Nguyễn Khắc Phục mong muốn trong tiểu thuyết Hỗn độn sắp xuất bản sẽ in một số tranh của Phục và các chân dung bạn bè vẽ Phục. Tiểu thuyết Hỗn độn với 700 trang mà các nhân vật đều bóng dáng bạn bè, nay lại có chân dung bè bạn vẽ Phục thì thật đầm ấm, tình nghĩa...
Tôi kì khu mấy tuần để vẽ Nguyễn Khắc Phục. vẽ rồi xóa lại vẽ. Ông bạn mà chúng tôi gần gũi vui buồn có nhau hóa ra cũng khó vẽ. Phục như sự thâm trầm cổ tích lại phá cách táo bạo. Đúng là sự hỗn độn hiếm thấy. Tôi chọn lối vẽ cổ điển tả chân vì sự biến tấu không phải tạng của mình. Chân dung Phục hiện lên có một chút ngang tàng, có một chút dung dị bản thể. Với mái tóc trắng pha tím, với đôi mắt sắc thăm thẳm nhìn đời, với nụ cười vừa gượng vừa muốn cất lên sảng khoái. Tôi vẽ thêm một con Tê giác màu đỏ ở góc tranh. Đó là hồn cốt Nguyễn Khắc Phục, xù xì, lầm lũi và mạnh mẽ với cái sừng nhọn hoắt hiên ngang. Thế là cũng tạm vừa lòng vì cũng không còn nhiều thời gian để nhẩn nha, sách đã có bông rồi.
Vào ngày Thơ Việt Nam, tôi vẽ hàng trăm chân dung cho bạn bè nhưng hai lần vẽ chân dung cho bạn mà lòng buồn xao xác. Lần thứ nhất vào năm 2007 vẽ chân dung Phạm Tiến Duật. Lúc ấy Duật đã ốm nặng, Nguyễn Khắc Phục, anh Vũ Cao Phan và tôi quyết làm Tuyển tập Thơ và Trường ca cho Duật kịp nhìn thấy. Phục bảo tôi ảnh Duật rất nhiều nhưng chân dung hội họa thì chưa có, ông vẽ chân dung Duật nhé, chỉ trong một đêm thôi vì sáng mai sách đưa in. Một đêm vẽ Duật mà buồn não lòng, người bạn đồng hương chỉ còn tính từng ngày trên cõi đời này. Sáng hôm sau tôi chụp ảnh chân dung Duật để in vào Tuyển tập. Lần thứ hai là vẽ chân dung Nguyễn Khắc Phục cũng trong một hoàn cảnh tương tự...
Ở dưới Phòng, phố Cầu Đất, họa sỹ Lê Đại Chúc – một người bạn với Nguyễn Khắc Phục 54 năm cũng đang hăm hở vẽ. Lê Đại Chúc một họa sỹ tài danh với những bức tranh ma mị, liêu trai về đấng thần linh, về Chúa về Phật. Tranh của anh kéo hút người xem nhập đồng vào không gian trong tranh.
Chiều 9-8-2015, Trang Thanh và alo cho tôi nói anh có đi Hải Phòng lấy tranh chỗ anh Chúc với em được không ? OK đi chứ, chả nhẽ để hai mẹ con em "thân gái dặm trường". Hơn 2 giờ chiều mới đi, gần 5 giờ mới đến Hải Phòng. Đến 88 Cầu Đất len vào con ngõ như phải đi nghiêng, loặt ngoắt vài tua mới đến không gian Lê Đại Chúc. Hóa ra trong sâu hút ấy có một khoảng khá thoáng đãng, có sân, có cây khế, có một bộ bàn ghế dưới lùm cây mà Chúc thường ngồi vẽ và đọc sách.
Sau mấy năm không gặp nhau tay bắt chặt, cười đắm đuối cho nhau. Phòng tranh đầy ắp màu sắc của Chúc khiến chúng tôi hòa nhập vào không gian ấy. Chân dung Nguyễn Khắc Phục đang trên giá, thoáng nhìn như Tago với màu mạnh vàng xanh rực rỡ. Chúc giải thích mình vẽ hai chân dung Phục, một cái là người của sân khấu, một cái người của thi ca. Tôi nhìn hai tranh đã mê mẩn, nhưng thich hơn là tranh có chất sân khấu.
