Trang chủ » Tin văn và...

LIÊN TỤC NHỮNG VỤ THẢM SÁT, ĐIỀU GÌ ĐANG XẢY RA ?

Xuân Ngọc
Thứ ba ngày 18 tháng 8 năm 2015 5:26 AM


Giết người vì lý do vu vơ...

Liên tiếp trong thời gian gần đây, các vụ trọng án thảm sát nhiều người tại Bình Phước, Nghệ An mới đây nhất là Yên Bái xảy ra khiến dư luận không khỏi hoang mang. Nhìn bề ngoài thì chẳng có liên quan gì, mỗi vụ đều xuất phát từ những động cơ khác nhau. Nhưng không phải tự nhiên mà lại có chuyện dồn dập những vụ giết cùng lúc nhiều người. Con người là sản phẩm của xã hội và của chính cá nhân họ, mọi hành vi dù là rất cá biệt đều phản ánh vấn đề gì đó của xã hội mà họ đang sống.

Dưới góc độ tội phạm học, Đại tá, TS. Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho rằng, các vụ trọng án này bên cạnh việc khiến dư luận không khỏi hoảng hốt còn đang gióng lên một hồi chuông bất thường phản ánh sự rối loạn nhân cách, lệch chuẩn về hành vi, sự chai sạn cảm xúc của các đối tượng gây án.

Các đối tượng này ra tay tàn độc, man rợ mặc dù tuổi còn rất trẻ, đơn giản chỉ để thỏa mãn nhu cầu của bản thân một cách bản năng mà không suy nghĩ đến những hậu quả đối với nạn nhân, xã hội và ngay chính đối tượng cùng gia đình mình.

vu-tham-sat-tai-yen-bai-tung-hon-300-can-bo-chien-sy-pha-an-96c32
Hiện trường vụ thảm sát tại Yên Bái. Ảnh: Quốc Cường

“Trước đây, khi xảy ra một vụ giết người đã là cú sốc với xã hội. Nhưng càng ngày, số vụ bất thường càng tăng và tội phạm ngày càng trẻ hoá đồng nghĩa với việc tác động nền tảng lệch chuẩn vào một bộ phận dân chúng gia tăng. Tôi cho rằng, lối sống gấp, thích sống hưởng thụ, ăn chơi sa đoạ, thoả mãn nhu cầu cá nhân đang tràn lan, hàng ngày hàng giờ tác động vào nhận thức hành vi của con người.

Đặc biệt là giới trẻ, khi gặp những hoàn cảnh bất lợi, họ thường có những suy nghĩ, hành vi tiêu cực, thậm chí là cực đoan. Đó chính là những nguyên nhân cốt lõi khiến tội phạm diễn biến ngày một phức tạp và manh động hơn”, ông Thìn nhận định.

vu-tham-sat-6-nguoi-ket-thuc-viec-thuc-nghiem-hien-truong-e283f
Hai bị can Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến trong vụ thảm sát tại Bình Phước

Lý giải về số vụ án giết người hàng loạt xuất phát từ những nguyên nhân rất… vu vơ, Đại tá, TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, đạo đức xã hội đang xuống cấp trong khi các đối tượng tội phạm, đặc biệt là khi tuổi còn trẻ luôn nhạy cảm, dễ bị lôi cuốn theo số đông. "Giới trẻ có đặc trưng là chưa hoàn thiện nhân cách; những trải nghiệm, cư xử trong cuộc sống cũng chưa có nhiều nên dễ bị vướng vào những hành vi lệch chuẩn.

Họ hiện đang bị “bẫy” bởi quá nhiều thứ văn hóa đầy tính bạo lực. Những thứ giải trí bạo lực này sẽ khiến con người bị lệch lạc về nhân cách và rất dễ có hành vi bạo lực khi bị kích động vì những nguyên cớ... lãng xẹt", ông Thìn đánh giá.

bo-cong-an-cu-trinh-sat-vay-bat-nghi-pham-vu-tham-sat-o-yen-bai-e4944

Hình ảnh về nghi phạm vụ thảm sát Đặng Văn Hùng được người dân đưa lên mạng xã hội Facebook.

Đại tá, TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng: "Đó là hệ quả tất yếu của sự tác động từ nhiều yếu tố tiêu cực chứ không phải hiện tượng mang tính bột phát".

Ở góc độ tâm lý tội phạm, ông Thìn lý giải, các đối tượng phạm tội trẻ hoá đang gây ra những vụ trọng án với các tình tiết thực hành tội phạm theo các “hình mẫu” của tội phạm được xuất hiện tràn lan trên các phim ảnh, internet, mạng xã hội, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.

Giải pháp cứu vãn?

