuy nhiên, có một quan điểm của Nicolas Machiavel cần phải được nhìn nhận một cách tỉnh táo khi ông cho rằng:
“Nhà Vua chỉ cần có mức tài năng, khôn khéo bậc trung cũng giữ được địa vị của mình, trừ trường hợp bị truất phế do một lực lượng địch quân đặc biệt hùng mạnh” (Chương 2: Những Vương quốc Thế tập).
Điều Nicolas Machiavel nói trên chỉ đúng trong trường hợp Quân vương kế ngôi khi đất nước thái bình, dân chúng yên ổn làm ăn, bầy tôi trung thành, không có thù trong, giặc ngoài.
Nói cách khác, Quân vương trong trường hợp này đã được kế thừa một di sản ổn định, sự lãnh đạo của Quân vương vì thế không mấy khó khăn.
Tuy nhiên một khi vương quốc do một vị “Quân vương bậc trung” trị vì thì tiền đồ của vương quốc cũng sẽ chỉ “thường thường bậc trung”, khó có thể nói là sáng sủa.
Nếu đất nước rơi vào cảnh lòng dân ly tán, tham quan hoành hành, ngoại bang nhòm ngó thì “Quân vương bậc trung” không thể là lãnh tụ tinh thần cho tất cả thần dân phò tá.
Quân vương khi đó hoặc sẽ thành bù nhìn, hoặc sẽ thành kẻ bán nước, còn thần dân và vương quốc từ nỗi hoan hỉ ngây thơ ban đầu khi Quân vương kế vị sẽ bước vào vòng tủi hổ của kẻ không làm chủ được vận mệnh của mình.
Lịch sử cho thấy, chẳng có “Quân vương bậc trung” nào có thể vực dậy một xã hội nhiễu nhương, biến đất nước đầy rẫy tham ô, hủ hóa thành một hùng quốc, đó chỉ có thể là một Quân vương tài trước, đức sau.
Một người sẵn sàng chuẩn bị cho mình cỗ quan tài trước khi bắt tay trị quốc. Sở dĩ nói “tài trước, đức sau” là bởi câu nói dân gian của người Việt là tìm người tài-đức chứ không phải là tìm người đức-tài, mặt khác người có đức thì nhiều nhưng người có tài không phải lúc nào cũng xuất hiện.
Tiếng thơm mà Quân vương để lại cho hậu thế không phải là những giọt nước mắt nhận lỗi trước thần dân mà là sự huy hoàng của vương quốc dưới sự trị vì của Ngài.
Một vương quốc hèn yếu chẳng bao giờ gắn với tên tuổi một Quân vương lừng lẫy, có chăng chỉ khi bằng tài trí của mình, Quân vương có thể đưa vương quốc thoát khỏi cảnh bần hàn, khiến thần dân dám ngẩng cao đầu nhìn thiên hạ mà không phải nói dối mình là người nước khác như một người ăn cắp kim cương ở Thái Lan tự nhận mình là người Nhật Bản!
(GDVN) - “Một Quân vương không nên sợ mang tiếng là tàn ác, khi cần phải giữ thần dân trong vòng đoàn kết và phục tùng" |
Trong cuộc chiến, Quân vương có thể thua một số trận đánh, quan trọng là chiến thắng trong trận đánh cuối cùng. Điều này cũng đã được Nicolas Machiavel minh giải:
“Kẻ loạn thần chiếm ngôi cũng chẳng vững đâu, khi chỉ xảy một biến cố nhỏ là hắn đổ ngay để cựu Chúa có thể tái ngự lên ngai vàng”.
Vấn đề là Quân vương sẽ tái ngự được bao lâu nếu loạn thần vẫn còn vây, còn cánh, nếu tiềm lực vương quốc cạn kiệt cứ phải vay mới để trả nợ cũ?
Về điều này Nicolas Machiavel đã lý giải khá kỹ trong chương 16: “Tính hào phóng và cần kiệm”.
