Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BỆNH “SUY TÂM HỒN” – NGUYÊN NHÂN CHỦ YẾU DẪN ĐẾN OAN, SAI TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Phạm Khanh
Thứ bẩy ngày 29 tháng 8 năm 2015 5:20 PM
Khoảng 10 năm trước đây, nhờ có bầu không khí công khai, dân chủ mà đông đảo công chúng mới biết đến một trong những sự thật đau lòng vốn dĩ được xem như “một vùng cấm”, đó là những sai lầm nghiêm trọng trong hoạt động tố tụng hình sự (TTHS). Xin dẫn lại dưới đây một số trường hợp thật điển hình mà các cơ quan thông tin đại chúng đã từng đề cập lâu nay và những vụ việc này đã được các cơ quan chức năng Nhà nước tiến hành kiểm tra, thanh tra thừa nhận.
Vụ “Người vô danh”.
Do xích mích giữa hai gia đình mà thành ra án mạng. Một cụ già hơn 60 tuổi ở Nghệ Tĩnh (cũ) đã bị Công an địa phương bắt giữ, giam cầm. Con trai ông – một giảng viên đại học, anh Nguyễn Sỹ Lý, vì thương cha bị giam cầm oan ức, có thể bị chết trong cảnh tù đầy, đành phải hành động như nàng Kiều mấy trăm năm trước – “bán mình chuộc cha” – nhận bừa rằng anh là thủ phạm của vụ án ấy và “xin được vào tù thay cha”. Một thời gian sau, cơ quan điều tra đề nghị truy tố anh về tội giết người. Tòa sơ thẩm phạt anh 17 năm tù. Anh Lý và gia đình kêu oan, liên tục khiếu nại, song Tòa phúc thẩm rồi giám đốc thẩm vẫn quyết định giữ nguyên mức án ấy. Anh Lý tuyệt vọng, chấp nhận hình phạt. May thay, một người bạn tù có lương tâm là Cao Tiến Mùi thấu hiểu nỗi oan ức của anh, hứa khi ra tù sẽ tìm mọi cách minh oan cho anh.
Sau khi ra tù, “Người vô danh” ấy đã lận đận vượt qua mọi khó khăn của hoàn cảnh, tự điều tra thu thập chứng cứ, tìm ra được kẻ giết người. Con người cao thượng này đã cùng với người cha tội nghiệp của Nguyễn Sỹ Lý lặn lội nhiều lần từ Nghệ An ra Hà Nội, đem toàn bộ bằng chứng trình lên Viện Kiểm sát tối cao. Trước những bằng chứng vững chắc, thuyết phục ấy của “Người vô danh”, Viện Kiểm sát tối cao lập tức cho xác minh, nhận thấy sự sai lầm nghiêm trọng của các cơ quan bảo vệ pháp luật, đã quyết định kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xử tái thẩm đối với vụ án, ra quyết định hủy án phúc thẩm và án giám đốc thẩm, tuyên bố Nguyễn Sỹ Lý không phạm tội giết người. Vậy là sau 2000 ngày oan khuất, Nguyễn Sỹ Lý mới được minh oan, được trả tự do nhờ “Người vô danh” cao thượng và tinh thần trách nhiệm của vị đứng đầu ngành kiểm sát.
Vụ thứ hai: Từ bộ xương người.
Công dân Nguyễn Văn Nhiên ở ấp Thanh Bình, xã Hòa Thực, huyện Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đang cùng vợ con sinh sống yên bình bằng nghề ruộng rẫy thì bỗng nhiên tai họa ập xuống đầu: bị bắt về tội giết người! Vì sao vậy? Số là em Lê Văn Tỏ - em vợ anh Nhiên bỗng chốc bỏ nhà ra đi. Vợ chồng anh Nhiên đã thay nhau đi tìm kiếm cả tuần nhưng không thấy. Chị dâu anh Nhiên – do có mâu thuẫn về đất đai với gia đình anh, đã lợi dụng sự kiện này tố cáo anh dùng cây tràm đánh chết em Tỏ. Việc tố cáo này xảy ra đúng vào lúc nhân dân địa phương, trong khi làm thủy lợi, tìm thấy bộ xương người. Thế là anh Nhiên bị bắt giữ, giam cầm, tra tấn và buộc phải nhận tội giết người. Tòa sơ thẩm phạt anh 10 năm tù giam. Đầy oan ức nhưng lại vô cùng lo sợ bị tra tấn, đánh đập, anh Nhiên không dám kêu oan, không dám khiếu nại nên bản án được thi hành và anh Nhiên phải ngồi tù. Cho đến khi người ta phát hiện ra rằng “nạn nhân” vẫn còn sống, đã trở về quê quán thì Cơ quan điều tra mới bàng hoàng, sửng sốt, tiến hành điều tra lại. Lúc đó nỗi oan khuất của anh Nhiên mới được sáng tỏ.
