Trang chủ » Tin văn và...

NÊN BỎ DANH HIỆU NSND, NSUT

Theo Minh Nhật/Gia đình & Xã hội
Thứ hai ngày 20 tháng 7 năm 2015 5:39 AM


Ở đợt xét tặng danh hiệu năm 2011, NSND Trung Kiên từng băn khoăn về việc nhiều nước đã bỏ xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND.

Vậy thì Việt Nam có nên xét nữa không, và nếu xét nữa thì cần có sự tính toán về tiêu chí để danh hiệu này được đông đảo nghệ sĩ và công chúng, tâm phục khẩu phục.

Năm nay, cũng "đến hẹn lại lên" với những ồn ào muôn thủa. Ông Nguyễn Thành Nhân, nguyên Trưởng phòng quản lý biểu diễn và băng đĩa, Cục nghệ thuật biểu diễn cũng vừa nhắc lại đề xuất này. Điều mà khi còn đương chức, ông cho biết là đã từng đề xuất nên bỏ.

nhieu nuoc da bo "nghe si nhan dan" tu lau vi khong con phu hop hinh 0
Ông Nguyễn Thành Nhân từng đề xuất bác bỏ danh hiệu NSND, NSƯT.

Ông Nguyễn Thành Nhân cho biết: "Khi tham gia xây dựng đề án 30 của Chính phủ, tôi đã đề xuất bãi bỏ và phân cấp hai thủ tục hành chính trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, cụ thể: Phân cấp về địa phương việc duyệt, cấp tem kiểm soát băng đĩa ca nhạc, sân khấu (lúc đó Cục NTBD đang độc quyền thủ tục phiền hà này); Bãi bỏ thủ tục phong danh hiệu NSƯT, NSND với 3 lý do.

Thứ nhất: một số nước sinh ra thủ tục này họ đã bỏ; hai là: Hàng năm nghệ sỹ vẫn xét thi đua như các công chức khác; ba là: Ngày càng nhiều NSƯT, NSND mà chất lượng nghệ thuật lại có chiều đi xuống. Nhưng sau đó, chỉ có đề xuất phân cấp là được thực thi, còn việc bãi bỏ danh hiệu thì tôi nghĩ cũng cần có thời gian chứ không phải cứ có ý kiến là làm ngay được".

Nhiều năm làm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và theo dõi quá trình xét duyệt danh hiệu của năm nay, ông Nguyễn Thành Nhân bình luận: Rất nhiều ngành được xét duyệt như Thầy giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, nhưng chỉ có lĩnh vực nghệ thuật là ồn ĩ nhất. Đến mức gây hiểu lầm trong dư luận rằng, đây là sự tranh đua. Đó cũng đã là cái không hay, không đẹp khi xét tặng rồi.

"Khi nền kinh tế thị trường đã gần như bao quát, mọi lĩnh vực đều tuân theo quy luật cung cầu thì tất cả các thành phần nghệ sĩ nhà nước hay tư nhân, kể cả nghệ sĩ là kiều bào ở nước ngoài nữa cũng phải được quan tâm như nhau. Còn như hiện nay chỉ thiên về nghệ sĩ ở đơn vị nhà nước là thiếu công bằng, dẫn đến không khuyến khích được các tài năng trong xã hội. Vậy thì có nên xét tặng danh hiệu này nữa hay không là điều cần phải đặt ra", ông Nhân nói.

Ngoài việc nhiều nước đã bãi bỏ danh hiệu NSƯT, NSND, điều khiến cho công chúng băn khoăn nhiều nhất với danh hiệu này đó là rất nhiều người được phong nhưng "vô danh" với khán giả. Ngược lại, người được công chúng yêu mến thì lại không được phong tặng.

nhieu nuoc da bo "nghe si nhan dan" tu lau vi khong con phu hop hinh 1
NSND Trung Kiên từng nghĩ đến việc bỏ danh hiệu này.

"Hãy làm một phép so sánh rằng, những NSND khi được phong tặng có làm phong phú thêm thêm lĩnh vực mà mình tham gia hay không? Đặc biệt là ở mảng sân khấu. Diễn viên là NSND nhưng không hấp dẫn được khán giả đến xem mình diễn. Đạo diễn là NSND nhưng dựng vở không bán được vé, chỉ để đi hội diễn hoặc liên hoan, miễn phí là nhiều. Đó là điều rất đáng buồn. Nó giống như phong một ông sư mà không có chùa, không có môn đệ theo vậy", ông Nguyễn Thành Nhân nói.

NSND Trung Kiên cũng từng băn khoăn và nghĩ đến việc đề xuất bãi bỏ, nhưng do đã là NSND nên ông có cái khó để đề xuất, e sẽ có ý kiến cho rằng, "vì ông ấy được rồi nên mới đề nghị".

Ông cũng cho biết, danh hiệu này là học từ Liên Xô (cũ) nhưng hiện nay, nhiều nước như Trung Quốc và các nước Đông Âu đều đã bỏ. Họ chỉ phân thành nghệ sĩ cấp 1, cấp 2 chứ không phong NSNƯT, NSND nữa. Theo ông, để bãi bỏ cũng cần phải tổ chức hội thảo và trình Quốc hội chứ không thể nói bỏ là bỏ được.

Tranh cãi, không phục, thiếu công bằng với tất cả nghệ sĩ, danh hiệu không còn uy tín như trước... chính là những lý do để ông Nguyễn Thành Nhân tiếp tục bảo lưu quan điểm nên bỏ.

"Nghệ sĩ đã có hình thức phong tặng là chiến sĩ thi đua ở đơn vị, cao hơn nữa là cấp bộ- giống như tất cả các ngành nghề khác rồi. Đó cũng là hình thức tôn vinh rất xứng đáng. Còn nếu có thêm danh hiệu NSƯT, NSND là cuộc chơi thiếu công bằng vì rát nhiều nghệ sĩ tài năng không có cơ hội được tham gia. Hơn nữa, giải thưởng ở hội diễn cũng là cả một vấn đề gây tranh cãi. Có quá nhiều hội diễn, mà cái gì nhiều cũng đều mất thiêng", ông Nhân nói./.

Theo Minh Nhật/Gia đình & Xã hội