NVTPHCM- Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM phối hợp Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã tổ chức phát động Cuộc thi sáng tác thơ haiku lần thứ 5, dành cho người Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và sáng tác bằng tiếng Việt.
Hình thức thơ haiku tiếng Việt: gồm ba dòng, số chữ mỗi dòng không quá 5-7-5 từ. Cuộc thi không giới hạn đề tài. Mỗi người dự thi chỉ được nộp duy nhất 1 tác phẩm trong 1 lần. Bài dự thi phải được đánh máy vi tính theo mẫu quy định, sử dụng font unicode, không viết tay.
Người dự thi phải ghi rõ thông tin: họ tên, địa chỉ nhà hoặc cơ quan, số điện thoại liên lạc, email. Bài dự thi không được chép, mô phỏng, dịch thơ của người khác, chưa được in, phát hành, đăng trên mạng kể cả trên blog cá nhân. Nếu vi phạm sẽ thu hồi giải. Tất cả các bài dự thi phải tuân thủ theo các quy định nói trên, nếu vi phạm sẽ không được chấm giải.
Thời hạn ban tổ chức nhận bài dự thi: từ ngày 15.7.2015 đến ngày 30.9.2015; đăng ký dự thi theo mẫu: http://www.hcmcgj.vn.emb-japan.go.jp/vn/thithohaiku2015.html. Địa chỉ gửi bài dự thi: Email: thithohaiku15@gmail.com; hoặc gửi thư: Khoa Văn học và ngôn ngữ (Thi thơ haiku), Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, 10 - 12 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM, Tel: (84.8) 38243326.
Tác phẩm vượt qua vòng sơ khảo được đăng tải trên: http://www.hcmcgj.vn.emb-japan.go.jp; http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn.
Ngày công bố kết quả (dự kiến): giữa tháng 12 năm 2015.
Giải thưởng: 1 giải nhất, 1 giải nhì, 10 giải khuyến khích.
Ban giám khảo:
PGS. TS Đoàn Lê Giang - Trưởng Khoa Văn học và ngôn ngữ Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (Trưởng ban Giám khảo).
Nhà thơ Phan Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Thơ.
TS. Nguyễn Vũ Quỳnh Như - Chuyên gia nghiên cứu thơ haiku, Hội viên Hiệp hội Thơ haiku thế giới.
***
Thơ haiku là thể thơ ngắn độc đáo của Nhật Bản (gồm 17 âm tiết 5-7-5) có lịch sử hơn 400 năm và phát triển mạnh vào nửa đầu thời kỳ Edo (1603 –1868) khi nhà thơ nổi danh Matsuo Basho của Nhật sáng tác các bài thơ miêu tả thiên nhiên và thế giới xung quanh trong chuyến du hành khắp đất nước. Thơ haiku cổ điển bắt buộc phải sử dụng “kigo - quý ngữ” (dấu hiệu cho biết bài thơ đang miêu tả mùa nào), đọng lại cho người đọc cảm xúc hay suy tư sâu sắc. Người mới bắt đầu làm thơ haiku không nhất thiết phải tuân thủ các nguyên tắc của haiku, mà diễn tả những gì tự cảm nhận và trải nghiệm từ thế giới xung quanh bằng lối diễn đạt đầy sáng tạo của ngôn từ. Thơ haiku ngày nay vượt qua biên giới, đến với nhiều quốc gia như châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi, châu Á trong đó có Việt Nam sáng tác bằng ngôn ngữ bản địa cho thấy “Văn hoá haiku” đang được lưu truyền rộng rãi.
Bạn dự thi có thể tham khảo bài thơ haiku được giải tại cuộc thi sáng tác thơ haiku 2013: http://www.hcmcgj.vn.emb-japan.go.jp/vn/2013/dec/20131208_ketqua_thithohaiku.html