Vụ thứ ba: “Trả cho tôi niềm tin vào công lý”
Ngày 5/9/1998, công dân Lê Hữu Thắng ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, Quảng Trị đang ngồi chơi với mấy người bạn thì Cảnh sát ập đến yêu cầu anh về CA huyện Cam Lộ, sau đó CA huyện dùng xe chở anh về nhà và đọc lệnh bắt. Trong trại giam, Thắng một mực kêu oan nhưng không ai để ý. Ở nhà, người cha 75 tuổi của Thắng đau đớn, bàng hoàng chẳng biết con trai mình đã gây nên tội gì. Mẹ anh lo sợ quá đổ bệnh, suốt đêm ngày mộng mị kêu, réo gọi tên con. Người chị tật nguyền của Thắng khóc lóc suốt đêm ngày.
Những ngày ở trong tù, Thắng bị tra tấn, đánh đập tàn nhẫn nên hai lần bị đau nặng phải đưa đi cấp cứu. Hơn 10 tháng sau, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa sơ thẩm, mặc Thắng kêu oan, tuyên phạt Thắng 4 năm tù về tội cướp tài sản của công dân. Trong thời gian thụ án, nhiều lần Thắng định tự sát nhưng anh nghĩ lại nếu mình chết đi thì cha mẹ mình và người chị tật nguyền sẽ sống sao đây và ai sẽ minh oan cho mình đây. May thay, cùng với sự kiên trì khiếu nại và được một luật sư đã làm hết sức mình để minh oan cho anh nên đến ngày 19/7/2000, TAND huyện Cam Lộ mở phiên tòa sơ thẩm lần hai, tuyên bố công dân Lê Hữu Thắng không phạm tội. Tuy nhiên Viện KSND huyện Cam Lộ lại kháng nghị bản án này nên ngày 22/11/2000, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa phúc thẩm lần hai, người giữ quyền công tố xét thấy không đủ yếu tố buộc tội nên đã rút toàn bộ kháng nghị của VKS tỉnh. Công lý được trả về đúng chỗ của nó: Lê Hữu Thắng vô tội.
Tại sao lại như vậy? Số là Nguyễn Đức Th. (người cùng xã với anh) trong một lần đi gùi thuốc Jet từ biên giới Hướng Hóa về, trên đường quốc lộ 9, ngang thôn Tân Minh, xã Cam Thành thì bị hai kẻ lạ mặt giả danh công an xông ra cướp thuốc. Đức Thắng cùng bạn đánh trả, lấy lại thuốc nhưng bị một tên khác cướp lại rồi tẩu thoát. Theo cáo trạng của VKS huyện cam Lộ thì Đức Thắng và bạn của anh ta nhận ra kẻ cướp thuốc của họ chính là Lê Hữu Thắng, vậy là người ta bắt, tra tấn, đánh đập và khép tội anh…
Sau khi được trả tự do, Lê Hữu Thắng đã khiếu nại tới nhiều cơ quan, nhiều cấp có thẩm quyền của các cơ quan chức năng, yêu cầu bồi thường những thiệt hại về danh dự, về tinh thần cũng như vật chất cho anh nhưng hiện nay tất cả đều im lặng.