Trước thực trạng rất nhiều vụ trọng án xảy ra trong thời gian gần đây khi các đối tượng gây án ngày càng trẻ tuổi và lạnh lùng khi gây án, PGS.TS Dương Tuyết Miên, giám đốc trung tâm tội phạm học, ĐH Luật Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận: "Không nên quan niệm luật pháp chưa đủ sức răn đe. Không nên cho rằng Luật Hình sự là công cụ duy nhất, chìa khoá vạn năng có thể ngăn chặn hiệu quả nạn tội phạm".

Theo PGS.TS Dương Tuyết Miên, thực tế Luật Hình sự chỉ là một công cụ của nhà nước trong việc kiểm soát, ngăn chặn tệ nạn xã hội. Trong khi thực tế xã hội cho thấy một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên hiện nay bị gia đình buông lỏng, không được giáo dục đến nơi đến chốn, dẫn đến thích chơi bời lêu lổng, thích sống bầy đàn, chạy theo các giá trị ảo, lười biếng và du nhập nhiều loại văn hoá phẩm độc hại. Tất cả những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tới nhân cách, nhận thức của giới trẻ rất nhanh, do đó dẫn đến việc phạm tội chỉ là một khoảng cách ngắn ngủi.

Bà Miên cũng cho rằng, nếu nhìn nhận ở góc độ xã hội, đó là biểu hiện của sự lệch chuẩn hành vi xã hội, đạo đức xã hội có vấn đề. Đó là chưa kể phần nào là biểu hiện của sự căng thẳng, sự yếu đuối của con người trước “ma lực” của đồng tiền đang làm thoái hoá biến chất nhân cách.

nghe-an-k-77a61-66eab
Cảnh sát di lý đối tượng Mằn về CA tỉnh Nghệ An tiếp tục điều tra làm rõ. (Ảnh: Báo CAND)

“Gia đình luôn giữ vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người. Vì vậy, nếu một đứa trẻ sống trong một gia đình thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống, gia đình không hòa thuận, cha mẹ sống buông thả, rượu chè, cờ bạc… sẽ tác động xấu đến nhận thức và hành động. Bên cạnh đó, nhiều gia đình quá nuông chiều con cái dẫn đến đua đòi cũng là con đường gần nhất khiến nhiều đứa trẻ sa vào con đường phạm tội”, PGS.TS Dương Tuyết Miên nhận định.

Trong khi đó, theo Đại tá, TS. Đỗ Cảnh Thìn, xét ở góc độ tâm lý tội phạm học và xã hội học, để giải quyết “bài toán” này cần phải giải quyết từ gốc rễ của vấn đề đó chính là môi trường sống của các đối tượng phạm tội. Nếu môi trường tốt, lành mạnh, phù hợp với tâm lý lứa tuổi sẽ giúp giảm thiểu giới trẻ trước những cám dỗ, lôi kéo tới những môi trường văn hoá độc hại, lệch chuẩn.

np-c6066-df2f2
Đối tượng Vi Văn Mằn trong vụ thảm sát 4 người tại Nghệ An gây chấn động dư luận (Ảnh: Công an Nhân dân)

“Nhìn nhận từ các vụ trọng án liên tiếp xảy ra gần đây dưới góc độ tâm lý tội phạm có thể thấy các vụ án ngày càng có tính chất gây án tinh vi, xảo quyệt và hết sức dã man. Đặc biệt, trong vụ án tiêu biểu như ở Bình Phước vừa qua có thể thấy các đối tượng này có sự tính toán, học hỏi, chắt lọc các yếu tố để xoá dấu vết gây khó khăn cho cơ quan điều tra.

Điều này cho thấy, các đối tượng tội phạm đang ngày càng khôn ngoan hơn chứ không chỉ đơn giản là bột phát. Các phương thức thủ đoạn của tội phạm trong nước thực tế đang có những biến tướng phức tạp ảnh hưởng từ cả thế giới. Qua thực tế, qua phim ảnh, sách báo, nhiều đối tượng khi gây án thường nghiên cứu, hành động rất chuyên nghiệp và lạnh lùng khi gây ra những vụ án đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội. Đây là một xu hướng mà chúng ta phải hết sức cảnh giác”, ông Thìn cho biết.

Ông Thìn cũng cho rằng, trong thời gian sắp tới, giải pháp chiến lược là phải xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, khơi dậy những giá trị truyền thống tốt đẹp, đấu tranh, bài trừ, hạn chế những hiện tượng tiêu cực, những xu hướng, biểu hiện lệch chuẩn. Phải chú trọng vai trò của gia đình, của nhà trường và cộng đồng dân cư là hết sức quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn sự hình thành những kiểu tội phạm mới.

Xuân Ngọc
Nguồn Dantri