Ông viết: “Ở đời, nếu cứ mang của riêng tiêu xài phung phí thì sẽ hao mòn đến hết sạch, cho đến bước cơ hàn khốn khó. Khi ấy muốn gỡ lại, tất phải giở thủ đoạn tham tàn để rồi chuốc lấy lòng oán ghét của nhân dân.
Khi đã đạt tới đích, nếu Hoàng đế không tự kiềm chế những món chi tiêu quá lớn lao, tự mình sẽ làm cho ngai vàng sụp đổ”.
Quan điểm của Nicolas Machiavel hoàn toàn trùng hợp với triết lý phương Đông “lấy dân làm gốc”.
Một Quân vương chỉ biết tiêu sài đến nỗi ngân quỹ cạn kiệt, lấy thuế cao, phí nặng nhằm bù đắp ngân khố tất bị dân chúng oán thán, tất tạo nên mầm loạn trong dân.
Nhắm mắt làm ngơ trước sự “oán ghét của nhân dân” hay tự huyễn hoặc mình rằng thần dân trong vương quốc tuyệt đối tin vào Quân vương là một chứng bệnh nguy hiểm. Mầm họa nằm ở đó và sự kết thúc cũng nằm ở đó.
Để bồi đắp uy tín cho một người mới trở thành Quân vương nhằm duy trì quyền lực thống trị, Nicolas Machiavel đã đưa ra một lời khuyên hai lưỡi, rằng “muốn giúp cho một tân Chúa mau trở thành vĩ nhân, thì vương quốc (phải) xuất hiện những kẻ địch lặt vặt, những âm mưu chống đối (vặt vãnh), để Chúa có dịp ra tay tiêu diệt, xem như những nấc thang cho Chúa leo dần lên danh vọng tối cao”.
Thậm chí N. Machiavel không loại trừ các mưu mô đớn hèn khi khuyên Quân vương, rằng “vị Chúa khôn ngoan phải tự tạo ra những vụ chống đối để có dịp thẳng tay diệt trừ, ngõ hầu được tiếng tăm và tán thưởng của mọi người”. (Chương 20: Công tác xây cất thành trì doanh trại)
Nói rằng đó là “mưu mô đớn hèn” bởi vì việc “tạo ra các vụ chống đối” một mặt làm tha hóa đội ngũ cốt cán dưới trướng Quân vương, họ phải ngụy tạo chứng cứ, phải lừa dối quan tòa để Thần Công lý tin vào sự giả dối do họ tạo ra, mặt khác không ít người vô tội sẽ bị đẩy vào vòng tù ngục, thậm chí là đổ máu chỉ để làm rạng rỡ thêm vòng nguyệt quế trên đầu Quân vương.
(GDVN) - “Tham vinh quang” tự thân nó sẽ đủ sức mạnh để dẫn dắt quyền lực làm những việc nên làm và cần làm. |
Sự đớn hèn đáng phỉ nhổ đó, tiếc thay không chỉ Nicolas Machiavel cổ súy mà còn được rất nhiều chính khách tận dụng nhằm triệt hạ một vài đối thủ hay cả một tập đoàn chống đối. Dẫu là nghịch lý nhưng đó lại là logic không dễ bác bỏ.
Người đời dù lên án song không thể không công nhận, rằng đây cũng là một cách thức để Quân vương củng cố quyền lực, một cách thức khiến thần dân lúc nào cũng nơm nớp lo sợ khi nào thì tang vật bỗng nhiên tìm thấy trong phòng nghỉ của mình.
Từ lo sợ đến cam tâm phục tùng chỉ cách nhau bởi sự mỏng manh của tấm trát tòa án.
Nicolas Machiavel dành hẳn một chương, chương 21: “Cách cai trị được lòng dân” để đưa ra lời khuyên cho Quân vương về nghệ thuật trị quốc.