Ba vụ án điển hình trên đây đã làm chấn động dư luận cả nước trong hơn chục năm trở lại đây. Trên thực tế, những sai lầm của cơ quan tư pháp trong hoạt động tố tụng còn diễn ra ở nhiều nơi với những tính chất mức độ khác nhau, nhưng đều hết sức nghiêm trọng. Chỉ vì nghỉ một em học sinh lấy trộm một đôi pin mà một số nhân viên CA ở huyện thuộc tỉnh Hà Tuyên cũ đã bắt giữ, đánh đập em khiến em uất ức lấy dao tự rạch bụng mình tự sát. Chỉ vì nghi một công dân đang hành nghề chạy xe lam tên là Phạm Việt Nam Hòa Bình gây ra một tai nạn giao thông mà cơ quan cảnh sát điều tra của TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ, đánh đập và đề nghị truy tố anh về tội vi phạm quy định an toàn giao thông vận tải, trong khi trên thực tế lại hoàn toàn khác – anh này đã dùng xe chở người bị tai nạn giao thông đến bệnh viện theo yêu cầu của một phụ nữ đang đi xe hon đa trên đường! TAND TP hai lần xét xử đều tuyên bố anh vô tội song VKS khăng khăng kháng nghị. Cho đến khi TATC mở phiên tòa phúc thẩm tuyên bố anh vô tội đúng như phán xét của TAND TP hai lần trước đó thì người công dân này đã ngồi tù oan 18 tháng. Ra khỏi tù thì chiếc xe lam, phương tiện duy nhất để kiếm sống của anh đã bị hỏng hoàn toàn, anh chỉ còn một cách bán đất, bán nhà đi lấy vốn làm ăn sinh sống. Chỉ vì nghi một thanh niên 19 tuổi tên là Trần Văn Chiến ở ấp Nam xã Tân Điền, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang, là đồng phạm trong vụ án giết người mà người ta đã bắt giữ, tra tấn đánh đập anh bất kể ngày hay đêm, buộc anh phải nhận tội và Tòa đã tuyên phạt anh mức án chung thân, trong khi đó kẻ gây án đã cao chạy xa bay đến một nơi khác sinh sống, lấy vợ sinh được bốn mặt con mà không cần thay tên đổi họ. Cho đến khi một nhân viên Cảnh sát hình sự CA huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu phát hiện tội phạm do liên tưởng đến tấm ảnh trong lệnh truy nã của CA Tiền Giang và thủ phạm đích thực bị bắt giữ thì mọi việc mới sáng tỏ. Và Trần Văn Chiến đã ngồi tù 16 năm trời!...
Chỉ vì thấy người ta giàu có liền nghi người ta tham ô, đầu cơ, buôn lậu rồi lợi dụng kiểm tra hành chính thu giữ hết tài sản, bắt người ta vào tù khiến người ta khuynh gia bại sản, đến khi minh oan vẫn không chịu trả lại tài sản khiến người ta lại phải khiếu nại năm này qua năm khác; cuối cùng, khi buộc phải trả lại tài sản thì cố tình không trả hết mà lại còn bắt người ta cam kết “đừng khiếu nại kiện tụng nữa”…
Ấy là chưa kể đến một sự thực khác: hàng năm, các cơ quan tư pháp vẫn bắt oan, xét xử oan hàng chục công dân vô tội, hàng năm có hàng ngàn người phạm tội bị giam giữ quá hạn, có những trường hợp quá hạn hàng năm trời nhưng không hề xem xét giải quyết. Tình hình trên đây đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề đối với các nạn nhân đồng thời cũng để lại những hậu quả nặng nề đối với xã hội, làm mất đi niềm tin của con người vào công lý, lẽ phải và sự suy sụp niềm tin vào chế độ…Đáng tiếc là khi đánh giá về những sai lầm nghiêm trọng trên đây người ta cho rằng nguyên nhân của nó là do nhân viên tư pháp “chủ quan nóng vội”, “là “thiếu sáng suốt”, là “quá tin ở kết quả điều tra và những lời nhận tội của bị can, bị cáo”, là “do non kém nghiệp vụ” vân vân và vân vân. Phải chăng đúng là như vậy? Chúng ta hãy cùng nhau phân tích, xem xét.
Đã xảy ra án mạng thì cơ quan điều tra phải tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để làm rõ. Nhưng điều tra gì mà lại chủ quan, lại vội tin vào lời khai của bị can như vậy! Đã gọi là cơ quan điều tra mà lại lấy việc bắt người thay thế cho hoạt động nghiệp vụ. Rồi truy cung, bức cung, mớm cung, nhục hình người ta, đẩy người ta đến bước đường cùng. Những công dân ấy đã phải khiếp sợ trước những nhân viên của các cơ quan đầy quyền lực ấy, sowjtai họa sẽ tiếp tục giáng xuống đầu người thân, xuống gia đình mình nên mới liều lĩnh nhận bừa rằng chính mình gây ra hành vi phạm tội. Nhân viên cơ quan điều tra đã làm việc tùy tiện, đến nhân viên cơ quan kiểm sát – nghĩa là cơ quan có chức năng giám sát việc tuân theo pháp luật trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có giám sát hoạt động điều tra hình sự mà cũng tùy tiện. Tại sao lại có thể “thiếu đi sâu xem xét đánh giá chứng cứ”? Tại sao lại có thể nhẫn tâm đánh đập người ta đến nỗi phải đưa đi cấp cứu hoặc mang thương tật suốt đời? Tại sao lại thỏa mãn với lời khai của người ta trong khi không có bằng chứng nào chứng minh lời khai ấy là phù hợp với sự thật? Tại sao lại tin ngay vào lời nhận tội của người ta hoặc tại sao lại làm ngơ trước những lời kêu oan thống thiết của người ta?
