Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN CHƯƠNG MẠNG, SIÊU LIÊN KẾT-SIÊU VĂN BẢN

Giáp Văn
Thứ hai ngày 23 tháng 11 năm 2009 11:14 AM
 
Tuy văn chương mạng có hai đặc trưng mới là siêu liên kết và siêu văn bản, nhưng hai đặc trưng mới này, cũng như bản thân sự ra đời của văn chương mạng, không làm giảm giá trị của văn chương và cũng không thách thức hệ thống lý luận văn chương hiện thời. Ngược lại, văn chương mạng làm tăng khả năng phổ biến cũng như sức ảnh hưởng của văn chương và tạo điều kiện cho hệ thống lý luận văn chương tự hoàn thiện mình.
Siêu liên kết –một chức năng mạng internet mang lại thông qua tính năng hyperlink- là một đặc trưng của văn chương mạng. Nhưng suy cho cùng, siêu liên kết chỉ đóng vai trò như là tài liệu tham khảo trong văn chương truyền thống, không có gì mới lạ. Tuy nhiên, trong môi trường internet, việc kết nối và tham chiếu tới các tài liệu này dễ dàng hơn so với môi trường văn chương truyền thống nên nó được sử dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của điều tác giả muốn nói, và tăng khả năng cảm thụ của người đọc thông qua sự tham chiếu mà nó mang lại.
Nhờ siêu liên kết, tác phẩm văn chương trở thành siêu văn bản –hypertext- chứa đựng trong nó những nội dung mà nó tham chiếu đến thông qua siêu liên kết.
Như vậy, siêu liên kết và siêu văn bản là hai đặc trưng mới của văn chương mạng. Nhưng hai đặc trưng mới này chỉ là sự phát triển ở một mức cao hơn các tính chất đã có trong văn chương truyền thống, như tài liệu tham chiếu, tính ẩn dụ và sử dụng điển tích, nên chúng chỉ làm phong phú thêm cho các khái niệm của lý luận văn chương, chứ không có gì là đe dọa hoặc “thách thức gay gắt” lý luận văn chương cả. Ngược lại, sự xuất hiện của văn chương mạng là cơ hội cho lý luận văn chương hoàn thiện mình hơn.
Nếu lý luận cần làm gì đó trước sự xuất hiện của văn chương mạng, thì đó đơn giản là bổ sung thêm một số khái niệm mới, hoặc mở rộng nội hàm của các khái niệm cũ, sao cho bao phủ được những đặc điểm riêng biệt của văn chương mạng.
Chẳng hạn, nguyên lý “văn chương là nghệ thuật của ngôn từ” có thể phải điều chỉnh cho thích hợp hơn, như: văn chương là nghệ thuật của ngôn từ và nội dung tham chiếu. Thuật ngữ nội dung tham chiếu sẽ bao quát hai đặc trưng mới của văn chương mạng là siêu liên kết và siêu văn bản.
Ở đây, nội dung tham chiếu không phải là một cái gì đó mới. Nó chính là những điển tích và tài liệu tham khảo trong văn chương truyền thống. Chỉ có điều, việc truy nhập những điển tích và tài liệu tham khảo này được tiến hành trực tiếp, dễ dàng thông qua chức năng siêu liên kết của mạng internet. Người đọc do đó có thể kiểm tra một điển tích nào đó bằng một cái kích chuột, chứ không phải bằng cách lục lại trí nhớ hoặc tra cứu sách vở như trong văn chương truyền thống.
Tính liên nội dung, liên hình thức, liên giác quan mà chức năng siêu liên kết của mạng internet cung cấp cho văn chương sẽ chỉ làm phong phú thêm cho văn chương và lý luận về văn chương, chứ không làm suy giảm giá trị của văn chương hoặc thách thức hệ thống lý luận văn chương hiện thời.
Internet chỉ là môi trường sinh tồn mới của văn chương, làm phong phú thêm cho văn chương thông qua những tiện ích mà nó mang lại, đặc biệt là khả năng tạo ra siêu văn bản thông qua siêu liên kết.
Vì vậy, văn chương vẫn luôn là văn chương, dù tồn tại ở bất cứ hình thức nào. Giá trị của văn chương không phụ thuộc vào hình thức tồn tại của nó. Văn chương mạng vì thế là văn chương đích thực, bình đẳng với tất cả các loại hình văn chương có trước nó và sau nó.
Trước văn chương mạng là văn chương truyền miệng, văn chương viết. Sau văn chương mạng sẽ là các loại hình văn chương khác mà hiện giơ còn chưa xuất hiện hoặc đang có mầm mống hình thành. Nhưng căn cứ vào các tiến bộ của công nghệ, có thể phán đoán được hình thức tồn tại của chúng, đó là: văn chương di động dựa trên sự phổ biến của thiết bị không dây và mạng di động và văn chương truyền miệng kiểu mới dựa trên những tiến bộ của công nghệ xử lý, truyền tin và điều khiển bằng tiếng nói.

Nguồn:
http://www.giapvan.net/