Trời mưa nhẹ. Thi Hoàng mặc áo mưa xuất hiện. Vẫn nhỏ nhắn vẫn hấp háy với đôi mắt nhỏ và sắc, vẫn hàng ria lốm đốm bạc. Nghe Trần Nhương điện có Trang Thanh xuống lấy tranh cho Phục không thể không đến, Thi Hoàng nói từ ngoài cửa.
Khi gần tới Hải Phòng tôi gọi điện cho Đình Kính hỏi số điện thoại của Thi Hoàng, Kính bảo lão ấy có di động nhưng cóc cho ai số. Bó tay chấm com ! Tôi điện cho Tô Ngọc Thạch hỏi, Thạch bảo chỉ có số cố định không có di động của Thi Hoàng. OK, chắc sắp mưa lão này ở nhà. mà tính lão lặng lẽ như dòng sông mùa thu thì chả hay tụ tập. Tôi bấm máy. Nghe lời lão Hoàng mà lão không nghe tiếng tôi. Cộp một phát lão dập máy. Tôi bấm lại thì nói được. Tôi bảo khi xuống đây Phục dặn vợ con cố gọi anh Đào Trọng Khánh (NSND, đạo diễn phim) và Thi Hoàng. Ông đến nhà Lê Đại Chúc gặp nhau nhé. Hoàng lằn nhằn mưa mà đi xe đạp thì khổ quá. Tôi to tiếng thì đi taxi có sao. Thi Hoàng ậm ừ và... tút tút tút...
Tưởng Thi Hoàng không đến mà lão đi xe ôm đến, mất đứt mấy chục ngàn. Chúng tôi quây quần chuyện gẫu, ăn ổi và uống nước chè. Lê Đại Chúc vẫn hăng hái phát ngôn nhất. Anh kể chuyện đọc sách nhắc cả Max-Lê và các hiền triết. Anh bảo tôi nhớ nhất câu của Max nói " Cái gì không vô tư đều mất tiền". Hay quá, không biết Chúc nhớ câu đó ở tập bao nhiêu của Max mà ngẫm ra đúng quá. Cái nước mình càng đúng, vô thiên lủng cái không vô tư. Ôi bao giờ các công bộc vô tư cho con dân nhờ...!
Chập tối không thể nấn ná. Trước khi ra về, Trang Thanh tặng Thi Hoàng và Lê Đại Chúc tập thơ. Thanh nói anh Phục gửi chút quà cho anh Thi Hoàng và anh Đào Trọng Khánh. Hai cái phong bì Trang Thanh gài trong tập thơ của chị. Đang bệnh trọng mà Phục còn nghĩ đến bạn bè, gửi chút tiền cho họ đỡ khó khăn. Tình bạn đất Cảng của họ thật trân trọng, hơn 50 năm vẫn còn nguyên thương nhớ.
Thi Hoàng cảm động lắm, anh nói để tiền mua sữa cho cháu. Giờ vợ chồng Thi Hoàng đang nuôi hai cháu ngoại...
Chúng tôi kéo nhau ra quán mì vằn thắn mỗi người làm một tô. Xong uống trà đá và nghe Lê Đại Chúc bật "loa phường". Khác loa phường là lời Chúc đáng nghe vì nhiều lượng thông tin.
Chia tay bịn rịn. Chúc hứa với Trang Thanh hôm nào lên Hà Nội vẽ lão Phục trực tiếp cho khoái.
Đường về Hà Nội buổi tối khá vắng vè. Dọc đường vợ chồng Phục liên tục điện cho nhau, nào hỏi anh ăn chưa, nào hỏi về đến đâu rồi. Thế đó, Nguyễn Khắc Phục-con tê giác- đang vượt qua đại hạn để nồng nàn với vòng tay gia đình, bầu bạn....
10-8-2015
Ảnh: 1- Chân dung Nguyễn Khắc Phục do HS Lê Đại Chúc vẽ
2- Chân dung Nguyễn Khắc Phục do Trần Nhương vẽ
3- Ảnh trái sang: Trần Nhương, Lê Đại Chúc, Trang Thanh, Thi Hoàng tại nhà Lê Đại Chúc