Tòa án nữa. Nhân danh ai? Bảo vệ ai? Công bằng ở đâu, công lý ở đâu mà cũng tùy tiện kết luận, phán quyết, tuyên án? Tại sao các thẩm phán lại không hề rung cảm trước những đơn chống án, trước những lời kêu oan thống thiết, tuyệt vọng của con người? Và thế là con người bị đẩy đến bước đường cùng: kẻ thì cam chịu ngồi tù trong uất ức đau khổ, người thì tự treo cổ, tự rạch bụng mình! Còn người thân của họ thì phải đi khắp nơi, chạy qua khắp mọi cửa, trải qua bao cay đắng, nhục nhã ê chề mà van xin mà lạy lục tìm người cứu giúp cha, mẹ, anh chị, con em mình. Và nếu không có những “người vô danh” cao thượng, không có “người trở về từ cõi chết” bằng xương bằng thịt hẳn hoi và không có các cơ quan thông tin đại chúng thì thân phận của họ sẽ ra sao đây?
Vấn đề cốt lõi của những sai lầm tư pháp không phải là chỗ “non kém nghiệp vụ” cũng không phải ở chỗ “ý thức pháp luật kém” hay “tâm lý uy quyền”…Trong các vụ oan sai đều có tiếng kêu oan thống thiết của con người ngay từ khi bị bắt đưa vào nhà tạm giữ rồi vào trại tạm giam, không chỉ kêu một lần mà rất nhiều lần, không chỉ khi vụ án đang ở trong giai đoạn điều tra của Công an mà cả đến khi họ phải ra trước vành móng ngựa, không chỉ bằng lời kêu tuyệt vọng, yếu ớt mà còn bằng cả đơn kêu oan, đơn chống án – nghĩa là tiếng kêu oan thống thiết ấy cứ vang vọng như tiếng vang trong hang động dội vào vách đá, vậy mà không một ai trong số các nhân viên tư pháp ấy động lòng trắc ẩn, không một trái tim nào rung động, xót thương, không một lương tâm nào day dứt và đã không một ai sám hối. Rõ ràng là trong những trường hợp như thế, những con người có số phận thật không may là đã gặp phải những con người có tâm hồn bệnh hoạn. Vì không có lòng trắc ẩn mới không hề biết rung cảm trước nỗi đau của đồng loại, không biết xót thương thân phận con người; chính vì lương tâm anh ta không hề day dứt, không hề bị cắn rứt nên mới tùy tiện, tàn nhẫn trước vận mệnh con người. “Tôi rất sợ những con người thông minh nhưng trái tim anh ta lại không biết rung động trước sự bất hạnh của con người. Bởi vì những con người ấy mà độc ác thì sẽ độc ác một cách đê tiện” – (Maxim Goorki). Rõ ràng bệnh “suy tâm hồn” là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến oan sai nghiêm trọng trong hoạt động tố tụng hình sự lâu nay.