Một quan điểm nguy hiểm xuất hiện trong tác phẩm Quân vương của Nicolas Machiavel khi ông cho rằng khi nào “Tổ quốc lâm vào cảnh tuyệt vọng, ta mới có cơ tìm được một Anh hùng” hoặc Quân vương cần “kéo dài liên tiếp từ cuộc chiến này sang cuộc chiến khác, đến nỗi thần dân không còn chút thời giờ nhàn rỗi giữa hai cuộc chiến để nghĩ tới oán giận Ngài”.
Mặc dù quan điểm này cũng giống như câu nói “thời thế tạo anh hùng” nhưng sẽ là thảm họa cho vương quốc nếu Quân vương (vô tình hay cố ý) đẩy đất nước vào cảnh tuyệt vọng để tạo cơ hội cho anh hùng xuất hiện.
Biện luận cho quan điểm của mình Nicolas Machiavel viết “Đất nước đã bao phen bị dày xéo dưới gót quân thù ngoại bang, đang khao khát phục thù, ấp ủ trong lòng niềm tin bất diệt với biết bao giọt lệ. Cửa nào không rộng mở đón Ngài? Dân nào dám từ nan không tuân theo mệnh lệnh? Kẻ nào dám tỏ lòng ghen tỵ?" (Chương 26 : Kêu gọi anh hùng cứu nước).
Có thể thấy Nicolas Machiavel không ngần ngại cổ súy cho chủ nghĩa cực đoan, phục hận trả thù. Kích động tinh thần dân tộc hẹp hỏi, lòng thù hận ấp ủ qua lịch sử để thu hút nhân tâm không phải là việc Quân vương nên làm mặc dù nó có tác dụng nhất định trong việc duy trì địa vị, niềm tin của dân chúng vào người dẫn dắt vương quốc.
Tuy vậy, cũng có những ý kiến của Nicolas Machiavel dù được viết trong chương với tiêu đề có vẻ duy tâm là “Số mệnh và con người” (chương 25) song lại hoàn toàn biện chứng, không phải chỉ đúng trong thời đại của ông mà còn mang tính thời sự cho đến tận hôm nay.
Ông cho rằng: “Có những vị Vương hầu thật khôn ngoan, nhưng cố chấp, không chịu mềm dẻo uốn mình theo thời thế, hoặc nghĩ con đường đang theo đã đưa mình đến thịnh đạt, cần gì đổi sang con đường khác.
Vậy người có tính quá thận trọng, đến khi cần phải táo bạo không dám làm, tất nhiên sẽ bị bại vong; nếu biết thay tính khí để gió chiều nào che chiều ấy, số mệnh cũng uốn theo mình”.
Điều toát lên trong nhận định Nicolas Machiavel là nếu Quân vương cứ cố chấp, cứ gieo niềm tin ngây thơ vào một chân lý xa vời nào đó cho cho thần dân của mình thì thần hộ mệnh dẫu có muốn giúp cũng chỉ còn cách bó tay đứng nhìn.
Mỗi vương triều đều gắn với một hoàng tộc, mỗi quốc gia đều gắn với một dân tộc. Nếu Quân vương muốn theo gương các bậc tiên hiền, muốn được thần dân hưởng ứng thì nhất thiết phải biết đem cái cá nhân của mình hòa vào cái vĩ đại của dân tộc, không ngại vấy cái lấm lem của dân chúng lên khuôn mặt mình.
Chẳng có Quân vương nào lưu danh thiên cổ mà cuộc đời lại trong như ngọc, trắng như ngà, đó là nghịch lý mà cũng là điều logic của phép trị quốc.
Vậy nên thay cho lời kết, xin trích dẫn bình luận của bạn đọc có bút danh Dân Việt trong bài “Quyền lực trị quốc và vai trò Quân vương”: Một đấng Quân Vương có tinh thần ái quốc vĩ đại, dốc lòng phục vụ nhân dân, có đức cao vọng trọng, và có tài năng xuất chúng, đất nước nhất định sẽ nhanh chóng hùng cường.