Để xóa bỏ nguyên nhân này cần giải quyết triệt để một số vấn đề sau đây:
1. Cần đặc biệt coi trọng và tăng cường công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên tư pháp. Trong bối cảnh phức tạp của tình hình xã hội với tâm lý đồng tiền là trên hết và đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng hiện nay thì việc đặt vấn đề trên đây có vẻ như là một sự ảo tưởng, không có tính khả thi, song xét tới cùng thì không có con đường nào hữu hiệu hơn để có thể phòng ngừa và ngăn chặn những sai lầm tư pháp, để chữa bệnh “suy tâm hồn” của nhân viên tư pháp. Bởi vì trong bất cứ thời nào thì đạo đức vẫn luôn luôn được coi là nền tảng, cái gốc của con người. Vì vậy, hơn bao giờ hết, cần đặc biệt coi trọng việc giáo dục đạo đức cho nhân viên tư pháp. Trong giáo dục đạo đức, cần chú ý giáo dục một cách sâu sắc về lòng trắc ẩn, lòng vị tha và tình cảm lương tâm của con người. Bởi vì có lòng trắc ẩn thì con người ta mới có thể rung động trước nỗi đau của con người, mới không thể thờ ơ với bất hạnh của con người, mới biết rung cảm, xót xa trước những đau khổ của con người. Có lòng vị tha thì con người mới biết thông cảm trước nỗi đau của đồng loại và có lương tâm trong sáng thì người ta mới biết day dứt, ân hận và sám hối trước những ý nghĩ, những hành động trái đạo đức của mình. Đặc biệt phải coi trọng việc giáo dục tình cảm lương tâm cho các nhân viên tư pháp. Bởi vì đặc trưng của lương tâm là sự tự đánh giá hành động. Con người cảm thấy sự cắn rứt của lương tâm không những với hành động không phù hợp với đạo đức mà còn với những dụng ý không tốt và do đó những dụng ý không tốt ấy không biến thành hành động vì lương tâm ngăn cản. Con người có lương tâm sẽ tránh điều ác, không phải vì sợ pháp luật hoặc vì sợ sự xấu hổ mà vì nó không thể dung thứ điều ác, không thể làm điều ác mặc dù được đảm bảo hoàn toàn sẽ không bị tố cáo (*). Cho nên chỉ trên cái nền đạo đức ấy mọi hoạt động nghề nghiệp mới đảm bảo đúng pháp luật.
2. Các cơ quan chức năng nhà nước cần đề cao hơn nữa trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc giải quyết đơn kêu oan, đơn chống án của những người bị khởi tố, bị giam giữ hoặc bị xét xử nói riêng và những đơn từ khiếu nại tố cáo của công dân về những vụ việc có liên quan đến hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung nhằm bảo vệ có hiệu quả hơn những quyền lợi cơ bản chính đáng của con người. Mặt khác cần tôn trọng quyền bào chữa của bị can, bị cáo nhằm bảo đảm tính khách quan, công minh của luật pháp, đồng thời phát hiện những thiếu sót, sai lầm để kịp thời sửa chữa, khắc phục. Về vấn đề này cần có kế hoạch nghiên cứu học tập những kinh nghiệm tuyệt vời của Nhà nước Cộng hòa liên bang Úc, bởi vì ở quốc gia này, không một đơn từ khiếu nại kiện tụng nào của công dân lại không được cơ quan chức năng nhà nước giải quyết kịp thời và thấu tình đạt lý. Để làm được việc này cần đặc biệt coi trọng việc mở rộng công khai dân chủ đồng thời biết tranh thủ sự hỗ trợ đắc lực của báo chí. Đây là vấn đề khá phức tạp vì hiện nay còn không ít người trong các cơ quan tư pháp vẫn định kiến với báo chí. Trong khi luật tố tụng hình sự quy định rằng một trong những căn cứ khởi tố vụ án hình sự là thông tin trên báo chí và trên thực tế những năm qua báo chí luôn luôn hỗ trợ tích cực cho hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và đã phát hiện khá nhiều vụ tiêu cực trong hoạt động tư pháp nói riêng, thì vẫn có người lo lắng xem phải “làm gì để báo chí đỡ chọc ngoáy các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án”(?!)… Những người bảo thủ và thiển cận đáng thương này vẫn muốn tạo ra “vùng cấm” trong xã hội, đó là một thực tế tai hại. Nếu không biết tranh thủ sự hỗ trợ của báo chí, nếu không biết tự phê bình, tự giễu cợt mình thì con người ấy, ngành ấy không bao giờ tiến bộ được.
3. Những cơ quan tố tụng và những cá nhân gây ra sai lầm tư pháp nhất thiết phải công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời phải đền bù quyền lợi tinh thần và vật chất cho nạn nhân. Phải bắt buộc các nhân viên tư pháp đã gây oan sai đền bù vật chất cho nạn nhân chứ không thể lấy tiền thuế của nhân dân do nhà nước có trách nhiệm quản lý đem ra đền bù như nhiều trường hợp vô lý lâu nay. Kết quả xử lý đối với những người gây ra oan sai cũng cần phải được thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Có như vậy mới phần nào làm dịu bớt đi nỗi đau của họ, cứu vãn niềm tin đã mất đi trong bản thân và gia đình họ.
(Thông tin Chiến lược Khoa học Công an, số 5/2001)
-------
(*) Đạo đức học – Gbandzladze – NXB Giáo dục – H.1985.